“Nhà văn trẻ” gần thất thập
Tháng 9-2024, Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn xuất bản tập truyện ngắn “Tình đất biên cương” của Đặng Văn Hương, quê ở xã Tứ Mỹ, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Hiện ông là hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Điều đáng nói ở đây là trước khi đến với nghề viết, ngoài thời gian tại ngũ ở Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 322, Quân đoàn 26 (Quân khu 1), ông Hương là giảng viên Toán, rồi sau đó công tác trong ngành giáo dục-đào tạo của tỉnh Phú Thọ đến lúc nghỉ hưu.
Tính đến nay, ngoài tập truyện ngắn xuất bản nói trên, Đặng Văn Hương còn có cuốn truyện ký “Tình yêu người lính” (NXB Thanh niên, 2021); tiểu thuyết “Hoa trong mắt bão” (NXB Hội Nhà văn, 2023). Hiện ông được xem là “nhà văn trẻ” của tỉnh Phú Thọ. Bởi những sáng tác của ông chỉ mới xuất hiện từ khi ông về nghỉ chế độ vào năm 2018 đến nay.
|
|
Tác giả Đặng Văn Hương trao sách tặng độc giả. Ảnh: HÙNG HÀ |
Bà Đỗ Nguyên Thương, Trưởng chi hội Lý luận-Phê bình và văn hóa dân gian, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ đánh giá: “Tình đất biên cương” là tập truyện ngắn giàu giá trị hiện thực và giá trị nhân văn, ngợi ca những phẩm chất cao quý của người Việt Nam, đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đọc "Tình đất biên cương" thêm yêu phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thêm trọng nét đẹp truyền thống, tình đoàn kết quân dân và khắc sâu lòng biết ơn dành cho những người đã hiến dâng tính mạng của mình cho Tổ quốc. Chính họ đã dệt nên khúc khải hoàn để bài ca về cuộc sống mãi mãi ngân vang trong tâm trí mỗi người”.
Phần lớn truyện ngắn của Đặng Văn Hương được diễn đạt trôi chảy theo một mạch cảm hứng chân thật, đúc kết thực tiễn mà ông từng trải qua. Nhiều câu, đoạn có chất thơ. Điều đó phản ánh năng lực và niềm yêu say cuộc sống, yêu thích thơ ca của một thầy giáo dạy Toán mang trong mình phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Ông tâm sự, nhà văn Nga Maksim Gorky từng nói: "Bản chất con người là nghệ sĩ" và "văn học là nhân học”. Thế nên, việc ông theo đuổi và trở thành “nghệ sĩ” cũng là việc bình thường ở đời. Ông kể, trước kia, khi còn công tác, công việc của một nhà giáo, một cán bộ quản lý giáo dục luôn khiến ông bận mải mà chẳng có thời gian thỏa đáng để viết cho "ra tấm ra món", đặc biệt là những câu chuyện của những người lính sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về với cuộc sống đời thường. Chỉ khi về hưu, ông mới có thời gian chiêm nghiệm lại cuộc sống và học hỏi cách viết nói chung, viết truyện ngắn nói riêng để có cơ sở thỏa sức với việc sáng tạo con chữ và rẽ vào địa hạt văn chương.
Tôi tâm đắc với đánh giá của bà Đỗ Nguyên Thương, tuy đã gần cái tuổi "xưa nay hiếm", Đặng Văn Hương là cây viết "trẻ", nghiệp dư, chưa hề qua một khóa tập huấn, nhưng trong khoảng thời gian ngắn đã cho ra nhiều tác phẩm, chứng tỏ sức lao động cần mẫn, nhiệt thành, đam mê của ông. Điều đó cũng cho hay, nếu đủ đam mê, nếu đủ thời gian cho văn học, cho sáng tạo thì sẽ có tác phẩm cho dù rất vất vả với thức đêm, với suy nghĩ.
Lính kỹ thuật đam mê viết
Tôi gặp Mai Văn Đông lần đầu tiên ở trại viết ký về điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức ở Hạ Long năm 2009. Trước đó, cùng là cộng tác viên của Báo Quân đội nhân dân nên tôi đã “gặp” khá nhiều tin, bài, ảnh của anh trên các số báo. Nhưng khi trò chuyện, tôi không ngờ anh lại là “dân” kỹ thuật chính hiệu ở Trường Sĩ quan Không quân, chứ không phải là “dân” tuyên huấn như tôi vẫn phỏng đoán.
Thực ra cũng không hiếm người ở những ngành nghề chẳng liên quan gì đến chữ nghĩa mà vẫn viết, thậm chí viết nhiều, viết hay. Mai Văn Đông cũng vậy. Anh xông xáo, đam mê viết và viết khá hay đã đành, nhưng điều đáng kể ra đây là hầu như chỉ với góc độ một đề tài ở một ngôi trường mà anh khai thác không bao giờ cạn: Trường Sĩ quan Không quân và những người lính quân phục màu xanh da trời.
