Truy kích địch sớm hơn dự định

Con đường xuyên thôn xóm, dọc các tỉnh Khu 4 mòn theo vết chân hành quân của sư đoàn, ngoắt ngoéo thành từng chặng hướng về phía nam. Anh em đã chuẩn bị "cái tết trên vai", đón lời chúc mừng năm mới của Bác Tôn trên đường hành quân. Một cái tết có nhiều ý nghĩa đối với Sư đoàn Quân Tiên Phong. Cả sư đoàn khẩn trương bước vào cuộc tiến công tiêu diệt tuyến phòng thủ phía bắc của Mỹ-ngụy.

Giữa trưa 30-3-1972, tín hiệu vô tuyến điện phát lệnh đặc biệt "Bão táp 1"! Chiến dịch bắt đầu. Chưa bao giờ kẻ địch lại bị bất ngờ trước đòn tiến công của chúng ta đến thế. Phòng tuyến của địch trên cả ba mặt đều bị áp đảo. Ở phía tây, các cao điểm: Đầu Mầu, Mai Lộc, 241, 544... bị các sư đoàn bạn bao vây tiến công. Hướng bắc, pháo binh ta dập trúng đầu địch ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang... Trong chiến công đó, phải nhắc đến những loạt đạn chính xác của Tiểu đoàn 10 lựu pháo 120 thuộc Trung đoàn 58. Những khẩu sơn pháo đã từng lập công diệt 10 tàu chiến và hàng trăm tên địch trên sông Lô năm xưa, nay đã đập nát căn cứ Đồi Tròn với gần 1 nghìn viên đạn trúng như rót lỗ. Căn cứ Cửa Việt ở hướng đông cũng bị ta tiến công mạnh.

Sư đoàn được lệnh tiến công từ phía bắc sớm hơn dự định. Kẻ địch không chịu nổi hỏa lực của ta đã tháo chạy. Sư đoàn tổ chức truy kích địch. Trung đoàn 36 chia làm hai hướng cùng với xe tăng vượt Cầu Đuồi và chọc thẳng theo Quốc lộ 1. Tiểu đoàn 7 thuộc Trung đoàn 102 vượt sông Cam Lộ, truy kích địch theo Đường 9.

Ở Trung đoàn 36, các chiến sĩ đã dùng súng bộ binh bắn rơi một máy bay trực thăng, bắt sống tên giặc lái Mỹ trên đường đơn vị hành tiến. 14 chiến sĩ tiểu đoàn 1 do Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Hải Triều chỉ huy, chạy bộ, bám sát xe tăng của đơn vị phối thuộc. Cầu Đông Hà đang cháy. Xe tăng ta phải chững lại. Không chần chừ, Chính trị viên Triều dẫn các chiến sĩ vượt qua cầu lửa. Bọn địch phát hiện được lực lượng tiến công liền dùng đại liên bắn chặn đường. Anh Triều nhận ra hướng phát triển mới. Men theo những dầm cầu gãy đổ, Triều dẫn anh em tụt xuống mố cầu và triển khai lực lượng chiến đấu. Với tác phong nhanh nhẹn, hành động kiên quyết, chiến sĩ ta đánh bật bộ phận tiền tiêu của địch ở đầu cầu, vượt qua bốn ụ súng. Triều dẫn anh em đánh phát triển giữ bàn đạp chuẩn bị cho Đại đội 2 chuyển quân chiếm lĩnh trận địa.

Hỏa lực địch dày đặc. Chính trị viên Triều và Trợ lý tác huấn Mừng bị thương. Thấy lực lượng ta ít, địch tổ chức phản kích. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra quyết liệt. 4 giờ sáng, bọn địch lùi về phía bắc đầu cầu. Ta phá tan 4 hỏa điểm và tiêu diệt 20 tên địch. Những chiến sĩ anh dũng hy sinh trong trận đánh này là những người đầu tiên đổ máu cho thắng lợi Đông Hà. Ở hướng tiến công khác, Chủ nhiệm hậu cần trung đoàn Nguyễn Văn Thích lấy xe GMC của địch chở các đơn vị vượt Cầu Đuồi tiến về Đông Hà.

Đông Hà - thước đo lòng dũng cảm

Địch chọn Đông Hà làm chiến tuyến mới. Bọn tướng lĩnh quân đoàn 1 ngụy khẩn cấp tổ chức lại lực lượng tại chỗ. Viện binh "chiến lược" từ phía sau được tung ra. Lực lượng của địch ở đây tăng lên 2 trung đoàn bộ binh, 8 đại đội bảo an và 2 thiết đoàn. Thiết đoàn 20, trang bị bằng xe tăng M48 mà kẻ địch huênh hoang là mạnh nhất Đông Dương, từ Ái Tử kéo ra. Xe bọc thép của địch lên tới 140 chiếc. Mạng lưới pháo binh yểm trợ của chúng có ngót 100 khẩu. Hằng ngày, máy bay chiến thuật và B-52 đánh phá chung quanh, bảo vệ tuyến phòng thủ. Đông Hà tựa lưng vào Ái Tử và thị xã Quảng Trị thành một hệ thống cố thủ của địch. Lực lượng địch tập trung ở Đông Hà mạnh nhất.

Đông Hà-mục tiêu tiến công chủ yếu của sư đoàn trở thành thước đo lòng dũng cảm, phẩm chất cách mạng và tài năng chỉ huy chiến đấu của mọi cán bộ, chiến sĩ. Vượt qua khó khăn, gian khổ và ác liệt chưa từng có, cả đơn vị ngày đêm bám chắc trận địa, vây lấn tạo thế khẩn trương bước vào trận đánh quyết định thực hiện bằng được ý đồ chiến lược của cấp trên.

Trung đoàn 36 ở trong địa hình bất lợi nhưng đã chiến đấu quyết liệt để giữ vững thôn Tây, làm bàn đạp tiến công. Trên tuyến phía tây, bọn địch chốt thành từng cụm ở điểm cao 30, 28, 37, 23... Tận dụng khả năng chống đỡ của vỏ thép và sức cơ động của xe tăng, chúng kết hợp với bộ binh, đóng thành từng cụm tạo nên tuyến phòng thủ liên hoàn bảo vệ Đông Hà. Ở vòng ngoài, chúng luôn luôn thay đổi vị trí. Xe tăng được ngụy trang trong các công sự. Bộ binh dựa vào xe tăng che chở. Địch gọi đó là chiến thuật "di tản". Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Sư đoàn chỉ thị cho các đơn vị bám sát địch, tìm ra cách đánh mới. Xương sống của chiến thuật "di tản" là lực lượng xe tăng. Trị được xe tăng là bẻ gãy sức cơ động và hỏa lực của địch. Phong trào săn lùng xe tăng trở thành hành động cách mạng của mọi cán bộ, chiến sĩ các đơn vị. Tiểu đoàn 3 được sự chi viện của lựu pháo 122, đã "thử sức" địch bằng một trận tập kích lúc nửa đêm, diệt 5 xe tăng địch trên điểm cao 30, buộc chúng phải rút chạy. Bộ phận trinh sát của sư đoàn đã phát hiện được quy luật hoạt động của địch. Trước khi mặt trời lặn, chúng dùng máy bay, các loại pháo bắn phá gần các điểm cao mà ban ngày chúng chiếm đóng. Chúng cố đẩy lực lượng sư đoàn ra xa. Màn đêm buông xuống, địch liền cơ động đến một khu vực khác.

Từ đó, Bộ tư lệnh sư đoàn nhận định: Thời cơ đánh tốt nhất là lúc trời còn sáng hoặc trời vừa sáng, khi địch đã bộc lộ lực lượng. Để giành chiến thắng, sư đoàn sẵn sàng đón nhận sự đánh phá ác liệt của máy bay địch. Tiểu đoàn 7 cùng với pháo binh của sư đoàn mở cuộc tiến công vào điểm cao 37 lúc 17 giờ ngày 17-4. Đây là cụm xe tăng M48 và bộ binh hỗn hợp. Trận đánh hiệp đồng diễn ra tuyệt đẹp, chính xác. Đạn pháo trùm lên đội hình địch. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 7 chớp thời cơ xung phong chia cắt địch đánh vào các mục tiêu. Hơn một trăm tên địch và bốn xe tăng bị diệt.

Những trận đánh hiệp đồng binh chủng với quy mô vừa hoặc nhỏ tiêu diệt địch giữa ban ngày làm cho chúng thêm căng thẳng, hoảng sợ. Kẻ địch điên cuồng chuẩn bị phản kích phá thế bao vây của sư đoàn. Nhưng những chiến sĩ quả cảm, kiên cường đã chủ động cùng với pháo binh và lực lượng xe tăng nhỏ tổ chức tập kích trước hành động của địch 30 phút trên tất cả các vị trí. Sự tính toán chính xác của bộ chỉ huy đã giành những chiến thắng lớn, tạo thêm niềm tin đối với các chiến sĩ. Sáng 23-4-1972, pháo binh ta kiềm chế pháo binh địch. Bộ binh, xe tăng hiệp đồng chặt chẽ với pháo binh tiêu diệt địch làm chủ các điểm cao 32, 37, 28, 30. Pháo cao xạ 12,7mm, súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ ngay trên trận địa. Đây chính là những trận đánh xuất sắc của các trung đoàn thuộc Sư đoàn Quân Tiên Phong.

leftcenterrightdel

 Thành phố Đông Hà (Quảng Trị) hôm nay. Ảnh: quangtri.gov.vn 

Những trận đánh hiệp đồng chính xác

Trung đoàn 102-đứa con của đồng bào Hà Nội mang tên Trung đoàn Thủ Đô đảm nhiệm hướng chủ yếu. Đúng 5 giờ 30 phút ngày 27-4-1972, đồng chí Quyền, Tư lệnh sư đoàn phát lệnh nổ súng tiến công trên toàn tuyến của sư đoàn. Trước giờ nổ súng, không ai không nghĩ đến sự hy sinh cao cả của Trung đoàn trưởng Chử Văn Trác, Chính ủy Trung đoàn Phan Văn Bích và biết bao cán bộ, chiến sĩ khác.

