Một hôm đi làm về vừa bước vào nhà, Lưu Khải bất chợt nghe thấy vợ mình là Lý Hoa đang nói với mẹ chồng với giọng đầy bực tức: “Nấu nhạt một chút thì bà nói không có vị gì, giờ nấu mặn hơn thì bà lại nói mặn không nuốt được. Vậy rốt cuộc là bà muốn thế nào?”.

Bà Tiêu vừa nhìn thấy con trai về nên không nói thêm câu nào nữa mà liền vội vàng xúc cơm ăn. Lý Hoa nhìn thấy chồng về cũng không nói thêm câu nào nữa, chỉ “quăng” ánh mắt đầy tức giận về phía chồng. Lưu Khải vừa xúc môi canh lên ăn thử nhưng cũng không thể ăn được vì mặn chát, anh liền bảo với vợ: “Không phải là anh đã nói rồi sao, mẹ bị bệnh không ăn được đồ quá mặn rồi mà!”. “Được! Mẹ anh là của anh, từ giờ về sau, anh tự đi nấu cho mẹ anh ăn!”, Lý Hoa tức giận đi vào phòng đóng sầm cửa lại.

Lưu Khải thở dài rồi quay sang nói với mẹ: “Mẹ, thôi mẹ đừng ăn nữa, để con đi nấu bát mì cho mẹ”. Chứng kiến sự việc như vậy, bà Tiêu bối rối cũng không biết xử trí thế nào, nhìn thấy con trai như chất chứa nhiều tâm sự, bà nói: “Lưu Khải à, có phải con có lời gì cần nói với mẹ không? Nếu có tâm sự gì thì con cứ nói ra, đừng để trong lòng con ạ!”. Lưu Khải quay sang mẹ, ngập ngừng: “Mẹ, sang tháng công ty thăng chức cho con, vì thế, con sẽ rất bận. Còn về vợ con, cô ấy nói muốn ra ngoài đi làm, cho nên...”. Bà Tiêu rất nhanh hiểu ra ý của con trai, bà vội vàng nói: “Con, con đừng đưa mẹ vào viện dưỡng lão nhé, để mẹ ở nhà, mẹ tự lo được”, bà Tiêu nói giọng đầy lo lắng. Lưu Khải trầm ngâm, dường như anh đang tìm một lý do hợp lý hơn.

“Mẹ, thực ra viện dưỡng lão không có gì là không tốt cả. Mẹ biết đấy, nếu vợ con mà đi làm, chắc chắn sẽ không có thời gian để chăm sóc mẹ. Người già mà có người chăm lo cho như ở viện dưỡng lão thì không phải còn tốt hơn ở nhà sao?”. “Nhưng...”, bà Tiêu chợt muốn nói gì rồi lại thôi. Cuộc đối thoại của hai mẹ con bỏ lửng.

Ăn vội bát mì, Lưu Khải đi vào phòng. Anh trầm ngâm nhìn ra ngoài cửa sổ, trong lòng anh bộn bề suy nghĩ. Mẹ anh thời trẻ góa bụa sớm, vất vả, khổ nhọc nuôi anh nên người, tằn tiện làm đủ mọi việc để kiếm tiền nuôi anh đi học ở nước ngoài. Nhưng bà chưa bao giờ lấy những điều đó để gây khó dễ cho con trai trong việc hiếu thuận với mẹ, ngược lại, vợ anh lại luôn lấy hôn nhân ra để ép anh về việc không muốn sống cùng với mẹ anh. Thật sự là phải đưa mẹ vào viện dưỡng lão sao? Lưu Khải tự hỏi mình, anh cảm thấy có chút gì đó thật không đành lòng.

“Người có thể đi cùng anh đến hết cuộc đời là vợ anh, chẳng lẽ là mẹ anh sao?”, “Mẹ anh già thế rồi, nếu tốt mệnh thì được vài năm nữa, tại sao không nhân cơ hội này mà hiếu thuận với bà? Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, khi con có muốn chăm sóc mẹ thì mẹ cũng không còn nữa đâu!”... anh đã nghe nhiều từ người thân, bạn bè, biết bao nhiêu người đã nói với anh về việc nên hay không nên đưa mẹ đi viện dưỡng lão, ai cũng đưa ra lý do thuyết phục của họ. Lưu Khải thật sự cảm thấy vô cùng dằn vặt, khó xử trước việc này.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHẠM HÀ 

Rồi cũng đến ngày Lưu Khải phải đưa ra quyết định. Đúng vậy, nếu phải đưa mẹ vào viện dưỡng lão, mình nhất định phải đưa mẹ vào nơi thật tốt thì mình mới cảm thấy thanh thản được.

Một buổi chiều tà, khi mặt trời đã lặn sau những dãy núi để nghỉ ngơi, tại một viện dưỡng lão cao cấp nằm bên sườn đồi vùng ngoại ô, người ta thấy một chiếc xe hơi đỗ trước sảnh.

Lưu Khải đưa mẹ vào sảnh của viện dưỡng lão. Tại sảnh, một chiếc ti vi mới rất to đang phát vở kịch, nhưng xung quanh người xem không hề có tiếng nói cười. Có vài người già ăn mặc y hệt nhau, một vài người đang ngồi trên ghế sopha xem kịch, một vài người cũng ngồi xem kịch, nhưng lại lẩm bẩm nói một mình, có người thì lại đang cúi xuống nhặt miếng bánh rơi dưới đất, khuôn mặt không bộc lộ vẻ vui hay buồn...

