Chiếc bánh gio có lẽ gắn với tuổi thơ của hầu hết những đứa trẻ sinh ra ở Đồng bằng Bắc Bộ thập niên 70 thế kỷ trước, như tôi. Ấy là nỗi mong chờ mỗi lúc mẹ đi chợ về, trong góc làn nhựa thi thoảng là dăm cái bánh gio. Nồng nồng mùi tro. Man mát vị đồng quê. Ngọt lịm mật mía...

leftcenterrightdel

 Bánh gio-mật mía - sự kết hợp hoàn hảo.

Bánh gio quen thuộc với từng làng quê, góc phố nơi Đồng bằng Bắc Bộ đến nỗi không ít người, như tôi, từng tưởng đó là một thứ quà dân dã có xuất xứ từ người Kinh. Thậm chí, ngay cái tên gọi “bánh gio”, cũng có lẽ là gọi chệch từ “bánh tro”, theo cách gọi của người ở Đồng bằng Bắc Bộ. Sau này, được đi nhiều, biết thêm, tôi mới hiểu thực chất bánh gio là món ăn truyền thống của người Tày vùng núi phía Bắc. Trong đó, nổi tiếng nhất là bánh gio Bắc Kạn.

Người Tày chế đốt một số loại thân cây như cây sấu, tầm gửi... sao cho tro được trắng mịn. Sau đó, tro được hòa với nước vôi có nồng độ thích hợp, để qua một đêm. Phần tro để làm bánh được nghiền nhỏ, lọc từng giọt như pha cà phê phin. Nước tro trong được đun nóng rồi đổ gạo xuống ngâm chừng 7 giờ đồng hồ. Gạo để gói bánh là loại nếp nương vừa dẻo, vừa thơm. Lá để gói bánh phải là lá chít bánh tẻ (một loại gần giống như cây lau, cây sậy, còn có tên gọi khác là cây đót), vì chỉ có loại lá này mới làm cho bánh có màu vàng sáng và dễ bóc, khi ăn có mùi thơm rất đặc trưng. Khi thưởng thức bánh gio, thực khách ăn kèm với nước mật từ đường mía được trồng trên đất cát, có màu vàng sậm, rất ngọt và thơm. Bánh gio ngon là phải mịn, dẻo, dai và có vị đậm đặc trưng, mát, lành và để được rất lâu.

Không biết từ bao giờ, chiếc bánh gio từ vùng núi cao đã xuống với Đồng bằng Bắc Bộ. Với những vật liệu sẵn có, người đồng bằng biến tấu bánh gio đi ít nhiều. Không sẵn nếp nương, người đồng bằng chọn loại nếp ngon đệ nhất là nếp cái hoa vàng. Nước tro là nước được lấy từ tro của một số loại quả hoặc cây, tùy bí quyết của mỗi người làm. Lá gói là lá dong đã được luộc sơ cho ra hết nước xanh. Hình dạng bánh do người đồng bằng làm cũng có sự khác biệt. Người Tày gói bánh hình tam giác, to, dày. Người đồng bằng gói thon, dài, dễ cắt thành từng miếng nhỏ khi ăn. Khi bóc, tấm bánh như một khối ngọc màu hổ phách trong vắt lộ ra, có thể nhìn thấu hạt gạo tan ra mướt mát. Cắt từng miếng nhỏ, nhẹ nhàng chấm vào bát mật mía màu vàng óng thơm phức mùi gừng, rồi nhẩn nha thưởng thức mới thấy hết sự hòa quyện ngọt mát... Bánh gio có hương vị nồng nồng, ngai ngái, nhưng khi ăn vào sẽ có vị thanh mát, thơm ngon và rất tốt cho đường tiêu hóa.

Bánh gio trước đây thường được làm vào dịp Tết Đoan Ngọ để cúng gia tiên. Tuy nhiên, do loại quà dân dã này ngon, bổ, rẻ, dành cho tất cả mọi người nên đã phổ biến ra cả nước. Thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, ở các tỉnh miền Bắc, ra chợ gặp bánh gio. Bánh gio đã trở thành món quà khó có thể thiếu trong cái làn đi chợ của mẹ, của chị.

Trong cuộc sống hiện đại, bánh gio cũng không tránh được “số phận” như nhiều loại quà dân dã khác. Đó là sự ít nhiều lãng quên. Người ta cần sự tiện dụng, bánh gio lại hơi rắc rối với lá, với mật. Người ta cần vội vã, bánh gio lại cần sự nhẩn nha...

Bài và ảnh: BẢO CHÂU