Hương lan bay theo gió, theo mưa, quyến rũ lòng người trong mùa xuân, như đánh thức đất trời bừng dậy sau những ngày ngủ đông lạnh giá. "Tháng Giêng đượm ẩn cả ba sắc màu”. Có nhà thơ đã viết như thế. Gió xuân. Mưa xuân. Nắng xuân. Khi những giọt nắng xuân rơi trên bông hoa lan, những cánh lan lấp lánh đong đưa. Nắng xuân cho bông lan lung linh. Gió xuân đưa hương lan thoảng nhẹ bay trong không gian. Mưa xuân cho bông lan lóng lánh, bởi hàng trăm viên ngọc của bụi mưa đang đậu trên cánh hoa. Hoa lan hòa quyện vào đất trời tháng Giêng, làm cho mùa xuân thật hoàn mỹ.

Hoa lan là chúa của các loài hoa. Chả vậy mà ngày xưa người đời bảo "Chúa chơi lan”. Câu nói ấy đã khẳng định: Hoa lan là loài hoa quý, bởi nó quý nên mới chỉ dành cho vua chúa. Câu nói cũng cho thấy giá trị của hoa lan. Hoa lan quý còn bởi vì nó hiếm. Ngày ấy, người ta chỉ có vào rừng mới tìm được dò lan. Mà rừng thì hiểm trở, có khi phải đổi cả tính mạng cho một dò lan nên lan quý là vậy.

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH 

Có nhiều loài hoa lan, nhưng chỉ có một giống lan rất chung thủy với mùa xuân, đấy là lan Đai Châu. Đai Châu còn có những tên gọi khác là Ngọc Điểm, Nghinh Xuân. Đai Châu nở đúng vào mùa xuân. Trong một vườn lan Đai Châu, bông nào đã nở vào giai đoạn nào của năm trước thì năm sau ta lại được thưởng thức hoa nở đúng vào thời gian ấy. Có dò nở trước Tết, có dò nở sau Tết. Nếu nhà ai trồng mấy chục dò lan Đai Châu thì cả ba tháng mùa xuân sẽ được tận hưởng hương sắc của nàng.

Lan Đai Châu cánh trắng, điểm trên cánh trắng là những đốm tím. Cái màu trắng tinh khiết, cái màu tím kiêu sa, tạo cho bông lan thật đài các, sang trọng. Nhưng có lẽ hương của Đai Châu mới làm cho loài lan này được người đời trân quý. Mùi thơm chỉ nhè nhẹ phảng phất, thoang thoảng đưa. Nó thơm trong dịu ngọt, nhẹ êm, vậy mà lại lan tỏa khắp vườn. Trong vườn có dò lan Đai Châu nở, người đến chơi mới vào đến ngõ đã cảm nhận hương lan bay bên mình. Ta cảm thấy lòng mình thật nhẹ nhõm, không khí trong lành, dịu êm. Cái dịu êm như mình đang bước vào cánh rừng, trong một buổi sáng bình minh. Cái dịu êm làm cho lòng người nao nao. Một chút nhớ. Một chút bâng khuâng...

Có người ví lan Đai Châu như một cô gái đỏng đảnh. Quả đúng như vậy. Nhưng đừng nói chỉ Đai Châu mà oan cho nàng. Tất cả các loài lan đều như một cô gái đỏng đảnh. Khô quá không được, ướt quá cũng không được. Cho ăn nhiều không được, cho ăn ít cũng không ổn. Người chơi lan phải biết cách chăm cho từng loại lan, như chăm chút cho người yêu bé nhỏ của mình. Duyên dáng nhưng kiêu sa. Kiêu sa trong thầm lặng tỏa hương khoe sắc, để người chơi hoa cứ đắm đuối mơ màng cuốn hút, khi đã bị cuốn hút rồi thì say đắm mải mê. Vậy là phải tìm hiểu, phải sưu tầm, xem loài nào cho dinh dưỡng vào thời điểm nào. Loài nào tưới nước thường xuyên, loài nào phải để héo, héo đến rụng hết lá, chỉ còn trơ cành, ấy vậy mà chỉ tháng sau xuân về, mưa xuân cho cây hồi sinh. Từng đốt, từng đốt bật nảy mầm hoa, và khi nắng chớm hè, một dò lan mấy chục cành bung hoa nở rủ xuống, như dải đèn chùm lấp lánh. Có loài trắng tinh khôi, có màu tím nhẹ nhàng, có màu tím đậm... Có nhiều loài lan, cũng có nhiều màu hoa lan. Ngay cả lan Đai Châu bây giờ cũng có nhiều màu: Đỏ, vàng, tím, do con người lai tạo. Thế nhưng người ta vẫn thích lan Đai Châu rừng truyền thống.

Bây giờ lan không còn hiếm như ngày xưa. Có nhiều loài lan không phải lặn lội vào rừng tìm. Nhờ khoa học mà người ta đã cấy mô được nhiều loài lan, họ nhân bản ra hàng vạn mầm chỉ trong thời gian ngắn. Người chơi lan bây giờ cũng nhiều, dịch vụ cho việc trồng, chăm lan cũng có đủ. Cơ chế thị trường đã làm mọc lên các cửa hàng bán hoa lan, bán tại vườn, bán qua mạng, giao hàng tại nhà, thật tiện lợi. Chỉ có điều, giá trị của hoa lan thật cũng có, mà ảo cũng có.

Ngày xuân được thưởng thức hoa lan. Thưởng thức những cánh lan tinh khiết trong veo, đọng những hạt mưa bụi.

Tản văn của VŨ NGỌC THƯ