Tự soi mình để thấm giá trị độc lập
Thời gian qua, trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh-Truyền hình Bắc Ninh, khán giả cả nước đã có dịp hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ qua bộ phim truyền hình dài 10 tập “Bình minh phía trước”. Đây là bộ phim được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh, do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư và Truyền thông IDE tổ chức thực hiện.
Do là bộ phim đầu tiên về chân dung một Tổng Bí thư của Đảng, nên “Bình minh phía trước” được đầu tư công phu từ bối cảnh, phục trang, đạo cụ, diễn viên... Bộ phim kể về câu chuyện một thanh niên Việt Nam tên Nguyễn Văn Cừ (bí danh Phùng) đi tìm ánh sáng chân lý, dù trải qua những tháng năm hoạt động gian khổ, khó khăn nhưng vẫn kiên gan, bản lĩnh, không chịu khuất phục trước kẻ thù. Khác với bộ phim lịch sử khác, “Bình minh phía trước” không cố mô phỏng, minh hoạ một chân dung lãnh tụ lịch sử được ghi chép mà thông qua khối mâu thuẫn xã hội đi sâu vào đời sống văn hoá, chính trị mà nhân vật chính đang sống với hàng loạt những nhân vật thứ, phụ. Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Để hoàn thiện được tác phẩm này, từ khâu kịch bản cho đến quá trình sản xuất, đoàn làm phim phải đi khảo sát gần 20 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và chọn 13 tỉnh, thành phố từ Bắc-Trung-Nam để dựng và quay phim. Bộ phim nhằm giúp cán bộ, nhân dân, đảng viên nhận thức sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ hôm nay biết trân quý và nhớ ơn thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”.
Sau khi được công chiếu, “Bình minh phía trước” được đánh giá, nhìn nhận từ nhiều góc độ thành công. Trong đó, thành công lớn nhất của bộ phim là giá trị, thông điệp về văn hoá, được thể hiện sâu sắc, tinh tế từ hình ảnh, ngôn ngữ, âm nhạc, bối cảnh nông thôn mở ra bối cảnh xã hội đương thời, phong tục tập quán, lối sống, ứng xử; tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, đạo thầy trò, nghĩa phu thê, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, Tổ quốc; sự hiếu học, tình nghĩa, nhân văn, thuỷ chung, khoan dung, nhân ái, sống có lý tưởng, yêu nước thương nòi, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân... Tất cả đã cộng hưởng tạo nên sức mạnh để dân tộc ta vượt qua muôn vàn gian khó, thắng mọi gian nguy, đón bình minh độc lập. Những người con ưu tú, xuất sắc của cách mạng, của dân tộc như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là sự kết hợp những giá trị truyền thống tốt đẹp từ gia đình, dòng họ, vùng đất, đến văn hoá của dân tộc.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa-Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá: “Việc bộ phim “Bình minh phía trước” được tỉnh Bắc Ninh quan tâm, đầu tư sản xuất đã cho thấy tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác tuyên truyền về lịch sử, cách mạng, truyền thống, chân dung nhà lãnh đạo cách mạng. Thông qua nghệ thuật điện ảnh, câu chuyện, bài học về lịch sử đến với đông đảo khán giả, trong đó có thế hệ trẻ. Qua bộ phim, chúng ta có thể tự soi mình để hiểu, thấm thía giá trị của tự do, độc lập, biết ơn sự hy sinh của bao lớp người dân đất Việt, trân trọng những giá trị văn hóa mà cha ông ta đã gìn giữ, trao truyền bằng những hành động cụ thể, sống có lý tưởng, đấu tranh vì lẽ phải, sẵn sàng xả thân, cống hiến cho dân tộc.
Trong phim, có rất nhiều trường đoạn, cảnh, chi tiết thể hiện cụ thể giá trị nhân văn, từ ứng xử của các nhân vật trong gia đình, làng xóm, đến cách xử lý, tiếp cận vấn đề khách quan, khoa học. Ý nghĩa, thông điệp nhân văn xuyên suốt bộ phim từ chủ đề, nội dung, nhân vật, cách thức thể hiện. Trên hết, đó là thông điệp về tình yêu Tổ quốc, dân tộc, ý chí quyết tâm giành độc lập, tự do. Và đặc biệt, hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với trí tuệ sắc sảo, nhạy bén, một nhà lãnh đạo trẻ tuổi đầy tài năng, người con ưu tú của dân tộc suốt đời chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc là một minh chứng sống động nhất, thuyết phục nhất về giá trị, ý nghĩa của bộ phim”.
