Ngẫu nhiên thành đặc sản

Về huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, nếu khách có nguyện vọng mua một vài đặc sản mang về làm quà, hẳn sẽ nhận được nhiều lời khuyên hãy mua bánh tráng Lạc Lâm. Một món ăn giản dị, dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn, được “biến tấu” từ một loại bánh tráng phổ biến nhưng qua bàn tay cần cù, khéo léo của người dân nơi đây đã trở thành quà quê đặc sản.

leftcenterrightdel

Sản xuất bánh tráng mắm ruốc tại Công ty TNHH 2G, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. 

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Trưởng thôn Yên Khê Hạ, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương cho biết: “Người dân xã Lạc Lâm chủ yếu gốc Bắc Ninh, di cư vào đây từ năm 1954. Khi đến vùng Đơn Dương, ngoài nghề chính là làm nông, nhiều gia đình vẫn duy trì các nghề truyền thống của quê cha đất tổ, trong đó có nghề làm bánh tráng”.

Ban đầu, các sản phẩm bánh tráng ở Lạc Lâm khá đơn điệu, chỉ có bánh tráng vừng, bánh tráng dùng để làm các món cuốn. Do sản phẩm chẳng có gì đặc sắc nên việc tiêu thụ chỉ hạn chế trong phạm vi địa phương. Làm bánh, ăn bánh truyền thống mãi cũng chán, các bà nội trợ ở đây bèn nghĩ ra sáng kiến phết mắm ruốc lên bánh, sau đó đem nướng trên than hồng. Thử nghiệm này đã mang lại hiệu quả bất ngờ, bánh sau khi biến tấu có mùi thơm cộng vị mặn, ngọt, cay, béo hòa trộn, tạo cảm giác bùng nổ hương vị khi thưởng thức. Tiếng lành đồn xa, một số hộ quyết định sản xuất loại bánh này đưa ra thị trường.

Khấm khá nhờ bánh tráng 

Mặc dù được người tiêu dùng khá ưa chuộng nhưng việc quảng bá cũng như nâng cao giá trị cho sản phẩm bánh tráng mắm ruốc gặp nhiều khó khăn do hầu hết vẫn thực hiện theo phương thức thủ công truyền thống, bánh hình tròn, nướng trên bếp than củi nên khó bảo quản, vận chuyển, hình thức mẫu mã không đẹp.

Năm 2020, Công ty TNHH 2G có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh mở nhà xưởng tại xã Lạc Lâm, đầu tư hệ thống máy móc, thuê nhân công sản xuất bánh tráng mắm ruốc thương phẩm với quy mô lớn. Với nguyên liệu chính là bánh tráng nền được thu mua từ các hộ sản xuất tại địa phương, sau khi mang về xưởng, bánh sẽ được chế biến qua những khâu cơ bản như: Cắt, phết mắm, nướng hai lần trong máy, dập, đóng gói, dán nhãn bao bì, đóng thùng và chuyển đi tiêu thụ.

leftcenterrightdel
 Phơi bánh để làm bánh tráng mắm ruốc.

Anh Mai Đặng Anh Kiệt, 37 tuổi, ở thôn Yên Khê Hạ cho biết, gia đình anh làm nghề bánh tráng từ năm 2017. Mỗi ngày, gia đình sử dụng 50kg gạo để tráng bánh. Bánh được làm bằng máy, sau đó xếp lên giàn và mang ra phơi. Nếu gặp ngày nắng tốt thì phơi khoảng hai tiếng là có thể thu. “Chúng tôi nhập bánh cho 3-4 mối, trong đó có Công ty TNHH 2G. Giá nhập hiện nay là 1.000 đồng/cái. Thu nhập cả hai vợ chồng mỗi ngày được từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng. So với làm ruộng thì nghề này tuy vất vả, phải thức khuya, dậy sớm nhưng thu nhập ổn định hơn”- Anh Kiệt chia sẻ.

Đại diện Công ty TNHH 2G cho biết, trung bình hằng tháng, công ty xuất xưởng khoảng 3.200 thùng bánh. Sản phẩm tiêu thụ ở một số hệ thống siêu thị lớn và xuất khẩu đi Mỹ, Nhật Bản. Ngoài sản phẩm chủ lực là bánh tráng mắm ruốc, công ty còn sản xuất bánh tráng phô mai, bánh tráng gà cay, bánh tráng xốt tôm và bánh tráng bơ tỏi. Các sản phẩm này đều đã được cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, công ty yêu cầu các hộ cung cấp bánh nguyên liệu phải tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất từ khâu chọn gạo đến xay, ngâm, tráng bánh và phơi bánh. Tuyệt đối không được sử dụng các loại phụ gia và chất hóa học. Anh Nguyễn Hoàng Đức, phụ trách kỹ thuật xưởng chế biến bánh tráng của Công ty TNHH 2G cho biết, bí quyết tạo nên hương vị của món bánh tráng mắm ruốc chính là xốt mắm. Loại xốt này được làm từ mắm ruốc nhập từ Nha Trang, Ninh Thuận, trộn thêm dầu ăn, ớt, đường, mì chính, màu điều và nấu kỹ. Để thuận tiện cho việc đóng gói, vận chuyển, bánh được làm hình vuông với kích thước mỗi chiếc là 30cmx30cm. Tại xưởng, bánh được cắt đôi thành 15cmx30cm, sau khi nướng, mỗi chiếc bánh lại được gấp thành hình vuông có kích thước 15cmx15cm. Các máy móc, đồ dùng làm bánh luôn được lau chùi, bảo quản sạch sẽ, phòng sản xuất, đóng gói được tiệt trùng 24/24h. Các mẫu bánh sau khi hoàn thành được gửi vào phòng lab (phòng thí nghiệm) tại TP Hồ Chí Minh kiểm tra chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và lưu mẫu. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, hợp vệ sinh, sản phẩm bánh tráng Lạc Lâm ngày càng được khách hàng ưa chuộng.

Ông Nguyễn Đức Trí, Phó chủ tịch UBND xã Lạc Lâm cho biết, hiện toàn xã có khoảng 200 hộ làm nghề bánh tráng, tập trung chủ yếu tại thôn Xuân Thượng. Việc phát triển nghề bánh tráng đã giúp cho nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định và ngày càng khấm khá. Chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm hỗ trợ bà con thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm bảo tồn, phát huy nghề bánh tráng Lạc Lâm.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG