Những tác giả trẻ như: Lữ Thị Mai, Du Nguyên, Đinh Phương, Nhật Phi, Huỳnh Trọng Khang, Hạnh Nguyên, Nguyễn Thị Thùy Linh, Nguyễn Thị Kim Nhung, Ngô Gia Thiên An, Nguyễn Nhật Nam… đang nỗ lực để chứng tỏ sự hiện diện với tư cách thế hệ và cá tính nghệ thuật của mình trong đời sống văn học đương đại.
Trong bất cứ xã hội nào, tuổi trẻ luôn là lực lượng nòng cốt, tiên phong để tiến hành những kiến tạo xã hội. Trẻ, năng động, hiểu biết xã hội, công nghệ, ngoại ngữ… chính là thế mạnh của những người trẻ. Họ sở hữu những kỹ năng, tri thức nền tảng mà thế hệ cha anh không thể có. Cùng với đó, những điều kiện thuận lợi có tính khách quan về thời đại, đổi mới, hội nhập, toàn cầu hóa, công nghệ, kỹ thuật… đã hỗ trợ rất nhiều cho người trẻ trong việc sống, học tập và sáng tạo. Do đó, chính họ, không phải ai khác, tạo nên diện mạo của thời đại, diện mạo của thế hệ mình. Thế hệ trẻ hôm nay viết như là để hiện diện, để đối thoại với lịch sử, quá khứ, bản thể... Nguồn sống trẻ, điệu sống mới, nhịp đập khác của trái tim tuổi trẻ khiến cho họ có những trình hiện mang đậm dấu ấn thế hệ.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn sáng tác của những cây bút trẻ, theo quan sát của chúng tôi, có thể thấy đa phần, tác phẩm của các nhà văn trẻ nằm ở thể loại thơ và truyện ngắn. Thể loại tiểu thuyết khá hiếm, lý luận phê bình lại càng hiếm. Ở một góc nhìn khác, những thành tựu về mặt chất lượng, tầm vóc của văn học trẻ vẫn dường như khá khiêm tốn so với di sản văn chương của cha anh. Những tác giả, tác phẩm đã làm nên giá trị của di sản văn chương thời chiến và đầu đổi mới, có lẽ sẽ còn được nhắc lại nhiều nữa trong đời sống văn chương, học thuật nước nhà. Trong khi thật khó có thể điểm ra những tên tuổi nhà văn trẻ đủ sức thuyết phục người đọc về giá trị, tầm vóc cũng như khả năng hiện diện một cách ấn tượng, bền bỉ trong lòng công chúng đương đại. Tại sao với những thuận lợi như đã nói ở trên, các nhà văn trẻ vẫn chưa có được những thành tựu cơ hồ có thể sánh với giá trị văn chương của các thế hệ đi trước?
Độc giả trẻ với tác phẩm của các nhà văn trẻ tại Hội sách TP Hồ Chí Minh năm 2016. Ảnh: Phong Lan
Sẽ thật khiên cưỡng khi đặt ra những so sánh, nhưng rõ ràng, chúng ta đang chờ đợi ở văn trẻ những sáng tác có tầm vóc, có thể đứng bên cạnh những tác phẩm của một đội ngũ tác giả trưởng thành qua các cuộc chiến tranh cách mạng và một số tác giả đã định danh trong thời kỳ Đổi mới. So sánh với thế hệ đi trước, chúng ta sẽ thấy những chênh lệch ít nhất trên bình diện đội ngũ và kết tinh giá trị. Cần nhiều thời gian nữa, lịch sử văn học mới có thể đặt ra một sự đối sánh như thế. Một số tác giả trẻ đoạt giải cao trong các cuộc thi văn chương gần đây (Chu Thùy Anh, Nguyễn Thị Kim Hòa, Đinh Phương, Nhật Phi, Nguyễn Thị Thùy Linh, Hạnh Nguyên…) có thể là niềm tin cho một viễn cảnh tươi sáng. Tuy nhiên, ở hiện tại, người đọc không còn cách nào khác là tiếp tục chờ đợi và hy vọng.
Văn học trẻ chưa tự tin khi đứng bên cạnh những thành tựu của các thế hệ đi trước có thể lý giải từ nhiều nguyên nhân. Phải nói rằng, thời bây giờ, ít có những vấn đề lôi cuốn toàn bộ xã hội, tập trung tinh thần, tư tưởng, ý chí cộng đồng như thời chiến. Câu chuyện của đời sống hôm nay là những diễn biến của thế sự, đời tư. Do vậy, mỗi cá nhân là một “mảnh vỡ”, một hình thái riêng biệt. Những vấn đề có tính phổ quát như tự do, quốc gia, chủng tộc, văn hóa, nhân tính, môi trường… vẫn xuất hiện trong văn chương nghệ thuật nhưng dưới những trải nghiệm và tường thuật cá nhân. Điều này lý giải sự giảm đi một cách rõ rệt của cảm hứng sử thi, cộng đồng, tập thể. Văn học trẻ đã tiếp cận đời sống và sản sinh nghệ thuật bằng một góc nhìn khác với văn chương thời chiến và thời đầu Đổi mới. Do vậy, việc so sánh thành tựu cần có một khung quy chiếu tương đồng, một hệ thống tiêu chí cụ thể, khả dĩ áp dụng được cho các thế hệ nhà văn và các hình thái văn chương.
