Theo dòng lịch sử phim ảnh Việt Nam, qua các thước phim tài liệu, ta có thể thấy được những dấu ấn lịch sử của dân tộc. Đó là hình ảnh mộc mạc của người chiến sĩ anh dũng chiến đấu thời kỳ cầm cự, phòng ngự trong phim "Giữ làng giữ nước"; hình ảnh đầy hào hùng của bộ đội ta hành quân cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Chiến dịch Biên giới trong phim "Bác đi chiến dịch"; hình ảnh lần đầu tiên quân chủ lực của ta chủ động mở chiến dịch tiến công địch tại cứ điểm Đông Khê trong phim "Trận Đông Khê"; sự trưởng thành vượt bậc, tài thao lược, cách đánh sáng tạo, tình cảm gắn bó máu thịt với nhân dân của Quân đội ta trong phim "Chiến thắng Tây Bắc" và phim "Kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ"...
Bên cạnh hình ảnh cán bộ, chiến sĩ ngày đêm học tập, rèn luyện, diễn tập ở hậu phương chiến lược miền Bắc, ta bắt gặp những người chiến sĩ mở đường Trường Sơn vào miền Nam của những ngày đầu bí mật “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, ta gặp hình ảnh cảm động đầy lạc quan của các chiến sĩ giữa muôn trùng khó khăn dưới bom đạn ác liệt đã làm nên huyền thoại đường Trường Sơn. Ta gặp những chiến sĩ thầm lặng, có phẩm chất phi thường trên những con tàu vận tải biển bí mật chở người và vũ khí vào miền Nam. Có thể kể tới các bộ phim: "Dòng thác bạc", "Chiến thắng Đường 9-Nam Lào", "Chiến thắng Khâm Đức", “Thăm quân y viện trên dãy Trường Sơn”, “Những người săn thú trên núi Đắc Sao", bộ phim tài liệu sử thi 4 tập “Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh”, phim “Đường mòn trên Biển Đông"...
Điểm lại trong lịch sử màn ảnh Việt, ta bắt gặp hình ảnh người chiến sĩ trên mâm pháo với tư thế “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, dũng cảm đấu trí với địch trên các trận địa tên lửa, bên màn radar, trên các hạm tàu, bên những bến phà, cảng biển, trên các ca nô cảm tử rà phá thủy lôi, trên máy bay và sân bay dã chiến của lực lượng không quân trẻ tuổi, trên những trọng điểm đánh phá của không quân và hải quân Mỹ ở miền Bắc... Và hình ảnh các chiến sĩ Giải phóng quân sát cánh cùng nhân dân đánh địch trong đồn bốt, căn cứ, trong sào huyệt của chúng, đánh địch đang hành quân là những hình ảnh đẹp như khắc vào lịch sử.
Đằng sau hình ảnh bình dị của người chiến sĩ, ta thấy sức mạnh văn hóa, ý chí quyết chiến, quyết thắng, khát vọng tự do, độc lập không gì lay chuyển nổi. Có thể kể tới những bộ phim tài liệu như: "Trận địa mặt đường", “Người Hàm Rồng”, “Chiến đấu giữ đảo quê hương”, “Cồn Cỏ anh hùng”, “Đầu sóng ngọn gió”, “Hà Nội bản anh hùng ca”... Và các phim khác như: “Quanh địa ngục Cồn Tiên”, "Vài hình ảnh chiến thắng Khe Sanh", “Ghi chép trên đồng bằng Quảng Ngãi”, “Những cô gái C3 Quân giải phóng”, “Đường ra phía trước”, "Chiến thắng Tây Ninh", “Anh pháo binh Quân giải phóng”, bộ sử thi “Chiến thắng lịch sử năm 1975”, bộ sử thi “Mùa xuân toàn thắng”...
Các bộ phim tài liệu về cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ biển, đảo, làm nhiệm vụ quốc tế sau năm 1975 đã khắc họa hình ảnh mới về người chiến sĩ. Chẳng hạn những bộ phim: “Hình ảnh Quân đội 5/79”, "Nhịp sống mặt trận", “Giữ vững biên cương”, "Những cột mốc trên biển", “Trường Sa không xa”, “Chào Apsara”, “Nước mắt nụ cười", "Đi tìm đồng đội"... Qua đó có thể thấy, hình ảnh những người chiến sĩ trong bối cảnh mới dù còn muôn vàn khó khăn, nguy hiểm nhưng vẫn giữ trọn vẹn phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ.
|
|
Cảnh trong phim "Đào, phở và piano" của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Ảnh chụp lại từ bộ phim |
Phim truyện của điện ảnh cách mạng tuy còn non trẻ, có đặc thù riêng, số phim làm ra chưa thật nhiều nhưng vấn đề xây dựng hình tượng người chiến sĩ Quân đội giữ một vị trí chủ đạo trong sự phát triển của phim truyện, góp phần khẳng định giá trị đạo đức, tinh thần, bồi đắp phẩm chất, lẽ sống cho thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp chung của dân tộc.
Trung đội trưởng Dũng, nhân vật trong phim “Lửa trung tuyến”, đầy tâm trạng khi phải về tuyến sau phụ trách một đoàn dân công tải đạn. Khi kho đạn của đơn vị Dũng bị máy bay địch đánh phá dữ dội, tất cả dân công của Dũng xả thân lao vào dập lửa, đó là lúc Dũng nhận ra rằng vị trí mới cũng là tiền tuyến, ở đâu Đảng cần thì đó là tiền tuyến.
