Nói thế là để nhắc lại cái thời chúng tôi mới ra trường, để sáng tác hay thẩm định một tác phẩm văn chương, người cầm bút phải quán triệt các loại “tính” và các loại “chức năng” của văn học, nghệ thuật. Lúc bấy giờ, văn chương là mặt trận tư tưởng nên bao nhiêu nhà văn, khi cầm bút, họ ý thức đang cầm vũ khí để bảo vệ Tổ quốc của mình. Và sau này đọc lại nhật ký, hồi ký của Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu cũng như của Ngô Thảo trong "Dĩ vãng phía trước" ghi lại những buổi trà dư tửu hậu ở cơ quan Tạp chí Văn nghệ Quân đội thời sơ tán chống Mỹ... tôi hiểu đó là một hy sinh. Hy sinh ở đây cần hiểu không chỉ là tính mạng, tuổi trẻ, mà còn là hy sinh nghệ thuật: “Sống đã rồi hãy viết”, là hy sinh khi ở một trình độ khác nhưng để phục vụ quần chúng công nông binh phần nhiều mới qua bình dân học vụ, nhà văn đã chọn hình thức sáng tác phù hợp để văn nghệ dễ đi vào đời sống cách mạng và kháng chiến lúc bấy giờ.
Tình hình đời sống văn học có những thay đổi cả ở người viết, người đọc và cả ở người quản lý khi văn chương Việt bung nở từ sau đổi mới. Các loại “tính” như lý luận văn học trước đây yêu cầu, dường như không còn xuất hiện công khai trong đời sống văn chương dù rằng chúng có những biến hình nhất định. Với sự du nhập của nhiều lý thuyết mới, các nhà văn đã chọn cho mình cách thể hiện cuộc sống và con người phù hợp nhất với cái tạng của mình nên văn chương Việt đã mang diện mạo mới. Nhắc lại điều trên là tôi muốn nhắc lại vai trò của người cầm bút trong sự nghiệp bảo vệ cũng như xây dựng Tổ quốc mà đối tượng thể hiện là con người-cụ thể là người chiến sĩ-trong hoàn cảnh hiện nay không chỉ sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc mà còn có nhiệm vụ xây dựng Tổ quốc. Ở đây, tôi muốn đi sâu hơn một chút về mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữa dân tộc và nhân loại. Có một nhà văn nói rằng, cứ đi đến tận cùng những vấn đề của dân tộc thì sẽ gặp những vấn đề của nhân loại. Điều đó quả không sai.
Tôi nghĩ rằng nhìn lại nền văn học ra đời trong chiến tranh, cần thấy rõ cả nét ưu lẫn nhược để hoàn thiện hơn nền văn chương nước nhà trong bước phát triển mới là một việc cần làm đối với mỗi người cầm bút hôm nay. Hiện nay, lớp trẻ có tâm lý hướng ngoại, điều đó là cần thiết, nhất là trong cơ chế hội nhập. Phương Tây, phương Đông là một thế giới văn minh mà ở đó nhân loại đã có những bước tiến khá xa và thế hệ trẻ tìm hiểu, khám phá để phát triển đã trở thành một nhu cầu và đương nhiên sự phát triển của các cá nhân sẽ góp phần làm cho xã hội phát triển. Nền văn học ra đời trong chiến tranh vừa qua có được ưu điểm gì cho chúng ta tiếp tục, có những nhược điểm gì cho chúng ta rút kinh nghiệm là điều mà khi so sánh với các nền văn học khác chắc không khó lắm để thế hệ mới đang chiếm lĩnh văn đàn hôm nay nhận ra. Vô lẽ văn chương sử thi thống trị nền văn học một thời lại chỉ là nhược điểm: Nó chỉ là nhược điểm khi vì những lý do khác nhau, văn chương chưa đề cập đến những mặt khác của cuộc sống trong chiến tranh, của cuộc chiến tranh và chưa có những tác phẩm đỉnh cao.
