Theo thống kê của Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển (CSB) 4, trong năm 2024, đơn vị đã tiếp nhận xử lý 19 vụ/22 tàu vận chuyển dầu DO không có hóa đơn, chứng từ, xử phạt với số tiền gần 1,8 tỷ đồng; tịch thu hơn 1,4 triệu lít dầu DO. Việc phát hiện, bắt giữ đối tượng buôn lậu dầu DO trên biển luôn gặp không ít khó khăn bởi những đối tượng này có nhiều thủ đoạn, hoạt động tinh vi. Một mặt họ ngụy trang thành tàu đánh cá hoặc biến các tàu chở hàng khô thành tàu chở hàng nước. Họ mua gom dầu DO trên biển rồi giao dịch, sang mạn ngay cho các đối tượng có nhu cầu hoặc chở về bờ tiêu thụ.

Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn, như: Tắt thiết bị định vị theo dõi hành trình trên biển và lợi dụng đêm tối, góc mù ra-đa quan sát của tàu lực lượng CSB. Đặc biệt, khi bị lực lượng CSB phát hiện, thuyền trưởng thường khai báo loanh quanh, không trung thực, hòng chối tội. 

 Vùng biển Tây Nam rộng, tiếp giáp với vùng biển của các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia. Tại đây, hoạt động kinh tế biển, đặc biệt là đánh bắt hải sản của ngư dân diễn ra sôi động. Để giảm chi phí, nhiều chủ tàu neo đậu trên biển dài ngày. Họ được các chủ tàu dịch vụ hậu cần cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm; đồng thời thu mua hải sản mang về bờ tiêu thụ. Đây là phương thức liên kết phát triển kinh tế mang lại nhiều lợi ích cho các bên, nhưng cũng từ đó, một số đối tượng lợi dụng để buôn bán trái phép dầu DO.

leftcenterrightdel

Lực lượng chức năng Vùng Cảnh sát biển 4 triển khai nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển. 

Theo các chuyên gia về tàu thuyền, với mặt hàng dễ cháy, nổ như xăng dầu, cần những phương tiện vận chuyển chuyên dùng và đối tượng điều khiển phương tiện cũng phải có kiến thức, thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và các biện pháp bảo đảm an toàn thì rất dễ bị tai nạn trong vận chuyển và cả trong bơm hút, sang mạn. Ví dụ, khi sang mạn trên biển trong điều kiện sóng to gió lớn mà không có biện pháp bảo đảm an toàn thì tàu dễ bị va đập, bị lật, dẫn đến hư hỏng, vỏ tàu móp méo, bị thủng, dễ bị chìm. Ngoài ra, khi không có các biện pháp xử lý tràn dầu trên biển, nếu gặp sự cố thì gây hại rất lớn cho môi trường.

Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu dầu DO, loại hàng được ví như “vàng đen” trên biển Tây Nam, nhiều năm qua, các lực lượng của Vùng CSB 4 đã hợp tác chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng các tỉnh, tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân nắm và thực hiện các quy định của pháp luật. Theo Đại tá Nguyễn Thái Dương, Phó chính ủy Vùng CSB 4, khi cơ quan chức năng phối hợp tổ chức đấu tranh ngăn chặn tội phạm hoạt động trên biển quyết liệt thì tình trạng vi phạm giảm hẳn. Nhưng mỗi khi cơ quan chức năng giảm cường độ, mức độ tuần tra thì hoạt động phạm pháp này lại có xu hướng gia tăng. Điều này cho thấy, do lợi ích từ mua bán, vận chuyển dầu DO không chứng từ, nguồn gốc rất lớn nên nhiều đối tượng vẫn tìm mọi thủ đoạn để thực hiện. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 4 phải vững vàng bản lĩnh, ý chí quyết tâm để quét sạch các đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép dầu DO, giữ vững bình yên cho vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Bài và ảnh: ĐỖ NGÀ