Ô xanh là những đám mạ gieo trước, đã trổ ngọn, ba lá non mới ngóc dậy chừng hai đốt ngón tay. Ô trắng là những đám mạ gieo sau, được che kín bằng mái nilon trắng, bên trong hạt lúa mới nứt mầm trắng. Phần lớn dân xóm Nà Rậm làm phẳng mặt ruộng rồi sạ mạ xuống cho nhanh, nhưng cũng nhiều nhà chọn cách gieo mạ truyền thống, rồi nhổ mạ cấy cho chắc ăn. “Mạ già ruộng ngấu”, cây mạ cắm xuống là bén rễ ngay, không phải chờ đợi thấp thỏm như gieo sạ.

Bà Mạo năm nay cũng muốn cấy. Năm ngoái sạ giống, vừa gặp mưa trôi, lại đụng sương muối chết gần hết, cuối cùng vẫn phải đi xin mạ về cấy giặm. Nhà không có đàn ông, đến khổ! Làm tí đất mạ mà tìm người không ra. Nghe mẹ than thở, Thoa cười giòn:

- Ai cũng bấn lên với Tết, thời gian đâu mà đi làm thuê. Thôi để con đổi công cho xóm, nhờ người làm đất mạ, rồi cấy lại cho họ.

Bà mẹ gật đầu: Thế cũng được. Để bầm cùng cấy đổi công cho nhanh. Con gái hai mươi tuổi rồi, chả biết làm gì. Hồi bà bằng tuổi nó, cày bừa, cấy hái nhoay nhoáy. Tưởng nó nhờ ai, hóa ra nhờ thằng Tuấn con nhà Lượng cùng làng. Nghe tiếng hai đứa cười đùa chí chóe ngoài đồng, bà Mạo đi ra thấy thằng Tuấn áo lót, quần cộc đang hùng hục dưới ruộng, hai bàn chân bước lùi, chiếc trang gỗ dài kéo tới, bùn non chạy rẽ sang hai bên, tạo ra mặt ruộng phẳng lì. Nhìn là biết thằng cu này biết việc. Đi lùi hơi vất vả tí nhưng không để lại dấu chân.

- Không phải làm kỹ quá đâu cháu ơi. Mà sao ăn mặc phong phanh thế, chết rét!

- Ôi, cháu đang toát mồ hôi đây ạ.

Thúng mạ giống đã được ném xuống, những mầm mạ hé nanh trắng, nằm xếp lớp. Hai đứa trẻ hỉ hả kéo nhau lên bờ. Bà Mạo nói với theo:

- Cảm ơn cháu. Hôm nào cấy, bá và con Thoa sang trả công nhé!

- Không cần đâu bá ạ. Nhà cháu sạ giống xong cả rồi!

Để chống sương muối, bà Mạo đem tro bếp rải phủ lên cho mạ khỏi rét. Ba ngày sau, những lá mạ xanh li ti bắt đầu ngóc lên. Hình như hương mạ thoang thoảng thơm, lẫn trong hương Tết ngan ngát, nồng nồng. Một tuần, khi những chủ nhân cánh đồng tất bật lo cho mấy ngày Tết thì đám mạ cũng âm thầm cựa mình mọc lên, những chùm ba lá nhọn hoắt, dài bằng đốt ngón tay. Cữ này, bón lót nắm phân lân xuống là cây mạ ấm chân, lên đều, chắc rễ cho đến lúc cấy.

Bà Mạo xách túi phân lân với chiếc chậu nhỏ ra đồng, tá hỏa khi thấy đàn vịt nhà ai đang lội nát bấy đám mạ.

- Ối giời ơi! Ối làng nước ơi! Vịt, gà nhà ai mà ác thế này?

Bà vứt toẹt túi lân, nhào xuống ruộng. Bọn vịt thấy bóng người thì chạy tán loạn, kêu ầm ĩ. Bà Mạo lùa mấy con vịt về phía vách bờ cao, nhào xuống vồ cả hai tay. Bà gượng đứng lên, bùn nước chảy tong tỏng, ướt từ ngực ướt xuống, hai tay túm được hai con vịt. Chúng giãy đạp một lúc, rồi chịu phép dưới bàn tay của bà nông dân.

