Là sản phẩm của thời toàn cầu hóa, thuật ngữ liên văn hóa (intercultural) chỉ sự kết hợp, giao lưu, tiếp biến giữa các cộng đồng cùng nhau hướng tới mục đích chung hòa bình, hữu nghị, phát triển. Biểu hiện cụ thể trong tác phẩm là việc học tập, kế thừa, nâng cao văn hóa dân tộc, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu có văn hóa quốc gia. Ngôi nhà “liên văn hóa” có 4 cây cột chống vững chãi là: Đối thoại, hội tụ tinh hoa, liên kết cộng đồng, bản sắc. Soi những lý thuyết này vào Chỉ thị sẽ thấy mô hình ấy được biểu hiện một cách cụ thể, sinh động. Có thể coi đây là “liên văn hóa quân sự” tiêu biểu-một cương lĩnh, đường lối quân sự đầy đủ, hệ thống mà ngắn gọn (318 chữ), truyền thống mà hiện đại, dân tộc mà nhân loại để vươn tới một văn bản mang tính kinh điển thể hiện nguyên lý cách mạng, quân sự; chân lý lịch sử, thời đại; đạo lý dân tộc quyết giành độc lập, tự do, không chịu sống hèn!
Đối thoại văn hóa - “tuyên truyền”
Đối thoại văn hóa là quá trình giao tiếp giữa các bên tham gia chủ yếu bằng ngôn ngữ, tiếng nói, rộng hơn là bằng cả nhân cách văn hóa (những hành vi ứng xử, thái độ, quan niệm...), trên cơ sở hiểu biết, bình đẳng, tôn trọng, lắng nghe nhau để thống nhất về những vấn đề các bên cùng quan tâm...
Chỉ thị đã nắm bắt một cách bản chất về vai trò, đối tượng, chức năng của đối thoại văn hóa hiện đại, ở ngay cách đặt tên: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Nhiệm vụ chính trị, đúng như lời đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này”. Tuyên truyền tức là giải thích, thuyết phục, chinh phục lòng người nghe theo mình, làm theo mình. Không chỉ với dân (dân vận) mà còn cả với địch (địch vận). Đây chính là một biểu hiện của chiến lược “tâm công” mà cha ông ta ngày xưa đã vận dụng rất tài tình.
Hội tụ tinh hoa lịch sử văn hóa
Giới nghiên cứu quân sự thế giới đương đại khẳng định tư tưởng thiên tài quân sự Hồ Chí Minh đã kết hợp linh hoạt, uyển chuyển “nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng” với tư tưởng về LLVT ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích). Nhờ vậy đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn quân, ứng biến kịp thời, đối phó với mọi tình huống, đồng thời tạo ra sự kế thừa, luân phiên, bảo đảm tính thống nhất, liên tục, bền bỉ của quân đội. Với đối phương, sẽ bị nản chí vì rất khó xác định mục tiêu, đối tượng..., do vậy dễ bị mất phương hướng. Đây không chỉ là vấn đề đường lối chiến lược mà còn tạo ra một niềm tin chiến thắng lớn lao ở tất cả, ở quân đội, ở người dân. Ngược lại, với đối phương là sự bi quan, nản chí ngày càng sâu sắc.
Tư tưởng này có cơ sở vững chắc từ truyền thống đánh giặc giữ nước trong lịch sử dân tộc. Như ở thời Trần, ngoài “quân triều đình”, còn “quân các lộ” của địa phương, của các tướng lĩnh và “dân binh”. Khi có giặc sẽ tiến đánh từ nhiều hướng, nhiều hình thức, nhiều mũi giáp công... đẩy giặc vào thế bị động, bối rối. Đó là liên văn hóa trong một nền văn hóa (quan hệ chiều dọc truyền thống/hiện đại), còn gọi là giao tiếp nội văn hóa (intracultural communication). Đây cũng chính là mô hình chiến tranh phòng vệ của nhiều quốc gia được Ăngghen, Lênin khái quát về xây dựng “quân đội thường trực” và các “đội dân cảnh”.
Tập hợp, liên kết, đoàn kết cộng đồng tạo ra sức mạnh
Để đuổi được giặc mạnh gấp nhiều lần, người Việt buộc phải đoàn kết “nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới”, phải “tập hợp bốn phương manh lệ”, phải “bách tính vi binh” (trăm họ đều làm lính). Truyền thống ấy được Chỉ thị kế thừa: “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân...”. Sau này (năm 1946) Bác giải thích cụ thể: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc... Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc...”. “Ngụ binh ư nông” và “vũ trang toàn dân” là hai mặt của một vấn đề “bách tính vi binh”. “Ngụ binh ư nông” (gửi lính vào nông dân) áp dụng cho thời bình. “Vũ trang toàn dân” áp dụng cho thời chiến.
