Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đưa dân tộc ta vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Đó là cơ sở cho một cảm hứng mới xuất hiện trong văn học-cảm hứng về cái chung và cái ta, được biểu trưng trong một khái niệm mới là Đoàn thể(1) (Đoàn thể thực ra là cách nói tránh, để chỉ Đảng ta trong thời gian Đảng tuyên bố "tự giải tán"), nó như một điểm tựa lớn, một lẽ sống mới khiến con người, trước hết là những con người nhỏ bé, và cũng là con người cá nhân bỗng thay đổi hẳn tầm vóc và thân phận: "Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời". ("Huế tháng Tám"-Tố Hữu).

Và Hoài Thanh, tác giả "Thi nhân Việt Nam" có lẽ là người nhận thức sớm nhất sự chuyển đổi nhanh chóng và quyết liệt đó, trong một bút ký viết ngay sau ngày cách mạng thành công: “Đoàn thể đã tái tạo chúng tôi; và trong bầu không khí mới của giang sơn, chúng tôi-những nạn nhân của thời đại “chữ tôi”, hay gọi là tội nhân cũng được, chúng tôi thấy rằng đời sống riêng của cá nhân không có nghĩa gì trong đời sống bao la của Đoàn thể” (2).

Đưa Đoàn thể lên một vị trí thiêng liêng, khẳng định cái ta thay cho cái tôi, cũng là khẳng định cái chung thay cho cái riêng-đó là định hướng, là nội dung bao trùm văn học-nghệ thuật một thời dài trên dưới 40 năm, kể từ 1945 đến giữa thập niên 1980.

Ngót 40 năm cho một chuyển động từ cái tôi sang cái ta, từ cái riêng sang cái chung. Bốn mươi năm-đó là thời của chúng tôi. “Lũ chúng tôi, bọn người tứ xứ” (Hồng Nguyên). “Chúng ta đoàn áo vải” (Hoàng Trung Thông). “Vui sướng bao nhiêu tôi là đồng đội/ Của những người đi vô tận hôm nay” (Chính Hữu). Bốn mươi năm-“Những năm đất nước có chung tâm hồn, có chung gương mặt/ Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ in nhau” (Chế Lan Viên). Hướng về cái chung, cái ta nên sự giống nhau trở thành tiêu chí làm nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn mới, nói rộng hơn, một mỹ học mới, để phản ánh và nhân lên những động lực tinh thần rất cần cho một cuộc chiến quá dài-những 40 năm, mà kẻ thù đến từ bất cứ đâu, là phương Bắc hoặc phương Tây cũng đều mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Cái giống, chứ không phải là cái khác phải trở thành mục tiêu tìm kiếm và đích đến cho bất cứ ai là người viết. “Núi Bắc, sông Nam đều giống Bác/ Nhìn một người ta nhìn ra cả nước/ Trán trông xa và mắt dõi về sâu” (Chế Lan Viên). “Đọc câu thơ đồng chí ngỡ thơ mình” (Tế Hanh)... Bốn mươi năm cho một chuyển động như thế trong cảm hứng.

Năm 1986, năm diễn ra Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, với hai tôn chỉ: “Lấy dân làm gốc” và “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Từ mốc Đổi mới này, một giai đoạn văn học chính thức mở ra. Một cảm hứng mới, dồn tụ vào thời điểm này, chứ không phải sớm hơn hoặc muộn hơn, trước sau thời điểm năm 1985-bốn mươi năm sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Đó là cảm hứng về cái khác, để thay cho cái giống, nó là sự khởi động cho cái chung trở lại với cái riêng. Phải khác. Và đó là "Thời xa vắng" của Lê Lựu, xa vắng chứ không phải là hiện hữu-“một ngày bằng hai mươi năm”. Là "Mùa lá rụng trong vườn" của Ma Văn Kháng, lá rụng chứ không phải nở hoa-“Đất nở hoa” (tên một tập thơ của Huy Cận). Là "Tướng về hưu" của Nguyễn Huy Thiệp, về hưu chứ không phải xông pha nơi chiến trận. Là "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, buồn, chứ không phải vui. Là "Bến không chồng" của Dương Hướng, chứ không phải bến vui, bến đợi. Là "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của Nguyễn Khắc Trường, mảnh đất gồm cả người và ma chứ không phải đất làng, đất quê hương, thân thương, hoặc đất “nuôi ta thành dũng sĩ”... Phải khác, và đã khác, đó là đóng góp của một đội ngũ tiền trạm có tuổi đời từ 3X đến 5X như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Khánh, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Quang Thân, Chu Lai, Đoàn Lê, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Trí Huân, Dương Hướng, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh, Khuất Quang Thụy, Dạ Ngân, Nguyễn Quang Lập, Dư Thị Hoàn... làm nên khúc dạo đầu tưng bừng cho một thời kỳ mang tên là Đổi mới (từ năm 1986), trước khi chuyển sang Hội nhập (từ năm 1995)...

leftcenterrightdel

Hội thảo của các nhà thơ trẻ với chủ đề "Vì sao chúng ta viết ?". Ảnh do nhà thơ Lý Hữu Lương cung cấp. 

