Ông đã xuất bản 6 tập thơ riêng; Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Du năm 1999-2004, giải thưởng Cuộc thi Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1988-1999 và nhiều giải thưởng văn học, báo chí... Thơ Bùi Quang Thanh ít mới lạ nhưng giàu cảm xúc, đậm chất công dân và nhiều day trở với đề tài chiến tranh, người lính...
                                  Nhà thơ MAI NAM THẮNG chọn và giới thiệu
 
      Đêm A Lưới
Đêm A Lưới trời như chùng thấp
Vài ngôi sao ngơ ngác vén mây rừng
Ngọn gió lạnh từ bờ thông e ấp
Ríu tóc người từng sợi bạc rưng rưng...
 
Trăng rắc sữa qua khói sương mờ ảo
Nghĩa trang đêm quạnh quẽ lối hàng
Nghìn đứa con không tên không địa chỉ
Mẹ chia đều mỗi đứa một cây nhang
 
Những tiếng nấc "Mẹ ơi!" trong gió thoảng
Tượng đài cao run rẩy giọng trăm miền
Nghìn con mắt đỏ mòng đêm thương nhớ
Gió chợt dừng. Trăng lạnh. Phút giây thiêng...
 
Ngày ra đi con là măng là sữa
Giờ con về con là đất là đai
Hạt máu mẹ thấm vào rừng biên giới
Trong quế thơm-hoa trẩu trắng lưng trời
 
Cậy đồng xu Âm Dương sấp ngửa
Con nằm đây. Con đợi mẹ lâu rồi
Bọc đất nâu như hài nhi khát sữa
Riết vào lòng bật tiếng nấc "à ơi"...
leftcenterrightdel
 

    
Gặp ở Nam Yết
Anh lính mừng như gặp cha
Ôm chầm lấy tôi thân thiết
“Úi trời! Dân Cương Gián đây
Nhìn qua chú là cháu biết...”
 
“Cương Gián sao vào lục quân
Lại ra canh tuần Nam Yết?”
Giọng Nghi Xuân nghe “đã” thiệt:
“Lục quân đánh nước mới tài!”
 
Tuổi đời mới tròn đôi mươi
Đã hai năm ra giữ đảo
Dân chài sợ chi gió bão
Chỉ lo sóng lặng... nhớ nhà
 
“Làng cháu ngày xưa toàn cát
Nay nhiều nhà gác, xe hơi
Hoàng hôn ngóng về phía ấy
Làng như thấp thoáng chân trời”
 
Ờ nhỉ, mây ngoài Nam Yết
Ai xây mà giống như làng
Cây đa, cánh đồng... có hết!
Trách gì mình cũng mang mang...
---------
 
Núi Thủng
Khoét núi ra mà nhìn núi
Khoét núi ra mà nhìn trời
Khoét núi ra mà ngắm thác
Ngắm ruộng đồng, mây trôi...
 
Ở đâu?
Có ở đâu không
Núi có mắt-mắt núi trong ngăn ngắt
Cho gió lùa và cho trăng treo
 
Ở đâu?
Có ở đâu không
Núi án ngữ nơi địa đầu Tổ quốc
Canh giữ biên cương đau đáu một mắt Rồng.
        Cao Bằng, xuân 2020
-----------
 
Từ bùn đất
Sông quê đêm ấy hoa bần nở
Líu ríu như sương phấn tơ vàng
Tơ sương hay sợi tình giăng mắc
Khổ hồn thi sĩ vốn đa đoan...
 
Ta với hoa bần không cùng lọ
Soi trước âm dương chẳng khác loài
Trăng hoa, bần cũng đời một bến
Chung tình ta chưa bén mười hai
 
Gạn chút thanh cao từ bùn đất
Dâng đời nhụy biếc tự chắt chiu
Ta với hoa bần nghèo trọn kiếp
Ta với hoa bần chẳng đìu hiu...
 
Sông quê đêm ấy hoa bần nở
Chén rượu môi em quá ngọt ngào
Những cánh hoa lòng như nhắn nhủ:
Vâng! Từ bùn đất đến thanh cao...
leftcenterrightdel
 

Nhân thế
Hạt tình rồi cũng gió bay
Hạt lộc chia hết-trắng tay: Hạt buồn
 
Này hạt dại! Này hạt khôn
Như cánh chuồn chuồn chao đảo thế nhân!
 
Cứ làm hạt thóc ngày xuân
Mẹ gieo buổi sớm nảy mầm buổi trưa
 
Cứ làm cánh mạ đong đưa
Đất ải cha bừa lúa trổ bông thơm
 
Cứ làm hạt tấm hạt cơm
Hoặc làm cọng rạ nhành rơm dâng đời
 
Phố phường hít bụi mà chơi
Cuối ngày lại ước về nơi quê mùa...
---------
      
Đêm Mộc Châu
Mộc Châu vào hội, người xuôi núi
Thổ cẩm H'mông tím phố chiều
Kìa em kiều diễm màu áo Thái
Váy dài, xà tích với khăn piêu
 
Xà tích, khăn piêu-nền lá xanh
Nhụy hồng, cánh tuyết, đóa ban lành
Ôi người Tây Bắc, tình Tây Bắc
Chén rượu đêm mừng chếnh choáng anh...
 
Em mời khát vọng(*) tay quàng tay
Rượu chạm đầu môi đuôi mắt say
Đuôi mắt cận kề như lửa đốt
Au hành(*), Pay nhé(*)... lại Liền Pay(*)...
 
Liền Pay... ai nỡ buông tay nữa
Kìa em, bè bạn trẩy chợ tình
Anh liêu xiêu bước mà như tựa
Vào bờ vai trắng-đóa ban xinh.
         (*) Các kiểu uống rượu của người Thái ở Sơn La  
leftcenterrightdel
 

Đồng sau bão
Đồng sau bão những bước chân vội vã
Bạc mắt cha-thảng thốt-bạc mây trời
Cọng rạ xiết vào nhau theo xoáy nước
Xiết xói vào tiếng kẽo kẹt bờ nôi
 
Đồng sau bão ẩm nồng rơm rạ mục
Nõn lúa non ngơ ngác trước hoang tàn
Hạt thóc nẫu không đợi mùa gieo vãi
Nảy mầm dưới nước chảy chan chan
 
Em nhón nhén gom từng bông từng chẽn
Rưng rưng bông chẽn gục tay người
Bùn sục tăm vỡ òa ngàn tiếng nấc
Lúa ơi!   

------------

Minh họa: PHÙNG MINH