Làm thủ tục xong, Lưu Khải đưa mẹ vào phòng. Biết mẹ thích căn phòng có ánh sáng, nên anh đã chọn cho bà một phòng có nhiều cửa sổ. Đứng ở cửa sổ nhìn ra ngoài, dưới bóng cây mát mẻ là những thảm cỏ xanh mướt. Anh nhìn thấy có mấy cô hộ lý đang đẩy xe lăn đưa các cụ già đi tản bộ, bốn bề thật yên tĩnh khiến người ta cảm thấy có chút gì thật cô quạnh.

“Mẹ, con... con... phải về rồi!”, Lưu Khải thật khó khăn khi phải chào mẹ ra về. Bà Tiêu chỉ còn biết gật đầu. Nhìn Lưu Khải bước đi, người mẹ vẫy tay chào anh, trên đôi môi khô nứt nẻ và cái miệng móm mém vì răng đã rụng gần hết, bà Tiêu như muốn nói với con điều gì rồi lại thôi. Lưu Khải lúc này mới để ý kỹ, mái tóc của mẹ nay đã bạc hết, hố mắt thâm quầng và những nếp nhăn đã “chất đầy” trên khuôn mặt. Mẹ đã già thật rồi!

Kỷ niệm ấu thơ chợt ùa về, năm ấy, anh 6 tuổi, mẹ có việc phải về quê, không tiện đưa anh theo cùng, thế là mẹ dự định gửi anh ở nhà chú Tài vài hôm. Đưa anh đến nhà chú Tài rồi, thấy mẹ chuẩn bị đi, anh vô cùng sợ hãi bám chặt lấy chân mẹ không rời, gào khóc rất to: “Mẹ, mẹ đừng để con ở lại một mình, mẹ đừng đi, mẹ đừng đi...!”.

Nghe tiếng khóc của anh, người mẹ không thể đành lòng. Cuối cùng mẹ đã không bỏ anh ở lại một mình.

Lưu Khải vội vã rời khỏi viện dưỡng lão, đóng nhanh cửa phòng của mẹ. Anh không dám quay nhìn lại, lo sợ ký ức xưa tìm về khiến anh không thể rời đi.

Về tới nhà, Lưu Khải nhìn thấy vợ và mẹ vợ đang dọn dẹp phòng của mẹ anh, bỏ đi tất cả những gì mẹ anh còn để lại. Chiếc cúp, chiến lợi phẩm giải thưởng môn Văn thời tiểu học của anh, cuốn từ điển Hoa-Anh, món quà sinh nhật đầu tiên mẹ đã tiết kiệm ăn uống cả tháng để dành mua cho anh và kia nữa, lọ dầu gió mỗi lần trước khi đi ngủ, anh thường xoa bóp cho mẹ bớt đau xương khớp, nay không còn có anh bên cạnh nên chắc mẹ không mang theo nữa...

“Đủ rồi, em không được vứt bất cứ thứ gì của mẹ đi nữa!”, Lưu Khải quát to.

“Bao nhiêu là rác như thế, không vứt đi làm sao có chỗ để đồ mới được!”, mẹ vợ Lưu Khải đáp lời thay con gái.

“Mẹ nói đúng đấy! Anh nhanh khiêng cái giường này của mẹ anh ra ngoài, ngày mai em cần mua cho mẹ em cái giường mới!”, Lý Hoa nói xen vào.

Trước mắt Lưu Khải là một tập ảnh thời thơ ấu của anh. Đó là những bức ảnh mẹ đưa anh đi chơi công viên và các khu vui chơi. “Những bức ảnh này là tài sản của hai mẹ con con, tất cả đều không được bỏ đi!”, Lưu Khải nói với mẹ vợ.

“Thái độ của anh thế là thế nào? Sao anh nói to với mẹ tôi như thế. Tôi yêu cầu anh xin lỗi mẹ tôi!”, Lý Hoa giọng bực tức.

“Lấy cô, tôi cũng có bổn phận yêu thương mẹ của cô. Tại sao cô lấy tôi, cô không thể yêu thương mẹ của tôi?”, Lưu Khải cũng đáp lại giận dữ.

Sau cuộc đối thoại, không khí gia đình trở nên vô cùng căng thẳng, không ai nói với ai câu nào.

Màn đêm buông xuống, sau cơn mưa, ngoài trời trở nên vô cùng lạnh lẽo, trên đường vắng vẻ vô cùng. Người ta nhìn thấy chiếc xe của Lưu Khải “đi như bay” tới viện dưỡng lão.

Dừng xe trước tòa nhà viện dưỡng lão, anh chạy ùa vào, đẩy cửa phòng của mẹ. Anh đứng lặng đi, trước mắt anh là hình ảnh mẹ đang ngồi một mình, tay xoa bóp chân đau vì khớp. Trên đôi mắt mẹ, những giọt nước mắt rơi xuống.

Vừa nhìn thấy con trai đến, bà Tiêu rất bất ngờ, vừa kịp hỏi xem Lưu Khải đến có việc gì thì bà nhìn thấy trong tay con trai có cầm lọ dầu gió, bà như được an ủi bội phần: “Mẹ quên không mang lọ dầu, may con mang tới!”.

Nhìn thấy thế, Lưu Khải vội chạy đến bên mẹ, anh quỳ thụp xuống, muốn nói với mẹ thật nhiều, nhưng lòng anh nghẹn lại.

“Thôi muộn rồi, mẹ tự xoa dầu được, mai con còn phải đi làm, về nhà sớm đi con!”, bà Tiêu cố gắng giữ nét vui trên mặt bảo với Lưu Khải.

Lưu Khải đã cố gắng để không bật khóc, nhưng cuối cùng, anh đã không thể kiềm chế được. Anh khóc òa lên như một đứa trẻ: “Mẹ, mẹ cho con xin lỗi, mẹ tha thứ cho con, mẹ nhé, chúng ta về nhà thôi mẹ!”.

Truyện ngắn của LƯU KIẾN NAM (Trung Quốc)

 SONG VÂN (dịch)