- Vịt nhà ai, đem tiền đến nhà tôi mà chuộc nhá! Nát hết đám mạ rồi, lấy gì mà cấy đây? Không đến là tôi làm thịt hai con vịt đấy.

Thoa xót ruột nhìn mẹ ướt run cầm cập.

- Vịt nhà ai thì gọi họ đuổi lên, bầm làm thế này để chết rét à?

- Tức quá không chịu được. Tao chưa đập chết hết còn may.

- Đưa vịt con nhốt lại. Bầm thay quần áo ngay đi!

Từ trưa tới chiều chẳng thấy ai đến nhận. Bà Mạo bắc ghế ngồi ngoài sân, canh giữ hai con vịt. Thoa chụp ảnh hai con vịt, đăng lên "phây-búc" kèm dòng nhắn: “Có một đàn vịt đến phá đám mạ nhà em, bầm em bắt được hai con. Ai có vịt đến nhận về nhé”.  Gần tối, Tuấn chạy xe máy sang, ấp úng chào bà Mạo.

- Thưa bác, đàn vịt nhà con lỡ sổng chuồng ra ruộng. Bố con bảo phải thế nào để bác cho con chuộc hai con vịt...

Bà Mạo phì cười:

- Hóa ra vịt nhà cháu à? Mai mua cân u-rê vãi xuống cho mạ mau hồi. Đền bù gì.

Thằng Tuấn cố tình để tờ bạc hai trăm nghìn lên bàn cạnh bà Mạo, rồi xách hai con vịt chạy ra xe dông thẳng. Hôm sau, bà Mạo sai Thoa mang trả lại tiền cho Tuấn, nó giãy nảy như đỉa phải vôi:

- Con không biết đâu, kệ bầm! Ai bảo bầm nhận.

- Đã thế tao cấm, không qua lại chơi bời gì nữa nhá!

- Vâng, con chả cần!

Con với cái, chẳng lẽ cho nó cây gậy vào lưng. Nó làm bẽ mặt mẹ. Tự dưng mang tiếng vì mấy con vịt mà ăn hai trăm nghìn của người làng.

Mấy hôm Tết, tờ bạc hai trăm cứ như lửa đốt trong túi bà Mạo.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH 

Mồng Ba Tết, bà Mạo cũng tiễn ông bà tổ tiên xong, liền đoảng ra thăm đám mạ. Đám mạ xuân đã cao vọt lên, xanh biếc màu lá. Ở đầu đám mạ, phía gần mương nước, một bãi mạ bị ngã dẹp xuống, vết nước loang lổ mới tát từ mương lên. Ông Nhiếp hàng xóm, vai vác cuốc ngó nghiêng trên bờ ruộng.

- Gớm, bà chị ra đồng sớm thế. Trời hanh khô quá, không khéo hỏng hết mạ bà ạ. Hôm qua thấy cái Thoa với bạn trai nó tát nước mạ kịp không thì mạ héo khô.

Bà Mạo buột miệng:

- Hừ, đã cấm nó rồi đấy!

Nhưng bà ưng trong bụng. Hai đứa cũng biết bảo nhau tát cho mạ cữ nước để ra Giêng kịp cấy. Ngoài miệng thì mắng nó thế, chứ trong bụng bà mong cho hai đứa thành vợ thành chồng. Cứ nhìn cung cách chúng nó làm ăn, chẳng bao giờ sợ đói. Chập tối, cái Thoa ăn vội vàng bát cơm.

- Con đi có tí việc bầm nhé.

Nó đi một hơi, đến tối muộn cũng chẳng thấy đâu. Bà Mạo sốt ruột mà không biết làm sao. Biết thế này, hôm nó cho cái điện thoại di động cũ, bà lấy luôn. Khổ nỗi, bà sợ không biết sử dụng, lại hay quên nên lo mất thì tiếc. Bà dò dò ra ngõ, sang nhờ con bé Huyền hàng xóm gọi điện.

