Khi một người bạn xuất hiện
Nhưng đúng vào lúc Arthur Martin đang gấp rút chuẩn bị các tài liệu cho chuyến đi Beirut để “bẻ gẫy” Kim thì Nicholas Elliott xuất hiện.
Giữa Kim Philby và Nicholas Elliott có quá nhiều điểm chung. Cả hai đều đã từng học ở Cambridge, cùng tham gia hoạt động tình báo trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến, cùng thăng tiến qua các ngạch bậc trong cơ quan tình báo Anh. Giữa hai người có một tình bạn lâu dài và đã chia sẻ với nhau rất nhiều bí mật. Có lẽ chỉ có duy nhất một bí mật mà Nicholas Elliott không biết: Kim Philby là điệp viên Xô viết.
Khi nghe thông báo những thông tin mới nhất về cuộc đời bí mật của Kim, Nicholas Elliott bèn tìm đến Dick White, Giám đốc cơ quan tình báo MI6, đề nghị cho mình thay Arthur Martin quay lại Beirut để thẩm vấn người bạn thân của mình. Dick White đồng ý.
Ngày 10-1-1963, N.Elliott tới Beirut, thuê căn phòng nhỏ trong một khách sạn. Chỉ có Trưởng trạm MI6 Peter Lunn biết về sự có mặt của N.Elliott trong thành phố. Hôm sau, hai người bàn bạc kỹ lưỡng kịch bản để đưa Kim vào bẫy. Peter Lunn có một căn hộ bí mật trong khu chung cư Christian gần bờ biển. Căn phòng nơi diễn ra cuộc gặp được một nhân viên kỹ thuật của MI6 lắp một cái micro dưới gầm ghế sofa, có dây dẫn chạy ngầm nối sang phòng bên cạnh tới một máy ghi âm. N.Elliott mua vài chai rượu mạnh, còn Peter Lunn, bằng một giọng cố làm ra vẻ hết sức bình thường, gọi điện thoại cho Kim Philby, đề nghị có một buổi gặp uống trà ở căn hộ bí mật, nơi hai người có thể tán gẫu một cách riêng tư “để bàn thảo về các kế hoạch cho tương lai”. Kim Philby đồng ý gặp vào chiều hôm sau.
Vào lúc 4 giờ chiều 12-1-1963, Kim Philby, đầu vẫn còn băng bó vì bị ngã do say rượu hôm Tết trước đấy, leo lên cầu thang và gõ cửa căn hộ đã được hẹn trước. Cửa mở, đón Kim Philby không phải là Peter Lunn mà là người bạn thân, N.Elliott.
Thẩm vấn ở Beirut
Sau màn hỏi thăm về sức khỏe và tình hình gia đình của nhau, Kim Philby nói:
- Đừng nói với tôi rằng anh bay cả chặng đường dài tới đây chỉ để gặp tôi?
Elliott bước đến cửa sổ, nhìn xuống đường:
- Nghe này Kim. Anh biết là tôi luôn đứng về phía anh trong suốt thời gian người ta nghi ngờ anh. Nhưng nay thì đã có những thông tin mới. Người ta đã cho tôi xem. Nay thì tôi tin chắc, tuyệt đối tin, là anh làm việc cho tình báo Xô viết. Anh làm việc cho họ tới năm 1949.
Kim Philby biết vì sao N.Elliott lại nói năm 1949 là mốc thời gian mà Kim ngừng hoạt động gián điệp cho phía Xô viết. Mọi sự rất đơn giản: Đó là năm mà Kim Philby được cử tới Washington. N.Elliott muốn Kim Philby thú nhận tội làm gián điệp, nhưng chỉ đến năm 1949 thôi. Khi ấy, mọi việc sẽ được giải quyết trong nhà với nhau, trong nội bộ MI6, không có sự can dự của người Mỹ.
