- Ơ hơ, này cháu gái của ông, cháu biết bố của Quàng Văn Mót là con hoang chứ? Bà nó chửa buộm đẻ bố nó từ chiến trường. Bây giờ nhận nó làm rể, con ma nhà ta không biết ông nội nó thì không nhận nó làm người nhà được đâu, rồi lại chết sớm như mẹ nó thôi.
Lò Thị Tưng đỏ mặt:
- Nhưng mà cháu yêu anh Mót, không cho cháu lấy là cháu không lấy ai đâu. Cháu mặc kệ đấy!
- Ơ này, cháu gái dám cãi lời ta hả? Ta đi đánh Mỹ về, sinh được mỗi bố cháu. Bố cháu sinh được mỗi cháu làm con, giờ chúng ta nuôi cháu đã được mười tám mùa rét lộc. Mấy mùa lúa nương nay, cháu gái đã như có ánh lửa cháy trong mắt, hoa đào đỏ trên môi, giờ thấy chúng ta già nên không nghe lời chúng ta nói à?
- Cháu vẫn thương ông còn mảnh đạn trong đầu, bà đã già yếu, trái nắng trở trời đau xương, nhức thịt nên không dám cãi lời, nhưng cháu chỉ yêu con trai nhà họ Quàng thôi. Ông bà cho thì lấy, không cho thì cháu cứ ở vậy một mình thật mà. Cháu không yêu người khác đâu.
Ông nội Tưng mắng cháu gái một hồi bởi ngoài cái lý Mót không có ông nội, ông còn muốn làm bà nội Mót phải đau lòng. Thời chưa đi bộ đội đánh Mỹ, ông đến chọc sàn mấy lần mà bà không cho ông cậy cửa. Ngày ấy, bà là người con gái Thái đẹp trong bản, bà chẳng cho ai đến ngủ thăm, bảo đi đánh Mỹ xong về mới lấy chồng.
Đến khi bà phục viên mang theo con trai về bản, ông nội Tưng càng tức. Ông bảo bà đã chê ông, chê con trai bản này sao không kiếm được chồng tử tế lại chửa buộm làm xấu hổ cả dân bản. Ông xúi dân bản không gả con gái cho con trai bà.
Dân bản ai cũng thích tính Mót, bởi Mót biết quý mọi người. Ra đường thấy trẻ con gánh nhiều, Mót biết gánh đỡ; lên nương thấy người già đeo nặng, Mót biết mang hộ; thấy bạn bè buồn, Mót biết hỏi thăm; thấy đám vui, Mót biết tươi nét mặt.
Mỗi tội hai mươi mùa cái măng lên ngọn rồi mà Mót chẳng chịu đi chọc sàn con gái nhà nào, chỉ ngồi nhà đấm lưng bóp chân cho bà nội.
Bà nội Mót năm nay tóc bạc nửa đầu, lưng đã còng còng, mặt mũi nhăn nhúm bởi vết bỏng napan, trái nắng trở trời bà nói không nên tiếng vì bị sức ép bom từ hồi ở Nam Lào. Sau khi mẹ Mót chết, trong bản rộ lên cái tin bố Mót là con hoang nên thần bản không cho mẹ Mót sống cùng nhà. Từ đó chẳng ai dám về thay làm mẹ Mót cả.
Có lẽ vì thế ba mùa đông nay bà cho bố Mót đi làm ăn xa. Bố Mót cũng bảo bao giờ kiếm được mẹ cho Mót thì mới về. Mót ở nhà với bà.
Chắc bà thương đứa cháu vắng bố, lại khổ vì chăm sóc bà nên chẳng kêu đau, kêu mệt bao giờ. Thấy Mót chẳng nghĩ gì đến việc tìm vợ, bà buồn bảo:
- Cháu phải đi chọc sàn nhà người ta kiếm cháu dâu về cho bà, chứ cứ ở nhà bóp chân cho bà thì bao giờ bà mới có cháu bế. Không có cháu bế thì bà chết con mắt làm sao nhắm được.
