leftcenterrightdel
Lính đảo. Tranh của họa sĩ KIỀU HẢI 

Xây dựng bản lĩnh và nhân cách người chiến sĩ hôm nay

Đối với thế hệ chúng tôi, sinh ra và trưởng thành khi chiến tranh vừa chấm dứt, được học hành, tiếp đó là công tác trong môi trường báo chí, VHNT quân đội đã được nghe kể lại, có lúc tận mắt chứng kiến những câu chuyện vô cùng xúc động của các văn nghệ sĩ quân đội. Những câu chuyện có thật đó không chỉ có sức lay động mà còn tác động trực tiếp ở chiến trường, tạo nên sức mạnh vô bờ bến, góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong một dòng chảy liên tục tới hôm nay.

Khi tôi làm phim tài liệu chân dung nhà thơ Vũ Cao, trực tiếp cùng ông đến Núi Đôi, vào nghĩa trang thắp hương trên phần mộ liệt sĩ Trần Thị Bắc, nguyên mẫu cô du kích đã anh dũng hy sinh, lúc đó, người em trai của liệt sĩ Trần Thị Bắc vẫn còn sống, ông đã cùng Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn tới dâng hương ở nghĩa trang dưới chân Núi Đôi. Nhà thơ Vũ Cao cứ thế khóc không thành tiếng bên mộ nhân vật văn học của mình. Ông nhắc lại, chính vì nghe bà con ở chân Núi Đôi kể câu chuyện Trần Thị Bắc hy sinh mà ông viết thành bài thơ chỉ trong một đêm. Ngay cả hình tượng Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao dẫn đường/ Em mãi là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm cũng đều là do người dân chân Núi Đôi kể cho ông. Rồi ngày đó có phong trào noi gương nữ du kích Trần Thị Bắc. Ai cũng xót thương nhưng tuyệt đối không bi lụy mà đoàn kết thi đua chiến đấu, lao động sản xuất ở khắp nơi. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ càng gần gũi và thân thiết. Bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ cũng từ đó sáng lên. Đó cũng là những đóng góp tự nhiên của một bài thơ, của VHNT trong các cuộc kháng chiến và cả những ngày tháng sau đó nữa.

Đối với thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay, nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần trong đó có VHNT luôn là chính đáng và thiết yếu. Đời sống của bộ đội mọi mặt theo thời gian, theo sự phát triển chung đều đã được nâng lên. Các loại hình VHNT ngày càng đa dạng và phong phú, đồng thời được lựa chọn đưa tới cho bộ đội một cách hệ thống và quy củ. Ý thức sâu sắc điều này, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Tổng cục Chính trị luôn quan tâm sâu sắc và động viên đội ngũ những người viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, nhất là đội ngũ nhà văn quân đội.

Từ cuộc sống sôi động, đa chiều của nhân dân và đất nước ngấm vào từng trang văn, để từ từng trang văn ấy lại tỏa ra cuộc đời dài rộng. Các tiểu thuyết, trường ca, truyện ngắn, bút ký, thơ, nhạc ùa đến với nhân dân và chiến sĩ. Đội ngũ nhà văn quân đội nối tiếp nhau thực hiện sứ mệnh văn chương. Ở những điểm nóng nhất của thời cuộc đều thấy bóng dáng, trọng trách của các nhà văn quân đội. Nhiều tác phẩm văn học đã là những biểu tượng của một thời, của nhiều thời. Từ những "Núi đôi" của Vũ Cao; "Đồng chí" của Chính Hữu; "Mùa lạc", "Tầm nhìn xa" của Nguyễn Khải; "Mảnh trăng cuối rừng", "Phiên chợ Giát" của Nguyễn Minh Châu; "Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi" của Nam Hà; "Việt Nam trên đường chúng ta đi" của Xuân Sách... và sau này là những "Thời xa vắng", "Sóng ở đáy sông" của Lê Lựu; "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của Nguyễn Khắc Trường; "Ăn mày dĩ vãng", "Phố", "Mưa đỏ" của Chu Lai; "Lạc rừng", "Ngõ lỗ thủng" của Trung Trung Đỉnh... và tiếp đó là thế hệ Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Mạnh Hùng, Uông Triều, Hoàng Đăng Khoa, Đoàn Minh Tâm... đảm đương vai trò tiếp nối một cách xứng đáng. Các cuộc thi văn chương đề tài bộ đội luôn được đón nhận, chờ đợi, hy vọng và khẳng định những dấu mốc văn chương quan trọng. Từ cuộc thi, đội ngũ các nhà văn, đặc biệt là lớp nhà văn trẻ xuất hiện và được khẳng định. Nhiều tác phẩm gây tiếng vang và là những thương phẩm văn học đặc thù, truyền thống. Những thanh âm trong trẻo, hữu ích đến với bộ đội, đến với nhân dân. Các nhà văn quân đội không chỉ có mặt trên mỗi trang viết mà còn có mặt nơi bão lốc, cháy rừng, lũ quét. Các nhà văn quân đội đều nhiều lần đến Trường Sa. Có người đi hàng tháng như Duy Khán. Có người ở nhiều năm như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Xuân Thủy. Mùa sóng gió, mùa biển lặng, các nhà văn đều đến nơi biên giới, hải đảo với tấm lòng của nhà văn-chiến sĩ. Hằng năm, các nhà văn quân đội đến Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ ăn cùng, ở cùng và lắng nghe nhịp đập của trái tim người chiến sĩ. Những tập ghi chép, bút ký, truyện ngắn mang đậm hơi thở người lính là món ăn tinh thần bổ ích của bộ đội ta. Và cũng chính người chiến sĩ đang ngày đêm miệt mài với từng nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo đã tiếp thêm sức mạnh, là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn.

