Dấu bom trên thân dừa lão

Chuyến này về khi những thửa lúa trên đất nuôi tôm sắp vào vụ mới. Năm nay, bà con Tân Lộc làm lúa đồng loạt “một ngày, một giống”, không còn cảnh người trước, người sau nên cánh đồng không còn lởm chởm chỗ vàng, chỗ xanh như năm ngoái. Bà con cho hay lúa mùa vừa rồi được thương lái ngã giá đến hơn 7.000 đồng/kg.

Mấy năm qua, với mô hình chuyển dịch lúa-tôm, đời sống của người dân Tân Lộc cũng dần khấm khá. Người từ phương xa tới, nếu không được kể, chắc ít ai biết rằng nơi này từng là một trong những vùng chiến sự ác liệt thời chống Mỹ, cứu nước.

Toàn cánh đồng là hướng tiến công chính của Mỹ-ngụy đi vào vùng căn cứ ngọn Hòn Tre, đồng thời cũng là khu vực dân quân du kích và bộ đội chủ lực của ta bám đất, bám làng đánh địch. “Trận đánh lớn nhất diễn ra trên toàn tuyến vàm Rạch Ván khi bộ đội chủ lực Tiểu đoàn U Minh 2 áp sát tạo thành gọng kìm để đánh địch hành quân từ hướng Cầu số 3 (Cà Mau) vào ngọn Hòn Tre. Trận đó ta thắng lớn, bảo vệ được vùng dân cư phía ngọn Hòn Tre, Cây Mốp và quan trọng nhất là làm chùn ý chí hành quân của giặc”, ông Lê Sơn Hải (Sáu Hải), 83 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Lộc-người gắn bó mấy đời trên mảnh đất này vừa chỉ tay về phía ngọn Hòn Tre, vừa khề khà kể lại.

Những hố bom, bãi đạn giờ đây được khỏa lấp nhường chỗ cho con tôm, cây lúa sinh sôi. Nhưng chứng tích chiến tranh vẫn còn đó trên những thân dừa sừng sững qua năm tháng. Ở Tân Lộc hiện vẫn còn những vườn dừa mà trên thân cây chi chít các vết thương do mảnh bom, đạn pháo. “Bà không biết cây dừa đó được trồng năm nào. Khi bà về làm dâu ở đất này thì cây dừa đã có trái. Hồi đó, cây chỉ cao ngang tầm với của bà. Giờ mấy đứa coi đó, cây đã cao qua nóc nhà, thậm chí còn cao hơn những đọt dừa khác được trồng sau này. Cách nay mấy chục năm, cơn bão số 5 làm nhiều nhà ở khu vực này sập, tốc mái nhưng thân dừa đó vẫn sừng sững”, bà Nguyễn Thị Tiên, 93 tuổi, ấp 5, xã Tân Lộc kể lại.

leftcenterrightdel

Bà Nguyễn Thị Tiên (ở ấp 5, xã Tân Lộc ), năm nay 93 tuổi nhưng nhắc về thương tích trên thân dừa, bà vẫn nhớ như in. 

Chứng tích chiến tranh vẫn còn nguyên đó trong lịch sử của vùng đất này. Năm 1999, xã Tân Lộc (bao gồm Tân Lộc Bắc, Tân Lộc Đông) vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Danh hiệu cao quý ấy có được từ mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của người dân Tân Lộc. Chỉ riêng xã Tân Lộc ngày nay (không bao gồm xã Tân Lộc Bắc, Tân Lộc Đông) đã có tới 56 liệt sĩ, 120 thương binh và 55 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Thậm chí, có gia đình có đến 2 liệt sĩ, 8 thương binh và 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. “Sự kiên cường, bất khuất ấy của người dân Tân Lộc mãi là trang sử hào hùng cổ vũ mọi phong trào cách mạng của địa phương”, ông Lê Thành Tây, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lộc nhấn mạnh.

Chuyện kể về ngọn Hòn Tre

 “Kinh ngọn Hòn Tre thông qua Giao Khẩu, Bạch Ngưu. Hồi vùng đất này mới có dân cư về sinh sống toàn cây rừng. Mấy thế hệ phải đào kinh, khẩn hoang trở nên thành khoảnh như hôm nay. Địa thế đất thay đổi nhưng tình làng, nghĩa xóm ở đây vẫn gắn bó”, ông Sáu Hải cho biết.