Thực tế cho thấy cơ chế thị trường đã đặt người cầm bút trước những khó khăn mới, nhất là trong cuộc cạnh tranh với các phương tiện nghe nhìn mà sự phát triển và phổ biến của hai loại phương tiện này đang với tốc độ rất nhanh đẩy văn hóa đọc vào thế yếu, nhất là khi thời gian đối với mọi người không còn dư dả, sự bận bịu và áp lực về công việc đã đưa chức năng giải trí lên ngôi. Cho nên viết về người lính càng ngày càng trở nên một thách thức. Lâu nay, với cảm hứng sử thi, người đọc nói riêng và công chúng nói chung quen với hình ảnh người chiến sĩ-anh Bộ đội Cụ Hồ-là một hình mẫu lý tưởng về nhân cách, phẩm cách. Nay, viết về những con người đang sống và làm nhiệm vụ những nơi biên cương của Tổ quốc như thế nào để có thể hút người đọc hơn so với những phóng sự trên các đài truyền hình đã khó, mà xây dựng hình tượng người lính trên mặt trận kinh tế trong cơ chế thị trường khi người lính vẫn giữ vai trò là người chiến sĩ trong cuộc sống hiện nay thì quả là một thử thách không nhỏ với người viết. Tôi cho rằng, điều trước tiên, người viết cần tìm hiểu đối tượng từ các góc nhìn đạo đức, nhân cách, lối sống và phải có cảm hứng, phải có trách nhiệm trong việc thể hiện, xây dựng nhân vật bởi vì công chúng ngày nay, trong tương quan với trình độ người viết, với đối tượng văn học là người chiến sĩ, đều được nâng lên. Sức sống của nhân vật là sức sống của hình tượng nghệ thuật, nó sinh động, hấp dẫn ở tính chân thật của hình tượng. Trong sự đa dạng của người thưởng thức hôm nay, tôi nghĩ chọn hình thức nào để tiếp cận đối tượng bạn đọc cũng là điều nhà văn nên nghĩ đến.
2. Cuộc chiến tranh đã đi qua nhiều chục năm, đất nước thống nhất đã gần nửa thế kỷ. Chiến tranh tuy không còn là đề tài chính trong đời sống văn học nhưng vẫn là một đề tài có tầm ảnh hưởng không nhỏ đối với độc giả hiện nay, không chỉ từ phương diện nghệ thuật, công chúng cũng rất cần một quan niệm mới trong viết về chiến tranh.
Tôi vẫn nghĩ viết về chiến tranh có thể có hai xu hướng chính: Viết về cái tốt, cái mưu lược, quả cảm để khẳng định phẩm chất anh hùng của nhân dân ta trong quyết tâm bảo vệ đất nước và viết về chiến tranh là để chống chiến tranh, bởi chiến tranh gây ra bao nhiêu đau thương, tang tóc cho con người, làm xô lệch những chuẩn mực đạo đức mà có thể vào thời điểm đó, chưa chắc mấy ai đã nhận ra. "Mây cuối chân trời" được xuất bản khi nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đã mất nhưng ngay từ ngày đó, ông đã có cái nhìn về người mẹ của kẻ địch theo truyền thống của tình mẫu tử: Đã là mẹ thì người mẹ nào cũng yêu những đứa con mình đứt ruột đẻ ra. Tôi cho đó là một biểu hiện trong việc đổi mới tư duy nghệ thuật của nhà văn. Sự đổi mới đó đã được khẳng định từ trước khi "Đất trắng" là một trong những tác phẩm sớm nhất “dám” viết về thất bại trên chiến trường trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân đợt hai của Quân Giải phóng với những tổn thất lớn và những trận chạy càn liên miên để rồi bị đẩy lên xanh; vậy nhưng, như chúng ta đã biết, ngay từ khi mới ra đời, "Đất trắng" vẫn hấp dẫn người đọc vì tính chân thật của cuộc chiến đấu.
