Ấn tượng những vai diễn
Đến nay đã có 7 bộ phim truyện điện ảnh với 6 diễn viên từng hóa thân thể hiện hình tượng Bác Hồ. Những nghệ sĩ-diễn viên ấy bằng tài năng, công sức của mình góp phần xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua từng chặng đường lịch sử.

Trong số 6 diễn viên từng được vào vai Bác Hồ, có thể nhắc đến 3 người được đánh giá là thành công trong việc khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Tiến Hợi với hai bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (năm 1990) và “Hà Nội mùa đông năm 46” (năm 1997); NSƯT Trần Lực trong phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công” (năm 2003) và gần đây nhất là Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Bùi Bài Bình với phim “Nhà tiên tri” (năm 2015).

 NSƯT Tiến Hợi là diễn viên đầu tiên được giao đảm nhiệm vai diễn về Bác trên màn ảnh rộng-nhân vật người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” của đạo diễn Long Vân. Đây là bộ phim truyện nhựa đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với kinh nghiệm diễn xuất trước đó trong vở kịch “Đêm trắng”, diễn viên Tiến Hợi đã hóa thân thành công vào nhân vật Nguyễn Tất Thành. Anh được đánh giá có ngoại hình giống Bác Hồ thời trẻ với đôi mắt sáng, khuôn mặt cương nghị và vóc dáng thư sinh. Nhưng vai diễn của Tiến Hợi thành công không chỉ bởi “giống” với nguyên mẫu mà còn khiến khán giả vừa cảm thấy gần gũi, vừa cảm phục ý chí, suy nghĩ của người thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Tiếp đó, Tiến Hợi lại vinh dự được đóng vai Bác Hồ trong bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Hình ảnh Bác trong phim qua sự nhập vai của nghệ sĩ Tiến Hợi hiện lên gần gũi như cảnh Bác gặp gỡ các cụ phụ lão từ Thái Bình lên thăm hay mối quan hệ thân tình với người họa sĩ vẽ chân dung Người... Đặc biệt, khát vọng hòa bình của Bác được thể hiện qua những lá thư Bác viết gửi tới Sainteny như thể hiện thông điệp hữu nghị, không muốn chiến tranh.

leftcenterrightdel

 NSƯT Tiến Hợi đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phim “Hà Nội mùa đông năm 46”.                             Ảnh chụp lại 

Trong phim, tới phân cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh rút que diêm trong túi áo ra bật lửa hút thuốc, nghệ sĩ Tiến Hợi đề nghị đạo diễn Đặng Nhật Minh cho mình tự sửa động tác: Thay vì bật diêm, Cụ Hồ nhác thấy ngọn đèn dầu, bèn châm điếu hút. Chi tiết này nhằm nhấn mạnh sự tiết kiệm nguồn lực tối đa của Người cho cuộc kháng chiến toàn dân, "biết đâu từ một que diêm sẽ bùng lên ngọn lửa cách mạng". Chỉ một chi tiết nhỏ như vậy đã thể hiện sự tinh tế, khả năng quan sát nhanh nhạy và ứng tác trên cơ sở thấu hiểu sâu sắc nhân vật của người diễn viên. Đạo diễn Đặng Nhật Minh rất hài lòng với vai diễn này của nghệ sĩ Tiến Hợi và khẳng định: “Đúng là số trời đã định: Vai Bác Hồ phải do Tiến Hợi đảm nhiệm!”.

Thành công lớn của nghệ sĩ Tiến Hợi qua hai vai diễn Bác Hồ đã tăng áp lực cho các diễn viên sau đó khi nhận vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng bằng tài năng và tâm huyết của mình, họ vẫn tiếp tục ghi dấu ấn riêng như trường hợp của NSƯT Trần Lực trong bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”.
Với vai diễn Nguyễn Ái Quốc trong thời kỳ Người hoạt động cách mạng và bị bắt giam ở Hồng Công, Trần Lực đã thoát ra khỏi “cái bóng” của Tiến Hợi để tạo nên một cách diễn khác. Đó là cách diễn đi sâu vào nội tâm, không quá gồng mình thể hiện cho giống ngoại hình mà vẫn toát ra được thần thái, tâm lý của Người qua ánh mắt, phong thái, cử chỉ, hành động của nhân vật. Đặc biệt, trong những cảnh mang tính hành động khi bị sự truy đuổi gắt gao của cảnh sát Hồng Công, diễn viên Trần Lực đã thể hiện được thái độ bình tĩnh, sáng suốt và mưu trí của Nguyễn Ái Quốc. Anh đã xây dựng thành công “nhân vật hành động” bằng sự chủ động đối mặt và giải quyết vấn đề trong những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”. Hình tượng Nguyễn Ái Quốc qua diễn xuất của Trần Lực hiện lên vừa tài trí, vừa dũng cảm về vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam.

Gần đây nhất trong phim “Nhà tiên tri”, hình tượng Bác Hồ được xây dựng thành công trên màn ảnh qua diễn xuất của NSND Bùi Bài Bình. Người diễn viên kỳ cựu từng có nhiều vai diễn xuất sắc trong các phim “Mùa ổi”, “Ma làng”... nhưng khi được đảm nhiệm vào vai Bác vẫn thấy vừa vinh dự, vừa áp lực. Để hóa thân vào nhân vật đặc biệt này, NSND Bùi Bài Bình đã đầu tư nhiều thời gian, công sức và cả sự khổ luyện về ngoại hình, kỹ năng, phong thái sao cho toát lên được chân dung vị lãnh tụ vừa tài ba, vừa dung dị. Hình tượng Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc trong giai đoạn 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp đã hiện lên sinh động, chân thực qua diễn xuất tự nhiên mà sắc sảo của NSND Bùi Bài Bình. Vai diễn của NSND Bùi Bài Bình được đánh giá là đã thể hiện tốt suy ngẫm, tâm trạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn lịch sử này.

