Mùa đông trời tối rất nhanh, mới ăn bữa chiều xong mà bóng đêm đã bao trùm lên khắp nẻo. Gió bấc thổi như thốc lên từ sông Hồng càng thêm buốt giá. Bãi Phúc Xá tối om om sau một ngày lao động vất vả, tưởng chừng nghe rõ tiếng côn trùng kêu rỉ rả đến nẫu buồn. Phùng nằm im, mệt mỏi, cậu cố gắng ngủ mà không sao chợp mắt được. Hễ cứ nhắm mắt lại là như hiện lên hình ảnh đầy tang thương. Một nỗi ám ảnh kèm sự sợ hãi khiến Phùng nằm co rúm vào sát vách tường, mắt cậu mở to vẻ canh chừng.
“Ùng”. Một tiếng nổ rất to bất ngờ vang lên phá tan bầu không khí tịch mịch. Rồi tiếp theo là những tiếng nổ liên hồi. Phùng ngồi bật dậy, cậu còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra thì tiếng của bà Thìn, cô ruột của cậu, kêu rất to: “Thằng Phùng đâu. Mày mau ra đây giúp cô gói mấy thứ đồ”. Phùng vẫn chưa hết ngơ ngác, bèn hỏi lại: “Gói đồ đi đâu hả cô?”. “Thì đi tản cư chứ đi đâu nữa”. “Tản cư là gì hả cô?”. Phùng đã đến bên chỗ người cô ruột đang vội vã vơ vơ mấy bộ quần áo nhét vào bao tải, cô Thìn nói như quát. “Là đi khỏi Hà Nội. Đánh nhau to rồi. Ở lại chỉ có nước chết thôi cháu ạ”.
Phùng đã tỉnh hẳn, cậu chau mày “Không lẽ lời anh Thuận nói sáng qua là thật”. Nghĩ thoáng rất nhanh, Phùng bỏ mặc người cô đang hí húi chằng buộc, cậu lao ra cửa. “Mày đi đâu đấy hả Phùng?”. Phùng không ngoái đầu lại, cậu nói to: “Cháu không đi tản cư đâu. Cô cứ đi đi”. Người cô chợt cuống quýt lên hỏi lại: “Không đi tản cư thì mày đi đâu bây giờ?”. “Kệ cháu”. Phùng nói to hơn rồi chạy thốc ra ngoài ngõ.
Đã lên tới mặt đê, Phùng dừng lại lấy hơi, cậu vừa chạy trong đêm tối nên vấp ngã mấy lần, đau điếng nhưng cậu không bận tâm. Đứng trên mặt đê, Phùng thấy cả bầu trời Hà Nội rền vang tiếng súng, cả bầu trời Hà Nội chớp lửa nhì nhằng, khói đen mù mịt.
Hít một hơi dài để định hướng, Phùng cứ nhằm phía có nhiều tiếng súng nổ mà chạy tới. Đã quá quen thuộc với những con phố nên Phùng chạy một mạch. Hơn nữa, ánh lửa đã soi đường cho cậu chạy.
Bỗng có một cánh tay ai đó kịp vươn ra túm lấy lưng áo cậu. Phùng khựng lại. Một tiếng người quát rõ to: “Thằng nhóc. Mày chạy đến chỗ chết à?”. Phùng kịp định hình, cậu nói cũng to chẳng kém gì người vừa quát hỏi cậu: “Em muốn đánh nhau với bọn Pháp”.
Người kia bỗng cười thành tiếng: “Nhóc con. Quay về nhà mau. Đi tản cư cùng mọi người đi, nhanh may ra còn kịp đấy”. Phùng vùng người thoát khỏi bàn tay túm áo của người kia. Cậu chạy tiếp, chạy đến chỗ ầm vang tiếng súng.
Phùng đã chạy đến phố Gia Ngư. Đến đây thì cậu bị chặn lại bởi chắn ngang phố là một khối lù lù những giường, những bàn, những tủ, cùng với những bao cát được dựng lên cao hơn đầu người lớn. Cậu nhìn thấy lấp ló sau “bức tường” đó là bóng những anh Vệ quốc đoàn. Các anh vừa di chuyển vừa chốc chốc nhô người lên khỏi “bức tường” hướng mũi súng bắn đoàng đoàng. Cảnh tượng ấy khiến cậu thấy thích thú.
Lại một cánh tay, lần này thì cánh tay đó chắc khỏe hơn nên chẳng những túm được cậu mà còn ấn cậu gần như nằm sấp xuống hè phố. Một giọng nghe cương quyết hơn: “Em chạy đi đâu?”. Phùng vẫn nằm sấp nhưng đã kịp nghiêng người để quay mặt nhìn lên, cậu trả lời từ tốn: “Em muốn cùng các anh đánh bọn Pháp ạ!”.