Các loại pháo đồng loạt giội bão lửa trên các vị trí địch. Ở phía nam, các sư đoàn bạn cũng nổ súng tiến công: Ái Tử, La Vang, thị xã Quảng Trị. Máy bay Mỹ, pháo địch ở các căn cứ đất liền và hạm đội bất lực. Pháo nhỏ dứt, pháo lớn chuyển làn, các đơn vị bộ binh xốc tới. Sự tính toán hiệp đồng bảo đảm chặt chẽ, chính xác. Toàn sư đoàn phát triển thuận lợi. Trung đoàn 88 chốt điểm cao 37. Tiểu đoàn 4 chia làm nhiều mũi tiến công điểm cao 35. Đại đội xe tăng phối thuộc vượt qua động Quai Vạc, tiến vào điểm cao 24 và 26. Trong thời gian ngắn, vùng điểm cao 35, 37 rồi 24 sát sân bay Đông Hà lọt vào tay các đơn vị thuộc Trung đoàn 88. Toàn tuyến phía tây Đông Hà có nguy cơ bị đè bẹp. Bọn địch bị động, đốc thúc lực lượng còn lại của tiểu đoàn 30 và lực lượng thiết giáp của thiết đoàn 20 dưới sự yểm trợ của không quân và pháo binh tung ra phản kích. Hàng chục xe tăng M48 liều mạng tràn sang trận địa ta. Bình tĩnh, Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 5 chuyển thành thế phòng ngự lâm thời. Các pháo thủ ĐKZ, B40, B41 kéo xe tăng địch vào trong vòng kính ngắm, nổ súng đĩnh đạc. 10 xe tăng địch cháy rụi, phơi xác trên trận địa.

Trên hướng tây nam, Trung đoàn 102 phát triển nhanh, mạnh. Những trận đánh hiệp đồng với xe tăng, pháo binh ta diễn ra như một phép tính đúng đắn. Hướng bắc và tây bắc, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 36 chiếm được điểm cao 19 sát sân bay. Tiểu đoàn 3 (đơn vị phối thuộc) kìm sát bọn địch ở điểm cao 20 đang ngoan cố chống cự.

Sư đoàn đánh thắng giòn giã.

Hai đại đội bộ binh của Trung đoàn 36 tiến vào Đông Hà. Trung đoàn 88 phát triển dọc bờ sông Thạch Hãn. Trung đoàn 102 khép chặt phía tây. Tiểu đoàn 9 chặt đứt cầu Lai Phước.

Các cánh quân của ta ào ạt cùng xe tăng truy kích địch xuống phía nam. Trung đoàn 102 được pháo binh chi viện đắc lực bắn cháy 5 xe tăng M48. Trận chiến đấu diễn ra khá lý thú. Bộ binh ta cách xe tăng địch chưa đầy 200m. Theo hiệp đồng, pháo binh nã đạn chặn đầu địch. Những chùm đạn chụp đúng đội hình địch. Mấy chiến sĩ trẻ lo lắng: Không khéo pháo binh ta lại đấm lưng mình thôi. Nhưng thật tài tình, không một quả đạn nào bắn sai lạc. Xe tăng địch chưa kịp quay đầu đã bị những khối lửa màu da cam của các tay súng B40, B41 lao vút tới.

Tiểu đoàn 7 gặp các chiến sĩ Trung đoàn 88 trên đoạn đường 1 giữa cầu Lai Phước và Đông Hà. Các chiến sĩ ôm lấy nhau sung sướng. Bọn địch hoảng loạn bỏ lại hàng chục xe tăng các loại, tháo chạy. Cánh quân của tiểu đoàn 3, 4, 6, 7, 9 chia nhỏ lực lượng địch tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng. Đúng 15 giờ ngày 28-3-1972, lá cờ chiến thắng tung bay trên tuyến phòng thủ Đông Hà, ghi chiến công oanh liệt của Sư đoàn Quân Tiên Phong. Thừa thắng, các mũi xung kích của sư đoàn cùng các sư đoàn bạn tiến vào Ái Tử, La Vang, giải phóng thị xã và toàn bộ tỉnh Quảng Trị.

Ghi chép của NGỌC ĐẢN