Những khoảng trống còn bỏ ngỏ

Trong sáng tác VHNT, viết cho thiếu nhi là một chủ đề khó nhưng vô cùng thú vị và ý nghĩa. Nhìn lại bức tranh VHNT cho thiếu nhi có thể thấy đã có nhiều tác giả ghi dấu ấn với những sáng tác dành cho thiếu nhi. Lĩnh vực văn học có thể kể đến Tô Hoài, Phùng Quán, Đoàn Giỏi, Võ Quảng, Định Hải, Phong Thu, Trần Đăng Khoa, Lê Phương Liên, Trần Quốc Toàn, Nguyễn Nhật Ánh... Âm nhạc có thể kể đến các nhạc sĩ Văn Chung, Phạm Trọng Cầu, Phong Nhã, Phạm Tuyên, Bùi Đình Thảo, Trịnh Công Sơn, Hàn Ngọc Bích, Trương Quang Lục... Mỹ thuật có thể kể đến các họa sĩ Tạ Thúc Bình, Mai Long, Ngô Mạnh Lân...

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông, nhất là mạng xã hội mang đến không ít thách thức đối với nền VHNT, đặc biệt là mảng đề tài thiếu nhi. Nhiều năm gần đây, số lượng các sáng tác dành cho thiếu nhi thuộc mọi loại hình văn học, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh, múa, điện ảnh... ngày càng thưa vắng. Nhiều sáng tác cho thiếu nhi nhưng lại không phù hợp với độc giả nhỏ tuổi bởi sự sơ sài, khô cứng, trùng lặp. Không ít cuộc thi, cuộc vận động sáng tác VHNT dành cho thiếu nhi được phát động nhưng hiệu quả sau đó chưa cao.

Theo NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, dường như các tác giả viết cho thiếu nhi đang có dấu hiệu chững lại, thiếu những tác phẩm dài hơi có sức lôi cuốn. Chính việc các văn nghệ sĩ vẫn chưa thực sự đầu tư, chuyên tâm để có những tác phẩm lớn dành cho các em; cộng với sự thiếu vắng của những sáng tác mới mang hơi thở thời đại khiến công chúng có cảm giác lĩnh vực này đang có khoảng trống.

Nhìn từ lĩnh vực nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu lý luận phê bình Vũ Huyến ngậm ngùi khi nhắc tới thực tế “nhiếp ảnh Việt Nam đang rất phát triển, số người chụp, các cuộc triển lãm rất nhiều nhưng thật đáng tiếc không có cuộc nào, chuyên đề nào về đề tài nhiếp ảnh với đời sống trẻ em, mặc dù ai cũng biết cần phải có nhiều cuộc trưng bày như thế”.

Trong lĩnh vực âm nhạc, không ít người trong giới nghề từng bày tỏ sự lo lắng khi những ca khúc mới viết cho thiếu nhi ngày một hiếm hoi hơn, nhiều chương trình nghệ thuật đang ngày một thiếu vắng những bài hát thiếu nhi giá trị, thay vào đó, các em hát bài người lớn, đề tài tình yêu...

Ở lĩnh vực điện ảnh, số lượng phim dành cho thiếu nhi cũng quá ít ỏi so với nhu cầu xem phim của các em. Đơn cử như mảng phim hoạt hình, mỗi năm, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất khoảng 20 phim theo đơn đặt hàng của Nhà nước, một con số quá ít so với nhu cầu của trẻ nhỏ.

Sân khấu cho thiếu nhi khá mờ nhạt, kể cả ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì cũng chỉ rộn ràng dịp Quốc tế Thiếu nhi (1-6) hay Tết Trung thu, còn lại thì hầu như im ắng, đó là chưa kể tới chất lượng vở diễn.

Thực trạng này có nhiều nguyên nhân nhưng về cơ bản đó là do sự tâm huyết của các văn nghệ sĩ đối với đề tài thiếu nhi chưa cao; môi trường thúc đẩy sáng tác, biểu diễn VHNT dành cho thiếu nhi còn nghèo nàn về hình thức...

leftcenterrightdel

 Lớp học vẽ của trẻ em dân tộc Dao đỏ, bản Tha, xã Phương Độ, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Ảnh: QUYỀN HUY 

Khơi những dòng chảy mạnh mẽ

VHNT được ví von là nguồn dưỡng khí nuôi tâm hồn, đồng thời hun đúc ý chí, nghị lực vươn lên của con người, nhất là đối với thế hệ trẻ, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao chất lượng tác phẩm VHNT dành cho thiếu nhi là hết sức cần thiết và cũng đặt ra nhiều thách thức đối với những người làm VHNT. Nhạc sĩ Phạm Tuyên khi được hỏi về những thách thức đối với việc sáng tác cho thiếu nhi, ông từng khẳng định, viết cho thiếu nhi không dễ, bởi không chỉ cần có tâm huyết mà phải có cả sự hiểu biết về tâm sinh lý ở từng lứa tuổi của các em. Không chỉ riêng với âm nhạc, viết cho thiếu nhi cũng chính là thách thức chung của nhiều lĩnh vực từ văn học, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa...