Chờ phim lịch sử bứt phá
Bao năm qua, phim về đề tài lịch sử phải chịu định kiến là khô khan, khó thu hút người xem. Làm phim về lịch sử đã khó, khắc họa về chân dung một Tổng Bí thư của Đảng lại càng khó hơn. Tuy nhiên, Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn kiêm người viết kịch bản bộ phim “Bình minh phía trước” lại có suy nghĩ khác. Ông chia sẻ: “Khi làm phim về lịch sử, nhiều người hay sợ sai vì liên quan tới yếu tố chính trị. Chúng ta hãy mềm mại lịch sử và coi nó là sự sáng tạo giống như các đề tài khác. Nhân vật lịch sử nếu mình nghiên cứu sâu thì không phải lo ngại về lỗi. Tôi có may mắn là được làm phim về lịch sử từ năm 28 tuổi. Bởi vậy, về tư liệu lịch sử, tôi thường xử lý rất kỹ. Tôi luôn quan niệm rằng, làm sao mình phải khéo léo đưa câu chuyện mạch lạc và đặt vào đó những nhân vật phù hợp thì tự nhiên phim sẽ hấp dẫn”.
Cùng quan điểm trên, đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hữu Phần cho hay, thành công của “Bình minh phía trước” là phục dựng được không khí của đất nước những năm 30 của thế kỷ 20 với làng quê, bến đò, mỏ than... Ngoài ra, các nhân vật trong phim được khắc họa chân thực, mới mẻ và tạo dấu ấn cho khán giả. Ví dụ, nhân vật Nguyễn Văn Cừ hiện lên là một người trí thức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tài hùng biện thuyết phục nhiều người. Nhân vật Lý trưởng là một tên vô học, có nhiều câu nói, hành động gây cười nhưng được đạo diễn khống chế ở mức độ để không trở thành một diễn viên hài.
Từ thành công của bộ phim, đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hữu Phần kỳ vọng: “Lâu nay, nhiều người hay có định kiến rằng phim về đề tài lịch sử thường khô cứng, khó thu hút người xem. Trong một thời gian dài, phim về lịch sử thường được đặt hàng, kể cả phim nhựa lẫn phim điện ảnh. Nên nhiều bộ phim người ta làm cho xong, thiếu sự quan tâm đến khán giả, thiếu nghiên cứu về lịch sử. Trên thế giới, nhiều nước làm phim rất hay về lịch sử, nhận được sự quan tâm của khán giả trẻ. Vậy tại sao chúng ta lại kêu khó? Khó vì chúng ta chưa thật sự tâm huyết, chưa nghiên cứu sâu vấn đề và chưa lựa chọn nhân vật phù hợp đúng với bối cảnh. Tôi đánh giá cao đạo diễn Bùi Tuấn Dũng bởi anh ấy là người có nghề, tâm huyết về đề tài lịch sử. Sau thành công của “Bình minh phía trước”, tôi hy vọng điện ảnh Việt Nam sẽ có thêm những đạo diễn tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, để phim về đề tài lịch sử thật sự trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn, bài học giáo dục truyền thống hiệu quả cho thế hệ trẻ”.
Từ hiệu ứng tích cực của bộ phim “Bình minh phía trước”, bà Trần Thị Phương Lan mong mỏi: “Phim về đề tài lịch sử, chân dung những nhà hoạt động cách mạng ở nước ta còn rất ít. Đây là một đề tài khó, đòi hỏi phải có sự am tường về lịch sử, văn hóa, triết học và nhiều lĩnh vực khác. Hơn nữa, đây cũng là dạng phim kén khán giả bởi vẫn bị coi là khó hấp dẫn. Nhưng thành công của “Bình minh phía trước” khi nhận được sự ủng hộ, yêu mến của khán giả, sự quan tâm của dư luận, truyền thông, được các nhà chuyên môn đánh giá cao về nội dung cũng như nghệ thuật... cho thấy vấn đề cốt lõi là ở chất lượng phim, ở cách thể hiện.
Tôi hy vọng, tới đây, các nhà làm phim tiếp tục có những sáng tác về đề tài lịch sử, cách mạng, chân dung những nhà hoạt động cách mạng tiền bối, tiêu biểu, lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương có sự quan tâm thích đáng, thực sự chú trọng đề tài này. Lịch sử hào hùng của dân tộc, những tấm gương hy sinh cao cả vì lý tưởng độc lập dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, những người lãnh đạo cách mạng chí lớn, tài cao, những người anh hùng thầm lặng trong chiến tranh và trong sự nghiệp đổi mới, dựng xây đất nước... xứng đáng được thể hiện nhiều hơn nữa, tập trung hơn nữa qua nghệ thuật điện ảnh”.
Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định:
“Sau khi phim “Bình minh phía trước” lên sóng nhân dịp kỷ niệm 110 năm
Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9-7-1912/ 9-7-2022), chúng tôi đã
chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá về phản hồi của dư
luận để đúc rút kinh nghiệm nhằm tiếp tục có những bộ phim về đề tài
lịch sử hấp dẫn và thu hút khán giả hơn. Quan điểm của UBND tỉnh Bắc
Ninh là ủng hộ làm phim về đề tài lịch sử để mang đến những bài học
truyền thống sâu sắc cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay”.
|
LÊ HỮU PHÓ