Văn chương với người trẻ hôm nay chính là sự sống, sự phô bày bản sắc chủ thể. Chủ thể sáng tạo, chủ thể đọc cùng với các bên liên quan trong chuỗi sản xuất và phát hành sách hướng đến thị hiếu của người trẻ là một nguyên nhân khiến cho văn chương trẻ hiện diện theo một cách khác với cha anh mình. Họ không chú trọng vào các đại tự sự. Họ dành mối bận tâm về phía những tiểu tự sự, từ đó dấn thân vào cuộc đời bằng phương cách riêng của tuổi trẻ. Không phải không có căn cứ từ thực tế khi ta nhận thấy, phần lớn đề tài, chủ đề của văn học trẻ đương đại là đời sống của cái tôi cá nhân, những diễn biến trong tinh thần, tư tưởng của con người bản thể. Thậm chí, lịch sử, chiến tranh, dân tộc, quốc gia, cộng đồng, hệ tư tưởng… vốn là những vấn đề căn bản của văn học thế hệ trước cũng được cảm nhận và đánh giá, diễn giải từ góc nhìn, trải nghiệm cá nhân trong những mối tương quan đời thường. Đó là nguyên do dẫn đến việc văn học trẻ thiếu vắng các tác phẩm mang đặc tính cộng đồng, tập thể như văn học thời kháng chiến.
Một điều cần phải nhắc tới ở đây như là một trở lực căn bản của văn trẻ chính là kinh nghiệm sống, những trải nghiệm văn hóa, tri thức cùng sự chuyên tâm với nghề viết. Có cảm giác văn chương thời nay giống như một cuộc dạo chơi của người trẻ. Đôi khi, ở một vài người, văn chương lại là thứ trang sức. Câu chuyện sống chết với nghề không còn là điều gì khiến nhà văn trẻ trăn trở nữa. Những vấn đề cốt tử của văn chương nghệ thuật như tư tưởng, thẩm mĩ, ngôn từ… dường như cũng không được ý thức một cách rốt ráo, có chiến lược đối với các nhà văn trẻ, nhất là ở bộ phận văn học đại chúng. Mà, như chúng ta biết, bộ phận văn học đại chúng lại đang khuynh loát thị trường sách văn học. Thật khó để có những tác phẩm đỉnh cao về nghệ thuật, tư tưởng từ dòng văn học đại chúng. Quan điểm cho rằng văn học trẻ chưa tương xứng hay non kém trước thành tựu của các thế hệ cha anh có lẽ xuất phát khá nhiều từ góc quan sát này.
Những điều kiện thuận lợi đôi khi lại trở thành lực cản, thành nguyên do cho những hạn chế trong nghệ thuật văn chương của người trẻ. Internet, toàn cầu hóa, thế giới phẳng, sự bùng nổ của truyền thông đa phương tiện… đã khiến giới trẻ ít mặn mà với nghệ thuật ngôn từ. Sự lên ngôi của các giá trị nhất thời làm bùng nổ dòng văn học thiên về giải trí. Những tác giả, tác phẩm thuộc dòng văn học tinh hoa vẫn hoạt động nhưng khá lặng lẽ. Rất tiếc, ở bộ phận tinh hoa, tác giả trẻ xuất hiện cũng chưa nhiều. Điều này cho thấy người trẻ đang dần dịch chuyển sự quan tâm của mình theo hướng đại chúng, nhất thời. Kể ra, thực trạng này cũng là bình thường trong sự vận động của một xã hội mở. Tuy nhiên, những người quan tâm đến giá trị cốt lõi, bền vững, mang bản sắc, cá tính Việt Nam trong tương quan với những di sản văn hóa, tinh thần của lịch sử, của nhân loại, hẳn sẽ thấy băn khoăn, thậm chí lo lắng.
Văn chương của người trẻ là một thực thể chưa hoàn tất. Nói cách khác, các nhà văn trẻ vẫn đang trong quá trình kiến tạo chân dung, giá trị của thời đại mình. Sự so sánh với di sản của thế hệ trước có thể còn khiên cưỡng, cũng chưa thật công bằng với văn trẻ, nhưng là cần thiết, như một cú hích để các nhà văn trẻ tiến lên. Hành trình của họ vẫn còn dang dở. Điều đó khiến cho những hy vọng luôn song hành cùng những băn khoăn về thành tựu của văn học trẻ.
DÃ VU