Trước thành Cửa Bắc 

Gần một trăm năm mươi năm trôi qua

Thành Cửa Bắc vẫn hoằm hai vết đạn

Vết toác ngực, vết lõm sâu vầng trán

Rêu ròng ròng như máu chảy còn loang

 

Đây một thời Hà Nội hiên ngang

Không khuất phục trước thực dân xâm lược

Thà chịu chết không hàng quân cướp nước

Hoàng Diệu kiên trung tuẫn tiết giữ thành

 

Viên gạch chắc bền dưới gốc cổ thụ xanh

Là nhân chứng tinh thần dân nước Việt

Em đặt gót son mỗi mùa thu đến

Tha thướt áo dài chụp ảnh dáng kiều hoa

 

Tấm biển đồng tự tôn, người Pháp viết ra

Ghi dấu tích chiếm được thành Hà Nội

Có ngờ đâu Điện Biên vang dội

Hơn 70 năm sau họ lũ lượt đầu hàng...

 

Và hôm nay trên thảm lá thu vàng

Em tha thướt gót son dạo bước

Thành Cửa Bắc người xe xuôi ngược

Vết đạn cứ mờ dần sau tà áo tung bay...

-------------

                                

Tấm ảnh người Hà Nội

Chỉ kịp hẹn nhau nửa tiếng ở Bờ Hồ

Ngồi ghế đá dưới vòm hoa phượng

Nửa tiếng bên nhau

Hai lần còi báo động

Chỉ dạo được nửa vòng hồ rộng

Đã đến giờ ra ga Hàng Cỏ chia tay

Qua phố Hàng Khay 

Hai đứa ghé vào hiệu ảnh

Cũng không dám chụp chung, 

Nên mỗi người chụp riêng một kiểu

Rồi anh đi... mãi mãi chẳng về...

 

Từ buổi ấy cách chia

Tôi giữ tấm ảnh anh-chàng trai Hà Nội.

Quân phục mới tinh, nụ cười mười tám tuổi

Sao mũ long lanh tỏa nắng xuống mặt hồ

 

Qua Hồ Gươm bây giờ

Nhìn ghế đá lại chạnh lòng thương nhớ

Những chàng trai phố cổ

Họ vắng hết cả rồi

Trong đó có người yêu tôi

Mang Hà Nội theo khắp chiến trường bom giội

Để lại tấm hình cho Hà Nội

Gương mặt hiền như nắng sáng Hồ Gươm

---------------

 

Khóc chữ  

Là chữ cất trong chiếc lọ

Chôn cùng đồng đội hy sinh

Một lần đi tìm liệt sĩ

Anh gặp lại chữ của mình(*)

 

Còn nguyên những dòng nắn nót

Tự tay anh viết rõ ràng:

Tên tuổi, quê hương, đơn vị

Hy sinh vào ngày, tháng, năm...

 

Chữ đã nằm cùng đồng đội

Năm mươi năm dưới đất sâu

Thay anh làm nhân chứng sống

Đợi người thương xót tìm nhau

 

Anh nấc nghẹn trong nước mắt

Khóc chữ của mình năm xưa

Ai hay cỏn con chiếc lọ

Làm bia giữ bạn đến giờ...

................

(*) Cựu chiến binh Nguyễn Đình Kiềm, người Hà Nội, nguyên là Trợ lý Phòng Chính trị Sư đoàn 312, từng chiến đấu ở Quảng Trị. Năm 2017, trở về chiến trường xưa, ông tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ có chiếc lọ thủy tinh còn nguyên mẩu giấy do ông viết lúc an táng đồng đội

------------------

 

Trước mộ Hàn Mặc Tử

Người bán trăng xưa người ấy ơi

Trăng không bán được, ế ngang trời

Sao không về chợ nằm đây mãi

Hay đợi phiên sau của kiếp người?

leftcenterrightdel

 Minh họa MINH ĐỨC

Em mua trăng nay, em đến đây

Trăng không ai bán, giá trên mây

Chợ trăng còn mỗi vầng trăng lạnh

Lời rao nghẹn buốt tấm ngực gầy

 

Người để lại trăng, để lại thơ

Cho miền thi sĩ ngất ngây mơ

Khách đường xa đến, đường xa đến

Lỗi bước ngàn năm vẫn khát chờ

 

Em đứng cầu kinh giữa cỏ hoa

Trước vòng tay mẹ Maria

Xin cho sự sáng linh hồn ấy

Thơ dẫu ngàn năm vẫn chói lòa...

