Theo tôi, họ say sưa hát vì đó là một phần máu thịt của cuộc đời họ, đã hằn in vào tâm thức, không thể nào quên; trở thành niềm tự hào về những tháng ngày họ sống, chiến đấu vì Tổ quốc. Cũng như không phải ngẫu nhiên trong sổ tay xếp cẩn thận dưới đáy ba lô của tôi và đồng đội cùng thời, trang đầu thường được tô vẽ xanh, đỏ bằng tất cả tài năng hội họa có được để trang trí câu thơ “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”, hoặc “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng”.
Tiếp cận từ bất kỳ góc độ nào, thậm chí xem thường hoặc đánh giá thấp vai trò của văn học, nghệ thuật (VHNT) cũng không thể phủ nhận sự thật hiển nhiên là sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn, sinh động của tác phẩm VHNT có giá trị luôn tác động sâu sắc đến thế giới tinh thần và hành động của con người. Lịch sử từ Đông sang Tây đều đề cập, ghi nhận những tác động này, nhất là trong thời điểm, thời đoạn xã hội-con người phải đứng trước thách thức to lớn, ảnh hưởng đến sự tồn vong. Như ở Việt Nam, có thể khẳng định ý nghĩa, giá trị xuyên thời gian của "Nam quốc sơn hà", "Hịch tướng sĩ", "Bình Ngô đại cáo". Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy thách thức như vậy không chỉ đến từ chiến tranh mà còn đến từ nhiều tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” khác của cuộc sống. Như gần đây, sau khi cả nhân loại bắt đầu phải đối phó với đại dịch Covid-19, ca khúc "Ghen Cô-vy" và "Vũ điệu rửa tay" từ Việt Nam được thế giới hào hứng đón nhận bởi hai tác phẩm vừa khuyến cáo, hướng dẫn cách phòng, chống Covid-19, vừa truyền năng lượng tích cực, tác động vào ý chí của nhiều người, khiến họ thêm tự tin, góp phần củng cố bản lĩnh vượt qua đại dịch.
Về phần mình tôi nghĩ, trước khi đề cập VHNT cần làm gì để tiếp tục góp phần xây dựng bản lĩnh, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ, nên xem xét một số nội dung có tính lịch sử qua phân kỳ trước và sau đổi mới. Theo đó, các thế hệ bộ đội nhập ngũ trước năm 1986 đa số đã trải qua chiến tranh, hưởng thụ VHNT cơ bản tương tự nhau. Đó là thời kỳ văn học, âm nhạc có vị trí ưu thắng, không phải người lính nào cũng đã được xem kịch "Chị Nhàn", "Nổi gió"; phim "Con chim vành khuyên", "Chị Tư Hậu", "Tiền tuyến gọi"... Cụ thể hơn, hành trang tinh thần của người lính thời chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chủ yếu là thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, ca khúc. Trên đường công tác, tôi đã gặp nhiều cựu chiến binh thời chống Pháp là nông dân làng xã, là công nhân nông trường, họ hào hứng hát cho tôi nghe "Tiến về Hà Nội", đọc thơ "Núi Đôi"... Trước khi nhập ngũ, tôi đọc nhiều tác phẩm viết về chiến tranh của Việt Nam, Liên Xô, nhưng đọng lại vẫn là: "Sống mãi với Thủ đô", "Phá vây", "Dấu chân người lính", "Mẫn và tôi"... và rất thích nhiều ca khúc, từ "Bế Văn Đàn sống mãi", "Bước chân trên dải Trường Sơn" đến "Lời tạm biệt lúc lên đường", trong đó có ca khúc giờ ít người còn nhớ như: "Con cua đá", "Bài ca người săn máy bay"... Tôi nhớ, vì các tác phẩm này có “thần tượng” đã bên tôi trong năm tháng quân ngũ. Tuy nhiên, trong thế giới riêng của tôi và bạn bè cùng thời, còn có cả thơ trước năm 1945 của Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính... có ca khúc của Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Đặng Thế Phong... thời tiền chiến. Nay nhớ lại, tôi nghĩ cùng với các bài thơ, bài hát cách mạng, biết đâu những bài thơ, ca khúc ấy có thể cũng đã góp phần cân bằng đời sống tinh thần, khiến bản lĩnh, nhân cách không phiến diện, khô cứng? Viết đến đây, tôi lại nhớ về nỗi háo hức của bộ đội khi đội chiếu bóng, đội tuyên truyền văn hóa đến phục vụ giữa núi rừng heo hút nơi đầu nguồn sông Lô, trên công trường cầu Thăng Long, trên mảnh đất phẳng chật hẹp cách đó chỉ vài trăm mét là chốt tiền tiêu. Quên sao được những ngày trèo đèo, lội suối theo Đoàn Văn công Quân khu 1, Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị đến với bộ đội sau ngày mặt trận Lạng Sơn vừa ngớt tiếng súng. Quên sao được năm 2015 ra Trường Sa, tôi tận mắt chứng kiến các ca sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội vừa khóc vừa hát qua bộ đàm phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn DK1. Đến khi nghe tiếng hát hào hùng của các anh trên nhà giàn đáp lời, tôi hiểu đó là những người lính bản lĩnh, mang phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đích thực.
