Một ngày đầu tháng 12, trong ngôi nhà số 5 nằm sâu trong ngách 216/3, phố Đội Cấn, phường Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội), Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nghiêm Đình Tích đón tiếp tôi bằng nụ cười hiền hậu và cái bắt tay ấm áp. Chưa vội nói về thành tích đặc biệt xuất sắc của Đài radar P-35, Đại đội 45, Trung đoàn 291, Binh chủng Ra-đa, Quân chủng phòng không-Không quân năm xưa, người anh hùng vừa bước sang tuổi 80 đặt trước mặt tôi một số cuốn sách tổng kết cách đánh B-52 được in bởi Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, đã được phổ biến rộng rãi.

leftcenterrightdel
Đại tá Anh hùng LLVT nhân dân Nghiêm Đình Tích, nguyên Đài trưởng Đài Radar P35 

- Sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vừa học tập, công tác, tôi vừa dành thời gian viết sách, trong đó chủ yếu viết về kinh nghiệm, chiến công của Bộ đội PK-KQ trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972. Còn nhiều câu chuyện về trận đánh oai hùng này chưa khai thác hết-Đại tá Nghiêm Đình Tích mở lời.

- Cháu được biết, chúng ta mất khá nhiều thời gian mới tìm được quy luật hoạt động của B-52?-tôi đặt câu hỏi với Đại tá Nghiêm Đình Tích.

Lật từng trang cuốn sách "Hà Nội-"Điện Biên Phủ trên không" - chiến thắng của lương tâm, phẩm giá con người", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2012, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nghiêm Đình Tích cho hay:

- Các chiến dịch tập kích đường không, tác chiến phòng không thực chất là cuộc chiến điện tử vô cùng cam go, phức tạp, quyết liệt giữa ta và địch. Trong thực tế, các trận đánh của không quân Mỹ đều tập trung phần lớn lực lượng để tác chiến điện tử với các lực lượng phòng không của ta. Chúng sử dụng nhiều máy bay gây nhiễu ngoài đội hình với đội hình từ 2 đến 4 chiếc, bay thành tốp trên vùng trời khu vực biên giới Việt-Lào và Biển Đông, phát nhiễu tích cực dải tần rộng, công suất lớn. Chưa hết, hàng chục tốp B-52 trang bị máy phát nhiễu được phát huy cao độ với công suất lớn nhất. Tất cả đều hướng về miền Bắc, trọng tâm là hai yếu địa Hà Nội, Hải Phòng, tạo nên từ trường nhiễu tổng hợp, dày đặc, chồng chéo lên nhau, gây nhiều khó khăn cho Bộ đội PK-KQ, nhất là bộ đội radar.

Trầm ngâm trong giây lát, ông Tích chậm rãi kể tiếp:

- Sau khi nghiên cứu kỹ phương án tác chiến mà đế quốc Mỹ sử dụng, cuối năm 1969, Đại đội 45, Trung đoàn 291 được điều vào Nghệ An, nơi radar bị nhiễu nhẹ nhất để nghiên cứu quy luật hoạt động của B-52, từ đó có thể báo động sớm cho các đơn vị PK-KQ sẵn sàng nghênh chiến. Đại đội 45 được trang bị 4 đài radar: 2 đài radar P-35 và PRV-11 dẫn đường cho không quân; 2 đài radar cảnh giới P-15, P-12 làm nhiệm vụ bổ trợ dẫn đường ở tầng thấp và tầng trung. Tôi được giao làm Đài trưởng Đài radar P-35. Thời điểm đó, chúng tôi đã trải qua nhiều đêm thức trắng, trăn trở nghiên cứu quy luật hoạt động, đặc điểm gây nhiễu của B-52.

Nhằm giúp tôi dễ hình dung, ông Tích vẽ 5 cánh sóng radar trên tờ giấy A4, cặn kẽ giải thích:

leftcenterrightdel

Trận địa của Đại đội 45, Trung đoàn 291, Binh chủng Ra-đa, Quân chủng Phòng không - Không quân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu 

- Quá trình nghiên cứu B-52 từ khi chúng đánh phá Đường Hồ Chí Minh rồi leo thang đánh ra Nghệ An, đài trưởng, trắc thủ đã kỳ công nghiên cứu địch, nhất là đặc điểm nhiễu B-52, góc che khuất trận địa, đặc điểm nhiễu và khả năng chống nhiễu của Đài radar P-35, rồi tìm ra được quy trình chống nhiễu phát hiện B-52 tốt nhất, ngày càng chính xác, hiệu quả cao. Đó là quy trình chỉ sử dụng một cánh sóng số 5 ở ăng-ten trên, chúc xuống nấc (-7o30′), vừa có nhiễu nhẹ hơn vừa có góc che khuất nhỏ hơn các cánh sóng ở ăng-ten dưới, đồng thời, cánh sóng số 5 còn vượt qua đỉnh Trường Sơn, phát hiện được tín hiệu B-52 từ cự ly 220-250km. Kết quả bảo đảm dẫn đường cho phi công Vũ Đình Rạng bắn bị thương B-52 ở phía Nam Quân khu 4, đêm 20-11-1971; phát hiện tới 3 tốp B-52 từ Thái Lan sang đánh khu vực Bắc Lào tháng 12-1971 và trực tiếp bảo đảm tình báo cho Trung đoàn Tên lửa 263 ở Nghệ An bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 ở biên giới Lào-Thái Lan đêm 22-11-1972, qua đó đã chứng minh rõ nét sự tiến bộ về phát hiện chính xác B-52 của Đài radar P-35.