Con kinh mà ông Sáu Hải nhắc đến là kinh ngọn Hòn Tre, là dòng kinh gắn với nhiều kỳ tích của vùng đất Tân Lộc xưa và nay. Ngoài nhiệm vụ tháo úng, xổ phèn, dẫn thủy nhập điền thì tuyến kinh còn là đường tiến, lui của lực lượng cách mạng thời chống Mỹ. Kinh trải dài từ Cây Mốp, Đầu Nai qua Cây Sộp, Bàu Thúi và ngược lại lên Rau Răm, Điền Giữa nối liền vùng đất Phong Thạnh (nay thuộc địa phận tỉnh Bạc Liêu)... Để tránh tầm kiểm soát của hệ thống đồn, bốt đóng dày đặc phía Cầu số 3, Cầu số 4 (nay là cầu Tân Lợi và cầu Tân Lộc), lực lượng cách mạng của ta thường đi lại trên con kinh này.

Nói về thời kỳ đầu kiến thiết quê hương sau ngày thống nhất đất nước, bà Lê Thị Ni (Năm Nghiên), nguyên Phó bí thư Đảng ủy xã Tân Lộc (xưa là xã Tân Hải) như sống lại thời thanh niên dù nay đã bước sang tuổi 86: “Lòng dân Tân Lộc có thể gói gọn trong hai chữ “đoàn kết”. Ngay từ những ngày đầu kiến thiết, các tổ chức đoàn thể luôn xác định nhiệm vụ cụ thể và thực hiện rất tốt công tác dân vận. Từ sản xuất rời rạc, kém hiệu quả đến tham gia vào tập đoàn sản xuất; từ tình nghĩa xóm làng gắn kết nên mới có những câu chuyện đẹp về chia sẻ đất đai, hoán đổi nhà cửa để thực hiện nhiệm vụ sản xuất theo phương thức tập đoàn thời năm 1979”.

Ông Lê Đoàn Kết, năm nay 76 tuổi, cũng trằn trọc mãi về thời điểm người Tân Lộc vượt qua khó khăn khi chuyển đổi từ làm lúa mùa truyền thống sang làm lúa thuần nông hai vụ trong tập đoàn. “Thiếu phân bón, thuốc men, thiếu máy móc, thiết bị nông nghiệp, làm lúa hai vụ thì phải cày ải phơi đất, nhưng cày ải phơi đất thì sức trâu không thể cày trên đất khô. Thiếu máy cày, vậy là Đảng bộ, chính quyền xã xuống tận nhà vận động người dân cuốc đất phơi đồng. Những tưởng không thể thực hiện được, nào ngờ kết quả hơn cả mong đợi”.

leftcenterrightdel
Thân dừa lão cao ngút và có nhiều dấu tích do mảnh bom đạn là minh chứng cho vùng đất từng trải qua nhiều trận chiến ác liệt. 

“Tân Lộc đã trải qua nhiều đổi thay, cả về địa giới hành chính. Nhưng sau khi tái lập xã năm 2001, vùng đất mới thực sự đổi thay. Trải qua hơn 20 năm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; 10 năm bắt tay xây dựng nông thôn mới, giờ toàn xã Tân Lộc chỉ còn dưới 1% hộ nghèo; 5% hộ có cuộc sống trung bình, còn lại là hộ khá giàu. Riêng khu vực ấp 5 của xã, đoạn kênh Rạch Ván-Hòn Tre gần như đạt 100% nhà cơ bản, kiên cố”, ông Lê Thành Tây nhẩm tính.

Trên bước đường xây dựng cuộc sống ấm no, quê hương giàu đẹp thì hơn ai hết, những bậc cao niên như bà Nguyễn Thị Tiên, bà Lê Thị Ni, ông Lê Sơn Hải... tiếp tục là chỗ dựa tinh thần cho lớp con cháu kế cận. Và lòng dân Tân Lộc kiên trung như những thân dừa vững chãi vượt mưa bom, bão đạn bám rễ sâu vào lòng đất đai, xứ sở.

Bài và ảnh: PHONG PHÚ