Chúng tôi có khoảng 3 tháng ở lại Thanh Chương. Đơn vị tôi được bố trí ở thôn Thanh Bình. Đây là vùng bán sơn địa với những ngọn đồi lúp xúp, xen giữa là các vạt ruộng. Người dân sinh sống xung quanh các mỏm đồi, cuộc sống của họ rất đơn thuần, làm ruộng là chủ yếu. Bao quanh làng là cây lâu năm, chủ yếu là cây ăn quả như cam, bưởi... Nhà nào nhà nấy cũng vườn rộng, rào thưa, cây trái sum sê. Nhưng đặc biệt, nhà nào cũng có một vài cây chè trồng trong vườn. Cái tên Thanh Bình cũng rất hợp với nơi đây.

Đại đội tôi ở hai bên sườn một quả đồi. Tôi là Trung đội phó, ở nhà ông Thanh. Ở cùng tôi có đồng chí Trương Văn Quảng, Chuẩn úy, Trung đội trưởng, nhà ở ngay chân đèo Tam Đảo và hai đồng chí nuôi quân là Đường và Hài. Đồng chí Đường sinh năm 1939, lớn tuổi hơn tôi nhưng nhập ngũ sau. Anh đã có vợ và hai con ở Phù Ninh, Phú Thọ. Đồng chí Hài cùng quê Phú Xuyên, Hà Tây (nay là Hà Nội), nhập ngũ cùng đợt với tôi. Trong nhóm ở nhà ông Thanh có anh Hài và tôi chưa lập gia đình. 

Nhà ông Thanh hồi đó là nhà gỗ, khang trang và rộng nhất xóm. Nhà chính có 5 gian. Tôi và anh Quảng ở một gian. Nhà ngang thì có 3 gian, hai đồng chí nuôi quân ở, đây cũng là khu bếp ăn nuôi quân và phòng khi mưa gió, bộ đội dồn về ở. Thôn Thanh Bình ngay gần con sông Lam thơ mộng. Bến sông cách nhà ông Thanh không xa, nước trong và chảy êm đềm. Mỗi lần ra bến sông tắm, tôi lại nhớ về bến sông ở quê nhà, sao giống nhau đến thế.

Nhà ông Thanh có 4 người con, 3 gái một trai. Con gái lớn bằng tuổi tôi, đã đi bộ đội, đơn vị đóng quân ở tỉnh Quảng Bình. Nghe nói cô là bộ đội Trường Sơn nhưng cho đến khi rời đi, tôi cũng chưa được gặp mặt. Hai người con còn nhỏ là o Xuân và cậu Thành khoảng 9, 10 tuổi vẫn còn đi học. Riêng o Hạnh, người mà tôi muốn kể trong bài viết này là tôi đặc biệt nhớ rõ. 

leftcenterrightdel

Tác giả Nguyễn Đức Sơn (bên trái) và em trai năm 1973. Ảnh: ĐỨC NGUYỄN

 

O Hạnh sinh năm 1952, ít hơn tôi 3 tuổi. Khi đơn vị tôi về làng Thanh Bình đóng quân thì o Hạnh mới học xong chương trình lớp 7 được hơn một năm. O đang nghỉ ở nhà nhưng qua tiếp xúc cũng như trò chuyện với ông Thanh, chúng tôi biết o đang rất muốn vào bộ đội để đi làm nhiệm vụ cứu nước như chị gái mình. Nhưng nguyện vọng ấy của o chưa được gia đình đồng ý vì nhà đã có một người đi bộ đội rồi. Thời chiến ra tuyến đầu, hơn nữa o là phận nữ nhi, họ lo lắng như vậy cũng phải.

Ngay từ buổi đầu đến, tôi ấn tượng ngay với o Hạnh: Dịu dàng, trẻ trung, xinh xắn, trắng trẻo, môi hồng, dáng người vừa phải. Tóc o không dài lắm nhưng rất dày. Sở dĩ tôi để ý đến mái tóc o nhiều hơn vì như nhiều thanh niên ngày ấy, tôi rất thích phụ nữ để tóc dài, và từng nghĩ tiêu chí đầu tiên chọn bạn gái của mình phải có mái tóc đen, dài.

Qua tiếp xúc, tôi cũng nhận thấy o là người nết na, chịu khó, quan tâm đến mọi người. Và hình như o có sự quan tâm đặc biệt dành cho tôi. Có củ khoai, củ sắn hay hoa quả tăng gia của nhà, o đều dành phần cho tôi. Có lần o Hạnh gặp tôi và đề đạt nguyện vọng muốn được nhập ngũ. Trên cương vị của mình, tôi thẳng thắn trả lời rằng mình không có thẩm quyền quyết định việc này.