Kim Philby quyết liệt phản bác. Bất chấp việc N.Elliott, lúc thì lịch sự, lúc nổi nóng, ra sức thuyết phục, Kim luôn viện dẫn tình bạn lâu năm với N.Elliott ra và coi những lời buộc tội của phản gián Anh, sau chừng ấy năm, là điều quá ngớ ngẩn. Cuối cùng N.Elliott lật ngửa bài: Nếu thú tội, quay về London hoặc nếu thích thì cứ ở lại Beirut, Kim sẽ được miễn truy tố; nhưng Kim sẽ phải khai ra tất cả, không ngoại trừ bất cứ một thứ gì: Mọi mối liên lạc với tình báo Xô viết, mọi điệp viên đang hoạt động ngầm ở Anh, mọi bí mật đã chuyển cho Moscow trong thời gian hoạt động gián điệp.
- Nếu anh chấp nhận hợp tác, chúng tôi sẽ miễn truy tố. Sẽ không có bất cứ thứ gì được công bố - N.Elliott nói - Anh là một gã may mắn đấy Kim. Anh có đúng 24 giờ đồng hồ để quyết định. Hãy quay lại đây vào đúng 4 giờ chiều mai. Tôi nghĩ nếu là người thông minh, anh sẽ chấp nhận thỏa thuận.
Đúng 4 giờ chiều hôm sau, Kim Philby lại xuất hiện ở căn hộ bí mật.
Kim Philby sau khi đào thoát sang Liên Xô.
Rồi Kim Philby bắt đầu nói, có lẽ đã chuẩn bị trước, một bài nói pha trộn các yếu tố vừa sự thật, vừa chỉ có một nửa sự thật hoặc hoàn toàn “sáng tác” ra. Kim thừa nhận đã được tình báo Xô viết tuyển mộ thông qua người vợ đầu tiên Litzi (không hoàn toàn đúng như vậy), và đến lượt mình, lại tuyển mộ D.Maclean và G.Burgess (chính xác). Rồi Kim rút từ trong túi ra hai tờ giấy đã được đánh máy cẩn thận, liệt kê có lẽ chưa đầy đủ, những công việc mình đã làm cho Moscow, với một ít chi tiết và những cái tên thậm chí còn ít hơn. Kim thừa nhận đúng là được tuyển mộ năm 1934 nhưng lập tức chấm dứt hoạt động cho tình báo Xô viết ngay sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, do “nhận thức được con đường đã chọn là sai lầm”. Đúng là Kim đã báo động để D.Maclean trốn thoát vào năm 1951, nhưng hành động đó đơn thuần chỉ là một người bạn bảo vệ một người bạn, chứ không phải là một điệp viên giúp đỡ một điệp viên. Kim cũng nêu tên những điệp viên KGB từng điều khiển mình trước đấy, nhưng tuyệt nhiên không nhắc gì đến những sĩ quan tình báo Xô viết từng cùng làm việc ở Istanbul, Washington, London và Beirut.
- Anh đã liên lạc với Nedosekin chưa? - N.Elliott hỏi, đề cập đến tên của Trưởng trạm KGB tại Beirut.
- Tôi không có bất cứ liên lạc nào cả - Kim Philby nói dối - Tôi đã ngừng liên lạc với KGB rồi.
N.Elliott biết rằng Philby mới chỉ nói rất ít về hoạt động gián điệp của mình. Bản thú tội trên hai trang giấy ấy thật ra rất hạn chế và còn lâu mới có thể coi như là một bằng chứng đủ để kết tội trước tòa. Tuy nhiên, N.Elliott tin rằng với việc thú nhận mình đã được tuyển mộ, Kim Philby sẽ dần dần khai ra những thông tin tiếp theo. Rõ ràng Kim đã chấp nhận luật chơi về nguyên tắc: Đổi thông tin lấy tự do. Lúc này MI6 đã có được một phần của bản thú tội. Một khi đã bắt đầu khai, Kim sẽ không thể quay lại được nữa. N.Elliott quyết định tăng dần sức ép.
- Lời hứa miễn tội của chúng tôi tùy thuộc vào việc anh có cung cấp cho chúng tôi toàn bộ thông tin hay không. Trước hết, chúng tôi muốn biết tất cả thông tin về những ai đã làm việc cho Moscow. Dẫu sao thì đến giờ, chúng tôi cũng đã biết về họ rồi - N.Elliott nói.
