Chẳng se lạnh và nhuốm trong từng gam màu của sắc lá ngả vàng, hay mộng mơ, duyên dáng như một cô gái tuổi đôi mươi, mùa thu trên TP Hồ Chí Minh vẫn luôn hào hoa và náo nhiệt. Thành phố với những tòa nhà vươn cao lên bầu trời xanh lồng lộng, như khẳng định vị thế và khát vọng hội nhập, phát triển của một đô thị giàu tiềm năng. Trong những buổi sáng thanh bình như thế, người ta ngồi lại bên ly cà phê thơm phức để nhâm nhi chuyện đời, chuyện mình và cả những câu chuyện về thành phố thương yêu.
Sáng thu hôm nay cũng vậy, tôi rẽ xe vào con hẻm 330, đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), mới hơn 7 giờ mà quán cà phê “vợt” tồn tại hơn 60 năm của vợ chồng ông Đặng Ngọc Côn (hay còn gọi là ông Ba) và bà Phạm Ngọc Tuyết đã đông nghịt khách. Chắc phải độc đáo, hấp dẫn lắm, nơi đây mới trở thành một điểm hẹn lý tưởng và quá quen thuộc cho những người nghiền cà phê ở thành phố. Và cũng không ngạc nhiên gì khi đi làm lúc tối khuya hay sáng sớm, tôi đều thấy người ta thả hồn vào hương vị cà phê chật kín cả con hẻm. Những hình ảnh ấn tượng trong con hẻm nhỏ là chất xúc tác tuyệt vời để đánh thức những ký ức của mọi người với Sài Gòn xưa và nay, hay những hoài niệm xốn xang của một thời đã qua. Chính vì thế mà quán cà phê “vợt” ẩn mình trong con hẻm nhỏ như một nhân chứng tái hiện cho hình ảnh Sài Gòn đầy sinh động và hoài cổ.
Nếu như người Hà Nội có cái thú tao nhã đó là “thưởng trà” rồi chơi một ván cờ cùng bạn tâm giao, thì người Sài Gòn lại có cái thú vui uống cà phê vào mỗi buổi sáng. Hương vị cà phê đã len lỏi, ngấm vào thói quen và ký ức của những con người chốn phồn hoa đô thị này từ lâu lắm rồi. Đúng với phong thái của một thành phố nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm, sáng ra họ chỉ cần một ly cà phê để bắt đầu cho ngày mới tràn đầy năng lượng. Chẳng thế mà ở đây, dường như tuổi tác là thứ đã rơi vào quên lãng. Trong không gian của quán cà phê “vợt” có “số tuổi” đã già này, giới trẻ thì râm ran chuyện ngồi ở đầu hẻm, những người trung niên và lớn tuổi hơn lại nhâm nhi ly cà phê với nét mặt sâu lắng ở một góc đường. Tất cả những người ghé đến quán đều cho rằng đây là nơi của những tâm hồn đồng điệu, bởi lẽ, họ cùng yêu thích hương vị của ly cà phê “vợt” do các nghệ nhân pha chế ra.
