Người chép sử Hà Nội bằng hình ảnh

Vào buổi sáng mùa thu Hà Nội, gió se lạnh, chúng tôi đến thăm nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Quang Phùng trong căn nhà nhỏ ở phố Hạ Hồi. Bao năm qua ông vẫn giữ trọn tình yêu với Thủ đô qua việc chụp ảnh và in lưu giữ ảnh về Hà Nội.

leftcenterrightdel

NSNA Nguyễn Quang Phùng. Ảnh THANH HẢI 

Ngày còn nhỏ, nghệ sĩ Quang Phùng sống ở phố Hàng Gai với bà ngoại, nhón vài bước chân là ra Tháp Rùa, Hồ Gươm. Tình yêu với Hà Nội trong ông bắt đầu từ đó. Khi bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh, trải qua những giai đoạn thăng trầm cùng Thủ đô, ông càng thêm yêu quý Hà Nội. Những bức ảnh của ông là những câu chuyện kể về Hà Nội, là những dãy phố cổ, cụ rùa bên Hồ Gươm, những gánh hàng rong hay cô thiếu nữ với mái tóc thướt tha... Ảnh ông chụp trong suốt 70 năm qua với đa góc nhìn, nhiều ý nghĩa, trở thành tài liệu lịch sử, ghi chép lại những dấu mốc, truyền thống văn hóa của Thủ đô. Suốt bấy nhiêu năm, ông rong ruổi trên khắp các con phố Hà Nội để chụp hàng chục nghìn bức ảnh. Đến giờ, tuy tuổi đã cao, ông vẫn giữ thói quen chụp ảnh và in, lưu giữ ảnh về Hà Nội. "Lúc thì tôi chụp bằng chiếc máy ảnh hiện đại, lúc thì chụp bằng chiếc máy Leica nhỏ, vừa tay mà vẫn cho ra những bức ảnh đẹp. Ảnh nào có lợi cho lịch sử, cho nghiên cứu xã hội thì tôi chụp”, ông Phùng tâm sự vậy.

Ngoài lưu lại những nét đẹp của Hà Nội, nghệ sĩ Quang Phùng còn chụp ảnh mang tính phản biện mạnh mẽ. Ông cho chúng tôi xem một bức ảnh phản ánh môi trường bị ô nhiễm. Ông bày tỏ, chụp những bức ảnh như vậy để lan tỏa đến mọi người thông điệp hãy giữ gìn môi trường, cảnh quan, văn hóa, di tích lịch sử của Thủ đô. “Làm nghề nhiếp ảnh là thế, là dùng những bức ảnh của mình để lay động con người, chạm đến cảm xúc sâu nhất của mỗi người”, nghệ sĩ Quang Phùng bộc bạch.

leftcenterrightdel
                               

Bức ảnh "Những em bé bên Hồ Gươm" được Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Quang Phùng chụp ngày 10-10-1954. Ảnh do nhân vật cung cấp

Vì yêu Hà Nội nên trong mắt nghệ sĩ Quang Phùng, góc nào của Hà Nội cũng thật đẹp. Và đối với ông, ngày đẹp nhất là ngày Thủ đô được giải phóng (10-10-1954). Hôm ấy, theo thói quen, ông lại cầm máy ảnh dạo quanh Hồ Gươm. 10 cuộn phim ông chụp là đoàn quân giải phóng, những em bé vui đùa bên Hồ Gươm, đôi vợ chồng trẻ trò chuyện dưới gốc cây... Trên gương mặt mỗi người là sự hồ hởi, vui tươi. Chưa bao giờ ông thấy Hà Nội đẹp đến thế. 

Lắng nghe câu chuyện của ông, chúng tôi dần hiểu vì sao ông lại yêu Hà Nội đến thế. Đó chỉ là một phần câu chuyện trong cả cuộc đời làm nhiếp ảnh của nghệ sĩ Quang Phùng. Ông đã chứng kiến nhiều câu chuyện, nhiều niềm vui, nỗi buồn hơn thế trên mảnh đất Hà Nội. Vậy nên, Hà Nội trong ông thật sống động, nhiều cảm xúc và linh thiêng. Bởi những gì ông chụp không chỉ đơn giản là những mái nhà, khu phố, di tích, con người mà còn là hồn cốt, dấu mốc lịch sử của một đất nước, một thủ đô đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử.