Đây là một cái bẫy, chỉ có điều Kim Philby không xác định chắc chắn được chính xác nó nguy hiểm đến mức nào. N.Elliott đã biết những gì rồi? Liệu A.Blunt có bị bắt và đã khai gì chưa? Phải chăng đây là một thủ thuật thẩm vấn cổ điển, khi N.Elliott đưa ra những câu hỏi mà ông ta đã biết chắc câu trả lời?
Trong suốt hai giờ đồng hồ sau đó, cho đến khi màn đêm buông xuống Beirut, giữa Kim Philby và N.Elliott đã diễn ra cuộc đấu trí căng thẳng nhưng cân bằng, với những lời hỏi đáp bất tận.
Ngày hôm sau, N.Elliott và Kim Philby lại gặp nhau. Lần này, N.Elliott mang theo tờ giấy có danh sách một loạt những cái tên và thảy nó cho Kim. Ai trong số này là gián điệp của Liên Xô?
Kim nhìn vào danh sách, thấy trong đó có tên của Anthony Blunt và John Cairncross, Người Thứ Tư và Người Thứ Năm trong Bộ Ngũ Cambridge.
Đây là đòn độc của N.Elliott. Bằng việc đưa vào danh sách tất cả những người mà ông ta nghĩ có khả năng nằm trong mạng lưới của Kim Philby như G.Burgess và D.Maclean, N.Elliott đưa ra phép thử chết người đối với Kim Philby, khi buộc Kim phải trả lời rõ ràng ai là người cùng với mình hoạt động cho tình báo Liên Xô.
Câu trả lời của Kim là Tim Milne thì có thể, chứ A.Blunt chẳng dính dáng gì đến tình báo Liên Xô!
N.Elliott ép Kim phải nói ra thêm những cái tên mới nhưng Kim Philby tuyên bố “không hề biết về bất cứ một ai khác đang hoạt động gián điệp trên đất Anh”.
Thoát hiểm
Cuộc đối chất giữa Kim Philby và N.Elliott kéo dài 4 ngày. Ngày cuối cùng, N.Elliot thông báo cho Kim Philby biết hôm sau ông ta sẽ rời Beirut đi Congo. Peter Lunn, Trưởng trạm MI6 ở Beirut sẽ là người tiếp nhận và tiếp tục tiến hành các cuộc thẩm vấn Kim Philby ở Beirut.
Khi bàn giao vụ Kim Philby cho Peter Lunn tiếp tục thẩm vấn, N.Elliott đã mô tả tình trạng của Kim khi ấy là “không dự đoán trước được, có thể dẫn tới tự sát”.
Ngay tối hôm sau, vào lúc 6 giờ, Kim Philby đứng trên ban công căn hộ của mình ở đường Kantari, trong tay cầm một quyển sách.
Liên lạc được thiết lập nhanh chóng. Chỉ ít giờ sau đó, Kim Philby và điệp viên KGB, Đại diện thương mại Liên Xô Petukhov, gặp nhau. Kim Philby chỉ có ít phút để thông báo cho Petukhov biết về tình hình nguy ngập của mình. Kim Philby không nói cho Petukhov biết là mình đã thú nhận một phần.
Petukhov vội gửi một bức điện khẩn cho Vassili Dozhdalev, Trưởng ban Anh ở Trung tâm Moscow, đề nghị hướng dẫn. V.Dozhdalev lệnh: “Philby cần phải trốn khỏi Beirut càng sớm càng tốt”.
Ở cuộc gặp tiếp theo sau đó, Petukhov thông báo cho Kim Philby: “Anh cần phải biến mất. Đang có một căn nhà chờ anh ở Moscow”.
Kim Philby cần phải hành động thật nhanh, dứt khoát. Petukhov sẽ đi bộ phía trước căn hộ của Kim trên đường Kantari. “Nếu anh thấy tôi cầm một tờ báo thì có nghĩa là tôi muốn gặp anh. Còn nếu thấy tôi cầm một cuốn sách thì có nghĩa là mọi việc bố trí cho anh trốn đã xong xuôi, anh chỉ việc ra đi thôi” - Petukhov nói.