Ngoài 3 diễn viên giành được những thành công nhất định trong việc thể hiện hình tượng Bác Hồ, những diễn viên khác gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự tròn vai. Diễn viên Minh Hải lần đầu đóng phim truyện điện ảnh trong “Vượt qua bến Thượng Hải” (đạo diễn Triệu Tuấn-Phạm Đông Vũ) có lợi thế ở phần ngoại hình, phong thái khá giống Bác Hồ. Tuy nhiên, diễn xuất của anh có phần nhạt nhòa, chưa thuyết phục được người xem về cái "hồn" của nhân vật. Về khả năng nhập vai so với những diễn viên từng thể hiện vai Nguyễn Ái Quốc trước đây như Tiến Hợi, Trần Lực thì Minh Hải vẫn còn khá non nớt.

Với diễn viên trẻ Nguyễn Minh Đức vào vai Nguyễn Tất Thành trong phim “Nhìn ra biển cả” (đạo diễn Vũ Châu), cũng là một vai diễn quá sức. Đặc biệt, việc sử dụng giọng nói miền Bắc đã tạo cảm giác chênh, không phù hợp với nhân vật, thêm vào đó là diễn xuất thiếu chiều sâu, chưa toát lên được thần thái của người thanh niên trẻ tuổi nhưng chí lớn Nguyễn Tất Thành. Một vai diễn “đáng tiếc” khác được thể hiện trong phim "Thầu Chín ở Xiêm" (năm 2015) qua diễn xuất của diễn viên Mạnh Trường. Vào vai Thầu Chín-bí danh của Bác Hồ trong thời gian hoạt động ở Thái Lan-Mạnh Trường cho người xem cảm giác anh luôn phải cố gồng mình, minh họa cho hình ảnh nhân vật. Dù có ngoại hình đẹp của một tài tử điện ảnh nhưng chính vẻ điển trai lãng tử ấy lại quá lấn át hình tượng nhân vật, làm vai diễn của anh chưa đạt được hiệu quả cần có.

Tinh thần lao động sáng tạo

Có thể nói, qua những bộ phim về Bác, thành công hay không phần lớn phụ thuộc vào diễn viên đóng vai Bác Hồ. Đúng như NSND Bùi Bài Bình đã chia sẻ: “Đối với bất kỳ diễn viên nào, đóng vai Bác luôn là một niềm hạnh phúc, tự hào, đồng thời đó cũng là thách thức rất lớn!”. Hay như quan điểm của đạo diễn Đặng Nhật Minh, được phát biểu qua lời thoại của nhân vật họa sĩ Hân trong bộ phim "Hà Nội mùa đông năm 46": “Cụ giản dị nhưng vẽ ra được cái thần thái của Cụ thì thật là khó!”. Thế mới thấy, việc thể hiện ra được tâm hồn, cốt cách của Người qua các phương tiện nghệ thuật, đặc biệt là diễn xuất trên màn ảnh rộng quả thực không hề dễ dàng.

leftcenterrightdel

NSƯT Trần Lực vào vai Nguyễn Ái Quốc trong phim

"Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công".    Ảnh chụp lại 

NSƯT Tiến Hợi bày tỏ quan điểm, nếu vào vai Bác Hồ mà diễn viên chỉ dừng ở mức mô phỏng lại hình tượng nhân vật là chưa thành công. Điều quan trọng là tìm tòi, tạo ra kịch tính, để thể hiện được tâm tư, tình cảm, cốt cách tinh thần của Người trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Còn với NSƯT Trần Lực, tuy không có ưu thế về ngoại hình giống Bác, nhưng bù lại Trần Lực giàu khả năng diễn xuất nội tâm, tinh thần của Bác. NSND Bùi Bài Bình cũng phát huy cách diễn xuất nội tâm, xử lý tình huống rất chắc trong việc thể hiện nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh. Ngoài diễn bằng vẻ mặt và hành động, Bùi Bài Bình còn khiến hình tượng Hồ Chí Minh trở nên "rất đời" khi lồng vào những lời thoại tự nhiên.

Để hóa thân được vào nhân vật Bác Hồ, các diễn viên còn cần sự trau dồi, học hỏi và rèn luyện rất nhiều kỹ năng. Một kỷ niệm vui được NSƯT Tiến Hợi kể lại trong thời gian đóng phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”: Nghe nói các trắc thủ phòng không thường được ưu tiên ăn gan lợn cho mắt sáng để quan sát, Tiến Hợi đã “ép” mình ăn gan lợn hàng tháng ròng để đôi mắt thể hiện được ánh nhìn tinh anh của Bác Hồ. Tiến Hợi còn dụng công tập luyện về đài từ, tiếng nói, nghe và lặp lại theo giọng Bác hằng ngày sao cho gần giống nhất với chất giọng trầm ấm của Bác. Để đóng tốt trong “Nhà tiên tri”, NSND Bùi Bài Bình đã không ngại giảm cân, mài răng, nuôi râu, tập luyện thể thao và điều chỉnh khẩu phần hằng ngày để có thân hình giống Bác Hồ hồi ở Việt Bắc. Ông còn mày mò học hỏi 3 ngoại ngữ... Niềm vinh dự, tự hào và tinh thần lao động sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ là những yếu tố quan trọng làm nên thành công của các bộ phim về Bác Hồ.

Như lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu". Bởi vậy, các nhà làm phim nên khai thác hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách chân thật nhất, giản dị nhất; thể hiện được cốt cách, tinh thần cao cả, thiêng liêng của Người.

Thạc sĩ HOÀNG DẠ VŨ