Giáo sư, Tiến sĩ, nhà thơ Mã Giang Lân từng nhận xét: "Nguyễn Đức Mậu như các nhà thơ Việt Nam cùng thời, cùng thế hệ, sống cùng nhân dân và chính cuộc sống chiến tranh với những gian khổ, hy sinh, những chiến tích anh hùng là chất liệu, nguồn cảm hứng dồi dào, phong phú cho thơ". Phần lớn trong gia tài thơ đồ sộ của mình, Nguyễn Đức Mậu viết về chiến tranh, người lính và tạo được dấu ấn riêng. Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2001 và nhiều giải thưởng văn học uy tín khác.

    

Chiếc mũ sắt ở viện bảo tàng

 

Chiếc mũ sắt phòng không tôi thường gặp

Ở đỉnh đèo hay lăn lóc rừng hoang

Như nhân chứng một thời gửi lại

Nằm lặng yên trong viện bảo tàng

 

Chiếc mũ sắt màu rêu màu đất

Nắng khô rang pháo thủ đội đầu

Mũ thay ghế lính ngồi bên lính

Hầm ngập mưa tuôn mũ múc nước thay gàu

 

Chiếc mũ sắt gõ lên thành tiếng

Một nốt trầm như đất đá mà thôi

Ai đó viết tên mình trên mũ sắt

Nghe vọng về tiếng nói tuổi hai mươi

 

Chiếc mũ sắt nhẵn lì vỏ cứng

Đời lính mình rong ruổi mấy vùng quê

Đối mặt với đạn bom, cái chết

Có những nấm mồ: Mũ sắt hóa hình bia

 

Chiếc mũ sắt vết thủng xuyên lỗ chỗ

Dưới mồ sâu người pháo thủ yên nằm

Cuộc chiến tranh đã lấp chìm trong cỏ

Trái tim còn nhói buốt mảnh bom găm

---------------

 

Cánh diều

      

Này cánh diều tuổi thơ
Tôi-đứa trẻ
Chạy chân trần cỏ biếc

Ơi hỡi bạn chơi diều thuở trước
Áo lính ai người hóa cỏ rừng sâu
Ngôi mộ
Cánh diều đứt dây đã chết

Nghe u u
Tiếng sáo thổi ngang đầu

----------

 

Khóc một người đồng đội đã hy sinh

 

Mày hy sinh bốn năm rồi, tao gặp

Trong giấc mơ còn nóng ấm bàn tay

Trong giấc mơ nụ cười của mày

Đến với tao chảy thành nước mắt

Khi đánh giặc việc nhiều không kịp khóc

Bốn năm rồi nước mắt vẫn vòng quanh

 

Giá mày sống một giờ khi ngừng súng chiến tranh

Đạp xe cùng tao đến nhà bè bạn

Uống với nhau một cốc cà phê nóng

Đến quảng trường xem đất nước duyệt binh

Áo lính thung thăng trên đường phố yên lành?

 

Năm mươi năm sau mày chẳng có tuổi già

Ngồi kể với cháu con chuyện hôm nay đánh giặc

Thời gian của mày như giấc ngủ đi qua

Mái tóc của mày không thể nào bạc được

Trước nấm mộ bơ phờ cỏ mọc

Tao khóc mày dao cắt lòng đau...

--------------

 

Phố Hàng Mã

 

Phố Hàng Mã bán nhiều vàng mã

Chiếc ba lô bằng giấy nặng tay cầm

Cho tôi nhớ một Trường Sơn chất ngất

Dốc núi lượn vòng trơn trượt đêm mưa

Trong đội hình hành quân có người rơi xuống vực

Chiếc ba lô mắc ở cành cây sót lại nắm cơm thừa

 

Phố Hàng Mã bán đồ bằng giấy. Ta mua

Đôi dép giấy

Giấy bộ quần áo lính

Chiếc mũ giấy làm ta nhớ bạn

Bạn chết trong bom tơi thi thể không còn

Chiếc mũ thủng đầu

Bàn chân tuột dép

Lạc ở nơi nao dốc dựng đường mòn?

Phố Hàng Mã bán đô la và tiền âm phủ

Ở chiến trường có họp chợ đâu mà bạn tiêu tiền

 

Hãy bán cho tôi tư trang nhà lính

Ga Hàng Cỏ đêm nay tàu chuyển bánh

Có đoàn người đi viếng mộ Trường Sơn

 

Phố Hàng Mã đông hơn mồng một ngày rằm

Cha mẹ nhớ con

Mình thầm nhớ bạn

Căn nhà thêm một bát hương

Trống một dáng người

Quần áo giấy, chiếc ba lô mình đốt

Có tới bạn không, ngọn khói lên trời...

--------------

 

Đi trên đường Trường Sơn lá đổ

 

Ngàn đôi mắt đồng đội tôi đã khuất

Đủ hóa trời sao lấp kín vòm trời

Hài cốt người lẫn vào hài cốt núi

Núi có cháy rừng xanh thành tro bụi

Sau cơn mưa khói xám lại lên mầm

Nếu ngôi mộ nối hàng thay cột số

Đường Trường Sơn sẽ dài gấp bao lần?

