Câu chuyện mà chúng ta bàn đến hôm nay không phải chỉ giới hạn ở phẩm chất người lính Cụ Hồ-một kiểu nhân vật, kiểu hình tượng quen thuộc đã gần như trở thành biểu tượng của VHNT hiện đại, mà còn mở ra những địa hạt mới, những bình diện mới, những nhiệm vụ mới của VHNT. Ở đó, Bộ đội Cụ Hồ hiện ra như một nhân vật trung tâm, nhân vật trải nghiệm.

Như chúng ta đều biết, thời đại nào cũng sản sinh ra những nhân vật, những kiểu người/mẫu người tiêu biểu của thời đại đó. Cho dù đó là hiện thực hiển nhiên luôn “thành thực, dâng sẵn, đón chờ” như cách nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thì những nhân vật đó, những kiểu người đó cũng khó có thể tự tìm được con đường để đến với VHNT; không thể tự trở thành hoặc đương nhiên trở thành hình tượng VHNT truyền cảm và hấp dẫn được, mà như kinh nghiệm cho thấy, nó cần phải được nhà văn nhận thức, phát hiện, xây dựng và mở đường để đến với VHNT thông qua việc sáng tạo các hình tượng, các điển hình.

Kinh nghiệm và thực tiễn nghệ thuật từ thời cổ đại Hy Lạp-La Mã đến nay đã chứng minh điều đó.

Đến lượt mình, các nhân vật, các hình mẫu lý tưởng được xây dựng lên với sức truyền cảm, hấp dẫn, sức chuyển hóa mạnh mẽ lại góp phần tạo ra những nguyên mẫu mới, những chất liệu mới cho VHNT, góp phần cải tạo hiện thực, thay đổi cuộc sống. Đó là chu trình mang tính chất nguyên lý của VHNT. Và có lẽ đó cũng là đích nhắm đến của tọa đàm hôm nay.

2. Tôi có chút phân vân về 2 chủ đề tọa đàm được Ban tổ chức nêu trong giấy mời (“Văn học, nghệ thuật góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ” và "Văn học, nghệ thuật góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách người chiến sĩ trong “cơ chế thị trường” và thời đại kỹ thuật số"). Xin được bày tỏ:

Nếu xem tọa đàm này giống như việc ra đề cho VHNT thì quả thật đây là đề thuộc loại khó. Bởi lẽ:

Với người lính Cụ Hồ truyền thống, không gian chủ yếu được xác định là thao trường và chiến trường; Quan hệ bản chất, chủ yếu là quan hệ với nhân dân; Thước đo phẩm chất chính là lòng trung thành, sự dũng cảm, đức hy sinh và tinh thần quyết chiến quyết thắng... Đó cũng là thước đo giá trị, là bản lĩnh và nhân cách của họ.

Thực tiễn kháng chiến và lao động xây dựng đất nước qua các thời kỳ cho thấy Bộ đội Cụ Hồ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang, được ghi nhận, tôn vinh và đánh giá cao. Đồng thời đó cũng là một kiểu hình tượng đẹp, nhiều giá trị biểu cảm, giàu sức hấp dẫn được VHNT tạo ra, đóng đinh vào lịch sử văn học và ký ức các thế hệ người đọc.

Đến nay, lịch sử sang trang. Hoàn cảnh đất nước thay đổi. Tuy vẫn mang bản chất của người lính Cụ Hồ năm xưa nhưng không gian thử thách không chỉ là thao trường và chiến trường, mà còn mở ra thị trường và thương trường, đặc biệt là thị trường thời đại kỹ thuật số! Trong một bối cảnh như vậy, thực không dễ để nhận diện, đánh giá. Liệu có gì bất cập, so le xảy ra ở đây không? Câu chuyện về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ sẽ được biết đến và kể lại như thế nào? Người chiến sĩ/người lính Cụ Hồ sẽ phải tự thay đổi, tự thích ứng, tự nâng mình lên... ra sao trong điều kiện phải kiên định bản chất? Và đặc biệt, “giá trị sức lao động”, “giá trị cống hiến” của họ sẽ được nhận thức, đánh giá và đo lường bằng hệ tiêu chí nào? Kinh tế? Lợi nhuận?... Thước đo của thị trường mang vào đây liệu có thích hợp? Có đúng và chính xác không?... Rõ ràng ở đây đang diễn ra sự cọ xát, sự va chạm của hệ thống các giá trị và các quan điểm về nó.

Nhìn vào thực tế hiện nay chúng ta sẽ thấy Bộ đội Cụ Hồ vừa là đội quân chiến đấu, vừa là đội quân công tác, vừa là đội quân lao động sản xuất. Như thế có nghĩa là không phải mọi hoạt động của đội quân này đều được đo/phải đo bằng thước đo thị trường hoặc thương trường, mà còn có các thước đo khác (nơi thao trường và chiến trường). Mặc dù chúng ta vẫn nói thương trường như chiến trường nhưng đó chỉ là lối so sánh, ví von, vì không phải tất cả mọi người lính đều can dự. Có chăng là một bộ phận làm kinh tế, dịch vụ, doanh nghiệp, doanh nhân mà kết quả lao động sáng tạo của họ cần phải được nhận thức và đánh giá bằng một chuẩn giá trị khác, không phải là giá trị truyền thống quen thuộc. Bài tính lỗ-lãi sơ đẳng của kinh tế thị trường khó có thể áp dụng đồng loạt trong các lĩnh vực hoạt động của người lính trong thời kỳ mới.

