Văn học được nhiều người trong xã hội yêu thích và tôn vinh.

Văn học có những chức năng cơ bản: Nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giao tiếp và giải trí. Các chức năng của văn học thường gắn bó hữu cơ, không tách rời nhau. Chính nhờ sự gắn bó đó đã làm cho văn học có sức tác động sâu xa, bền bỉ, có sức sống mãnh liệt, lâu dài trong đời sống tinh thần của con người. Ngoài những chức năng như trên, văn học còn có chức năng xây dựng niềm tin cho con người và xã hội.

Đọc sách văn học, con người thấy được giá trị cuộc sống, yêu cái đẹp, yêu con người, tôn trọng giá trị đạo đức, thẩm mỹ, chấp hành pháp luật và hình thành thói quen tốt, sống có văn hóa, văn minh; đặc biệt là có động lực, phương pháp ứng xử có văn hóa và tham gia nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa.

Văn học giúp con người nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát khao vươn tới đỉnh cao, nuôi dưỡng xu hướng trở thành những công dân có ích trong xã hội, tránh xa cái xấu, cái ác, xây dựng xã hội văn minh. Nhà nghiên cứu Ðặng Thai Mai đã chỉ rõ: “... văn học góp sức vào công cuộc bồi bổ nền văn hóa, văn học có sứ mạng bồi bổ cải tạo sinh hoạt về mặt tinh thần và cả mặt vật chất nữa". (Văn học khái luận, 1944).

Niềm tin vốn là lĩnh vực tinh thần của con người, xã hội được hình thành chủ yếu từ giáo dục của gia đình, nhà trường; sự tiếp nhận thông tin, kiến thức, tri thức lịch sử, văn hóa cùng những kinh nghiệm sống ngoài xã hội. Như vậy, niềm tin của con người vốn chủ yếu đến từ nhận thức và được lớn lên cùng thời gian, là động lực để con người phấn đấu và đạt được những điều mình đã xác định, mong muốn.

Trong đó, việc đọc nhiều tác phẩm văn học là biện pháp hữu hiệu để con người xây dựng ý chí, niềm tin, sống đẹp, sống có ích, hành động mang lại giá trị cho xã hội. Qua đó, con người có đủ tư duy để phân biệt, tránh xa cái xấu, tạo ra "vaccine" để ngăn ngừa con người lao theo những mục tiêu mù quáng.

leftcenterrightdel

Văn học góp phần xây dựng niềm tin. Minh họa: MẠNH TIẾN 

Trong việc xây dựng nền tảng tinh thần xã hội đương đại, văn học có vai trò quan trọng, hướng vào hai vấn đề: Một là, xây dựng, củng cố niềm tin; hai là bảo vệ hệ tư tưởng cùng các giá trị văn hóa của dân tộc.

Xây dựng niềm tin từ văn học, nghệ thuật đã được khẳng định trong thực tiễn. Ðọc một tác phẩm văn học, suy cho cùng là đọc niềm tin của người viết về con người, về thực tại. Nhà lý luận phê bình Trần Thiện Khanh từng viết: “Chừng nào chưa trả lời được câu hỏi, nhà văn tin vào điều gì, vì sao anh ta tin điều đó, cách thể hiện niềm tin đó ra sao... thì coi như chưa đọc vỡ văn bản”.

Chẳng hạn, khi ta đọc tác phẩm “Viết dưới giá treo cổ” của nhà văn, nhà báo Yulius Fucik được xuất bản vào năm 1945, sẽ thấy cảm phục ý chí, niềm tin của chính tác giả và tin vào mục tiêu đấu tranh của người chiến sĩ cộng sản.

Tác giả là một chiến sĩ cách mạng bị phát xít Đức bắt giam vào nhà tù Pankrast, năm 1942. Tại đây, ông phải đối mặt với những ngón đòn tra tấn dã man, tàn khốc của quân thù nhưng không hé răng khai nửa lời. Trong hoàn cảnh chờ chết, Fucik đã nhờ một viên quản ngục tốt bụng lén cung cấp giấy và bút chì để viết ra tác phẩm. Mỗi ngày, người quản ngục ấy lại mang “bản thảo” của Fucik viết được chuyển ra ngoài. Fucik đã hoàn thành những trang viết cuối cùng trước khi bị phát xít Đức đưa đi xử tử vào năm 1943.

Với ngôn ngữ bình dị, tác giả đã diễn tả lý tưởng sống cao cả, luôn hướng về lẽ phải và niềm tin tuyệt đối vào những người đồng chí của mình. Mỗi chương trong cuốn sách là một bức tranh chân thực, sinh động và súc tích về bộ mặt thật ghê tởm của chế độ nhà tù phát xít Đức, về những phẩm chất cao đẹp của các chiến sĩ cộng sản Tiệp Khắc, về cuộc đấu tranh đầy gian khổ và hy sinh của họ vào lúc lịch sử đất nước trải qua bước gian nguy. Từ khi ra đời đến nay, “Viết dưới giá treo cổ” đã được dịch ra hàng trăm thứ tiếng trên thế giới với hàng chục triệu bản in và vẫn là cuốn sách văn học chân thực, cảm hóa con người hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ.

