Tâm tình của lính đảo

Điểm đến đầu tiên mà đoàn đặt chân lên là đảo Đá Thị. Tàu vừa tới, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã xếp hàng ngay ngắn chờ đón đoàn. Chiến sĩ Phạm Minh Công, sinh năm 1994, quê ở Quảng Nam, công tác trên đảo từ tháng 1-2018, tâm sự: “Từ lúc biết tin có đoàn ra thăm, chúng em ngóng chờ hằng ngày và luôn mong sóng yên biển lặng để chuyến đi của mọi người an toàn. Nhiều anh em đêm trước còn thao thức mất ngủ”. Ra công tác tại đảo cùng đợt với Công, Binh nhất Lê Nguyễn Hoàng Tuấn, sinh năm 1994, quê ở Ninh Thuận lại có tâm sự riêng. Anh cho biết, những ngày mới ra đảo, ấn tượng nhất là các anh chỉ huy, những người giàu kinh nghiệm và gần gũi như anh em trong nhà.

Cầm trên tay tập thư, Đại úy Nguyễn Văn Thọ, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết (điểm đến tiếp theo của đoàn) hào hứng cho biết: “Bây giờ thời đại công nghệ rồi, ở đảo đã có sóng điện thoại thường xuyên liên lạc về đất liền. Ấy vậy mà chúng tôi vẫn đều đặn nhận được thư tay của gia đình, của các thanh-thiếu nhi gửi tới động viên bộ đội. Đây là sự động viên quý nhất, tiếp thêm sức mạnh giúp chúng tôi yên tâm công tác nơi đầu sóng ngọn gió”.

leftcenterrightdel
Đoàn công tác với cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông.

Các thành viên đoàn công tác cùng Đội văn nghệ xung kích tỉnh Hòa Bình và các cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã quây thành vòng tròn rồi cùng hát vang những bài hát về tuổi trẻ và người chiến sĩ. Họ cùng nhảy, cùng đàn, tâm sự bao chuyện vui buồn… Có chiến sĩ chạy vội đi ngắt bông hoa muống biển hoặc dốc hết cả những con ốc, cành san hô mình đã sưu tầm được để tặng đất liền…

Đồng hương trên đảo

Đoàn công tác ra Trường Sa lần này đến từ nhiều đơn vị, địa phương khác nhau. Trong niềm vui chung được ra thăm Trường Sa, mỗi người lại mang thêm “tham vọng” tìm gặp đồng hương. Ông Lê Ánh Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang mang theo một danh sách những người con của tỉnh đang công tác tại huyện đảo Trường Sa. Tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị nhiều phần quà ý nghĩa dành tặng những người con quê hương. Có đảo gặp đúng phiên gác của đồng hương, ông Dương kiên nhẫn chờ đợi và đề nghị được là người cuối cùng xuống xuồng rời đảo trở về tàu. Đại úy Vũ Thế Long, Chính trị viên đảo Đá Nam, người con của quê hương Việt Yên, Bắc Giang đã không giấu nổi bất ngờ và xúc động khi được lãnh đạo tỉnh nhà đến tận nơi thăm và động viên. Anh cho biết: Tôi càng có thêm động lực hơn khi nhận được sự động viên, khích lệ của hậu phương, đó là món quà không gì quý bằng!

Tại đảo Đá Đông, chị Nguyễn Thị Bắc Hà, cán bộ Kho bạc tỉnh Ninh Thuận sau một hồi tìm kiếm đồng hương trên đảo đã gặp được Binh nhất Nguyễn Thanh Khoa, sinh năm 1995, quê ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Khoa cho biết, sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng, anh nhập ngũ rồi ra công tác tại đảo từ tháng 1-2018. Hiện Khoa là quần chúng đang được xem xét kết nạp Đảng. Gặp chúng tôi, anh khoe thường xuyên được khen thưởng vì có thành tích tốt trong công tác. Mỗi lần như vậy, anh lại gọi điện báo tin cho cha mẹ mừng.

Trên những hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió, thật thiêng liêng khi nghe hai chữ “quê ơi” vang lên. Điều kiện thời gian khiến những cuộc gặp trở nên ngắn ngủi, nhưng chúng tôi tin rằng chừng đó cũng đủ để chuyển tải tình cảm ấm áp nơi quê nhà dành cho những người con thân yêu đang làm nhiệm vụ trên các đảo!

Bài và ảnh: BÍCH TRANG