- Bản mình chẳng ai chịu gả con cho cháu đâu bà ơi. Bao giờ bố cháu mang mẹ về cho cháu may ra người ta mới chịu nhận cháu làm rể, lúc ấy cháu đi chọc sàn cũng được mà.
Nghe cháu nội nói, bà rầu cái bụng lắm, nước mắt cứ chực ậng ra.
*
* *
Mùa đông năm nay rét quá. Bầu trời xám xịt đem mây từ đỉnh núi Khe Cút xuống lấp mù cả bản. Gió bấc rít u u, thổi thông thốc, cuốn những chiếc lá vàng trên cây sui già đầu bản ném ra xa tít tận cuối cánh đồng Gò Lau. Dân bản suốt ngày co ro bên các bếp lửa, không mấy ai ló mặt lên nương. Trâu bò cũng im cái mõ, không lốc cốc đi kiếm ăn gặm cỏ, chỉ ủ rũ đứng trong chuồng nhai rơm khô.
Ông nội Tưng thương con trâu, con lợn nên lụi hụi ôm mấy bó lá cọ ra che cho chúng khỏi rét. Đang hý hoáy dặm dọi, bỗng một cơn gió lạnh thốc tới, ông thấy hoa hết mặt mũi, vết thương trong đầu trở chứng, đau như gai đâm nứa chọc, ông quỵ xuống bên rào, mê đi, không biết gì nữa.
Vừa lúc đó Quàng Văn Mót đi ngang qua, thấy vậy bèn bế xốc ông lên, phăm phăm vượt qua sân, đưa ông lên nhà. Bố mẹ Tưng sợ quá, lóng ngóng chẳng biết làm gì. Mót nhẹ nhàng đặt ông nằm bên bếp lửa hồng, gọi Tưng lấy khăn nóng lau, lấy chăn ấm ủ, lại cậy mồm bón nước gừng nóng cho ông.
Chừng nửa canh giờ thì ông tỉnh. Cả nhà Tưng rối rít cảm ơn Mót. Ông nội Tưng vừa cựa mình vừa thong thả buông từng câu trong hơi ấm bếp lửa như muốn đuổi Quàng Văn Mót:
- Ồ, ta biết... mệnh mình mà. Con ma nhà ta... thiêng lắm, nó bảo vệ ta đấy, ta chết làm sao được. Con dâu làm thịt cho ta con gà nhiều cựa để tối ta cúng con ma đã cứu ta hẩy.
Quàng Văn Mót xin phép về, Tưng đưa Mót xuống cầu thang. Chưa kịp nói lời chia tay, Tưng đã nghe ông nội gọi lấy nước cho ông uống, đành phải nhao nhác đi lên, không dám trái lời.
Thế rồi mùa rét cũng qua đi. Những làn gió ấm đã về xui hoa mận nở trắng trong làn mưa bụi nhẹ rây khắp rừng, khắp bản. Những cành đào phai cũng chum chúm nụ. Cả bản chuẩn bị đón mùa xuân về. Trên bãi đất rộng đầu bản, một cây đu lớn đã được dựng lên. Váy áo mới cũng được các cô gái Thái sửa soạn khoe cùng mùa Tết. Đâu đó có tiếng lợn kêu, tiếng người gọi nhau chia phần hối hả. Trời về chiều, sương lam mờ càng làm bếp lửa thêm hồng, thêm ấm.
Bỗng, trên con đường vào bản có tiếng ô tô. Chiếc xe U oát đầy bụi dừng lại. Hai người đàn ông hấp tấp xuống xe. Cả bản ngẩn người theo dõi. Người đàn ông già mặc quân phục màu cỏ úa, còn người trẻ không xa lạ gì bởi đó là bố của Quàng Văn Mót. Người trước người sau, họ rảo bước lên ngôi nhà cuối bản.
