QĐND - Thu nay tôi lại về thăm trường cũ-Trường Sĩ quan Lục quân 1. Đứng dưới chân tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, trong tôi chợt ngân lên giai điệu bài hát “Trái tim Lục quân” của nhạc sĩ Phạm Tuyên: Năm xưa Trần Quốc Tuấn viết binh thư ngày đêm nung nấu… Năm xưa Hồ Chí Minh giữa rừng sâu luyện quân cách mạng, trái tim giữa đêm thâu càng gợi nên niềm tin tươi sáng…

Còn nhớ hồi mới đầu năm học thứ nhất, mỗi buổi tối sinh hoạt lại được học hát những bài quy định, không thể thiếu được bài “Trái tim Lục quân”. “Bê” trưởng Đỗ Xuân Đô là một quản ca. Anh hát bài này với chất giọng thật hào sảng và chuyên nghiệp. Trước khi “Bê” trưởng Đô dạy hát, “Xê” phó Chính trị Ngô Mạnh Chúc giải thích cho chúng tôi về truyền thống nhà trường và xuất xứ của bài hát, rằng Trường Sĩ quan Lục quân 1 giữ rất nhiều cái đầu tiên: Là nhà trường ra đời đầu tiên trong hệ thống các học viện, nhà trường quân đội. Nhà trường được mang tên Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc vĩ đại đã lãnh đạo quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên-Mông; là nhà trường đầu tiên được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân… Và một điều đặc biệt nữa, đó là nhà trường quân đội được Bác Hồ đến thăm nhiều nhất-9 lần-và Người đã tặng lá cờ thêu sáu chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân” cùng những lời căn dặn quý báu… Và cùng với bài hát “Trái tim Lục quân” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, một cựu học viên Khóa 5, được ví như bài “Lục quân ca”, từ mái trường yêu dấu này còn ra đời nhiều bài hát nổi tiếng; trong đó phải kể đến bài “Vì nhân dân quên mình” của Doãn Quang Khải (học viên Khóa 5), bài “Có một mái trường như thế” của nhạc sĩ Doãn Nho (học viên Khóa 6)…

Từng lời nói, giọng hát của các anh cứ thấm sâu vào học viên mới chúng tôi. Và những bài hát ấy không chỉ được hát trong giờ sinh hoạt tối, mà cả những lúc đội hình hành quân đi đều là vừa đi vừa hát…

Thầy trò Trường Sĩ quan Lục quân 1 trên giảng đường. Ảnh: T.H

Một ngày Thu cách nay hơn một phần tư thế kỷ, tôi-cái anh chàng học sinh phổ thông làng nhàng “tay xách nhẹ”, thi và trúng tuyển Trường Sĩ quan Lục quân 1, theo giấy gọi nhập học, khấp khởi, lo âu, lạ lẫm khi được biên chế vào “dê 1”. Cơn cớ thế nào lại vào cái đơn vị có tới năm con số 1: “a 1”, “bê 1”, “xê 1”, “dê 1”, và Trường Sĩ quan Lục quân 1. Tiểu đội có 9 người thì hơn nửa là học sinh thi vào, còn lại là quân nhân đã qua công tác ở đơn vị ngoài. Chả cần giới thiệu, nhìn là biết ngay “lính cũ” hay “lính mới”. Tụi “lính mới” chúng tôi ai cũng xúng xính trong bộ quân phục mới toanh. Còn “lính cũ” thì tất nhiên là quân phục bạc phếch, sờn rách, thậm chí bít-kê chằng chịt. Cánh “lính mới” đi đứng nói năng e dè, ngơ ngác. “Lính cũ” thì ngược lại, họ hoạt bát, thoải mái, vui nhộn. Chiều đến, sau giờ tăng gia, lũ “lính mới” bần thần nhớ nhà, nằm dài đọc báo hoặc hí hoáy viết thư…

Mai Xuân Phương, tiểu đội trưởng “kiêm chức” của tôi là một “lính cũ”, từng lăn lộn ở đơn vị cơ sở, nên trông anh “già” như… cán bộ đại đội. Phương quê miền biển Nga Sơn-Thanh Hóa. Nước da nâu, thân mình vạm vỡ, giọng nói thì sang sảng. Dạo ấy cả nước đói gạo. Học viên chúng tôi ăn 7,5 lạng gạo mỗi ngày, nhưng là thứ gạo tồn kho lâu ngày nên kém chất, không nở, mỗi bữa chính chưa đủ ba lần xới đã hết. Tập tành vất vả, cứ ngang chiều nửa buổi bụng đã “biểu tình” rồi. Những người to cao vạm vỡ, ăn ngủ khỏe như Phương thì lại kém về khả năng chịu đói như tôi, một thể trạng còm nhom chưa đầy năm chục ký. Thế là Phương không trụ được, anh làm đơn xin thôi học, trở lại đơn vị. Tiễn anh, lòng chúng tôi trĩu nặng, thầm lo, không biết mình có đi được hết chặng đường, hay là…