Philby chờ đợi trong căng thẳng. Ngày 23-1-1963, Glen Balfour - Paul, Bí thư thứ nhất sứ quán Anh và vợ là Marnie dự định tổ chức một bữa tiệc tối, mời một số phóng viên, trong đó có Clare Hollingworth của tờ Guardian và Kim Philby của tờ Observer. Vợ của Kim Philby là Eleanor cũng được mời dự.
Sáng hôm ấy, Kim Philby vẫn ngồi trên ban công căn hộ của mình uống coffee. Một bóng người đi bộ chậm rãi trong mưa ngang qua nơi Kim Philby đang ngồi uống coffee, tay cầm một cuốn sách.
Chiều 23-1-1963, Kim Philby lấy áo mưa và khăn quàng cổ, nói rằng cần đi gặp một nguồn tin nhưng sẽ quay về nhà vào lúc 6 giờ tối, đủ để thay đồ trang trọng đi dự bữa tiệc tối ở chỗ Glen Balfour - Paul. Kim Philby tới St Georges và gọi nhờ điện thoại. Eleanor ở trong bếp nấu món súp cho cô con gái Annie và cậu con trai nhỏ của Kim là Harry, đang trong kỳ nghỉ, cũng ở đó khi chuông điện thoại reo. Cậu con trai 13 tuổi Harry cầm ống nghe rồi nói vọng vào trong bếp cho Eleanor: “Bố nói sẽ về muộn. Bố sẽ gặp mẹ ở chỗ bữa tiệc của bác Glen Balfour - Paul vào lúc 8 giờ”.
Đến 8 giờ tối, ở chỗ bữa tiệc của Glen Balfour - Paul vẫn chưa thấy bóng dáng Kim Philby đâu. Eleanor xin lỗi chủ nhà về sự chậm trễ của chồng. Đến 9 rưỡi tối thì mọi người quá đói, không thể chờ được nữa nên quyết định bắt đầu bữa tiệc mà không có Kim Philby.
Vào lúc đó thì một chiếc xe mang biển số ngoại giao hướng về phía cảng Beirut trong màn mưa dày đặc. Kim Philby ngồi ở ghế sau, cạnh Pavel Nedosekin, Trưởng trạm KGB Beirut. Petukhov ngồi ở ghế trước.
Chiếc xe chở Kim Philby chạy dọc theo bến cảng rồi đỗ lại bên chiếc Dolmatova, một chiếc tàu hàng chuẩn bị rời đi Odessa. Thuyền trưởng người Nga của chiếc Dolmatova bắt tay Kim Philby rồi dẫn vào trong cabin. Một chai cognac được đưa ra. Kim Philby, hai điệp viên KGB và thuyền trưởng chiếc Dolmatova cùng nâng cốc. Petukhov chuyển cho Kim giấy thông hành mang tên Villi Maris, một thương nhân ở Riga.
Khi ấy Peter Lunn đang ở sứ quán Anh và có lẽ đã biết về sự biến mất của Kim Philby nên nhanh chóng tới nhà Kim. Tất cả những đồ đạc của Kim Philby vẫn còn nguyên chỗ cũ. Peter Lunn hầu như chắc chắn rằng Kim Philby đã tuột khỏi tay mình và đang trên đường tới Moscow.
Trước lúc bình minh, chiếc tàu hàng Dolmatova hú còi rời khỏi cảng hướng ra biển. Nó cũng để lại cảng một thành viên tên là Villi Maris, người khi tỉnh rượu thì phát hiện ra là đã mất giấy thông hành.
Kim Philby đứng trên boong chiếc Dolmatova, dùng cái khăn quàng cổ Westminster chống lại làn hơi giá rét trên biển vào buổi sáng sớm. Người Thứ Ba trong Bộ Ngũ Cambridge thoát thân an toàn. Điệp viên Xô viết thượng thặng đã trở về từ giá lạnh.
(Tiếp theo và hết)
YÊN BA (tổng hợp)