Ông nội Tưng ngồi trong nhà nhìn ra, thấy người đàn ông mặc quân phục có dáng rất quen như gặp ở đâu rồi nhưng không sao nhớ nổi.
*
* *
Tin nhà họ Quàng có khách quý từ bên nước bạn Lào sang thăm chẳng mấy chốc lan ra cả bản. Người ta đồn rằng bố Quàng Văn Mót sang Lào làm ăn chắc gặp bạn tốt nên đưa về thăm nhà. Riêng ông nội Tưng lại thì thầm bảo con cháu, có thể người đàn ông lạ ấy là ông nội Quàng Văn Mót đấy. Ông chỉ băn khoăn không biết người ấy là ai mà sao quen đến thế.
Ăn cơm tối xong, chừng lúc trâu đã thôi rung mõ, dân bản lục tục sang nhà họ Quàng uống nước thăm hỏi trò chuyện. Ông nội Tưng nằm khoèo ở nhà vì từ ngày xuất ngũ chẳng bao giờ ông đặt chân đến nhà họ Quàng ấy cả. Ông vắt tay lên trán, đăm chiêu cố nhớ xem đã gặp người đàn ông ấy bao giờ.
Bỗng ông ngồi phắt dậy như chợt nhớ ra điều gì, miệng lẩm bà lẩm bẩm:
- A Nhanh... Có phải A Nhanh không nhỉ? Hình như là A Nhanh rồi.
Ông vội khoác thêm áo ấm, rút nắm đóm đang cháy, xỏ đôi dép rồi vội vã sang nhà họ Quàng. Bước chân ông thoáng ngập ngừng nhưng rồi ông lại lập cập đi tiếp.
Ông dụi đóm rồi bước vào gian khách nhà họ Quàng. Từ trong tối, ông định thần nhìn kỹ. Thôi đúng rồi, đúng là A Nhanh thật rồi. Ông reo to:
- A Nhanh! Có phải A Nhanh đấy không?
Mọi người trong nhà sững lại. Người đàn ông lạ mặt lúng túng, thần ra hỏi lại:
- Ai đấy nhỉ? Ai lại biết tên cúng cơm của ta vậy?
Ông nội Tưng rẽ mọi người xô lại:
- Páo đây, A Nhanh nhớ Páo không? Páo, trinh sát Tiểu đoàn 15 bộ đội Việt Nam đây.
- Ô, Páo à, đúng Páo rồi. Anh cũng ở bản đây à?
- Vâng, tôi ở bản này mà. Anh ở lành chứ?
- A Nhanh ở lành thôi.
Hai người ôm nhau, mắt nhòa đi vì lệ. Dân bản chứng kiến tình cảm của họ rất cảm động, bấm nhau về nghỉ để họ giãi bày tâm sự.
Tự nhiên kỷ niệm từ thời trai trẻ ùa về trong lòng ông Páo.
Đó là vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Trong một trận phối thuộc giữa bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào đánh cao điểm Đồi Không Tên, Páo cùng tổ trinh sát Tiểu đoàn 15 bộ đội Viêt Nam và A Nhanh trinh sát bộ đội Lào được giao nhiệm vụ trinh sát cứ điểm địch để Bộ chỉ huy liên quân lập kế hoạch tiêu diệt.
Không may cho họ, trên đường rút về, tổ trinh sát bị địch phát hiện. Pháo sáng địch thả đầy trời, soi rõ từng cành cây, bụi cỏ. Tiếng súng AR-15, tiếng toóc đùng của địch nổ như ngô rang, đạn bay chiu chít trên đầu họ đến gần sáng mới ngớt. Chính lúc đó, Páo bị một quả toóc đùng nổ gần, mảnh đạn văng vào đầu khiến anh gục xuống. Tổ trinh sát giao cho A Nhanh dìu Páo vào bản Lào Lum gần đấy nhờ nhân dân giúp đỡ để tổ rút về báo cáo đơn vị cho kịp thời gian.