Một chuỗi cười nghe vui: “Em còn trẻ con. Mà này em tên là gì?”. Phùng lại cố ngẩng mặt cao hơn: “Em tên là Phùng à”. “Gì Phùng?”. Người kia hỏi lại. Phùng đáp: “Em là thằng Phùng còi ạ”. Dù phải bật cười nhưng anh Vệ quốc đoàn này có vẻ thân thiện: “Còi thì đúng là còi rồi. Người em chưa cao bằng khẩu súng anh đang cầm đây mà cũng đòi đi đánh nhau với bọn Pháp to cao gấp ba em ấy. Họ tên của em là gì? Em bao nhiêu tuổi?”.
Phùng đã được ngồi dậy nhưng anh Vệ quốc đoàn gí chân vào người cậu để đẩy cậu vào sát bức tường, anh cũng ngồi xuống bên cạnh, Phùng trả lời: “Là Phùng thôi ạ. Từ bé em chỉ nghe mọi người gọi em là Phùng còi thôi. Năm nay em 13 tuổi ạ”. “Em có biết chữ không?”. “Có ạ. Em biết viết chữ “phờ” rồi. Anh Thuận dạy cho em”. “Anh Thuận nào? Có phải Thuận đóng giầy không?”. Phùng mừng ra mặt: “Đúng ạ. Anh Thuận sáng hôm qua còn dẫn em đến phố Yên Ninh nữa”. Anh Vệ quốc đoàn im lặng. Phùng cũng im lặng. Cậu nhớ buổi sáng hôm qua khi cậu được anh Thuận dẫn tới chỗ ngã ba Yên Ninh với phố Hàng Bún ấy. Cả một góc ngã ba phố tan nát, nhà cửa đổ sập, xác người chết tuy đã được chuyển đi nhưng những vết máu đã thâm lại vẫn còn nhuộm đen mặt đường. Anh Thuận bảo: “Bọn Pháp rắp tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Sắp đánh nhau to rồi. Em có sợ không?”.
Phùng kể cho anh Vệ quốc đoàn đang ngồi cạnh mình ngay trên vỉa hè, cậu nói thêm: “Em thấy bọn Pháp giết người ở Yên Ninh-Hàng Bún nên em căm ghét chúng. Em muốn đánh chúng”. Anh Vệ quốc đoàn cười hà hà, rồi đưa tay vuốt vuốt mớ tóc rối bù của Phùng: “Nhưng mà em còn bé quá. Đánh nhau thế nào được mà đòi vào Vệ quốc đoàn như bọn anh?”. Phùng nhíu mày: “Việc gì em cũng làm được. Các anh cứ sai em là em làm được. À mà em biết khâu đế giầy rồi đấy. Anh Thuận dạy em mà”.
Anh Vệ quốc đoàn nói nhỏ: “Giờ em gọi anh là anh Liêm nhé. Anh là chỉ huy ở đây. Anh Thuận trước cùng hoạt động Việt Minh bí mật cùng với anh. Em muốn ở đây với anh hay đến chỗ anh Thuận?”. “Em đến đây rồi. Cho em ở đây với anh. Cho em được làm Vệ quốc quân với ạ”.
Anh Liêm lại vuốt vuốt đầu Phùng: “Giờ thì em cứ ngồi yên ở đây. Không chạy lăng quăng đâu đấy, bọn Pháp nó nhìn thấy nó đòm cho một phát là tiêu đời đấy”. Phùng gật đầu ngoan ngoãn. Cậu đưa tay nhận nửa nắm cơm anh Liêm đưa cho: “Em ăn tạm cho đỡ đói. Nhìn em anh biết em chắc đói lắm rồi”.
Trời tối hẳn, tiếng súng cũng đã ngưng. Chắc bọn Pháp cả ngày xua lính đánh vào “bức tường” dựng ngang phố Gia Ngư không làm nên trò trống gì nên đành lui quân. Bấy giờ anh Liêm mới quay trở lại chỗ Phùng, anh Liêm nhìn quanh chẳng thấy Phùng đâu, anh gọi: “Phùng ơi. Em đâu rồi?”. Phùng hớt hải chạy tới, cậu lúng túng gãi gãi đầu. “Em vừa làm việc gì dại dột phải không? Không nghe lời chỉ huy à?”. Phùng càng gãi đầu: “Em cứ ngồi đây mãi mỏi hết cả người. Lúc các anh bắn nhau với bọn Pháp ấy”. “Lúc ấy em đi đâu?”, anh Liêm hỏi với vẻ lo lắng. “Em bò tới sát “bức tường” anh ạ. Em tiếp đạn cho các anh bắn nhau”.
Anh Liêm lại nghiêm sắc mặt: “Như vậy là em sai rồi. Anh là chỉ huy. Anh đã cho phép em đâu. Mà này, chỗ ấy không phải là “bức tường” mà là chiến lũy. Là chiến lũy em nhớ đấy nhé”.
Lại chia cho Phùng nửa nắm cơm nắm nhưng Phùng lắc đầu: “Lúc tiếp đạn, cơm và nước uống cho mấy anh, em cũng được chia cho một nắm cơm rồi ạ”. Anh Liêm hỏi: “Nhà em ở đâu? Nhà bố mẹ em ấy?”.