Thay Phương làm tiểu đội trưởng kiêm chức là anh Trần Văn Chự, một “lính cũ” lớn tuổi thứ hai trong tiểu đội, người Hải Dương, tháo vát, hay hát, hay chuyện, giỏi bóng chuyền. Thấy anh em có phần dao động, anh động viên: Các cậu cứ nhìn xem, các anh trung đội trưởng đấy, anh Đỗ Xuân Đô này, anh Trịnh Bá Tại này, rồi bên “xê 2” có anh Phạm Văn Tiêu này… đều học sinh phổ thông thi vào cả, có to khỏe mấy đâu mà vẫn học giỏi, rèn luyện tốt, được giữ lại trường đấy! Tám thành viên trong tiểu đội tôi rồi cũng bám trụ được cho tới ngày tốt nghiệp trở thành sĩ quan chỉ huy. Tất cả đều vui, đều tự hào vì đã vượt qua được những tháng năm gian nan, thử thách để được khoác trên mình bộ quân phục sĩ quan. Cả tiểu đội có hai người xuất sắc hơn được giữ ở lại trường là anh Trần Văn Chự và Trần Văn Cao-bạn đồng niên với tôi… Có lẽ trọn đời quân ngũ, mấy anh em học sinh phổ thông như chúng tôi vẫn phải cảm ơn các anh cán bộ tiểu đội kiêm chức, trung đội “khung”, họ là những người thầy đầu tiên của chúng tôi.

Sau hơn một phần tư thế kỷ, trải bao vất vả gian nan của đời quân ngũ, lứa chúng tôi ngày ấy, tới bây giờ, số đã về nghỉ hưu, không ít người đã trở thành những sĩ quan cấp cao trong quân đội. Mỗi lần về, gặp lại Đỗ Xuân Đô hay Trần Văn Chự, tôi vẫn muốn gọi các anh là “Bê” trưởng, “A” trưởng, dù giờ đây, các anh đều đã mang cấp hàm đại tá, là cán bộ giữ những trọng trách ở trường…

Mải mê theo dòng hồi tưởng, tôi dừng bước trước khu doanh trại Tiểu đoàn 6. Bên kia là hội trường học viên đang chăm chú nghe giảng. Bên này là nhà ở, nhà chỉ huy quay vuông góc. Ở Tiểu đoàn 6, tôi gặp mấy cậu “Bê” trưởng còn rất trẻ. Bây giờ không phải “Bê trưởng khung” như anh Đô, anh Tại ngày trước, mà là “Bê trưởng kiêm chức”. Nhưng kiêm chức bây giờ cũng khác xưa, tức là có bổ nhiệm hẳn hoi, có hệ số phụ cấp trách nhiệm. Ngô Xuân Tùng là một “Bê” trưởng như thế. Tùng quê Lý Nhân (Hà Nam), học K80, tức là cách với K54 của tôi chẵn 26 năm. Học viên lục quân bây giờ khác chúng tôi xưa nhiều lắm. Cái khác căn bản là chất lượng đầu vào. Bây giờ thi tuyển vào Lục quân 1 sánh ngang với các trường “tốp trên” của quốc gia. Bình quân ba môn thi phải cỡ 23-24 điểm mới đỗ. Quân nhân đơn vị ngoài đăng ký dự thi cũng chỉ được cộng điểm ưu tiên ít thôi, có nghĩa là cũng không có sự chênh lệch về mặt bằng văn hóa đầu vào. Vả lại, khi Trường Sĩ quan Lục quân 1 được nâng cấp và mang tên Trường Đại học Trần Quốc Tuấn, nằm trong hệ giáo dục đại học quốc gia, tức là đã có sự chuyển biến rất mạnh về chất. Hồi xưa lớp chúng tôi học 3 năm ra trường, tấm bằng do Hiệu trưởng Nhà trường Lưu Bá Xảo ký, ghi là “Cao đẳng quân sự”. Nhưng giờ đây thời gian đào tạo là 4 năm, bằng tốt nghiệp ghi là “Đại học chính quy”. Hẳn nhiên, công việc của một “bê trưởng kiêm chức” như Tùng bây giờ cũng khác so với học viên kiêm chức ngày xưa…

Chiều tối, trời Sơn Tây mát dịu. Cái mát dịu đối nghịch với ban trưa oi nồng, dù đã cuối thu, đây cũng là nét đặc trưng thời tiết của vùng đất đá ong xứ Đoài. Trung tá Lê Thành Sinh, Trưởng ban Tuyên huấn Nhà trường cùng tôi xuống “xê 37” của “dê 11”. Vừa là để thăm lại cái quả đồi ngày xưa với bao kỷ niệm, vừa để ghé thăm con trai một đồng nghiệp của tôi đang là học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, học liên kết ở đây. Tiểu đoàn 11 nằm ngoài hàng rào, thuộc khu Đoàn 73 ngày trước. Ra đây, tôi cứ miên man nhớ về cái ngày xưa mỗi lần được ra ngoài “xin chuối, mò rong” nuôi mấy con lợn già của tiểu đoàn. Được ra ngoài như chim sổ lồng. Tôi có mấy người đồng hương nhà ở quanh khu đồi này. Ngày ấy, cứ được ra ngoài là tôi lại ghé nhà đồng hương, thể nào cũng được mời một nồi sắn luộc. Bụng đói cồn cào mà được một bữa sắn luộc no nê thì còn gì bằng. Bây giờ chả còn nhận ra một bóng dáng gì của khu đồi 73 ngày xưa nữa, bởi doanh trại khang trang, nhà dân cũng mọc lên san sát, như một khu đô thị mới. Chẳng còn tìm đâu ra một gốc sắn như ngày nào…