Suốt thời gian ở bản, A Nhanh luôn bên Páo, chăm sóc cho Páo từng miếng cơm, hớp cháo như hình với bóng. Hai người kể cho nhau nghe chuyện về quê hương, về gia đình. Tình cảm của họ thật thắm thiết.
Rồi Páo đỡ dần, được đơn vị đưa về bệnh viện dã chiến tiền phương điều trị. Từ đó họ bặt tin nhau.
Không ngờ hôm nay lại được gặp lại, tay trong tay ôm nhau như ngày còn ở mặt trận.
Bỗng ông Páo như chợt nhớ ra điều gì, giật mình hỏi A Nhanh:
- Thế vợ con A Nhanh bây giờ thế nào, có khỏe không?
- Con mình khỏe. Nó đấy, thằng A Luôn bố A Mót đấy. Nó là con mình mà.
Ông Páo giật nảy mình, miệng lắp bắp:
- Quàng... Văn... Luôn... là... con... ông? Thật không? Thế ra bà Phiêu là...
- Không, vợ mình chết rồi, chính bà Phiêu cứu A Luôn con mình thoát chết và là ân nhân nuôi thằng Luôn đến giờ. Hòa bình, bà Phiêu gửi thư về quê mình tìm bố cho A Luôn, nhưng A Nhanh đi công tác ở tận Tỉnh đội Salavan nên không nhận được. Mãi vừa rồi, bà cho Luôn về, dò hỏi, tìm mãi bố con mới gặp được nhau. Gặp nhau là A Nhanh thu xếp công việc rồi bố con về Việt Nam thăm và xin đón bà Phiêu sang Lào với bố con mình đây.
Ông Páo nghe câu được câu chăng, đầu óc hoa lên, choáng váng, ông gục xuống chiếu, lẩm bẩm đứt đoạn như định nói cho một mình mình nghe:
- Chết thôi... Ta trách... lầm người rồi... Phiêu ơi là Phiêu.
*
* *
Khi tỉnh dậy, ông Páo mới nghe hết câu chuyện.
Thì ra khi đó ông và bà Phiêu ở cùng một mặt trận. Bà Phiêu vào bộ đội được đi học lớp y tá cấp tốc rồi vào chiến trường. Trong Chiến dịch Nam Lào, bà ở trạm phẫu thuật tiền phương trung đoàn. Địch thua đau, phải rút chạy khỏi Bản Đông. Để an toàn, địch đã trút bom nhằm ngăn chặn quân ta truy kích. Bản Lào nơi mẹ con Luôn ở bị trúng bom, lửa cháy ngùn ngụt. Trạm phẫu thuật của bà Phiêu được lệnh tập trung cứu dân. Mẹ Luôn chết trong trận bom đó, còn bà Phiêu bị bỏng nhưng vẫn cố bế Luôn lết ra ngoài an toàn. Luôn không còn mẹ, cũng không biết bố ở đâu, bà Phiêu xin với chỉ huy trung đoàn nhận Luôn làm con. Khi đó Luôn mới biết bò và bà Phiêu cũng chỉ nhớ được mẹ con Luôn là người làng Pananhit.
Phục viên về làng, biết mình không còn xinh đẹp như xưa, bà Phiêu ở vậy, làm giấy khai sinh cho Luôn theo họ mình, dựng vợ gả chồng, chăm con chăm cháu cho đến ngày nay. Ba năm trở về trước, sau khi thư từ không được, bà cho Quàng Văn Luôn về quê cũ tìm bố.
Ông Páo nghe xong đầu đuôi câu chuyện, lại nghe A Nhanh xin đón con cháu bà Phiêu về Lào, nghẹn ngào xụp xuống lạy bà Phiêu:
- Tôi sai nhiều rồi, sai nhiều rồi bà Phiêu ơi. Tôi đã nói lời xấu về bà, đã chê Quàng Văn Luôn để nó không lấy được vợ bản, đã cản trở, không cho con cháu họ Lò yêu Quàng Văn Mót. Tôi xấu quá rồi, không đáng là người Thái tốt nữa. Bà hãy phỉ nhổ tôi đi bà Phiêu ơi.