 ---------------

 

Mang quê ra đảo

Thương người canh giữ biển xanh

Mang quê ra đảo cho anh gặp nhà

Để quê gần lại Trường Sa

Để ngàn dặm biển chỉ là tấc gang...

 

Này là trái bưởi, trái cam

Này là hạt giống rau làng vườn quê

Cả đây gói bánh, hộp chè

Cây hoa giấy thắm để che nắng trời...

 

Quê ra còn có bao người

Tiếng thương như mẹ, giọng cười như em

Gửi vào câu hát thân quen

Là bao chia sẻ đáp đền buồn vui

 

Sinh Tồn ơi! Cô Lin ơi...

Và bao đảo giữa biển trời của ta

Mang quê ra với Trường Sa

Để anh được trở về nhà với quê...

-------------

 

Xem tranh trừu tượng

Thiên đàng như hiện vào tranh

Có em rất nõn có anh rất nường

Có mùa tình cũ yêu đương

Có hoa nở tím nẻo đường sương sa

 

Hình như địa ngục, tà ma

Đường cong mê dụ dắt ta mê hồn

Mảng màu vừa dại vừa khôn 

Hình như em với nụ hôn đầu đời

Anh vào lửa đạn bom rơi

Tuổi xuân đánh cược ở nơi khó về

 

Bây giờ cầm cọ bùa mê

Thôi miên đường nét, bỏ khê sắc màu

Mình còn trừu tượng trong nhau

Rồi tranh sẽ được đời sau hiểu giùm.

          Phòng tranh Trần Nhương, tháng 5-2024

-------------

Hai người và thanh lương khô

Thanh lương khô bẻ làm đôi

Cà phê khoắng với gió trời nhâm nhi

Anh ngồi nhớ thuở quân đi

Đạn bom dầu dãi nhiều khi đói mèm

Cúi gằm điện thoại là em 

Anh như chẳng phải người quen chuyện trò

Anh thầm thương lính ngày xưa

Chiến trường hết gạo, mùa mưa dầm dề

Thanh lương khô bẻ sẻ chia

Ấm lòng đồng đội rừng khuya đại ngàn

Còn em điện thoại ríu ran

Miếng lương khô vẫn trên bàn thờ ơ 

Người trong điện thoại đọc thơ 

Giọng trai toàn những ngáo ngơ ngôn tình

 

Anh như miếng bánh lặng thinh

Mới ngộ ra chính là mình - lương khô!

--------------

 

Quê hương người gái đảm(*)

Một thời gian khó chưa xa

Chiến tranh bom đạn tràn qua đất này

Trai đi biền biệt tháng ngày

Làng toàn phụ nữ cấy cày, nuôi con...

Việc nhà việc nước vẹn tròn

Để người đi giữ nước non yên lòng

leftcenterrightdel

Minh họa MINH ĐỨC 

Bấy giờ ở phía chờ mong

Chỉ toàn nón trắng trên đồng nắng mưa

Đào mương, xe đất, cày bừa

Là tay con gái sớm trưa đồng làng

Nuôi bèo dâu, cấy thẳng hàng

Cũng tay con gái dịu dàng nết na

 

Bấy giờ nơi chiến trường xa 

Những người lính dám xông pha kiên cường

Vì rằng ở phía hậu phương

Có bao phụ nữ đảm đương thay mình.

 

Đan Phượng ơi! Khúc nghĩa tình

Gửi mai sau-giữa thời bình không quên!

................  

(*) Lời bài hát “Hà Tây quê lụa” của Nhật Lai