Ở trại viết lần ấy, tôi được ban tổ chức phân công hướng dẫn, giúp đỡ các trại viên viết bài. Chất liệu thì họ đã mang sẵn từ các đơn vị trong toàn quân, đến đây chỉ là làm thế nào “chế biến”, “nhào trộn” cho ra tác phẩm, mà phải là dạng ký: Ký về chân dung nhân vật, ký về đơn vị điển hình... Tôi được Mai Văn Đông chia sẻ rằng anh đang là nhân viên của Phòng Kỹ thuật nhà trường, chuyên đảm nhiệm việc dự trù, nhận và cấp phát bảo đảm vật tư kỹ thuật cho hoạt động huấn luyện, đào tạo. Nhân vật anh sẽ viết là thủ trưởng, đồng chí Chủ nhiệm Kỹ thuật, người cán bộ có nhiều thành tích xuất sắc. Anh rất hiểu bởi đã nhiều năm được tiếp xúc, làm việc cùng thủ trưởng, tuy thế, bắt tay vào viết lại thấy khó quá. Viết theo dạng bài phản ánh nhân vật vẫn đăng báo thì không khó, nhưng đây lại là thể ký, anh chưa từng “chạm” bao giờ. Tôi rất chia sẻ với những trăn trở của anh và động viên: “Anh hãy viết như mình kể chuyện cho người khác nghe. Đã là kể chuyện thì phải có... chuyện, tức là từ những chuyện hằng ngày tưởng như không có gì mà anh hãy cố gắng hình dung lại để tìm thấy chi tiết thú vị nào đấy về nhân vật, kể bằng giọng văn miêu tả làm người nghe, người đọc dù chưa gặp nhân vật mà lại hiểu được, hình dung được cả việc làm, tính cách, tâm trạng... chứ không giống báo cáo thành tích khô cứng”.
|
|
Mai Văn Đông, người viết không chuyên tác giả cuốn sách "Mái trường nâng cánh những giấc mơ bay". Ảnh: CÔNG THI
|
Dù gật đầu, nhưng tôi thấy anh vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng. Ấy nhưng chỉ độ một hai ngày sau, gặp lại anh, tôi thấy anh vui vẻ “khoe” rằng đã viết về người thủ trưởng với “bản nháp” lên tới mấy nghìn từ, chưa kịp gọt giũa nhưng đã như thoát được nỗi lo lúc ban đầu.
Tôi mừng cho anh, và quả thật, sau đấy, được đọc bài ký “Anh chủ nhiệm” của Mai Văn Đông, tôi đã thấy sự bứt phá trong lối viết, đặc biệt là cảm xúc gần gũi, chân thành như chính con người anh vậy.
Sau trại viết, có lẽ từ sự trải nghiệm viết ký mà tôi theo dõi thấy các bài viết của anh đăng trên Báo Quân đội nhân dân, hay có lúc anh gửi tôi đăng trên Tạp chí Văn hóa quân sự, “chất văn” đã đậm hơn nhiều so với những bài trước đó. Đặc biệt, với sự am hiểu và theo sát quá trình huấn luyện, đào tạo, cùng với cảm xúc dạt dào, Mai Văn Đông đã cho ra đời nhiều bài ký về lính bay, về mái trường mà anh đã gắn bó trọn cuộc đời quân ngũ. Viết về đồng đội, đồng nghiệp mình, Mai Văn Đông viết nhẹ nhàng, dung dị, không “lên gân lên cốt” và luôn cố gắng làm mới, tránh sự trùng lặp, có lẽ chính vì thế mà qua bao bài viết, anh vẫn được mọi người yêu mến, các cơ quan báo, tạp chí anh cộng tác rất tin cậy.
Một điểm nữa có thể nói là thế mạnh của Mai Văn Đông là dù không phải tay máy chuyên nghiệp, không được đào tạo chuyên về ảnh, song anh cũng đã có rất nhiều ảnh đẹp, ấn tượng đi kèm các bài viết để làm tăng thêm hiệu quả cho tác phẩm. Tôi chắc các bạn đọc sẽ còn ấn tượng mãi về bộ ảnh anh lấy tên là “Niềm tin trên những cánh bay”, đăng trên Tạp chí Văn hóa quân sự số tháng 8-2016. Qua bộ ảnh, độc giả hiểu thêm về những khổ luyện và sự dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy của mỗi kíp bay cũng như công việc bảo đảm, phối hợp hiệp đồng của rất nhiều bộ phận, trong đó có ngành kỹ thuật mà Mai Văn Đông là một thành viên.
Được biết, cuối năm 2024 này, anh sẽ hoàn thành nhiệm vụ sau gần 40 năm quân ngũ. Nghĩ đến điều đó, bỗng dưng tôi thấy tiếc, bởi anh còn rất sung sức, tận tâm với công việc chuyên môn, say mê viết báo. Còn anh thì lại rất vui vẻ khi nghĩ rằng, đến hạn thì nghỉ, nhưng duyên nợ với “nghiệp” cầm bút thì đâu đã nghỉ, còn sức, anh sẽ còn viết về người lính bay, viết về mái trường của anh. Tôi bày tỏ và anh cũng đồng tình rằng nên tuyển chọn những bài viết tâm đắc để xuất bản một cuốn sách là một sản phẩm văn hóa làm kỷ niệm, cũng là để làm món quà nhỏ tặng bạn bè, đồng đội, người thân.
Xin không bình về cuốn sách nhỏ này mà để bạn đọc khi cầm trên tay cảm nhận. Tôi, với tư cách một người bạn, người theo dõi chặng đường viết của anh, xin được chúc mừng và mong anh hãy mãi là một cây bút nhiệt tâm. Hy vọng, khi có nhiều thời gian hơn, anh sẽ có thêm nhiều tác phẩm ký, thậm chí cả thể loại văn học khác nữa viết về người lính bay, về mái trường thân yêu của anh với độ sâu, dày dặn hơn nữa, để nay mai tôi lại được làm “bà đỡ” cho tác phẩm mới của anh!
HOÀNG SÁU - ĐỨC TÂM