Trong quân đội, bản lĩnh, phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ luôn là kết quả của quá trình rèn luyện, đào tạo và tự đào tạo, với vai trò hết sức quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị. Không thể phủ nhận những thành tựu to lớn quân đội đã đạt được trong công tác này, bằng chứng là gần 80 năm qua, với bản lĩnh, nhân cách, tinh thần phấn đấu, hy sinh của mình, Bộ đội Cụ Hồ trở thành máu thịt, là niềm tin, niềm tự hào của nhân dân. VHNT đã tích cực tham gia vào tiến trình này, không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu mà còn tạo dựng những tấm gương có tính cách điển hình, và qua quá trình thẩm mỹ đã thẩm thấu vào đời sống tinh thần của bộ đội, góp phần hoàn thiện, nâng cao bản lĩnh, phẩm chất. Tuy nhiên, từ tính lịch sử của quá trình thẩm mỹ, cần xem xét vấn đề trong bối cảnh đất nước đã có bước biến chuyển mới, con người cũng đã biến chuyển với nhu cầu, đòi hỏi mới. Như VHNT, từ khi bắt đầu sự nghiệp đổi mới đến nay, những biến chuyển trong đời sống VHNT xã hội ngày càng rõ nét hơn, đa dạng hơn, xuất hiện một số giá trị, xu hướng, hiện tượng... chưa từng xuất hiện trong những thời kỳ trước, đồng thời nảy sinh nhiều nhu cầu thẩm mỹ mới mà các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ trước đây chưa từng biết đến. Đó là một thực tế không thể xem nhẹ.
Xét về con người xã hội, một đặc điểm nổi bật ngày nay là cuộc mưu sinh, yêu cầu cân bằng lợi ích luôn đặt ra trước mọi người, khiến có thể đẩy tới những lựa chọn cá nhân không dễ vượt qua, nhiều người phải đối diện với một bài toán cần có lời giải là lựa chọn cuộc sống. Trước khi nhập ngũ và khi tại ngũ, nhiều bộ đội có học vấn cao, hiểu biết rộng, đời sống tinh thần phong phú do tiếp xúc một số xu hướng VHNT hiện đại trong nước và thế giới, không ít người đã quen với điều kiện, phương tiện sống văn minh... Tức là về con người xã hội, trước khi nhập ngũ và khi tại ngũ đã xuất hiện một số đặc điểm khác trước. Ví dụ về VHNT. Trước khi nhập ngũ, nhiều bộ đội đã tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật khác nhau. Họ đã đọc từ truyện tranh "Doraemon" đến "Harry Potter", thơ hiện đại, truyện ngôn tình. Họ hâm mộ ban nhạc, giọng ca nổi tiếng thế giới, biết đọc rap, nhảy hiphop; xem phim “bom tấn” của Mỹ, Anh, Pháp và coi Tom Cruise, Angelina Jolie, Brad Pitt như thần tượng. Nhiều người có tri thức về khoa học-công nghệ, thông thạo ngoại ngữ, chơi nhạc cụ, thành thạo trò chơi điện tử và ipad, laptop, smartphone là vật dụng hằng ngày... Từ vị trí người quan sát, tôi thấy như vậy, cũng từ vị trí đó, tôi thấy cho đến nay, nhìn chung tác phẩm VHNT ở trong và ngoài quân đội chưa xây dựng được hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới có tính cách như những thế hệ trước coi là thần tượng và tác động mạnh mẽ đến bản lĩnh, phẩm chất của họ. Chỉ xét từ hai loại hình có khả năng phổ biến nhanh chóng, rộng rãi thì đến nay, nếu trong âm nhạc ít tác phẩm được hâm mộ như: "Nhịp cầu nối những bờ vui", "Cây đàn ghi-ta của Đại đội Ba"... trong văn học cũng ít tác phẩm được hâm mộ như: "Chim én bay", "Nắng đồng bằng"... Thiết nghĩ, sự thiếu vắng đó có nguồn gốc sâu xa từ chủ thể sáng tạo. Vì tôi cho rằng, văn nghệ sĩ lớp trước đã thực sự là lính, đã sống như lính, bằng tài năng và sự mẫn cảm, họ khám phá con người và thế giới tinh thần bên trong của bộ đội để hiểu, khái quát, hình thành ý tưởng sáng tạo. Đọc-xem-nghe tác phẩm của họ, bộ đội xúc động vì thấy hình ảnh thẩm mỹ về đất nước, quê hương, gia đình, cuộc sống, nhiệm vụ... thấy cả hình ảnh của chính mình cùng đồng đội. Để rồi sự xúc động, hình ảnh thẩm mỹ đọng lại trong thế giới tinh thần đã tác động đến bản lĩnh, phẩm chất của mỗi người.
Trong bối cảnh mà sự nghiệp đổi mới đã và đang yêu cầu đạt tới mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống, góp phần xây dựng, phát triển đất nước, dù đã xuất hiện một số đặc điểm mới trong hoạt động sáng tạo thì nhiệm vụ của VHNT khi tham gia xây dựng bản lĩnh, nhân cách của bộ đội càng nặng nề hơn. Quân đội rất quan tâm vấn đề này, song thiết nghĩ, từ các cuộc vận động sáng tác, các cuộc thi, các chuyến thâm nhập thực tế ít ngày có thể ra đời một số ca khúc, bài thơ, truyện ngắn, bút ký, bức tranh, thước phim tài liệu... nhưng đó vẫn là các mảnh ghép chưa đầy đủ của một bức tranh lớn là hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ của thời đại mới trong VHNT. Mà khi còn khuyết thiếu thì dẫu đẹp đến đâu, các mảnh ghép vẫn không thể làm nên bức tranh. Theo tôi, xây dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thời đại mới trong VHNT trước hết phụ thuộc vào tài năng, khả năng khám phá, sáng tạo, sự dấn thân của văn nghệ sĩ. Nếu thiếu tài năng, thiếu nhiệt huyết dấn thân, quá chú tâm chạy theo thị hiếu nghệ thuật của một bộ phận xã hội, thiếu toàn tâm toàn ý với VHNT... văn nghệ sĩ sẽ sớm cạn kiệt chút tài năng bẩm sinh, dễ dừng lại ở quan sát hời hợt, sáng tạo theo lối mòn nhằm hoàn thành nhiệm vụ, rất dễ bằng lòng với tác phẩm thiếu chiều sâu tư tưởng-nghệ thuật. Và cần đổi mới hơn nữa phương thức đưa VHNT đến với bộ đội. Ở đây, vấn đề không chỉ là phương tiện hiện đại mà cần dựa trên kết quả của một khảo sát khoa học nắm bắt toàn diện tâm tư, tình cảm, nhu cầu thẩm mỹ của bộ đội trong thời kỳ mới, từ đó tìm ra phương thức chuyển tải hiệu quả, phù hợp, tạo điều kiện cho VHNT tiếp tục góp phần nâng cao bản lĩnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Nhà phê bình NGUYỄN HÒA