Làm sao để tạo sự hứng thú, thu hút các em trở lại với những tác phẩm VHNT chính thống, có ý nghĩa giáo dục và giải trí lành mạnh, bổ ích? Theo nhà biên kịch Phạm Thị Thanh Hà (Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) mỗi thể loại nghệ thuật phục vụ thiếu nhi cần có sự nghiên cứu chuyên sâu về nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của trẻ nhỏ cũng như thế mạnh đặc trưng của từng thể loại để đưa ra những bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nghệ thuật phục vụ thiếu nhi. Đối với phim hoạt hình, cần tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng, mở rộng đề tài phản ánh và đa dạng hóa hình thức tiếp cận.

Trong lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Hoàng Giai (Hội Âm nhạc Hà Nội) cho rằng, cần phát huy những “điểm sáng” của VHNT cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc Hà Nội nên lập lại Tiểu ban âm nhạc thiếu nhi; có khung giờ vàng trên truyền hình dành cho chương trình ca nhạc thiếu nhi. Ngoài ra, trong các chương trình VHNT lớn trên truyền hình nên có phần biểu diễn các ca khúc thiếu nhi.

Quan sát và dõi theo văn học thiếu nhi trong một hành trình dài, nhà lý luận phê bình Nguyên An khẳng định: “Lĩnh vực sáng tạo có những đặc thù riêng đòi hỏi người viết phải có tấm lòng yêu thương quý trọng, có ý hướng sâu xa mà được phô ra một cách bình dị, tinh tế hơn, đó là chưa kể đến sự tích lũy “vốn liếng trẻ thơ” cho dày dặn đủ dùng, thì mới theo được, mới có thành quả lâu dài được”.

Có thể nói, để tạo ra được một phong trào viết cho thanh thiếu nhi hiệu quả, thiết thực và lâu dài; để có những tác phẩm VHNT thực sự níu kéo sự chú ý của các em, đồng hành, định hướng nhân cách của các em; để hơi thở cuộc sống đương đại với những góc nhìn mới ngày một hiện diện nhiều hơn trong các tác phẩm VHNT dành cho các em đó là một bài toán khó không dễ gì có thể thực hiện được trong ngày một ngày hai.

Tại cuộc tọa đàm “Nâng cao chất lượng sáng tác tác phẩm VHNT dành cho thanh thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay” do Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều văn nghệ sĩ các hội chuyên ngành cũng đã đưa ra những giải pháp cụ thể, trong đó tập trung vào các vấn đề: Tăng cường triển khai, nhân rộng các mô hình, cách làm mới thúc đẩy hoạt động sáng tác, biểu diễn VHNT thiếu nhi; lồng ghép hoạt động thúc đẩy VHNT thiếu nhi trong các đề án, chương trình, kế hoạch hoạt động. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp đầu tư, chính sách thúc đẩy văn nghệ sĩ sáng tác, khuyến khích thiếu nhi tham gia những cuộc thi, cuộc vận động sáng tác VHNT thiếu nhi bằng cách vinh danh, trao những phần thưởng xứng đáng...

Những giải pháp này nếu được triển khai đồng bộ, hiệu quả, chắc chắn sẽ khơi được dòng chảy mạnh mẽ trong sáng tạo các tác phẩm VHNT dành cho thiếu nhi, đem đến những “mùa vàng” mới trên cánh đồng VHNT, góp phần xây dựng văn hóa Việt Nam.   

PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học): Nhiệm vụ nâng cao chất lượng sáng tác các tác phẩm VHNT dành cho thanh thiếu nhi Hà Nội trong giai đoạn hiện nay là đặc biệt quan trọng và cần thiết. Bởi thế, cần hạn chế tối đa những lời kêu gọi, động viên, hô hào, định hướng chung chung, hình thức. Tăng cường hoàn thiện cơ chế, chính sách trong các tương quan đội ngũ sáng tác cho thanh thiếu nhi-những chủ nhân làm nên chất lượng tác phẩm-gắn với vai trò các tổ chức quản lý nhà nước và đoàn thể, gia đình, nhà trường, xã hội; chế độ ưu đãi trong hoạt động sáng tác, phê bình, xuất bản, phục vụ đối tượng độc giả đặc biệt này...

NSND Trần Quốc Chiêm (Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội): Với những đặc thù riêng, VHNT cho thiếu nhi rất cần được quan tâm ráo riết hơn, thường xuyên hơn để tạo nên sự bừng thức, sôi nổi trong hoạt động sáng tác, biểu diễn. Ngoài các hội VHNT, các ban ngành văn hóa từ Trung ương tới các tỉnh, thành phố nên có các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi; tổ chức hội nghị, hội thảo, trại viết, đi thực tế, có thể đặt hàng đối với các tác giả, trao giải thưởng xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ; báo chí nên thường xuyên đăng bài phục vụ bạn đọc nhỏ tuổi, dựng vở diễn, triển lãm tranh...

 

ĐẶNG THỦY