Làm sách bằng tình yêu Trường Sa
“Những năm gần đây, điều kiện để đất liền ra với Trường Sa dễ dàng hơn. Nhưng một phóng viên mảnh mai như Mỹ Trà vượt một chặng đường dài như thế, đi hết đảo này đến đảo khác, không say sóng mà còn cầm máy để tác nghiệp, chụp được những khoảnh khắc đáng nhớ thì đây là một điều đáng khen”, đó lời khen của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam dành cho Nguyễn Mỹ Trà. Quả đúng như vậy, xét trên góc độ đề tài báo chí thì Trường Sa là một thử thách thật sự đối với người cầm bút. Với báo ảnh thì thử thách đó còn tăng lên gấp bội.
|
|
Nụ cười Trường Sa. Ảnh: MỸ TRÀ |
Nguyễn Mỹ Trà thừa nhận rằng, chính chị cũng bị áp lực ghê gớm khi làm sách. Trước chị, đã có bao nhiêu nhà báo, bao nhiêu tay máy cự phách ra Trường Sa, nhiều người có được thành công về những khoảnh khắc thu nhận ở Trường Sa. Vậy thêm một cuốn sách ảnh nữa về Trường Sa liệu có cần thiết? Những hòn đảo, những bờ cát, những cây bàng quả vuông, những con sóng, khuôn mặt của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đảo... Nếu thiếu ý tưởng thì sẽ là sự lặp lại. Nhưng tình yêu Trường Sa, ý thức, trách nhiệm của một nhà báo với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thúc bách chị một cách ráo riết. Và Mỹ Trà đã tìm ra con đường riêng của chị, đó là làm cuốn sách ảnh như một cuốn nhật ký, ghi lại một cách chân thực suy nghĩ, tình cảm của một nữ nhà báo trong những lần khám phá Trường Sa. Cảm xúc thì không bao giờ bị lặp lại và Trường Sa, quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã hiện ra trong nhật ký bằng ảnh của Nguyễn Mỹ Trà với những vẻ đẹp đa dạng và rất riêng.
Trả lời báo chí hôm ra mắt cuốn sách, Nguyễn Mỹ Trà đã bộc bạch: “Đây là hành trình của một cô gái Hà Nội sau bao mong ước cuối cùng cũng đã được lên tàu, đến với Trường Sa. Sau những cơn say sóng khủng khiếp thì chợt thấy trời và sóng Trường Sa đẹp đến ngỡ ngàng. Tận thấy Trường Sa, bạn bỗng sẽ hiểu thấm thía cái cụm từ vẻ đẹp quê hương. Tôi quả thật đã bị choáng khi lần đầu nhìn thấy biển và trời nơi đây. Có lẽ nước biển Maldives cũng chả đẹp bằng thế! Tại nơi đây bạn chỉ cần giơ Iphone lên là cũng có được những bức ảnh đẹp. Rồi những thời khắc quý giá mà mình được trải nghiệm tại Trường Sa: một cơn giông, một cầu vồng, một khung trời qua ô cửa, tiếng ê a lớp học bên bờ sóng xen lẫn tiếng chuông chùa, một mầm cây đang vươn mình ra ánh sáng, những cơn mưa chập chờn phía xa khơi... Bên cạnh đó là sự cảm phục trước cuộc sống khắc nghiệt in hằn trên làn da rám sạm của người lính, là sự biết ơn và tiếc thương về những người anh hùng đã ngã xuống để giữ đảo. Có những bức ảnh mờ nhòe bởi vì lúc chụp tôi vẫn trong cơn say sóng nhưng không muốn bỏ lỡ bất cứ một cơ hội nào. Say cũng vẫn giơ máy lên chụp...”.