Hãy cứ tạm giả định là ở không gian thao trường và chiến trường cũng như không gian thương trường và thị trường, người lính đều phát huy được bản chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ thì với VHNT lại có thêm cái khó khác. Đó là hình tượng/hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ chiến tranh/kháng chiến đã được khắc họa khá đậm, khá đẹp, khá truyền cảm; trong khi hình tượng người chiến sĩ Cụ Hồ trong cơ chế thị trường thời đại kỹ thuật số lại dường như mới chỉ được hình dung, phác họa bước đầu, còn lạ lẫm, khó nhận diện và khó đánh giá. Làm thế nào để người lính Cụ Hồ thời nay vẫn giữ được phẩm chất/phẩm giá, bản lĩnh và nhân cách người lính Cụ Hồ năm xưa, lại đồng thời đáp ứng yêu cầu về bản lĩnh, nhân cách của người lính trong cơ chế thị trường thời đại kỹ thuật số, quả là một vấn đề không đơn giản!

Để có được một hình tượng văn học mang phẩm chất, cốt cách như thế, cần phải tái tạo được những nhân vật sử thi thời bình có thể sánh ngang với các hình tượng sử thi thời chiến từng được tạo ra trong văn học giai đoạn 1945-1975. Chỉ có như vậy thì VHNT mới có thể góp phần vào việc xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại ngày nay như yêu cầu đặt ra của tọa đàm.

Với các lý do trên, theo tôi, chủ đề tọa đàm nên chọn vấn đề ở phạm vi rộng hơn, mở hơn là Văn học nghệ thuật với việc xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ. Như thế sẽ bao trùm hơn, khái quát hơn. Còn chủ đề dự kiến là Xây dựng bản lĩnh và nhân cách người chiến sĩ trong cơ chế thị trường thời đại kỹ thuật số, theo tôi là hơi hẹp, hơi chuyên biệt, đặc biệt. Sẽ khó trao đổi, bàn bạc, lại phải giới hạn, giới thuyết khá nhiều vấn đề (nhất là vấn đề liên quan đến giá trị) mới có thể có tiếng nói chung được. Hơn nữa, đây không phải là vấn đề đặt ra đối với mọi hoạt động của quân đội cũng như mọi nhà văn, mọi tác phẩm VHNT.

leftcenterrightdel

Trên sân ga. Tranh của họa sĩ BÙI QUANG ĐỨC

3. Để VHNT đảm đương được yêu cầu này, thiết nghĩ còn nhiều việc phải làm để tạo ra sự thống nhất trong nhận thức lý luận và thực tiễn sáng tác.

- Trước hết, về khái niệm Bộ đội Cụ Hồ (người chiến sĩ Cụ Hồ) chủ yếu nói đến phẩm chất người lính. Do vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào, nhiệm vụ nào, bản chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn phải kiên định, nhất quán, không nhân danh đổi mới, cách tân để làm tha hóa hình tượng, tha hóa niềm tin, tha hóa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Như vậy, Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới có thể khác về yêu cầu, nhiệm vụ, thậm chí khác về diện mạo, cốt cách nhưng không thể khác về bản chất. Đó là cơ sở để tạo lập hình tượng, tạo lập niềm tin về loại hình tượng này.

- Thứ hai, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ được tạo ra, phản ánh trong bối cảnh mới không được gây hiệu ứng ngược lại với hình ảnh, bản chất Bộ đội Cụ Hồ từng được VHNT các giai đoạn trước tạo ra, được thể chế hóa trong các văn bản, như: Lời thề, Điều lệnh kỷ luật quân đội... Đặc biệt là trong lúc VHNT đang không ngừng tiếp thu, vận dụng các lý thuyết nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại để làm mới, đổi mới, cách tân... thì không được lợi dụng, lạm dụng, nhân danh điều đó để làm méo mó hình tượng như đã từng xảy ra ở khu vực đề tài lịch sử. Tuy nhiên, nếu thành tựu lý thuyết được tiếp thu, vận dụng nhuần nhuyễn, đúng đắn, có thể tạo ra các hình tượng mới hơn, hấp dẫn hơn, truyền cảm hơn... thì cần ghi nhận, khích lệ như là phương án nghệ thuật ưu tiên.

- Thứ ba, kinh nghiệm nghệ thuật cho thấy khi khai thác, mở rộng hình tượng này, cần đề phòng mấy nguy cơ sau:

+ Nguy cơ biến các sáng tác thành loại truyện ký về người tốt việc tốt đã từng phổ biến một thời. Như thế không sai nhưng hiệu quả không mới, tác dụng không cao.

+ Nguy cơ sa vào minh họa, tuyên truyền thiếu thuyết phục, từng trở thành một căn bệnh của văn học thời chiến.

+ Nguy cơ tô vẽ, thêm thắt, hư cấu vượt ra ngoài các quy phạm nghệ thuật, biến người lính thời đại kỹ thuật số thành các anh hùng siêu nhân.

Trên đây là những suy nghĩ bước đầu và rải rác. Xin được góp với tọa đàm. Mong được chia sẻ và thảo luận.

PGS, TS PHAN TRỌNG THƯỞNG