Bộ phim “Người chiến sĩ trẻ” kể lại một câu chuyện có thật về anh hùng Cù Chính Lan trong tình thế hiểm nguy, được sự yểm trợ của đồng đội, đã dũng cảm, mưu trí tiếp cận, dùng lựu đạn tiêu diệt xe tăng địch, nêu gương tiêu diệt cơ giới địch bằng vũ khí thô sơ của Quân đội ta. Trong phim “Lá cờ chuẩn”, nhân vật Lục, một chiến sĩ, đã xung phong vượt qua hiểm nguy cắm lá cờ chuẩn cho pháo binh của ta. Lục vừa rút về thì lá cờ chuẩn lại bị pháo địch bắn đổ. Lục tiếp tục xung phong lần thứ hai lên cắm lá cờ. Lần này, Lục quyết định nằm lại giữ lá cờ chuẩn, sẵn sàng hy sinh cho pháo binh ta bắn chính xác vào quân địch trong không gian đầy bi tráng của cuộc chiến đấu.
Ở phim truyện “Biển lửa”, các nhà làm phim lại kể câu chuyện của Phương, một chiến sĩ trẻ tuổi được giao nhiệm vụ trinh sát, chuẩn bị cho ta tiến công sân bay Cát Bi, nơi địch hằng ngày tiếp tế đạn dược cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sân bay Cát Bi được địch canh giữ vô cùng nghiêm ngặt. Nhờ bám sát dân, dựa vào dân, được dân che chở, bảo vệ, Phương đã có sơ đồ sân bay, xác định được cách bố phòng của địch, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu của đặc công vùi những chiếc máy bay địch trong biển lửa.
Bộ phim truyện “Đường về quê mẹ” được đánh giá là bước phát triển mới, sự trưởng thành của phim truyện điện ảnh cách mạng. Nhân vật chính của bộ phim là 3 chiến sĩ như 3 chàng dũng sĩ từ 3 miền quê Bắc-Trung-Nam đã gặp nhau, sát cánh bên nhau bất chấp bom đạn của kẻ thù trên con đường giải phóng quê hương, con đường về quê mẹ. Nhân vật thứ của phim là bà mẹ, người phụ nữ dân tộc thương yêu tất cả chiến sĩ như con ruột của mình.
Những nhân vật như vậy mang tính nêu gương, tính đại diện phù hợp với quan niệm mỹ học thời chiến, cổ vũ tinh thần chiến đấu, có ý nghĩa giáo dục rất lớn, góp phần hình thành nhân cách người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, trong điều kiện thuận lợi hơn, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim hoành tráng hơn, nhân vật bộ đội được diễn tả sâu sắc hơn ở tầng hiện thực mới, đáp ứng nhu cầu phong phú của người xem. Điểm sáng hội tụ trong những thước phim vẫn là giá trị đạo đức, phẩm chất cốt lõi của Bộ đội Cụ Hồ. Có thể kể tới các phim truyện như: “Hà Nội 12 ngày đêm”, "Giải phóng Sài Gòn", “Hoa ban đỏ”, “Khoảnh khắc chiến tranh”, “Tiếng cồng định mệnh”, “Ngày trở về”, “Những người viết huyền thoại”, "Khúc mưa", "Truyền thuyết về Quán Tiên", "Sao xanh trên biển sóng", “Bình minh đỏ”, “Tiểu đội hoa hồng”... và các phim tài liệu như: "Hùng ca Điện Biên Phủ", “Thép trong lòng biển sâu”, “Ký ức Thượng Lào”, “Những cột mốc sống”, “Chưtankra”, “Lửa từ Thành cổ”...
Các phim thành công về đề tài kháng chiến, đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng thực sự là những di sản văn hóa vô giá. Bởi thế mà không phải ngẫu nhiên các tuần phim nhân những ngày lễ lớn luôn được Nhà nước và các cơ quan chức năng tổ chức rất trọng thể, được người xem nồng nhiệt chào đón. Ngay tại rạp chiếu phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân, các tuần phim nhân những ngày lễ lớn bao giờ cũng thực sự là ngày hội lớn thu hút người xem các thế hệ.
Gần đây nhất, phim truyện điện ảnh "Đào, phở và piano" của đạo diễn Phi Tiến Sơn từng "gây sốt" tại phòng vé khắp các rạp trong nước đã được Hội đồng Quốc gia tuyển chọn phim lựa chọn là đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển Giải thưởng phim truyện quốc tế-Oscar (2024-2025). Tôi là một trong những thành viên tham gia hội đồng này và cảm thấy vui vì trong số 4 phim rất thành công của Việt Nam thời gian qua được hội đồng đưa ra xem xét, cân nhắc kỹ, cuối cùng, phim "Đào, phở và piano" được lựa chọn. Điều đó đã thêm một minh chứng khẳng định, đề tài kháng chiến và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn được coi trọng trên màn ảnh Việt. Suy cho cùng, khi phim Việt ra nước ngoài thành công sẽ đóng vai trò là sứ giả đưa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Chuẩn bị cho những dịp lễ lớn của đất nước trong năm nay, nhất là dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và sang năm 2025, có nhiều dự án phim rất đáng chú ý về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng đang được triển khai. Chúng ta có quyền hy vọng bởi sự trưởng thành của điện ảnh Việt Nam, bởi sau chúng ta có cả một di sản văn hóa điện ảnh rất đáng trân trọng.
GS, TS TRẦN THANH HIỆP