May mắn là kết quả của nỗ lực và đam mê
Có rất nhiều khoảnh khắc đặc biệt được ghi lại trong “Trường Sa-Nơi ta đến”. Đặc biệt đến nỗi, không ít người sẽ phải thốt lên rằng, tác giả của nó thật may mắn vì đã bắt gặp khoảnh khắc đó, ví dụ như hình ảnh “cầu vồng Trường Sa” nối liền giữa một con tàu với một chiến sĩ hải quân đang đứng trên cầu cảng. Hay như việc Nguyễn Mỹ Trà vô tình có chuyến công tác ra Trường Sa cùng Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền nên đã ghi lại được nhiều hình ảnh đẹp của hoa hậu trên các đảo. Nhưng đúng như PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ đã nhận xét: “Bao nhiêu người đẹp, ca sĩ đã ra đảo nhưng Mỹ Trà lại chụp được hình ảnh lần đầu tiên có một hoa hậu ra đảo là Nguyễn Thị Huyền. Các cô hoa hậu trên sàn diễn có thể thể hiện được vẻ đẹp của mình, nhưng để ra với Trường Sa và nhà giàn thì không phải là dễ”. Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền và nhà báo Nguyễn Mỹ Trà đã trở thành bạn bè thân thiết từ sau chuyến đi đó.
Những bức ảnh lắng đọng cảm xúc và chiều sâu nghệ thuật của Nguyễn Mỹ Trà chất chứa bên trong là niềm tự hào mãnh liệt về chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Người đọc, người xem không chỉ thấy chân dung nữ nhà báo đầy bản lĩnh vượt qua thử thách để có những bức hình đẹp mà còn là một tâm hồn đầy nhiệt thành với Trường Sa thân yêu. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh đã nhận xét: “Tôi đánh giá đây là cuốn sách rất chân thực. Ở Trường Sa, vùng đất này càng chân thực bao nhiêu càng có giá trị bấy nhiêu bởi vì bản thân cuộc sống nơi đó đã có sức hút với tất cả chúng ta rồi... Các bạn sẽ thấy trong sách có những bức ảnh để tạo ra được nó rất khó. Tôi từng đi Trường Sa và biết rằng đi vào vùng đấy sẽ thấy chụp không hề dễ bởi vì sóng đánh, rồi không khí sôi động và ngồi trên xuồng, trên thuyền tác nghiệp rất khó khăn. Phải nói là Mỹ Trà chụp rất tốt”...
|
|
Diệu kỳ Trường Sa. Ảnh: MỸ TRÀ |
Và không có gì chân thực hơn khi để cán bộ, chiến sĩ Trường Sa-những nhân vật trong sách ảnh của Nguyễn Mỹ Trà- chia sẻ về chị. Trung úy, QNCN Tống Văn Tùng (Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) tâm sự: “Tôi biết chị Trà từ tháng 4-2015. Chị ấy là người rất tâm huyết và yêu biển đảo. Cuốn sách của chị là món quà quý với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Tôi sẽ nói với con tôi, đây là vùng đất địa đầu của Tổ quốc và bố đã từng công tác ở đây rất nhiều năm”. Còn Chuẩn đô đốc Phạm Văn Vững, Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân, thì cho rằng: “Bộ sách ảnh “Trường Sa-Nơi ta đến” của nhà báo Nguyễn Mỹ Trà không chỉ là những khuôn hình đẹp về cảnh vật, thiên nhiên giàu có, phong phú của biển đảo Việt Nam mà còn khắc họa chân thực cuộc sống, sinh hoạt, học tập, công tác của quân, dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1. Đặc biệt đã ghi lại được nhiều hình ảnh tươi mới, giàu tính nhân văn, thể hiện rõ nét sức sống trường tồn, tinh thần lạc quan, khát vọng, ý chí quyết tâm của bộ đội Hải quân cùng nhân dân và các lực lượng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Mặc dù trong khoảng thời gian không dài, song bằng tình yêu biển đảo tha thiết, với nhiệt huyết, trí tuệ và tài năng sáng tạo của mình, chị đã kể về Trường Sa, nhà giàn DK1 bằng một “ấn phẩm văn hóa ảnh” đầy màu sắc và ý nghĩa”.
PHẠM VĂN PHONG