Nhưng đó chưa phải là tất cả!

Tháng 4-1972, đế quốc Mỹ điều nhiều tốp máy bay B-52 đánh phá TP Vinh (Nghệ An), Thanh Hóa, Hải Phòng. Vì nhiễu quá nặng, bộ đội radar không thể phát hiện, các đơn vị tên lửa không thể cản phá sự tấn công phá hoại của chúng. Riêng ở Hải Phòng, Trung đoàn 285 và Trung đoàn 238 phóng hàng chục quả tên lửa nhưng không bắn rơi được chiếc B-52 nào. Mặc dù Bộ tư lệnh Binh chủng Ra-đa tăng cường rút kinh nghiệm chiến đấu, không ngừng bổ sung, hoàn chỉnh quy trình xử trí, thao tác chống nhiễu phát hiện B-52 của các loại đài radar nhưng hầu hết đài radar cảnh giới (làm nhiệm vụ canh trời từng khu vực theo phiên) đều chỉ có 1 máy phát, 1 máy thu với vài thiết bị chống nhiễu thô sơ, lạc hậu, nên việc tìm ra và thực hiện quy trình chống nhiễu phát hiện B-52 hiệu quả rất khó khăn.

Cuối năm 1972, Đại đội 45 chỉ còn hai đài radar P-35 và P-12, do đài P-15 được điều động cho đơn vị khác, đài radar đo cao PRV-11 bị địch bắn hỏng. Là một trong hai đài radar cuối cùng của đại đội, Nghiêm Đình Tích, khi đó là Thượng sĩ, Đài trưởng Đài radar P-35 và các trắc thủ mang trọng trách nghiên cứu, rút kinh nghiệm và bổ sung hoàn chỉnh quy trình thao tác từ năm 1969 đến 1972. Sau hơn 3 năm nghiên cứu, việc phát hiện B-52 bảo đảm độ chính xác đến 95%, được phổ biến trong hội nghị tổng kết toàn binh chủng.

Khi đã hiểu rõ được kẻ thù, các binh chủng sục sôi tinh thần chiến đấu, nhất là bộ đội radar, quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ trước chiến dịch tập kích chiến lược đường không của Mỹ. Chiều 18-12-1972, khi không quân Mỹ đánh vào Hà Nội, các đài radar cảnh giới theo phiên báo cáo phát hiện nhiễu B-52 lên Sở chỉ huy Trung đoàn Không quân 291. Lập tức, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 291 Đỗ Văn Năm ra lệnh cho Đài radar P-35, là máy chủ công mở máy tăng cường. Lúc này, trên màn hình sóng nhiễu nặng, có nhiều dải nhiễu theo hình rẻ quạt. Là đội ngũ dày dạn kinh nghiệm trong việc chống nhiễu, phát hiện máy bay B-52, sau khi mở máy và phát hiện được nhiễu B-52, kíp trực Đài radar P-35 nhanh chóng xử trí, thao tác quy trình chống nhiễu. Chỉ trong khoảnh khắc, các dải nhiễu B-52 giảm cường độ rõ rệt, trên từng dải nhiễu đều thấy rõ 3 chấm sáng nhỏ như đầu tăm ở phía Tây Nam huyện Đô Lương (Nghệ An), cách hơn 200km, từ từ di chuyển. Lập tức, tín hiệu các tốp B-52 được trắc thủ thông báo về đại đội, từ đó báo lên Sở chỉ huy Trung đoàn và Tổng trạm radar ở Hà Nội, góp phần bảo vệ Thủ đô Hà Nội sớm 35 phút trước khi B-52 gây tội ác.

Nhận được thông tin, toàn quân chủng nhanh chóng tập trung lực lượng, sẵn sàng đánh B-52. Và ngay đêm 18-12-1972, toàn quân vô cùng phấn khởi khi nghe tin chiếc B-52 đầu tiên của đế quốc Mỹ bị quân ta bắn cháy, rơi xuống cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ (nay thuộc Sóc Sơn, Hà Nội).

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong việc phát hiện ra quy luật hoạt động của máy bay B-52, Đại đội 45, Đài radar P-35 đã góp phần cùng quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ, bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Đây là biện pháp chống nhiễu chiến thuật, có kết hợp chặt chẽ giữa kỹ thuật và chiến thuật, là quá trình xử trí, thao tác phát hiện B-52 một cách độc đáo, sáng tạo, hiệu quả, có một không hai của bộ đội radar Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bài và ảnh: HẠ ANH