Từ nỗi niềm chợ nổi...

Vừa rồi, chúng tôi có chuyến công tác đi tìm hiểu các mô hình sản xuất gắn với phát triển du lịch sông nước miệt vườn ở một số địa phương như: Hậu Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh và TP Cần Thơ. Kênh xáng Xà No là dòng kênh đẹp và nổi tiếng nhất của tỉnh Hậu Giang chảy xuyên qua trung tâm TP Vị Thanh; dòng kênh dài gần 40km như dải lụa đào làm cho khung cảnh đô thị vùng sông nước tựa bức tranh thủy mặc. Cuối chiều, chúng tôi rảo bộ ra đứng trên cây cầu bắc qua kênh Xà No, ngắm cảnh sông nước đẹp đến nao lòng nhưng thưa thớt xuồng ghe. Hai con đường thênh thang sáng trưng đèn cao áp, tấp nập người, xe qua lại bên hai bờ kênh chính là một trong những nguyên nhân khiến kênh xáng Xà No mất dần vai trò là tuyến giao thông đường thủy chủ lực của TP Vị Thanh và các địa phương trong vùng. Đồng chí Lê Công Lý, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: “Khi giao thương đường thủy mất vị thế độc tôn, công năng của kênh xáng Xà No được khai thác để phát triển du lịch. Mô hình tàu nhà hàng du lịch với các dịch vụ tham quan, khám phá ẩm thực, giao lưu nghệ thuật đờn ca tài tử... được đưa vào hoạt động là một trong những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn của địa phương”.

Kênh xáng Xà No là một dẫn chứng của thực trạng mạng lưới giao thông, giao thương đường thủy ở Hậu Giang nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung không còn tấp nập, đông vui như trước. Các tuyến kênh rạch thưa vắng xuồng ghe dẫn đến những khu chợ nổi rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Thương hồ buôn bán ế ẩm, môi trường sông nước bị ô nhiễm khiến không ít chợ nổi đứng trước nguy cơ phải xóa sổ. Sau khi chợ nổi Ngã Bảy phải di dời do ô nhiễm môi trường, địa điểm mới không phát huy được công năng, đến lượt chợ nổi Cái Răng rơi vào cảnh khó khăn.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ địa phương đưa ra viễn cảnh ảm đạm về tương lai của chợ nổi Cái Răng- khu chợ nổi đặc sắc nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất, xây dựng nông thôn mới và tốc độ đô thị hóa đã làm thay đổi sâu sắc, toàn diện tập quán sinh hoạt của người dân vùng sông nước. Nhà thơ, nhà biên khảo văn hóa Lê Minh Quốc (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta không thể kìm hãm, đảo lộn quy luật vận động, phát triển của đời sống xã hội. Bảo tồn bản sắc văn hóa sông nước miệt vườn không thể cứ giữ khư khư những sản phẩm, mô hình truyền thống. Chợ nổi có thể mất đi nhưng văn hóa chợ nổi, văn hóa sông nước thì không thể mất. Lưu giữ, khai thác những giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng để vừa bảo tồn được sắc thái văn hóa, vừa làm mới sản phẩm du lịch là điều cần phải tính toán, cân nhắc.

leftcenterrightdel
Du khách trải nghiệm cuộc sống khẩn hoang ở Cồn Hô (Trà Vinh). 

... đến không gian khẩn hoang đặc trưng

Khi tập quán văn hóa sông nước ngày càng bị thu hẹp trong đời sống xã hội hiện đại, việc lựa chọn những không gian khu biệt mang đậm sắc thái khẩn hoang để bảo tồn hệ sinh thái, phát triển du lịch là một lựa chọn tất yếu. Tại tỉnh Hậu Giang, vùng khóm (dứa) Cầu Đúc ở ngoại ô TP Vị Thanh là một mô hình điển hình. Ông Nguyễn Văn Hào, Phó chủ tịch HĐND xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh cho biết: “Vùng khóm Cầu Đúc đang chuyển mình mạnh mẽ bằng mô hình sản xuất, chế biến khóm kết hợp phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Trong đề án phát triển kinh tế của tỉnh, vùng khóm Cầu Đúc sẽ được kết nối với kênh xáng Xà No, hình thành tuyến du lịch sông nước miệt vườn độc đáo. Du khách được hòa mình vào môi trường thiên nhiên, trải nghiệm sản xuất, thu hoạch, chế biến các sản phẩm từ khóm. Ở đây có sự đa dạng, hấp dẫn của ẩm thực khẩn hoang và mô hình nghỉ dưỡng trong những ngôi nhà lá giữa cánh đồng xanh mát, sống gần gũi, hòa mình với thiên nhiên. Lộ trình phát triển du lịch khẩn hoang gắn với bảo tồn sắc thái văn hóa sông nước miệt vườn đã được giới chuyên gia tư vấn, chính quyền địa phương xác định kế hoạch cụ thể với phương châm làm chắc từng bước”.