Ở Việt Nam, nếu ai đã đọc cuốn hồi ký “Bất khuất” của nhà cách mạng Nguyễn Đức Thuận (tức Bùi Tư Phong) thì cũng đồng cảm với niềm tin của người cộng sản bị quân địch cầm tù, tra tấn dã man. Chính sự can trường vượt qua đòn roi tra tấn của kẻ thù mà người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Đức Thuận đã có niềm tin, trở về với vòng tay thương yêu của đồng đội, người thân trong gia đình để tiếp tục hoạt động, hoàn thành mục tiêu và lý tưởng. Niềm tin vào cách mạng của tác giả Nguyễn Đức Thuận đã giúp bao thế hệ người Việt Nam nhận thức, chủ động xây dựng lý tưởng, niềm tin và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng để tạo ra sức mạnh vô song, giành chiến thắng trước quân thù.

Hay như đọc tác phẩm “Nắng đồng bằng” của nhà văn Chu Lai, độc giả như được chứng kiến những trận chiến khốc liệt trong chiến tranh năm xưa để rồi thêm niềm tin yêu Bộ đội Cụ Hồ. Các nhân vật trong tác phẩm đều được nhà văn Chu Lai khắc họa một cách sâu sắc, chân thực và mang đậm màu sắc độc đáo. Mỗi người trong họ đều có nỗi niềm, câu chuyện của riêng mình, nhưng tất cả đều có một điểm chung là lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu chống giặc, vì lý tưởng, vì Tổ quốc linh thiêng.

Hiện nay, do sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự phát triển mạnh mẽ của truyền hình, phim ảnh và các nền tảng mạng xã hội đã khiến văn hóa đọc dường như bị chùng xuống và có phần lép vế. Bên cạnh đó, những lo toan cuộc sống chiếm mất nhiều thời gian khiến người dân, nhất là giới trẻ ít có thời gian đọc sách để hưởng thụ những tinh túy mà văn học đem lại. Tuy chưa có thống kê khoa học và đầy đủ nhưng từ những số liệu về số lượng phát hành khá ít ỏi của sách văn học do các nhà xuất bản cung cấp, bằng cảm tính cũng thấy được tỷ lệ người mua sách và đọc sách trong xã hội hiện nay đang rơi vào tình trạng rất đáng lo ngại. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhà văn trẻ trình làng tác phẩm văn học hằng năm còn khiêm tốn đã chứng tỏ sức hút và nhu cầu đọc sách văn học có xu hướng rơi vào vùng tối, đáng báo động.

Việc bỏ quên, thờ ơ với đọc sách văn học sẽ đưa đến những hệ lụy khó lường. Trong đó nổi bật là niềm tin vào cuộc sống, vào con người, vào nền tảng văn hóa tinh thần sẽ bị lỏng lẻo. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi xấu, có hại cho xã hội, cho cộng đồng.

Từ trước và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ đến nay, cơ quan chức năng các địa phương trong cả nước liên tục phá những chuyên án lớn. Đáng lo ngại là trong đó có tỷ lệ rất cao người trẻ tuổi ra nước ngoài, lợi dụng mạng xã hội để quay lại lừa đảo người dân trong nước. Việc này khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về việc giáo dục niềm tin và tinh thần yêu nước, "thương người như thể thương thân" vốn là truyền thống, niềm tự hào của người Việt. Phải chăng, ma lực của đồng tiền và lối sống ích kỷ, chạy theo vật chất của một bộ phận trong xã hội, trong đó có giới trẻ đã khiến họ cố tình quên đi bổn phận sống tốt, sống đẹp, sống lương thiện. Nếu đó là nguyên nhân chính, chủ đạo thì việc xem xét, thúc đẩy đọc sách nói chung, đọc sách văn học nói riêng càng cần phải được chấn chỉnh và đẩy mạnh. Bởi như đã nói ở trên, những kiến thức phổ thông chỉ là nền tảng giúp con người có nhận thức xã hội. Còn muốn trở thành người có ích thì cần phải đọc nhiều, học nhiều và rút kinh nghiệm rất nhiều. Trong đó, đọc sách văn học giống như mang đến cho con người một làn nước mát, trong lành để gột rửa những rêu phong, cặn bụi của xã hội đeo bám. Nói một cách khác, đọc sách văn học giúp con người phân biệt phải-trái, đúng-sai và chuyển thành tự giáo dục, tránh xa cái ác.

Xét cho cùng, sách văn học là một sản phẩm văn hóa đặc thù. Nếu thờ ơ, rẻ rúng nó thì sẽ tự đánh mất giá trị thẩm mỹ và làm hẹp con đường tiếp nhận, củng cố, xây dựng niềm tin. Mà có niềm tin là có tất cả, còn mất niềm tin cũng sẽ mất tất cả.

PHẠM THỊ HOÀNG OANH