|
|
Ông Đặng Ngoc Côn pha chế cà phê |
Cũng như mọi người khách, tôi gọi cho mình một ly cà phê sữa đá và đứng quan sát cách pha cà phê lão luyện bằng vợt nhanh thoăn thoắt của ông bà Ba. Chắc hẳn khi nghe đến cái tên cà phê “vợt”, người ta có thể phần nào mường tượng ra được cách thức pha chế của nó. Thông thường, cà phê sẽ được pha bằng phin, nhưng cà phê ở đây lại được pha bằng vợt một cách độc đáo. Vừa làm, ông Ba vừa luôn miệng nói chuyện cùng những người khách ngồi ở bàn gần đó. Ông bật mí: Cà phê được lấy từ một nơi uy tín, sau đó gia đình ông tự thực hiện công đoạn rang, xay theo công thức riêng của mình để có được chất lượng cà phê tốt nhất. Chiếc vợt thiếc dài chừng 25cm chính là điểm nhấn khiến những vị khách như tôi vô cùng tò mò khi đến đây. Với chiếc vợt này, những phin pha cà phê dường như không có giá trị sử dụng ở đây nữa. Khi pha cà phê, chiếc vợt được ngâm trong nước sôi từ 3 đến 5 phút. Sau đó, ông Ba lấy một lượng cà phê bột vừa đủ cho vào chiếc vợt rồi đổ nước sôi qua vợt. Cánh tay ông nhúng đi nhúng lại cái vợt vài lần để bảo đảm đủ độ sánh, nhưng không quá đặc như cà phê phin rồi đổ vào ca nhôm để sẵn. Cùng với những vạt khói tỏa ra từ thùng nước sôi đang réo, hình ảnh ông bà Ba trong nụ cười hiếu khách tạo nên bức tranh của một Sài Gòn xưa thân thuộc. Trong bức tranh đó là hương vị của cà phê thơm đượm đến ngất lòng.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế đẩu và nhận ly cà phê từ tay của ông Ba. Hương thơm ngào ngạt của cà phê sực vào mũi, rồi thấm vào miệng lưỡi, khiến tôi mơ màng. Uống cà phê “vợt” phải nhâm nhi từng tí giống như người ta thưởng trà, hay uống rượu bình thơ trên thuyền trăng. Có như vậy mới cảm nhận được vị ngon, vị thơm của cà phê và tình cảm của người pha chế gửi gắm vào trong đó. Người đến thưởng thức cà phê “vợt” còn thấy rất ấn tượng khi được ngắm những bức tranh, ảnh, bài viết về một Sài Gòn xưa cũ đâu đây. Ở một không gian chật hẹp chỉ đủ kê hai cái bàn cho khách và cái xe đẩy để đứng pha chế cà phê mà lại treo đầy những hình ảnh ấn tượng ấy thì quả thực quá độc đáo. Và chiếc đồng hồ Thụy Sĩ cũ kỹ được treo gọn gàng trên góc tường đã ám trọn một màu khói, càng khẳng định sự lâu đời của quán cà phê này. Từng lượt khách cứ ra vào liên tục, đông đúc và nhộn nhịp. Có lẽ họ cũng giống như tôi, bị thu hút bởi chính hương vị cà phê từ cách pha chế gia truyền của ông bà Ba.
Tính đến nay, đã ba thế hệ trong gia đình ông Ba thay nhau duy trì quán cà phê “vợt” mở cửa 24/24 giờ trong con hẻm nhỏ này. Vì thế mà cái hồn của cà phê “vợt” đã gắn liền với những đổi thay của Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh hơn 60 năm qua. Nó tạo nên nét văn hóa đặc sắc mà không phải nơi nào cũng có được. Không wifi, không máy lạnh, không gian thì cũ kỹ khiến ai đó quên đi chiếc điện thoại thông minh để trò chuyện, tán gẫu cùng bạn bè với mùi cà phê nồng nàn, rạo rực. Họ cảm thấy hạnh phúc, yêu đời khi chỉ với số tiền 10.000-15.000 đồng đã có thể thưởng thức một ly cà phê mang đậm chất Sài thành và được đắm mình vào một không gian êm đềm của ký ức, của ước mơ. Giữa nhịp sống hiện đại và náo nhiệt, hình ảnh những con người ngồi bên tách cà phê cạnh lò đun nghi ngút khói bỗng trở thành một nét duyên trong thế giới ẩm thực và đời sống văn hóa rất phong phú của Sài Gòn.
Ngày nay, cà phê “vợt” không chỉ là thức uống được người lao động bình dân ưa chuộng, nó còn là niềm khao khát, là thói quen của những người thích tĩnh lặng, hoài cổ. Tôi tin rằng, dù sau này có phải xa Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh, mình vẫn có điều để nhớ về thành phố từ hương vị cà phê “vợt”. Ở những nơi xưa cũ, hoài niệm như thế này sẽ khiến lòng người lắng đọng và an yên. Lắng đọng, an yên như chính cà phê “vợt” đã mang lại cho chúng ta, cho mùa thu phương Nam đang ngất ngây lòng người.
Bài và ảnh: LÊ CÚC