Thơ Nguyên Như hứa hẹn một giọng điệu riêng, mang dấu ấn vùng đất anh được sinh ra và lớn lên, luôn quan tâm đến những vấn đề môi sinh và cuộc sống của cộng đồng...
Nhà thơ TUYÊN HÓA chọn và giới thiệu
Vào mùa rừng cháy
Vừa vừa trăng
rề rà lịm lòng thung
chỉ một gió đằm trộn đỏ mặt trời
ai đốt nhỉ?
Tán muồng mẹ giấu nửa bóng gầy
thù thì ngực thác Len-gun
người đón nắng
ngực thác chợt bạc rêu
ngực thác phải héo mình
Mẹ không biết làm bùa
cho mảnh vườn búp non
Mẹ đâu nghe được lời thần Jang lăn và Pô pin ea(*)
đất ngày xạm xấu, nước gầy vơi mạch nguồn
Từng tế bào hốc cây cụt ngọn
mùa khô vươn mãi
thòng thòng những rãnh đồi
Mẹ vẫn lụi cụi dưới tán muồng
mắt âm ỉ nhiều đám cháy?
Nước mắt mẹ không còn nhưng đã đốt kiệt ta...!
.............
(*) Thần đất và thần nước của người
Ngày nắng rơi
Bước hoang sơ đồi cỏ
Cao nguyên lừng thững xạm cháy bazan
mây ngực áo mở khoe
rừng thông xanh ươm một hạt trăng cuối cùng
Nhà ai dập dờn mái lá
liệng nghiêng khúc hát Ay-ray mơ mộng
bồi hồi khói... mơ màng...
lâng lâng hương hoa dã quỳ
vàng gục dốc cao
đêm chiêng rung rinh
trầm ấm lời cây nêu thao thiết
Em múa cây tre
em hát xôn xang:
gajp ooch pu nuyh!(*)
Cao nguyên mênh mang
mơ bên Chư Yang Sin...
..................
(*) Tôi yêu người (tiếng Ê Đê)
-------------
Hương quỳnh
Đi hoang dưới ánh trăng lưỡi liềm
pha sương ướp lạnh
giấu yếu đuối quá nhiều ký ức
Màn trời đêm khép hồn
tan nhanh như đốm tàn cuồng nhiệt
nuôi nấng mầm đau
trói buộc u hoài...
Bơ vơ mọc nhanh đêm quỳnh nở
ngõ buồn, mộ phần trắng khói
xin đừng hờn dỗi
bởi những đổ vỡ ồn ào
Bao nhiêu nụ cười cần gấp lại
ngủ trên bong tróc
lăn trên nhạt nhòa
con đường mê muội
kéo sự cô đơn đi qua đêm...
Giữa cao nguyên
Làn mây lửng lơ dãy đồi vàng
nắng buộc lòng tay quanh tháng Mười dốc kiệt
rạt nụ cười mê mỏi
âm ỉ những luống hoa rã mình
Con cheo, con hoẵng đi về hút sâu đáy vực rồi
con dúi, con trăn đã ngủ trong nhà của nó
rao rảo chiều bầy vẹt
ngô hạt rơi rơi lưa thưa dọc suối
tán cây vô hình mờ hiện
một đường cong
rũ xuống vai rượi mát năm nào...
Chuột đất đục chiều
nghe già làng gượng dậy
nheo nheo kẽ sàn
lẩm bẩm một loài hoa hoang dã
và gốc cây pơ mu học nói nhọc nhằn
Tôi ngủ 27 năm
một giấc quanh co
bầu sữa mẹ xẹp dài
mảnh đất không xanh chỉ nhạt vàng
mưa dài thành cỏ trắng
Người nhiều, nhà thoáng rộng
gió tháng Mười lang thang...
-----------
Cân bằng
Lưng đá còn dấu tích một loài chim
mỗi chiều khỏa thân tiếng hót
hút cuối ngọn cây cao nhất
chỗ lá không rụng gốc
mà mượt bay ở sông dài
Ôi dáng đất mỡ màng ban xưa
bỗng hằn lên nhát cuốc
lấm cả hồn người
dãy đồi sau nhà khô trọc từ ngày tôi chưa bào thai
điệp trùng dây điện và những chấm hoa trồi ra khỏi mắt
nhạt mờ bầy voi hút nước
rời rạc khoảnh khắc con trăn cuộn ngủ
Đứng cạnh mép chênh vênh
tròng mắt nuốt trôi đợt tia cực tím cuối ngày
giọt mưa đã rơi chệch chỗ
lạ lùng hạt ngô mẹ tỉa
mơ thở trong kẽ đồi lớp lớp côn trùng
Rừng không cười
rừng bỏ nhau đi...
-----------
Hàn Ngọc biếc cỏ
(kính tặng cha)
Cây ngô, cây mía không còn
củ mài, củ dớn ôm âm sáo chập chờn chín đỏ
chiều ngủ giữa quả đồi
tạm quên từng mẻ gạo khô rát, từng ánh đèn dầu nín lặng
Con còng đi từ dạo bóng mình ngắn ngủn
đến nơi có loài hoa Hàn Ngọc
loài hoa biết dịu mềm buồn đau
hong khô cùng khổ
50 năm mơ vai thắt màu trăng dại vàng
ngực chườm bụi đất
ướp tiếng chồn, tiếng sóc
nhợt tàn hình như đã giăng giăng đỉnh trời
Ở mảnh vườn sợi cước rịn căng
những nhát cuốc cổ thụ
lắc lư trên đôi tay đen chất chứa muộn phiền
Dòng Hàn Ngọc vẫn mang hình cao nguyên biếc cỏ
con còng vẽ ngấn cho lưng
gập cong tiếng nấc tháng ngày...
------------
A Ma Bum*
Mút mùa nương rẫy
sương gió lịm chìm ngăm ngăm da thịt
người già đóng đinh lòng thung
gùi trăm năm vòng quanh mây trong
Hoang thưa Buôn Choa'h
N'Trang Gưh(**) lúa vàng bụng lửa
lặng phắc
khiết trong sông Krông Ana dáng người giương nỏ
đá cháy rát bỏng bàn chân
có ngọn giáo trụi trần manh khố
Đêm-trăng dặm bừng Buôn
Già làng thổi hồn lịch sử
đằm tiếng chiêng
âm vọng mang mang Đray Sap
Pơ lang rụng bóng người già sạm đất
lửa đỏ run run dựng khói lưng đồi...
---------------
(*) Nghệ nhân dân gian ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông
(**) Tù trưởng địa phương anh dũng chống giặc Pháp những năm 1900-1914
-----------
Minh họa: LÊ ANH