Toàn cầu hóa càng phát triển, sự chi phối giữa các quốc gia ngày càng lớn, vì thế, muốn phát triển và hạn chế rủi ro, các nước buộc phải liên kết cùng nhau. Đó là xu thế tất yếu. Những điều cơ bản ấy thể hiện trong Chỉ thị, là sự tập hợp, liên kết, đoàn kết cộng đồng để tạo ra sức mạnh. Trước đó (năm 1942), Bác Hồ đã nói một cách hình tượng về tư tưởng này trong bài "Ca sợi chỉ", mỗi cá nhân là một “sợi chỉ” liên kết nhau tạo thành tấm vải đoàn kết: “Đố ai bứt xé cho ra/ Đó là lực lượng, đó là vẻ vang”.
Bản sắc về chiến thuật
Càng toàn cầu hóa càng cần đến bản sắc, bởi nếu không sẽ bị “hòa tan”. Với quân đội, bản sắc thể hiện rõ ở cách đánh. Đúng như Chỉ thị vạch ra: “Về chiến thuật, vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”. Đây là một định nghĩa mẫu mực về “đánh du kích” ngắn gọn, dễ hiểu, đầy đủ, hệ thống. Lịch sử các trận đánh thời chống Pháp, chống Mỹ đã chứng minh những chỉ dẫn Bác đưa ra là hoàn toàn đúng đắn.
Là sự kế thừa, kết tinh và nâng cao các tư tưởng, quan niệm trước đó, đến lượt Chỉ thị trở thành miền thượng nguồn, theo dòng chảy lịch sử sản sinh ra các văn bản tương ứng khác. Hiện nay, quân đội một số nước châu Mỹ, châu Phi... đang tìm hiểu, nghiên cứu tư tưởng từ Chỉ thị. Đặc biệt, họ đánh giá cao đóng góp của Bác Hồ về mối quan hệ Quân đội và Nhà nước: Ra đời trước nhà nước, quân đội làm “bà đỡ”, làm điểm tựa, làm nền tảng, làm người bảo vệ để nhà nước dân chủ hoạt động theo ý chí của dân. Ở ngày hôm nay, ánh sáng từ Chỉ thị soi đường cho Quân đội ta tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Thể hiện ở các bài học:
Một là, giữ vững, tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ công tác Đảng, công tác chính trị, đúng như Chỉ thị vạch ra: “Chính trị trọng hơn quân sự”. Không chỉ là truyền thống, là bản sắc, trong bối cảnh mới, dù chiến tranh xảy ra dưới hình thức nào thì con người vẫn mang yếu tố quyết định. Do vậy, quan điểm chỉ đạo vẫn là “người trước súng sau”, chính trị vẫn là “linh hồn, mạch sống” của Quân đội. Từ nguyên tắc mang tính nền tảng này sẽ cho thấy sự cần thiết trong nhiệm vụ tuyên truyền phải làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để bộ đội thấm nhuần Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội.
Hai là, tăng cường hơn nữa quan hệ máu thịt với nhân dân. Về bản chất Quân đội ta là con đẻ của dân, từ dân mà ra, vì dân mà chiến đấu, được dân quý, dân tin, dân giúp đỡ, ủng hộ nên luôn chiến thắng vẻ vang. Lịch sử đã khẳng định chân lý ấy. Ở ngày hôm nay, phát huy cao nhất nguyên tắc này sẽ tạo ra khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc để hình thành "thế trận lòng dân", kiến tạo một hình thái “chiến tranh nhân dân” đặc sắc, hiệu quả; mới có thể kết tinh cao độ, tập trung nhân tài, vật lực, trí tuệ, bản lĩnh, niềm tin, sự chủ động của toàn dân. Tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc; nâng cao ý chí quyết tâm bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân trong tình hình mới.
Ba là, các thế lực phản động không từ bỏ ý đồ phá hoại cách mạng Việt Nam bằng mọi thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc. Chúng đang ra sức tuyên truyền cho việc “phi chính trị hóa Quân đội” hòng tách rời sự lãnh đạo của Đảng để Quân đội dần dần bị mất phương hướng. Do vậy, nhiệm vụ chống “diễn biến hòa bình” phải được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên.
Bốn là, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa quân sự chính quy, lành mạnh giúp bộ đội tự tạo ra sức đề kháng đủ mạnh “miễn dịch” với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