Tại tỉnh Đồng Tháp, khu Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh là mô hình điển hình. Toàn bộ vùng đất ngập nước này đến nay vẫn lưu giữ gần như nguyên vẹn hệ sinh thái khẩn hoang của vùng Đồng Tháp Mười từ hàng trăm năm trước. Chính sự khu biệt về địa lý và sự đa dạng động-thực vật, địa hình kênh rạch chằng chịt giúp địa phương xây dựng nơi đây thành khu bảo tồn hệ sinh thái khẩn hoang đặc sắc bậc nhất ở vùng sông nước Cửu Long.

Dẫn một số ví dụ như trên để thấy, kỳ vọng vào việc bảo tồn sắc thái khẩn hoang và tập quán văn hóa sông nước trên diện rộng trong bối cảnh hiện nay là điều không thể. Khi mạng lưới giao thông đường bộ phát triển, người dân sử dụng ô tô, xe máy thay cho xuồng ghe, giao dịch điện tử thay cho bán buôn truyền thống, việc kênh rạch, chợ nổi vắng vẻ, đìu hiu là một tất yếu. Trên một số diễn đàn về văn hóa-du lịch, nhiều chuyên gia, du khách bày tỏ đồng tình khi cho rằng chỉ nên giữ lại những giá trị đặc trưng, bảo tồn hồn cốt của nó để phát triển du lịch. Muốn vậy thì kênh rạch phải sạch, đẹp; chợ nổi phải văn minh, đa dạng hóa các dịch vụ để thu hút du khách. Cùng với đó là công tác quy hoạch, bảo tồn các khu sinh thái, khu dự trữ sinh quyển đặc trưng. Nhà thơ, nhà biên khảo văn hóa Lê Minh Quốc kiến nghị, cần xây dựng một bảo tàng văn hóa khẩn hoang ở TP Hồ Chí Minh và một số địa phương điển hình để bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc trưng của sông nước Nam Bộ thời kỳ khai khẩn.

leftcenterrightdel
Không gian văn hóa khẩn hoang ở Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang). 

Để người dân thực sự là chủ thể

Theo giới thiệu của cán bộ địa phương, chúng tôi đi ghe dọc sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Trà Vinh đến với một cù lao xanh ngắt nổi lên ở khu vực gần cửa sông. Cù lao này được hình thành tự nhiên do phù sa bồi lắng từ hàng trăm năm trước, vì vậy, hệ sinh thái ở đây vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ của thời kỳ khai khẩn. Từ khi áp dụng mô hình “du lịch tự thân” với vai trò hộ gia đình là chủ thể kinh doanh, cù lao sông nước này được đánh thức. Du khách tìm đến đây để được trải nghiệm cuộc sống khẩn hoang với nhà lá, đèn dầu, quạt mo, ẩm thực từ sản vật tự nhiên. Tuy nhiên, do công tác quản lý thiếu chuyên nghiệp, trình độ, kỹ năng làm du lịch của người dân chưa tốt nên người ta đã đưa ra đây những sản phẩm văn minh công nghiệp thời hiện đại. Du khách nhìn thấy ống nhựa, rổ nhựa, đồ dùng inox, nhà vệ sinh bằng gạch, sứ hiện đại thì lắc đầu ngán ngẩm. Thậm chí món trứng gà nướng rơm đặc trưng, vì để cho nhanh mà người ta mua trứng ở chợ, luộc chín rồi mới đắp bùn nướng qua loa.

Ở nhiều nơi khác cũng tồn tại những chuyện tương tự. Đó là những thách thức không hề nhỏ trong chiến lược bảo tồn sắc thái văn hóa khẩn hoang, phát triển du lịch với phương châm lấy người dân làm chủ thể. Vậy nên các địa phương cần chọn mô hình làm điểm để đầu tư, không nên làm dàn trải. Quy hoạch phát triển cần gắn với chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực và nâng cao trình độ, kỹ năng cho người dân...

Bài và ảnh: HƯƠNG TRÀ