NSNA Nguyễn Quang Phùng đã có nhiều bộ ảnh lớn như: "Hà Nội 36 phố phường" (5.000 ảnh chọn lọc trong 20 năm), "Hàng rong Hà Nội" (5.000 ảnh chọn lọc trong 15 năm), "Nghị quyết Đảng đi vào đời sống" (500 ảnh chọn lọc trong 7 năm)... Năm 2013, NSNA Nguyễn Quang Phùng được nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội với cuốn sách ảnh "Dạo quanh Hồ Gươm". Năm 2022, ông được UBND TP Hà Nội vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú. 

Người gìn giữ hồn lụa làng Phùng Xá

Khi chúng tôi đến làng nghề dệt Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Phan Thị Thuận đang tiếp đón đoàn khách du lịch đến từ Pháp. Bà Phan Thị Thuận tâm sự với chúng tôi rằng, những đoàn khách du lịch, khách nước ngoài đến Phùng Xá tìm hiểu về nghề dệt lụa là động lực để bà hăng say gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

leftcenterrightdel

 NNƯT Phan Thị Thuận. ẢnhTHANH HẢI

NNƯT Phan Thị Thuận là cái tên không còn xa lạ với những người yêu thích văn hóa truyền thống Việt Nam, đặc biệt những ai quan tâm đến nghề dệt lụa. Sinh ra và lớn lên trong gia đình 4 đời làm nghề dệt, NNƯT Phan Thị Thuận đã gắn bó trọn đời với nghề, góp phần giữ gìn và phát huy một nét đẹp văn hóa đặc sắc của quê hương. Từ bé, bà Thuận đã phụ giúp gia đình hái dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Vì thế tình yêu với những sợi tơ vàng ngấm vào bà một cách tự nhiên và theo bà suốt cuộc đời.

Nhiều năm gắn bó với làng nghề, bà Thuận thấu hiểu nỗi vất vả của người làm nghề ươm tơ, dệt lụa, đúng như câu tục ngữ “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng". Ngày trước, mỗi người làm một công việc, người nuôi tằm, người kéo tơ, người dệt lụa. Nếu những con tằm nhả tơ không đạt chất lượng, người nông dân sẽ thất thu, có thể trắng tay trong một mùa vụ. Vì vậy, bà đã vận động người dân nuôi tằm sẽ thực hiện luôn khâu kéo tơ, dệt lụa. Bà còn chủ động thuê đất, tạo công việc cho một số hộ nông dân xã Phùng Xá nếu gia đình họ không có đất trồng dâu nuôi tằm. Bà Thuận luôn suy nghĩ, trăn trở để làm ra sản phẩm độc đáo, khác lạ mới giúp được người nông dân sống được với nghề. Sau khi nghiên cứu kỹ đặc tính con tằm đan kén, bà đã để tằm nhả tơ trên mặt phẳng. Sau 3-4 ngày tằm tự nhả tơ, những sợi tơ sẽ đan xen vào nhau tạo thành tấm kén phẳng. Sau đó đem tấm tơ đó đi luộc trong vòng 4 tiếng sẽ tạo ra tấm bông tơ mịn, có độ gắn kết rất chắc chắn. Từ tấm bông tơ này, bà Thuận thiết kế thành các tấm chăn, gối, mũ, quần áo... trở thành sản phẩm được khách hàng ưa chuộng. Bà Thuận còn nghiên cứu làm tơ sen (những sợi tơ kéo ra từ thân cây sen) và trở thành người Việt Nam đầu tiên dệt được tấm lụa tơ sen mềm mát. Đây là những sản phẩm độc nhất vô nhị của làng Phùng Xá, được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

leftcenterrightdel

Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận hướng dẫn các em học sinh lấy sợi tơ sen. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Những nghiên cứu của bà Phan Thị Thuận đều tận dụng nguồn nguyên liệu ở địa phương như ruộng dâu tằm và đầm sen để tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân. Hiện tại, gia đình bà Thuận đã tạo việc làm cho khoảng 1.000 người, riêng xưởng dệt có 20 thợ làm chính. Hằng năm, mỗi dịp nghỉ hè, nghệ nhân Phan Thị Thuận đều mở lớp đào tạo nghề dệt miễn phí cho các em học sinh. Bà mong thế hệ trẻ có thể tiếp nối nghề truyền thống của ông cha, quảng bá lụa tơ tằm, tơ sen Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Với những đóng góp của mình, nghệ nhân Phan Thị Thuận được UBND TP Hà Nội vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2021.

Qua câu chuyện của NSNA Nguyễn Quang Phùng và NNƯT Phan Thị Thuận, chúng ta hiểu rõ hơn về những việc làm thầm lặng, ý nghĩa của họ để bảo tồn và phát triển văn hóa Hà Nội. Họ thực sự là những tấm gương sáng, những công dân ưu tú của Thủ đô và có chung một tình yêu Hà Nội.

HẠ ANH