Sau thế hệ này sẽ có sự tiếp tục trong đồng hành và chuyển giao cho một thế hệ mới-thế hệ cuối 5X và 6X, rồi 7X xuất hiện và khẳng định vai trò của mình trong suốt thập niên 1990, thập niên đi qua hai mốc lịch sử lớn-đó là năm 1995, Việt Nam thoát khỏi thế cấm vận và gia nhập ASEAN; và năm 2000, thế giới chính thức bước vào cuộc Toàn cầu hóa lần thứ ba (3) gắn với Kỷ nguyên thông tin và Cách mạng số. Đó là Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh... Rồi kết nối với Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Trang Hạ, Nguyễn Bích Lan, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Việt, Văn Cầm Hải, Vũ Đình Giang, Lưu Sơn Minh, Phan Huyền Thư... cho đến Vi Thùy Linh (sinh năm 1980).

Đây là thế hệ, theo tôi, gần như đã thoát khỏi các ràng buộc hoặc áp lực của truyền thống, và xác lập được những dấu ấn riêng; thế hệ nếu xuất hiện từ đầu năm 1990, thì đến nay-năm 2022, người trẻ nhất cũng đã có thâm niên viết trên dưới 30 năm. Vậy là một chu kỳ, hoặc một thời kỳ mới lại tiếp nối mà những tên tuổi tôi nêu trên chỉ là một tỷ lệ nhỏ trong toàn bộ những gì đã xuất hiện trong sinh hoạt văn chương, học thuật mà đội ngũ là gối liền nhau, không đứt đoạn. Chính thế hệ này sẽ hoặc đã gánh vác vai trò lịch sử của họ-để thay cho các thế hệ tiền bối với các tên tuổi như: Ma Văn Kháng, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Bắc Sơn, Chu Lai, Đỗ Chu, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Nhuận Minh... Dù có người vẫn còn dồi dào năng lượng, nhưng nhìn chung cả đội ngũ thì chỉ nên là người đồng hành hoặc cổ vũ chứ không phải, hoặc không nên là chủ lưu.

Nếu đời sống văn học đang rất sôi động và tưng bừng với sự xuất hiện những tên tuổi mới, nhờ vào các phương tiện thông tin mà đến rất nhanh, phủ rất rộng thế giới đọc, gồm cả thực và ảo, thì hoạt động của Hội Nhà văn, với hơn 1.000 hội viên hôm nay-số rất lớn đều đã đứng tuổi, hoặc đã ngừng viết từ lâu, quả chỉ là một tỷ lệ nhỏ. Và những gì đang diễn ra ở ngoài hội-đó là những tìm tòi xem ra khá nhộn nhịp của những người viết ở thế hệ 9X mà số rất lớn, nếu không nói là tất cả đều không mang thẻ hội viên. Những tìm tòi, theo quan sát của tôi, đó là sự ráo riết săn tìm cái riêng và cái khác, để mong đến với cái mới.

Những cuộc tìm tạo ra sự “muôn hồng nghìn tía” của bức tranh chung, tạo ra nhiều cái lạ, trong đó khó tránh có những cái lạ chỉ là sự lập dị, sự khác người, chứ không phải là cái mới đích thực vốn là, hoặc phải là sự xác lập một phẩm chất, một giá trị cao hơn. Một giá trị, đó phải là đến từ cái mới chứ không phải cái lạ. Một giá trị, nếu đúng là giá trị thì phải là cái riêng và cái khác; nhưng không phải cái riêng hoặc cái khác nào cũng tạo nên giá trị...

leftcenterrightdel

Các nhà văn trẻ tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X-2022.  Ảnh: PHÚC AN. 

Do vậy, nếu có gì cần chia sẻ với các thế hệ trẻ, ở tuổi sung sức hôm nay, tôi chỉ muốn chia sẻ điều ấy. Và nếu có gì cần đóng góp với Hội Nhà văn Việt Nam hôm nay, sau 10 kỳ đại hội mà 9 cuộc tôi chính thức được dự, tôi chỉ muốn nói một điều: Hãy đến với thế hệ trẻ! Hãy mở rộng các phương thức hoạt động và tăng sức hấp dẫn, để đưa vào quỹ đạo sáng tạo mọi tiềm năng của thế hệ trẻ, qua đó khởi động, tỏa rộng những cảm hứng mới cho họ, và cũng là cho hội; những cảm hứng gồm cả tôi và ta, cả riêng và chung, cả khác và giống, cả lạ và quen, để tạo nên những mùa màng mới, xứng với Tổ quốc, với nhân dân, với dân tộc, với thời đại.

Nhìn lại hơn một thế kỷ hiện đại hóa kể từ đầu thế kỷ 20, các thế hệ ông cha đã thế thì các thế hệ hôm nay cũng không thể khác, nếu không nói là phải vươn cao hơn, vượt trội hơn. Đó là niềm tin của tôi. Niềm tin về cái hậu cho mỗi đời người và chung cho mọi người. Một niềm tin vốn đã có sẵn trong tâm thức dân tộc: “Tre già măng mọc”, “Trẻ cậy cha, già cậy con”, “Con hơn cha là nhà có phúc”...

Tháng 6-2022

---------------------
(1) Đoàn thể-đó là Đảng (lúc này sau khi tuyên bố tự giải tán, đã rút vào bí mật, hoạt động dưới danh nghĩa Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác, cho đến năm 1953) và các tổ chức quần chúng trong Mặt trận Việt Minh, và sau đó là Mặt trận Liên Việt, do Đảng lãnh đạo.
(2) Dân khí miền Trung; Tiên phong số 3-1945.
(3) Theo Thomas L.Friedman trong Thế giới phẳng (tóm lược thế giới thế kỷ 21); bản dịch của Nhà xuất bản Trẻ; 2006.

GS PHONG LÊ