Mới đặt ba lô xuống hiên, bác gái hồ hởi mời hai chú bộ đội uống nước. Lúc sau, cô con gái từ trong bếp bước ra bê đĩa ngô luộc nóng hổi mời khách. Đó là Nhàn, sinh viên trường cao đẳng sư phạm tỉnh, được nghỉ hè về phụ giúp bố mẹ việc đồng áng. Mới trông em gái xinh xắn, dịu dàng, Huy đã có cảm tình. Cả buổi hôm đó, anh hăng hái phụ giúp Nhàn công việc gia đình, tìm cớ để trò chuyện. Ở nông thôn, gia đình có người mới đến nên không khí càng vui hơn. Buổi tối, bên hiên nhà sáng trăng, Cường thưa chuyện:
- Bác ơi, nhà mình chuẩn bị cấy hái đến đâu rồi ạ? Để mai chúng cháu đi làm đồng với ạ!
Bác Nhất hồ hởi:
- À, cũng mới bắt đầu thôi. Có các chú giúp thì tốt quá. Ngày mai, cả nhà sẽ xuống đồng ngả ruộng.
Mới sáng sớm, người trong làng đã ra đồng tấp nập. Trên các ngả đường thấp thoáng bóng áo xanh bộ đội. Huy và Cường cũng nhanh chân rẽ về phía cánh đồng Chùa. Cường sinh ra ở quê, công việc nhà nông chẳng có gì là lạ. Còn Huy, đây là lần đầu xuống đồng nên còn bỡ ngỡ. Anh đi trên bờ cỏ mấy lần bị vấp, bước thụt xuống ruộng, đôi quang gánh trên vai Huy chỉ có vài túm mạ mà chủng chà chủng chẳng. Nhàn tủm tỉm cười:
- Anh Huy để em gánh cho ạ!
- Không sao đâu em, leo đồi, vượt dốc khó thế anh còn làm được, việc này chuyện nhỏ.
Nói vậy cho oai chứ trông Huy so vai rụt cổ, ai cũng buồn cười. Đến đầu bờ, đặt đôi quang gánh xuống, Huy mới thở phào nhẹ nhõm. Nhàn và mẹ nhanh tay đóng cọc, chăng dây. Huy hăng hái lao xuống ruộng, vục bùn đắp bờ. Lần đầu lội ruộng, sục đôi bàn chân xuống bùn sâu man mát, Huy tỏ ra thích thú. Anh hăng hái cào ruộng. Chẳng mấy chốc, quần áo đã lấm lem bùn đất, mồ hôi vã ra như tắm. Thấy vậy, Nhàn gọi với lại:
- Anh Huy nghỉ tay cái đã, làm năng suất quá, nhà em không lấy gì trả công đâu ạ!
Nghe vậy, Cường nháy mắt tinh nghịch:
- Chẳng phải công cán gì đâu, cậu Huy tình nguyện đăng ký một suất làm ruộng cả đời ở đây, không biết bố mẹ Nhàn có nhận không?
Nhàn tủm tỉm cười:
- Trai thành phố ai lại lội ruộng bao giờ ạ!
- Ấy thế mà có người lại thích hương đồng gió nội đấy-Cường nói xen vào.
Vừa làm, mọi người vừa trò chuyện, vui quên mệt mỏi. Khi Huy nhấc cào lội lại phía cuối ruộng, Nhàn mới nhìn theo rồi hô lớn:
- Ôi... Anh Huy! Anh bị đỉa bám kia kìa.
Chỉ nghe thế, Huy chạy phầm phập lên bờ. Con đỉa trâu mọng máu đang bám chặt vào da. Huy luýnh quýnh không biết làm cách nào gỡ ra. Nhàn chạy theo lên bờ, lấy trong túi ra gói xà phòng rắc vào con đỉa, rồi dùng tay kéo nó ra khỏi chân Huy. Ở vết đỉa cắn, máu chảy thành vệt dài, Nhàn lại nhanh tay vò ngọn nhọ nồi đắp vào vết đỉa cắn rồi dùng chiếc khăn quấn đầu băng lại. Lần đầu nhìn thấy đỉa, lại bị nó cắn chảy máu, Huy cứ nghệt mặt ra. Trông vẻ mặt khi đó của Huy, Nhàn vừa buồn cười vừa thương, liền động viên:
- Chuyện nhỏ mà anh, một lúc là vết đỉa cắn cầm máu thôi ạ!
Cường nhìn đồng đội có vẻ hả hê:
- Đúng là "bà chúa phải gai bằng thuyền chài sổ ruột", lần này là mỹ nhân cứu anh hùng đấy nhé.
Trưa hôm đó, về đến nhà, vết đỉa cắn đã khô miệng. Nhàn cẩn thận pha nước muối rửa lại cho Huy. Lúc này, Huy thấy mặt mình lại nóng bừng lên, miệng ấp úng cất lời như thanh minh:
- Con gái nông thôn giỏi thật, dám dùng tay bắt đỉa mà chẳng hề hấn gì. Còn anh thì...
- Chúng em quen rồi anh ạ! Bị đỉa bám cũng bình thường thôi. Đi làm đồng lúc nào chúng em cũng quấn xà cạp và mang theo ít xà phòng để khi bị đỉa cắn là bôi vào ngay.
Được Nhàn phổ biến kinh nghiệm, những ngày lao động tiếp theo, Huy cẩn thận bôi trước xà phòng vào chân, vì thế làm việc tự tin hẳn lên. Đợt dân vận kết thúc cũng là lúc những thửa ruộng đã phủ kín màu xanh. Đơn vị phấn khởi khi nhiệm vụ đã hoàn thành, chuẩn bị hành quân về trường. Riêng Huy thì cứ quyến luyến mãi, ước gì thời gian lao động kéo dài hơn nữa. Lúc chia tay, anh kịp ghi số điện thoại và cả địa chỉ trường, lớp của Nhàn vào cuốn sổ nhỏ. Những dịp nghỉ phép, khi thì Huy xuống nhà, lúc lại đến trường thăm Nhàn.
Tình cảm cứ thế lớn dần, để rồi 5 năm sau, họ về chung tổ ấm. Sau này, mỗi lần vợ chồng đèo nhau từ thành phố về thăm quê qua cánh đồng làng, cả hai lại tủm tỉm cười nhớ về lần đầu lội ruộng nhớ đời ấy.
Truyện vui của ĐỨC NAM