VHNT với xây dựng bản lĩnh và nhân cách người chiến sĩ hôm nay cần nhiều việc phải làm. Bám sát đời sống bộ đội, đời sống nhân dân để làm rõ bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ đang là trọng trách của các văn nghệ sĩ, trong đó nòng cốt là đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội. Để thực hiện tốt điều đó, đội ngũ văn nghệ sĩ không chỉ ý thức sâu sắc vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình mà cao hơn và xa hơn, liên tục vươn tới phía trước chính là trái tim và lương tâm luôn biết rung động, trăn trở để có được những tác phẩm tốt nhất về bộ đội, đến với bộ đội.

Bản lĩnh, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ đã và đang là một giá trị cốt lõi góp phần hình thành nên sức mạnh bền vững để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ đã là một giá trị văn hóa vừa tự nhiên vừa đặc sắc trong thời đại Hồ Chí Minh. Từ tư duy giản dị nhưng vô cùng sâu sắc của Bác Hồ ngay trong buổi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân-tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng là người trước-súng sau, tức là lấy giá trị nhân văn, sự đồng cam cộng khổ, những đồng hành chia sẻ từ hạt lúa, củ khoai tới máu xương với nhân dân trong quá trình chiến đấu trưởng thành của mình. Người trước-súng sau cũng chính là bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ luôn mang tính thời sự.

Phát huy tốt hơn nữa vai trò, chức năng của văn học nghệ thuật

Thế giới, khu vực có nhiều biến động hết sức phức tạp, khó lường; tình hình dịch bệnh bùng phát liên tục đã và đang tác động trực tiếp tới người chiến sĩ hôm nay, chúng ta đã và sẽ còn phải đối diện với những thách thức đến từ bên ngoài và cả bên trong, mà hơn ai hết người chiến sĩ phải hiểu biết, nâng tầm bản lĩnh, nhân cách của chính mình để xứng đáng với danh xưng Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới.

Để thực hiện được điều này, nhất là phát huy tốt vai trò, chức năng của VHNT trong việc tham gia xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược lâu dài, những cách làm cụ thể, thiết thực.

Nâng cao bản lĩnh chính trị và trau dồi tri thức, nền tảng văn hóa trong đó có những đóng góp của VHNT phải toàn diện hơn, có chọn lọc hơn. Chúng ta đang hướng tới xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh thì trước hết rất cần tinh, gọn, mạnh trong đời sống tinh thần từ các loại hình VHNT đặc sắc để góp phần định hình và phát triển bền vững về bản lĩnh và nhân cách của mỗi chiến sĩ.

Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hôm nay cần phải tiếp tục được học tập, rèn luyện phong phú và toàn diện những tinh hoa về nghệ thuật quân sự, những tinh hoa từ kho tàng truyền thống lịch sử, nhất là cách chung sống, trưởng thành trong một thế giới đang hết sức sôi động và biến động.

Đặc biệt, thế hệ chiến sĩ trẻ trong khoảng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng là khoảng thời gian vàng để trau dồi bản lĩnh và nhân cách, học tập, rèn luyện trong môi trường nhân văn và kỷ luật cao. Chúng ta càng phải chú trọng giáo dục và rèn luyện đội ngũ này, để sau này, khi về với cuộc sống ở giai đoạn mới, với bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ, họ sẽ có nhiều đóng góp hữu ích cho xã hội.

Không phải ai cũng hiểu hết vai trò và chức năng của VHNT trong việc tham gia xây dựng bản lĩnh và nhân cách của con người mới hôm nay. Bởi vậy, cần chú trọng các vấn đề truyền thông, những quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để đội ngũ văn nghệ sĩ trong đó có văn nghệ sĩ quân đội có thêm niềm cảm hứng, có những cống hiến xuất sắc, những tác phẩm xuất sắc.

Cảm thông và chia sẻ, dành những ưu ái nhất định đối với đội ngũ văn nghệ sĩ khi họ có những đóng góp thiết thực bằng các tác phẩm cụ thể trong xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ cũng là những việc làm vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài, cần được thực hiện ở một tầm vóc mới.

Đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là các văn nghệ sĩ trong quân đội luôn có đủ trí tuệ và niềm tin để thực hiện tốt sứ mệnh của mình.

VHNT góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ kể từ những bước đi đầu tiên tới những thành tựu, kết quả như hôm nay là một chặng đường dài gian lao nhưng cũng đầy kiêu hãnh. Trong chặng đường vẻ vang ấy, VHNT luôn được Đảng, Bác Hồ, bộ đội và nhân dân quan tâm sâu sắc, vừa động viên khích lệ, vừa đặt ra những nhiệm vụ cho chính VHNT. Mỗi một dấu mốc trưởng thành, mỗi một khát vọng đã trở thành hiện thực đã là nền tảng để VHNT tham gia xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ ngày một dài rộng và thanh thoát hơn.

Ở chặng đường mới phía trước, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, nhất là bộ đội và nhân dân, chắc chắn VHNT sẽ có những đóng góp xứng tầm và bền vững trong xây dựng bản lĩnh và nhân cách người chiến sĩ.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI