Táo là tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt, có nghĩa là bếp. Theo tín ngưỡng xưa, bếp có thần bếp gọi là Táo Quân, Táo thần, hoặc là Táo Công. Người Việt gọi dân dã là “ông Táo”.

Trong đời sống văn hóa dân gian Việt Nam, ông Táo xuất hiện dưới hình ảnh hai ông, một bà, là vị thần trông coi gia cư cho gia đình tín chủ. Ông Táo có nguồn gốc từ 3 vị thần: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành sự tích “Hai ông một bà” là vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp.

Theo quan niệm của người Việt, ông Táo không chỉ là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ mà còn là vị thần ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia chủ. Vì vậy, tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ "thần Bếp" chuyên cai quản việc bếp núc.

 Vào ngày 23 tháng Chạp, người dân thường sắm lễ, làm mâm cơm cúng bày tỏ lòng biết ơn các vị thần. Đặc biệt trong ngày này, người Việt ở một số nơi còn chuẩn bị thêm cá chép thả trong chậu nước. Sau khi cúng, người dân mang cá đi thả phóng sinh. Việc chuẩn bị cá chép mang ý nghĩa chuẩn bị phương tiện để ông Táo cưỡi về trời. Ngoài ra, còn có ngụ ý "cá vượt vũ môn" hay "cá chép hóa rồng", cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì để đi tới thành công.

Theo ông Võ Thiện Hoa (nhiều người thường gọi là học giả An Chi) thì dân gian Việt Nam còn lấy “ông Táo” để chỉ từng hòn trong 3 hòn đất để bắc chảo bắc nồi mà xào, nấu (trích theo "Chuyện Đông chuyện Tây", tập 1, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019, trang 25).

PHẠM TUẤN