Người ta quan tâm không chỉ bởi TP Hồ Chí Minh sắp có thêm một không gian vui chơi giải trí đẳng cấp, kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện, Công viên Bến Bạch Đằng... mà còn từ những câu chuyện lịch sử mang sắc màu như truyền thuyết ở đây...
Dấu xưa “phong thủy”
Lâu nay, hồ Con Rùa là nơi thư giãn quen thuộc của nhiều người dân, nhưng thực sự thì nó chưa đủ độ hấp dẫn để trở thành điểm đến của khách du lịch trong nước và quốc tế. Chỉ khi dự án chỉnh trang, xây dựng không gian hồ Con Rùa trở thành phố đi bộ hạng sang thì địa danh này ngày càng được quan tâm, chú ý. Hồ Con Rùa trở thành từ khóa được tìm kiếm rất nhiều trên không gian mạng. Thời điểm đầu tháng 9-2022, vào công cụ Google gõ từ khóa "hồ Con Rùa", trong vòng 0,45 giây có đến gần 4,6 triệu kết quả. Điều này dự báo, sau khi dự án hoàn thành, hồ Con Rùa sẽ là địa điểm thu hút đông đảo du khách. Cũng bởi sự quan tâm, chú ý đó nên những thông tin liên quan đến hồ Con Rùa trong lịch sử cũng được xới lên, hâm nóng trong một bộ phận đông đảo du khách, nhất là những bạn trẻ yêu lịch sử và đam mê khám phá các giá trị văn hóa truyền thống. Nhắc đến hồ Con Rùa là nhắc đến những câu chuyện tín ngưỡng liên quan đến một số nhân vật chóp bu của giới chức Sài Gòn trong thời kỳ đất nước còn chia cắt, nổi bật nhất là cựu Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu.
Cuối tháng Tám, trời thu dìu dịu, anh bạn tôi là kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hoàng từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh công tác. Dù đã kín lịch làm việc nhưng anh vẫn dành thời gian nhờ tôi đưa đi tham quan hồ Con Rùa. Sau khi chụp ảnh, quay clip không gian xung quanh hồ bát giác, tôi dẫn Hoàng lên căn gác quán cà phê Nghệ Thuật, có view hướng ra hồ Con Rùa. Ngồi ở đây, vừa nhâm nhi cà phê, vừa ngắm lá vàng rơi rộn góc thu thành phố, thật thư thái. Hoàng từng du học ở Singapore, am tường về văn hóa kiến trúc, phong thủy nên mỗi lần gặp, bạn bè thường nhờ anh tư vấn phong thủy cho đất đai, nhà cửa. Khi chúng tôi nhắc đến chủ đề này, anh nói:
- Mỗi người chỉ cần một nền tảng kiến thức căn bản về phong thủy để sắp đặt không gian sống cho hài hòa là được, không nên cuồng tín, vừa tốn công, vừa tốn tiền. Phong thủy địa lý xuất phát từ một học thuyết cổ đại của Trung Hoa, nghiên cứu về hướng gió, hướng khí và dòng chảy của nước để lựa chọn vị trí làm nhà cửa, mồ mả. Trong đời sống hiện đại, nhất là ở các đô thị, phong thủy chỉ nên hiểu là sự hài hòa về nghệ thuật, phong cách sắp đặt. Nói về phong thủy, hiếm có người nào cuồng đến mức như cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Vậy mà thất bại vẫn hoàn thất bại!...
Hoàng kể, anh đọc khá nhiều về Nguyễn Văn Thiệu và hồ Con Rùa. Sinh thời, Nguyễn Văn Thiệu rất đam mê tướng số, bói toán và có niềm tin tuyệt đối đến mức u mê về địa lý phong thủy. Ông ta cho rằng, sự tốt xấu của long mạch, phong thủy là một trong những yếu tố quyết định sinh mệnh và vận mệnh chính trị của mình. Nhà báo Huỳnh Bá Thành (bút danh Ba Tung) trong cuốn “Vụ án hồ Con Rùa”, xuất bản năm 1982 đã thuật lại từ các nguồn tư liệu do tác giả sưu tra, nghiên cứu, rằng: Sau khi lên làm Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, vào khoảng năm 1967, Nguyễn Văn Thiệu đã mời một pháp sư người Hoa nổi tiếng về phong thủy đến coi thế đất tại dinh Độc Lập. Pháp sư phán rằng, phong thủy ở đây rất tốt, long mạch có cấu trúc như hình con rồng. Dinh Độc Lập nằm ở đầu rồng (dinh Độc Lập dưới thời Tổng thống Thiệu còn được gọi là Phủ Đầu Rồng).
Tuy nhiên, muốn tại vị yên ổn thì cần phải trấn yểm, nếu không sẽ bị “đuôi rồng” quật, đoản mệnh. Đuôi rồng nằm ở vị trí hồ Con Rùa. Trấn long thì phải dùng quy. Tổng thống nghe lời, bèn cho tổ chức một cuộc thi vẽ thiết kế. Công trình hiện tại được xây dựng dựa trên bản thiết kế của KTS Nguyễn Kỳ, người đoạt giải nhất cuộc thi độc nhất vô nhị này. Theo đó, Nguyễn Văn Thiệu cho xây dựng một cái tháp cao, trên đỉnh có hình những cánh hoa nở xòe giống như hình đuôi con rồng. Hồ nước xây dựng theo hình bát quái, ở giữa có đường lượn hình âm dương. Nguyễn Văn Thiệu cho đúc một con rùa lớn bằng đồng đặt ở đó, ngụ ý rằng, đuôi rồng đã bị đè và trói chặt, không thể quăng quật, ảnh hưởng đến đầu rồng được. Hồ Con Rùa xây dựng xong, Tổng thống Thiệu rất hài lòng và yên tâm về sự vững chãi của chiếc ghế quyền lực mình đang sở hữu.
Cuồng tín đến thế, kỳ công đến vậy nhưng đoạn kết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và chính quyền tay sai phản dân hại nước thì ai cũng đã rõ. Sau hai nhiệm kỳ làm tổng thống, với tính cách đa nghi và hoang tưởng, Nguyễn Văn Thiệu ngày càng bị cô lập ngay trong nội các do ông ta dựng lên. Trước sức mạnh như nước vỡ bờ, với khát vọng, ý chí độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của toàn dân lên cao hơn bao giờ hết, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, đặt dấu chấm hết cho con đường tham vọng quyền lực của Thiệu. Ngày 21-4-1975, Nguyễn Văn Thiệu từ chức, sau đó tìm đường ra nước ngoài. Nguyễn Văn Thiệu qua đời tại Hoa Kỳ vào ngày 29-9-2001.
KTS Nguyễn Hoàng cảm thán: “Phong thủy tốt nhất trong gia đình là phong thái, phong cách của chủ nhà. Phong thủy tốt nhất của đất nước là lòng dân, sức dân. Giữ được nền nếp gia phong thì gia đình hạnh phúc, giữ được lòng dân thì giang sơn cường thịnh. Đánh mất hay đi ngược lại nguyên lý căn bản đó thì cho dù có phong thủy đến mấy cũng vô ích”.
Dấu xưa mang tính vật thể còn đó. Những câu chuyện liên quan đến hồ Con Rùa đã trở thành một phần của lịch sử. Ngẫm chuyện cũ để thêm trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc được chưng cất qua sự sàng lọc gắt gao của thời gian. Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Lòng dân và sức dân là “phong thủy” có giá trị trường tồn...
Diện mạo phố đi bộ hạng sang
Nói hồ Con Rùa được cải tạo, chỉnh trang thành phố đi bộ hạng sang, không có nghĩa nó chỉ dành cho tầng lớp du khách sang trọng như không ít người nhầm tưởng, mà bởi dự án được triển khai xây dựng với nhiều hạng mục sang trọng, đẳng cấp. Theo thiết kế, sau khi đưa vào sử dụng, không gian hồ Con Rùa sẽ là một điểm nhấn của diện mạo đô thị hiện đại, vừa lưu giữ những nét xưa hoài niệm, vừa có nhiều tiện ích phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của các tầng lớp du khách. Phương án thiết kế phố đi bộ hồ Con Rùa, vì thế, được UBND quận 3 và các sở, ngành liên quan thuộc UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện rất chu đáo, bài bản, với sự tư vấn chuyên môn của nhiều chuyên gia về văn hóa, thiết kế, xây dựng. Theo đó, không gian hồ Con Rùa được thiết kế với 5 khu vực: Trình diễn, văn hóa, triển lãm, giải trí và ẩm thực trên tổng diện tích hơn 19.500m2.
Thời điểm chúng tôi đến, hồ Con Rùa đang được thi công các hạng mục cải tạo hồ nước, lát gạch, kè đá khu vực vỉa hè, lắp đặt hệ thống chiếu sáng... Các tốp công nhân làm việc dưới những tán cây cổ thụ xanh mát. Toàn bộ hệ thống cây xanh và công trình kiến trúc hiện hữu được bảo tồn nguyên vẹn.
Theo các tài liệu lịch sử, không gian hồ Con Rùa hiện nay được hình thành vào khoảng năm 1790. Lúc bấy giờ, trong quá trình xây dựng thành Bát Quái (thành Quy), chúa Nguyễn đã chọn vị trí hồ Con Rùa hiện nay làm cổng Khảm Khuyết. Đến năm 1878, người Pháp cho xây dựng tại đây một tháp nước, phục vụ nhu cầu cung cấp nước sinh hoạt. Do nhu cầu mở rộng giao thông, tháp nước bị đập bỏ vào năm 1921, người Pháp cho thay vào đó công trình tượng đài binh sĩ. Trước khi được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho xây dựng công trình mang ý nghĩa “trấn yểm” long mạch, không gian hồ Con Rùa là nơi được chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thiết kế, chỉnh trang thành “Công trường chiến sĩ trận vong”...
Sự vận động của lịch sử qua từng giai đoạn để lại những dấu tích, dấu ấn quan trọng cho đời sau. Hồ Con Rùa là một chứng tích lịch sử, trải qua những giai đoạn thăng trầm. Những hình ảnh, hiện vật mang ý nghĩa văn hóa vật thể được bảo tồn, lưu giữ đến hôm nay, giúp chúng ta và thế hệ mai sau có thêm những góc nhìn đa chiều, phong phú về văn hóa. Khi những thứ khác mất đi, văn hóa đọng lại. Việc cải tạo, chỉnh trang hồ Con Rùa thành phố đi bộ phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí của người dân và du khách, được đông đảo dư luận xã hội quan tâm, đồng tình.
Rồi đây, mỗi khi đến phố đi bộ hồ Con Rùa, bước chân trên hè phố khang trang, du khách có cơ hội ngược dòng lịch sử, ngẫm về các giá trị văn hóa tinh hoa đọng lại. Muôn đời, “phong thủy” tốt nhất, vững bền nhất chính là sức dân, lòng dân! Với vị thế là "đầu tàu" kinh tế-xã hội của cả nước, Đảng bộ, chính quyền Thành phố mang tên Bác đã và đang củng cố, phát huy các nguồn lực truyền thống và thời đại để làm cho giá trị "phong thủy" cốt lõi ấy ngày càng hưng thịnh.
Bài và ảnh: NGUYỄN TRẦN THẮNG