Phùng chợt rơm rớm nước mắt: “Nhà em ở thôn Trích Sài ạ. Bố em chết lâu rồi. Mẹ em mới mất hồi đầu năm. Hai anh trai em sang bên Gia Lâm làm thuê. Em được cô ruột đón về Phúc Xá ở cùng”. Anh Liêm cũng xúc động, anh bảo: “Anh biết làng Trích Sài rồi. Ở đây có nghề dệt the nổi tiếng. Thế cô của em không bảo em đi tản cư cùng à?”. “Có ạ, nhưng em không nghe. Em chạy đến đây để xin được vào Vệ quốc đoàn đánh Pháp ạ”.
Anh Liêm im lặng. Anh Liêm đứng dậy đi đi lại lại. Phùng đoán thế nào anh ấy cũng bắt mình quay về. Nếu thế thì ước mơ được mặc quần áo Vệ quốc quân giống như anh Sinh sẽ tiêu tan. Cậu cũng lo lắng thật sự.
“Nghe anh bảo này”, anh Liêm đứng trước mặt Phùng, Phùng vội đứng lên chờ đợi. “Em có biết Sở Thủy Lâm không?”. Phùng mừng quýnh lên, cậu biết anh Liêm chắc sẽ không bắt cậu quay về nên ánh mắt sáng lên chờ đợi. Anh Liêm bảo: “Tối nay em bò tới Sở Thủy Lâm xem xem bọn Pháp ở đấy có nhiều không rồi về báo lại cho anh. Em biết chỗ đó chứ?”. Phùng gật đầu liên tục, gì chứ Sở Thủy Lâm ở gần đền Bà Kiệu thì cậu lạ gì. Đã mấy lần anh Thuận dẫn cậu tới đó rồi: “Chỗ đó em biết rõ lắm. Em đi luôn hay chờ tối thêm tí nữa ạ”. “Chờ tối thêm tí nữa. Chờ tới lúc ấy chắc bọn Pháp mải ăn uống nên ít canh chừng”.
Đêm tối hẳn. Phùng đi như bò sát xuống vỉa hè dọc phố Lò Sũ. Đến góc Lò Sũ-Hàng Dầu thì cậu bò chậm hơn, bò sát xuống vỉa hè. Cứ nhích từng tí một, cuối cùng Phùng cũng đã bò tới chân tường Sở Thủy Lâm. Đó là một ngôi nhà to cao với bức tường cũng cao. Phùng rón rén bò tới sát một cửa sổ đang he hé mở. Ánh sáng bên trong hắt ra làm cậu nép như dính sát vào tường. Phùng dừng lại, đến thở cậu cũng phải thở thật nhẹ.
Bên trong chắc có nhiều lính Pháp ở đó. Phùng đã nghe thấy vọng ra những tiếng cười nói sì sồ. Cậu nghĩ “nếu có quả lựu đạn trong tay thì kiểu gì cậu cũng ném vào trong đó cho chết hết bọn Pháp đi”. Nhưng ý nghĩ chỉ là ý nghĩ. Cậu nhớ lời anh Liêm đã dặn là xem xem bọn Pháp ở đó có nhiều không. Phải nghe rồi đoán, rồi bò về báo lại cho anh Liêm chứ.
Phùng lại khẽ khàng bò sát vỉa hè. Cậu bò đến đầu phố Lò Sũ thì có tiếng chân người nhè nhẹ đi đến. Ngẩng mặt lên, Phùng nhận ra đó là một anh Vệ quốc đoàn. Anh Vệ quốc đoàn cũng đã nhận ra cậu, anh nói nhỏ: “Anh Liêm bảo anh ra đây đón em”.
Căn phòng nhỏ, chỉ tí ti ánh đèn, Phùng đứng giữa nhà, xung quanh cậu là các anh Vệ quốc đoàn, anh nào anh nấy đều trang nghiêm và im lặng. Anh Liêm tiến tới gần cậu, anh Liêm nói dõng dạc: “Bắt đầu từ tối nay. Em Nguyễn Văn Phùng...”. Phùng vội bật lời: “Em là Phùng thôi ạ”. Anh Liêm suỵt suỵt nhắc mọi người trật tự: “Cũng phải có họ tên đầy đủ chứ. Tôi nhắc lại: Căn cứ vào đơn xin gia nhập Vệ quốc đoàn của em Nguyễn Văn Phùng...”. Phùng lại bật lời: “Em có biết chữ đâu ạ”.
Anh Liêm ngừng lời nhìn Phùng trìu mến: “Hành động và suy nghĩ của em trong ngày hôm nay chính là “lá đơn” xin gia nhập Vệ quốc đoàn rồi. Từ tối nay, em Nguyễn Văn Phùng chính thức là chiến sĩ của Tiểu đoàn 102 khu Đông thành thuộc Liên khu 1 Hà Nội. Chiến sĩ Nguyễn Văn Phùng được phân công về Đại đội 3 làm liên lạc. Chiến sĩ Nguyễn Văn Phùng rõ chưa?”. Phùng vội đáp: “Vâng ạ”. Anh Liêm sửa lại: “Em phải trả lời là “rõ”. Nhớ đấy”.
Truyện ngắn của NGUYỄN TRỌNG VĂN