Là cán bộ trung đội nên tôi cũng rất nghiêm túc trong giữ mối quan hệ với nhân dân. Khi có việc gặp riêng o, tôi đều cư xử rất chừng mực, có phần e ngại. Thâm tâm tôi chỉ xác định việc huấn luyện, học tập để chuẩn bị lên đường đi chiến đấu nên không nghĩ gì nhiều. Trước đó, mẹ o Hạnh đã gặp tôi và một số anh em nói về việc o Hạnh muốn đi bộ đội nhưng gia đình phản đối, chỉ muốn o ở nhà lấy chồng, nếu là người Quân khu 3 càng tốt và nhờ các chú bộ đội giới thiệu giúp.

Tưởng câu chuyện đùa vui thế thôi, không ngờ sau đó, anh Nguyễn Văn Hài đã gặp gia đình, bày tỏ nguyện vọng muốn được tìm hiểu o Hạnh để đi đến hôn nhân. Chuyện này tôi cũng không được biết cho đến một lần, o trực tiếp bày tỏ tình cảm của mình dành cho tôi. O nói: "Anh Hài đã ngỏ lời, nhưng em chỉ thích đi bộ đội và cũng chỉ thích anh. Anh có thương em không?".

 Trước đó, mặc dù lờ mờ nhận ra tình cảm riêng của o Hạnh dành cho mình nhưng tôi không nghĩ o lại mạnh dạn bày tỏ như vậy. Sau phút ngỡ ngàng, tôi bình tĩnh lại. Vì đã có suy nghĩ riêng nên tôi nhẹ nhàng nói với o rằng tôi chưa nghĩ đến chuyện tình cảm, hiện chỉ xác định đi thực hiện nhiệm vụ của người lính. Khi đất nước hòa bình mới nghĩ đến chuyện hạnh phúc của cá nhân... 

Đến cuối tháng 7-1969, đơn vị tôi có lệnh chuyển quân quay trở lại Kim Anh. Thời điểm này, tình hình sức khỏe của Bác Hồ chuyển biến xấu. Chúng tôi được lệnh quay về sẵn sàng bảo vệ Thủ đô và chuẩn bị trong tình huống xấu nhất là bảo đảm, bảo vệ lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Buổi tối trước hôm đơn vị rời đi, o Hạnh ôm chầm lấy tôi khóc thút thít. Trong tâm trạng vừa sợ hãi, lo lắng trước hành động và cảm xúc bộc phát của o Hạnh, phần vì e ngại người ta đánh giá mình là cán bộ mà phương pháp, tác phong thiếu chừng mực, phần vì quá bất ngờ nên tôi chỉ đứng yên, nhỏ nhẹ động viên. Trước những thổ lộ của o, tôi đành gạt đi nói rằng mình phải đi chiến đấu, nguy hiểm đạn bom luôn rình rập, không biết có về được không...

Quả tình hồi ấy, sau một thời gian tiếp xúc, tôi cũng dần có tình cảm với o Hạnh. Nhưng bấy giờ, một lời hứa có thể làm lỡ dở cuộc đời của một người con gái, sao đành! Thế là theo đội hình đơn vị, tôi chia tay o Hạnh và mảnh đất Thanh Bình từ đấy...

leftcenterrightdel

Miền quê Thanh Chương yên bình hôm nay. Ảnh: PHAN TẤT LÀNH

Chinh chiến liên miên, nhiệm vụ này nối tiếp nhiệm vụ kia, người lính chúng tôi hầu như chẳng có thời gian nghĩ đến việc riêng của mình. Bẵng đi một thời gian, đến sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, anh Hài có trở lại Thanh Bình và đã chuyển tin đến tôi rằng o Hạnh vẫn chờ tôi ở quê nhà. Nhưng tôi cũng chẳng biết làm sao để đáp lại tình cảm của o. Cho đến bây giờ, mỗi lần gặp lại, anh Hài và tôi thi thoảng vẫn nhắc đến o Hạnh cùng kỷ niệm những ngày ở Thanh Bình khi xưa. Anh Hài nhiều năm vẫn thư từ qua lại với gia đình ông Thanh. Năm 1980, khi tôi sắp lấy vợ thì anh Hài cho tôi biết, o Hạnh cũng đã lập gia đình và có cuộc sống yên bình khiến lòng tôi thanh thản, bớt đi phần cấn cá. Tôi vẫn nói với vợ con, thu xếp dịp nào đó cả gia đình tôi về lại Thanh Bình, thăm lại mảnh đất và con người một thời tôi từng gắn bó, yêu thương.

Trung tướng NGUYỄN ĐỨC SƠN