Bà Phiêu đỡ tay ông Páo:
- Thôi mà ông Páo ơi, tôi biết ông không ưng tôi từ lâu rồi, biết những lời ông nói, biết cái việc ông làm, tôi buồn và giận ông lắm. Nhưng đừng đem cái xấu của người già mình buộc vào đời lũ trẻ mà khổ chúng nó. Chúng nó như con chim non, nào có tội tình gì.
Nói rồi bà quay sang ông A Nhanh:
- Ông A Nhanh à, lòng tôi biết ơn ông nhiều lắm, nhưng tôi không sang Lào cùng ông và con cháu được. Tôi già rồi, dù yêu đất Lào nhiều, nhưng người bản này cũng đã thương tôi một đời. Tôi phải ở với họ để yêu lại họ thôi.
Lúc này Quàng Văn Luôn mới xin được nói:
- Con cũng yêu bản này lắm. Con lớn lên ở đây, xương cốt vợ con nằm ở đây, vì vậy xin bố và dân bản cho con ở lại, thi thoảng con sẽ về thăm bố.
Quàng Văn Mót rơm rớm nước mắt:
- Con cũng xin ở lại chăm sóc bà, bà già rồi, cả một đời vất vả vì con vì cháu. Giờ trái nắng trở trời bà hay đau xương mỏi cốt, con phải ở lại để thỉnh thoảng còn bóp chân tay cho bà. Vả lại, con đã đem lòng thương yêu cháu gái nhà họ Lò rồi, không xa nhau được.
Không khí trong nhà như trầm lắng xuống. Bà Phiêu đắn đo một lát rồi chậm rãi:
- Con chim có tổ, con người có gốc. Quàng Văn Luôn, Quàng Văn Mót là con cháu ta, cũng là dân người Thái bản này, tất có quyền ở cùng dân bản. Nhưng người sinh ra con, đất nước tạo hồn tạo cốt cho con là ông bà A Nhanh, là đất nước Lào yêu quý. Con, cháu dù thương ta nhưng cũng không thể vì thế mà bỏ A Nhanh, bỏ nước Lào được. Phải theo ông A Nhanh về xây dựng nhà mình, nước mình thôi.
Ông Páo nói như van lơn:
- Thế còn tình yêu của cháu ta thì sao? Chúng nó không yêu được nhau thì khổ lắm, ta chết cái hồn không lìa khỏi xác được đâu.
Ông A Nhanh thấu hết cái tình cái nghĩa của mọi người, của con trai, của cháu nội, ông xúc động:
- Hai nước Lào-Việt mình như anh em, thủy chung son sắt như ruột thịt. Xây dựng nước Lào cũng như xây dựng nước Việt. Vì thế mình ở đâu cũng vậy cả. A Luôn và A Mót cứ ở đây với mẹ, với bà cũng như ở đất Lào mình. Con người sống cốt ở tình nghĩa. Hãy yêu nhau hết lòng, rồi sinh con đẻ cái cho chắc cái dòng, cho bền cái họ. Rỗi rãi sang thăm ta, thế là tốt rồi.
Một lần nữa ông Páo ôm chầm lấy ông A Nhanh. Họ ôm nhau thân thiết như hai người lính năm nào. Lò Thị Tưng cùng bố mẹ sang tự lúc nào cũng ùa vào. Mọi người vui vẻ tưng bừng bên vò rượu cần Quàng Văn Mót vừa bưng ra. Nhìn đôi trẻ tay trong tay, mắt môi như thoa phấn mùa xuân, ai cũng vui cái bụng.
Truyện ngắn của VŨ QUỐC KHÁNH