Tôi có những người bạn thân học cùng khóa đại học đi vào chiến trường đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Cho đến bây giờ, nhớ lại chuyến đi bộ vượt Trường Sơn hàng nửa năm trời, vào đến Nam Bộ, gầy chỉ còn da bọc xương, xanh xao vàng vọt, các bạn vẫn vui vẻ và hết mình khi nhận công việc được phân công. Các bạn ấy kể lại sự trong sáng của con người đối với nhau trong chiến tranh cũng như cuộc sống anh hùng của người lính, của những nữ thanh niên xung phong đã gặp trên đường, nên rất không đồng tình khi đọc trong các sáng tác về chiến tranh cho rằng phụ nữ khát dục, đàn ông trở thành những người hung bạo... rằng nếu cuộc chiến tranh được thể hiện như trong những cuốn tiểu thuyết a, b, c nào đó thì làm sao chúng ta có thể chiến thắng... Tôi xin được trở lại với ý trên của mình: Viết về chiến tranh ngoài ý nghĩa viết về chiến thắng, viết về cái cao cả, anh hùng của những con người hy sinh để giữ nước thì còn một ý nghĩa khác là viết để chống chiến tranh, bởi chiến tranh gây nên bao thảm họa cho con người. Đấy là nhiệm vụ của văn chương nghệ thuật. Tội ác của chiến tranh không chỉ thể hiện bằng những con số của những nhà viết sử mà điều này, như chúng ta đã biết, cũng không thiếu trong các tiểu thuyết tư liệu như của Hữu Mai, Văn Lê, Trần Mai Hạnh, Trầm Hương, Nguyễn Thị Ngọc Hải, trong nhật ký chiến tranh của nhiều chiến sĩ, liệt sĩ... -xu hướng phi hư cấu đã ghi dấu những thành tựu nhất định trong thời gian qua.
Về một phương diện khác, hình tượng nghệ thuật là lịch sử viết bằng văn mà khỏi nói thì ai cũng có thể tìm hiểu con người và cuộc sống của nước Nga, của Liên Xô trong những thời khắc chiến tranh khác nhau của Lev Tolstoy trong "Chiến tranh và hòa bình", của A.Tolstoy trong "Con đường đau khổ". Con người thì đa sự mà cuộc sống thì đa đoan, điều đó không chỉ có trong hòa bình. Có những người phụ nữ do hoàn cảnh sống quá khổ cực ở chiến trường đã bị bệnh bế kinh, trở nên như là không có giới tính và dị dạng về hình thức. Đó cũng là một thứ tội ác của chiến tranh. Khát dục là một chuyện bình thường ở những người phụ nữ bình thường, nhưng do thiếu thốn, gian khổ quá mà nhu cầu ấy biến chứng thành bệnh lý thì cũng là một biểu hiện khác của tội ác chiến tranh. Cách nhìn chiến tranh và con người như thế nào để thể hiện trong tác phẩm của mình là tùy thuộc vào tư tưởng nghệ thuật và cách tiếp cận, thể hiện vấn đề của nhà văn. Từ những thực tế của đời sống chiến tranh, điều đặt ra với các nhà văn là không nên coi chiến tranh là môi trường tôi luyện con người để “thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép sẽ trở nên cứng rắn” (Ostrovsky-"Thép đã tôi thế đấy") mà nên coi đó là một phép thử, ở đó con người sẽ bộc lộ những gì vốn có. Đó là chưa kể sau chiến tranh, có những người đã không giữ được phẩm chất tốt đẹp mà mình từng có trước đó. Từ điểm nhìn đó tìm sâu vào bản chất vấn đề để thấy rằng người lính cũng là con người, vậy đâu là nét đặc trưng khi họ được đặt trong môi trường chiến tranh?
Tôi thấy viết về chiến tranh ở thế hệ sinh ra sau chiến tranh cũng có biểu hiện tiếp cận khác hơn, cách thể hiện khác hơn, như Huỳnh Trọng Khang trong "Mộ phần tuổi trẻ" là một cách, như Phan Thúy Hà trong "Tôi là con gái của cha tôi", "Đừng kể tên tôi", "Những trích đoạn của các anh" là một cách. Như vậy là điểm nhìn về chiến tranh của những người cầm bút thế hệ sau đã có những cái khác: Họ đã yêu cuộc sống và con người, yêu hòa bình theo cách không giống với nhiều người ở thế hệ trước, trong đó có ý thức tránh mọi nỗi đau cho nhân dân cũng như ý thức hòa hợp dân tộc. Điều này liên quan ít nhiều đến vấn đề mà tôi có nhắc đến ở đầu bài, cũng là đồng quan niệm với một tiểu thuyết vừa mới xuất bản gần đây: “Đồng hành với các tác giả trẻ là thế hệ sau chúng ta”. Và “loại đề tài về chiến tranh và lịch sử, muốn giữ cách nào cũng thuộc về tác giả hậu sinh”.
PGS, TS TÔN PHƯƠNG LAN