 

Đi trên đường Trường Sơn lá đổ

Thấy rờn rợn bàn chân như thấm máu bạn mình

Thấy rờn rợn bàn chân như bước qua chiến tranh lần nữa

Thấy thân bạn bị cưa ngang vì trái mìn chớp nổ

Thấy tay bạn giơ lên chới với vòm trời

Nghe tiếng gọi vang lên từ núi đá

Ngàn đôi mắt đồng đội tôi đã khuất

Lẫn vào ngàn mắt lá nhìn tôi...

-------------

 

Trắng

 

Có cụ già đi viếng mộ chồng

Chồng cụ hy sinh khi còn trai trẻ

Người sống

Người chết

Năm mươi năm dài

Đằng đẵng xa nhau

 

Một mối tình trắng như bia trắng

Trắng hoa

Trắng mây

Tóc trắng mái đầu

Một mối tình trắng năm, trắng tháng

Trắng đợi chờ

Trắng mảnh trăng thâu

Trắng người sống, trắng người đã khuất

Trắng âm dương cách biệt hai đầu.

---------------

 

Mẹ già coi nghĩa trang

 

                              Kính tặng mẹ Mùi

 

Dáng mẹ liêu xiêu giữa hàng bia mộ

Núi bạc đầu, tóc mẹ trắng sương rơi

Ôi đời mẹ không chồng con đơn lẻ

Tám mươi năm dài dặc kiếp người

 

Mẹ không có con, khi xe tải thương về

Con mẹ - những thằng lính trận xa quê

Mẹ rửa vết thương, bón cơm, quạt mát

Nó đau, nó khóc. Mẹ ngồi lặng nghe

 

Những đứa hy sinh mẹ từng vuốt mặt

Đôi mắt trẻ hiền khép mở lời chi?

Mẹ thắp nén nhang, dâng bát cơm quả trứng

Đôi môi run run lời mẹ thầm thì

 

Những đêm khuya mình mẹ một ngôi nhà

Ngôi nhà đơn côi nên nhiều gió mưa

Ngọn đèn đơn côi xin đừng lụi bấc

Gió qua lưng núi lạnh sang lưng già

 

Mẹ không có con, con mẹ là vuông cỏ

Hàng trăm mộ bia phủ kín đất dày

Hàng trăm mộ bia nhòa trong mắt mẹ

Lá xanh rời đất, lá vàng trên cây...?

 
leftcenterrightdel
 Minh họa: ANH KHOA

 

Ga Thường Tín

 

Ga Thường Tín, năm chiến tranh

Vòm cây lá đen không bóng mát che người

Mảng tường vỡ, hố bom nham nhở...

 

Nơi đầu tiên tập kết những binh đoàn

Hòm quân trang, hòm đạn ngổn ngang

Ga Thường Tín

Tàu chở lính và xe chở lính

Tiếng còi xe và gầm rít tiếng bom

Tiếng đạn pháo tầm cao trên vòm trời bén lửa

Con đường ì ầm chuyển động ngày đêm

 

Ga Thường Tín nhiều khi tôi thầm nhớ

Trong trùng điệp những đoàn quân thuở đó

Xương thịt họ lẫn vào cây cỏ Trường Sơn

Xương thịt họ lẫn vào đất đỏ Tây Ninh

gạch vỡ cổ thành Quảng Trị...

Ga Thường Tín, nhiều khi tôi mơ thấy

Hàng vạn lá thư hay chúc thư của lính

Hóa hàng vạn cánh bướm rơi trải trắng đường tàu...

 

Ga Thường Tín

Có nhiều cựu binh hẹn nhau về đây

Uống rượu say, đỏ hoe tròng mắt

Thằng đỏ ngực gọi tên thằng xanh cỏ

Thằng cụt tay cụt chân khóc kẻ mù lòa

Ga Thường Tín không còn lưu dấu vết

Không tấm biển đề tên

Không trang văn dòng thơ nào trong sử sách

Rằng đây là binh trạm đầu tiên...

--------------

 

Trước dòng chữ lặng im

 

Khắc bằng chữ Lào

Tấm bia đá

đồng đội tôi đã khuất

Trước dòng chữ lặng im, tôi làm sao đọc được

Ai biết chăng trong đất có con người?

 

Không đọc được cả màu hoa chói mắt

Tôi chưa quen hoa ấy tên gì

Một màu đỏ điềm nhiên nơi trận mạc

Tưởng tôi nhìn hoa sẽ bay đi

 

Không đọc được cả địa danh heo hút

Nơi hoang vu tôi mới đến lần đầu

Không đọc được lối mòn xào xạc lá

Chiếc giày rách sờn nơi núi đá, rừng sâu

 

Nhưng trước những tấm bia, tôi tìm thấy

Những cái chết xa quê, chiến trường C thuở ấy

Sự hy sinh nhân gấp hai lần

 

Trước những hàng bia khắc chữ Lào

Thơ tôi viết tên các anh bằng tiếng Việt

Những tấm bia như bàn tay mọc trên mặt đất

Dòng chữ im lìm, con mắt đá nhìn tôi.

------------

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.