 “Xê 37” đây rồi. Tôi bất ngờ khi biết Nguyễn Viết Thanh, một người trẻ thế đã là Đại đội trưởng, thượng úy. Ngày trước, Đại đội trưởng Lô Đình Xuyên của chúng tôi thực ra tuổi tác cũng chỉ ngoài ba mươi như cậu đại đội trưởng này, nhưng thế hệ anh bước ra từ chiến tranh nên con người cũng khác, già dặn và từng trải hơn nhiều. Thanh cứ xưng hô “chú cháu” với tôi, đến ngại… Khiến tôi cảm giác mình đã... già. Phải đợi một lúc thì Nguyễn Duy Đức-cậu con trai bạn đồng nghiệp-mới đi tưới rau về. Đức rụt rè lắm. Cũng giống hệt tôi ngày trước. Ngắm Đức với nước da có vẻ đã chuyển màu sau hơn một tháng đầu rèn luyện mà chắc là khá vất vả, tôi động viên: “Ngày trước bác nhỏ con hơn cháu bây giờ nhiều, lại còn luôn bị đói cơm nữa. Bây giờ điều kiện mọi thứ khác xa rồi. Nhà ở, bếp ăn đều khang trang, sạch đẹp. Tiêu chuẩn ăn cũng cao, cơm gạo mới, thức ăn được chế biến nhiều món và thực đơn thay đổi thường xuyên. Thế yên tâm quá rồi cháu ạ. Cố gắng cháu nhé!”. Đức thực thà rằng, mỗi bữa cháu ăn được hai bát cơm, thấy ngon miệng, chứ không như mấy bữa đầu. Cháu còn khoe là đã được bắn đạn thật và nhất là đã… biết bơi. Đúng là kể thì hơi ngượng chứ hồi xưa vào trường tôi cũng như khá nhiều đồng đội khác, chưa biết bơi. Còn nhớ có hôm tập bơi vào đúng ngày rét giá mưa phùn, cởi quần áo dài ra là đã tím tái cả người, lại còn sợ… bị chìm và uống nước hồ nữa. Thầy giáo bảo: Sĩ quan, lại là sĩ quan chỉ huy binh chủng hợp thành, không thể không biết bơi. Không chịu rèn luyện, nay mai ra chỉ huy thế nào? Vậy là chúng tôi cắn răng chịu rét, quyết không để bị mang tiếng là… kém rèn luyện.

Lúc tôi đang ngồi viết bài này thì nhận được cuộc điện thoại của một anh bạn cùng quê. Anh là Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh, Phó chủ nhiệm Khoa Bắn súng-Trường Sĩ quan Lục quân 1, vừa lên nhận chức Phó sư đoàn trưởng Quân sự của Sư đoàn 3 Sao Vàng. Anh “khoe” đang trên đường hành quân diễn tập cơ quan một bên hai cấp, có một phần thực binh. Hôm nay hành quân đến ngày thứ 5 rồi, còn gian nan lắm. Ban chỉ huy Sư đoàn cũng hành quân bộ, nằm lán trại dã chiến…

Hồi tốt nghiệp ra trường năm 1990, tôi về Sư đoàn 3 Sao Vàng công tác, rồi gắn bó ở đấy tròn một con giáp. Vậy nên tôi còn lạ gì những cuộc hành quân diễn tập như thế. Vất vả, gian nan chả kém những cuộc hành quân diễn tập tổng hợp thời học viên sĩ quan. Ở đơn vị chủ lực như Sư đoàn 3, số sĩ quan đã tốt nghiệp Lục quân 1 rất nhiều, bao giờ cũng là nòng cốt của đội ngũ cán bộ quân sự các cấp. Cứ ngày 15-4 hằng năm kỷ niệm Ngày thành lập Trường Sĩ quan Lục quân 1 là chúng tôi họp mặt truyền thống. Trong một không khí xúc động, tự hào, mọi người lại cùng cất cao bài ca “Trái tim Lục quân” đầy hào sảng: Ôi nồng cháy trái tim Lục quân. Trái tim trung hiếu, trái tim vì nhân dân. Lửa trái tim mang truyền thống cha ông. Rực hồng niềm tin bao khát vọng lập công… Bài hát gắn kết mọi người. Bài hát cũng thúc giục chúng tôi phấn đấu, xứng danh người sĩ quan đã từng được đào luyện dưới mái trường mang tên Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Bút ký của NGUYỄN HOÀNG SÁU