Để đạt mục tiêu này, TP Hồ Chí Minh đặt quyết tâm lớn gắn với những giải pháp đột phá về chuyển đổi xanh, xây dựng đô thị xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững...

Tiềm năng, lợi thế độc đáo

Cần Giờ xưa nay vẫn thường được ví như một ốc đảo rộng lớn trải dài hướng ra Biển Đông. Vùng đất này kết nối với các quận, huyện trung tâm của TP Hồ Chí Minh bằng tuyến đường độc đạo xuyên những cánh rừng đước, rừng dừa nước ngập mặn nguyên sinh.

Sau chuyến khảo sát của đoàn công tác HĐND TP Hồ Chí Minh vừa qua, đồng chí Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Bên cạnh tài nguyên rừng và biển phong phú, độc đáo thì người dân Cần Giờ còn mang đậm những nét văn hóa đặc trưng, phong phú của vùng ven biển, đời sống gần gũi với thiên nhiên. Đại đa số người dân có ý thức rất cao trong việc bảo vệ nguồn lợi biển, sản vật của rừng, môi trường sống xung quanh. Đây là những điều kiện thuận lợi để xây dựng Cần Giờ thành đô thị xanh, du lịch xanh, phát triển bền vững...

Nhận thấy giá trị vô cùng lớn của vùng đất Cần Giờ, từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách phục hồi, tái sinh rừng ngập mặn sau thời gian dài bị Mỹ, ngụy rải chất độc hóa học tàn phá. Nhờ đó, môi trường rừng ngập mặn Cần Giờ ngày càng được khôi phục, mở rộng diện tích, đạt gần 32.000ha. Quy hoạch bố trí dân cư, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng được sắp xếp gắn với chiến lược bảo vệ môi trường biển và rừng ngập mặn. Chính sách giao khoán rừng ngày càng mở rộng.

Người dân vừa được nhận khoán rừng, vừa được xen canh trồng các loại cây ngắn ngày, nuôi hải sản trên diện tích rừng được giao khoán, phát triển sản xuất bền vững. Rừng Cần Giờ đến nay được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đánh giá là vẫn giữ được giá trị nguyên thủy với hệ sinh thái độc đáo, quý hiếm. Năm 2000, tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận rừng Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn thế giới.

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh khẳng định: Lợi thế để Cần Giờ thực hiện chuyển đổi xanh, mục tiêu "Net Zero", đó là vị trí giáp biển, tài nguyên tự nhiên và các điểm du lịch sinh thái, lịch sử văn hóa phong phú, không khí trong lành, thời tiết lý tưởng. Nếu triển khai các giải pháp, chương trình đột phá đúng hướng sẽ giúp Cần Giờ trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, bền vững, đô thị xanh lý tưởng, kiểu mẫu, du lịch biển độc đáo, sôi động, giàu bản sắc.

leftcenterrightdel

Người dân được giao khoán rừng nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt nước tại Cần Giờ. Ảnh: TRUNG KIÊN 

Đột phá chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh

Dù có nhiều lợi thế nhưng thời gian qua, Cần Giờ vẫn còn thiếu những bước đột phá. Những năm trước đây, trên cơ sở các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, TP Hồ Chí Minh đã có định hướng phát triển khu vực này thành trung tâm kinh tế hàng hải và đô thị dịch vụ du lịch, thông qua hai dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và khu đô thị lấn biển. Nhưng do thiếu cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực để triển khai nên các dự án trọng điểm trên gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ.

Nghị quyết số 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 8-2023 đã tạo điều kiện để TP Hồ Chí Minh tạo bước đột phá, huy động các nguồn lực phát triển Cần Giờ xanh.

Đặc biệt là thực hiện những dự án hạ tầng giao thông, cảng biển để phá thế độc đạo, mở rộng điều kiện khai thác đặc thù giáp biển và kênh rạch chằng chịt của Cần Giờ; xây dựng những vùng sản xuất xanh bền vững. Với phương châm tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98, từ tháng 8-2023 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa nhiều chương trình, hoạt động để giúp Cần Giờ thực hiện mục tiêu xanh, bền vững, trong đó xác định thí điểm đưa Cần Giờ trở thành địa phương đầu tiên thực hiện mục tiêu "Net Zero". 

Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình hành động, triển khai đề án phát triển kinh tế biển cho Cần Giờ theo hướng xanh và bền vững. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện dự án trồng rừng gắn với tín chỉ carbon. 

Ở khía cạnh thúc đẩy phát triển du lịch Cần Giờ, đồng chí Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Cần Giờ là huyện ngoại thành mang nhiều yếu tố của vùng đất sông nước, giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Vì thế, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã định hướng, xây dựng chương trình phát triển du lịch xanh ở Cần Giờ, cụ thể là phát triển du lịch sinh thái gắn với khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn; du lịch trải nghiệm sản phẩm xanh, du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch lịch sử cách mạng gắn với các chiến tích đặc công rừng Sác... Khi thực hiện được các mục tiêu du lịch xanh, Cần Giờ sẽ tạo được sức hút rất lớn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Nhằm phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ bổ sung dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ 6.000MW của Công ty Cổ phần Năng lượng Dầu khí châu Á vào danh mục dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng trong dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Dự án này nếu được triển khai sẽ tạo lực đẩy vô cùng to lớn, cung cấp cho các nhà máy sản xuất hydrogen xanh-nguồn năng lượng sạch đáp ứng yêu cầu phát triển cho Cần Giờ và cho cả TP Hồ Chí Minh.  

leftcenterrightdel

Cầu, đường giao thông xuyên qua rừng ngập mặn Cần Giờ được xây dựng đã thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Cần Giờ. Ảnh: HỒ LÊ 

Một trong những dự án hạ tầng trọng điểm vừa được UBND TP Hồ Chí Minh có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đây là dự án mang tầm quốc tế, nằm trong chuỗi cung ứng vận tải thế giới với công suất dự kiến đến năm 2030 đạt 4,8 triệu Teu, đến năm 2047 đạt 16,9 triệu Teu.

Công trình cảng trọng điểm này bên cạnh phát huy những lợi thế còn gắn liền với việc đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, bảo đảm không tác động đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Việc sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường được áp dụng trong quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác công trình trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.

PGS, TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn đã đề xuất cần phải xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn bảo đảm những yếu tố tính liên vùng, liên ngành, liên lĩnh vực cao vào quy hoạch phát triển Cần Giờ. Các mô hình ấy gồm: Du lịch xanh, đô thị thông minh, năng lượng tái tạo, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản; nông nghiệp, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe; giám sát cộng đồng...

“Cần Giờ có những giá trị tự nhiên, văn hóa rất độc đáo nên cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Để Cần Giờ thực hiện tốt mục tiêu “Net Zero” vào năm 2035, thành phố đang định hướng tập trung thu hút đầu tư, xác lập các trụ cột ưu tiên. Đặc biệt là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông xanh, các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu xanh, năng lượng xanh; xử lý rác thành điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt; xây dựng điểm đến không rác thải nhựa; phát triển du lịch xanh và thí điểm tín chỉ carbon với rừng Cần Giờ... Các ngành, đơn vị chuyên môn và địa phương trên cơ sở thí điểm, cần phát huy sự năng động, sáng tạo, lợi thế, tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, xem đó là nền tảng, điều kiện để Cần Giờ phát triển nhanh, tăng trưởng xanh, bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của TP Hồ Chí Minh”, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ về quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển Cần Giờ trở thành đô thị xanh kiểu mẫu trong tương lai.

ĐẶNG BẢO MINH