- Huyền ơi, cháu có số điện thoại của cái Thoa không, gọi nó về hộ bá.

- Cháu không có số của chị ấy. Mà chị Thoa chơi với người yêu chứ chơi gì với tụi học sinh chúng cháu, Huyền cười nói.

Bà Mạo quay về, lòng ruột rối bời. Con gái lớn tướng rồi mà đi đêm đi hôm. Lỡ có thế nào... Chả nhẽ lại đi gọi người tìm con giúp. Đi ra đi vào, bà lại tất tả chạy sang nhà con bé Huyền.

Thế bá hỏi bên nhà anh Tuấn chưa?

- Ừ nhỉ! Biết đâu nó ở bên thằng Tuấn. Nhưng...

Con Huyền dắt chiếc xe đạp điện ra.

- Bá ngồi lên, cháu chở sang nhà anh Tuấn.

Nhà thằng Tuấn chẳng có ai ở nhà. Thấy trời tối mù, bà Mạo giục Huyền quay xe. Thôi về cháu. Biết đâu mà tìm giờ này. Sáng mai mà nó chưa về, bá báo công an.

Có tiếng cái Thoa hát í a trong nhà. Bà Mạo mừng quá, xô cửa vào, quát:

- Mày đi đâu giờ mới về hả con kia? Mày biết bầm sắp chết vì lo không?

Thoa chạy lại rối rít xin lỗi, giải thích. Thì ra là mẹ thằng Tuấn bị cảm đột ngột, hai đứa vội đưa đi bệnh viện, Thoa chẳng kịp quay về nhà báo mẹ.

Rằm tháng Giêng, trời ấm áp hơn, bà Mạo nhắc con gái gọi máy cày bừa chuẩn bị cấy, mạ đang tầm đẹp.

- Để con tiễn anh Tuấn xong rồi làm bầm nhé.

- Nó đi đâu mà tiễn?

- Anh ấy đi bộ đội bầm ạ. Làng mình có bốn người đi nghĩa vụ quân sự đợt này.

Chiếc xe máy phóng vào sân, phanh kít lại. Tuấn vội vàng xuống xe:

- Cháu chào bá ạ!

- Ừ, bá nghe cái Thoa bảo cháu đi bộ đội?

- Vâng, mai cháu mới lên chỗ tập trung ạ. Cháu sang chào bá với em Thoa. Đám mạ nhà mình đến tầm cấy rồi, cháu định sang giúp bá với Thoa cấy nhưng không kịp. Mạ xuân non lắm, bá đừng nhổ đứt rễ hết. Bá bảo em Thoa lấy liềm xén hoặc xúc mạ bằng xẻng cấy cho lúa khỏe nhanh lên nhé.

Cái Thoa mắt đỏ hoe, lườm thằng Tuấn.

- Biết rồi, không phải dạy.

Bà Mạo níu tay thằng Tuấn, đặt vào tờ hai trăm nghìn.

- Cháu đi chân cứng đá mềm, hoàn thành tốt nhiệm vụ nhé! Bá có chút quà, cháu mang đi dọc đường uống nước.

- Cháu không nhận đâu ạ! Cháu còn chưa kịp đền đám mạ cho bá.

Bà Mạo giả vờ giận:

- Cái thằng này! Việc nào ra việc nấy chứ. Không nhận mai kia về phép bá không cho sang đây nữa.

- Vâng, vâng! Thế thì cháu xin ạ!

- Thôi về sớm chuẩn bị đi. Mai bá cho em Thoa sang tiễn chân cháu.

Ngày xuân mưa bay, gió thổi qua nhẹ nhàng, mang cả hương mạ, bùn non từ cánh đồng trải rộng khắp làng quê.

Truyện ngắn của PHÙNG PHƯƠNG QUÝ