Những nỗ lực không thể phủ nhận

2022 là năm đầu tiên áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 với chuẩn nghèo thu nhập và 6 chiều dịch vụ xã hội cơ bản tương ứng với 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Theo chuẩn nghèo mới, năm 2022 toàn quốc có 4,03% hộ nghèo đa chiều.

Trước đó, theo Báo cáo Phát triển con người (HDR) năm 2019 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Việt Nam có 4,9% dân số nghèo đa chiều so với mức chung của các nước đang phát triển là 23,1%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%).

Nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò quan trọng của chính sách xã hội trong phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn. Các chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện theo hướng tiến bộ và công bằng. Chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng được thực hiện tốt với hơn 1,2 triệu người và thân nhân hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng, 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình.

Việc bảo đảm an sinh xã hội đã chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh của công dân. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên đạt 3,3 triệu người vào năm 2022. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không ngừng mở rộng với tỷ lệ tham gia BHXH đạt 39,25% và BHTN đạt 31,58% lực lượng lao động vào năm 2023. Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng lên, đạt 1,83 triệu người.

leftcenterrightdel

Cán bộ và trí thức trẻ tình nguyện Nông-Lâm trường 461 (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 338, Quân khu 1) thăm, tặng quà người cao tuổi xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: PHÚ SƠN 

Tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân ngày càng tốt hơn. Về giáo dục-y tế, từ năm 2015, 99% trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học và trên 95% cấp trung học cơ sở từ năm 2020. Năm 2023, 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế và 90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Về nhà ở, đến năm 2020, 648.000 hộ nghèo nông thôn và 323.000 căn nhà cho người nghèo đã được hỗ trợ. Đến năm 2021, 90% dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.

Về tiếp cận thông tin, năm 2016, 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo đã được phủ sóng phát thanh và truyền hình mặt đất; đến năm 2020, 100% xã có đài truyền thanh.

Bên cạnh đó, từ năm 2019, Việt Nam được xếp vào nhóm phát triển con người cao. Việt Nam đã đạt được tiến bộ ổn định trong cả 3 khía cạnh của HDI (tổng thu nhập quốc dân/đầu người, tuổi thọ trung bình và số năm đi học trung bình) kể từ những năm 90 của thế kỷ trước. Theo Báo cáo Phát triển con người toàn cầu 2023/2024 của UNDP, chỉ số HDI của Việt Nam là 0,726, tăng 8 bậc, từ vị trí 115 (2021-2022) lên 107 (2023-2024).

Còn đó những gam màu trầm

Về thu nhập, chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư chủ yếu từ thu nhập tài sản như bất động sản, cổ phiếu và đất đai, làm gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo. Hệ số GINI đã tăng từ 0.36 năm 1996 lên 0.423 năm 2019. Dù hệ số này đang giảm dần và nằm trong ngưỡng an toàn (0.30 - 0.45), nhưng nếu không có biện pháp hữu hiệu, bất bình đẳng vẫn là mối đe dọa cho mục tiêu bao trùm của Chính phủ.

Năm 2022, chênh lệch thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất là 7,6 lần. Trong khi số lượng triệu phú USD tăng, tỷ lệ nghèo cùng cực (thu nhập dưới 1,9 USD/người/ngày) vẫn là 1,2% năm 2020. Tăng trưởng hiện tại chủ yếu có lợi cho người giàu, gia tăng phân hóa xã hội và rủi ro bất ổn.

Hệ thống ASXH mặc dù đã mở rộng về phạm vi và đối tượng, chất lượng dịch vụ ASXH vẫn hạn chế. Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện, BHTN thấp, trợ cấp xã hội chỉ đến được một bộ phận đối tượng yếu thế. Nhiều tiêu cực và rào cản tồn tại trong tiếp cận dịch vụ xã hội, khiến nhiều cư dân không thể ứng phó với rủi ro thiên tai, dịch bệnh. Chênh lệch mức sống gia tăng gây thiệt thòi cho người nghèo và hạn chế cơ hội tiếp cận dịch vụ an sinh. Hình thức bảo hiểm chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng, niềm tin xã hội vào hệ thống còn hạn chế, thể hiện qua việc đã có thời điểm nhiều người lao động rút sổ bảo hiểm một lần. Chính sách hỗ trợ chưa bền vững, tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn và thất nghiệp ở thành thị, nhất là trong thanh niên còn cao.

Trong giáo dục, bất bình đẳng kinh tế gia tăng đồng nghĩa với việc cơ hội học tập giữa “con nhà giàu” và “con nhà nghèo” ngày càng chênh lệch. Vẫn có tình trạng trẻ em phải thôi học vì gia đình không đủ khả năng chi trả học phí hoặc phải lao động kiếm sống. Những em được đi học thường khó theo kịp các bạn khá giả hơn, do thiếu điều kiện học thêm và học ngoại ngữ. Sau phổ thông, các em từ gia đình thu nhập thấp ít có cơ hội học đại học. Sự chênh lệch về tỷ lệ hoàn thành các cấp học giữa thành thị và nông thôn, giữa các nhóm thu nhập, các vùng cũng là thực trạng đáng lo ngại. Trẻ em từ các hộ nghèo có tỷ lệ hoàn thành cấp học thấp, trẻ em từ hộ giàu có tỷ lệ cao. Vậy là gánh nặng kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến học tập, khiến nhiều em có hoàn cảnh khó khăn chưa thoát khỏi rào cản của nghèo đói, khiến giảm đi cơ hội sống hạnh phúc và sung túc.

leftcenterrightdel

Khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: PHÚ SƠN 

Vì một Việt Nam thịnh vượng

Trước những thực trạng nêu trên, giải pháp bảo đảm hiệu quả chính sách ASXH để thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng trưởng bao trùm thời gian tới gồm có:

Thứ nhất, thực hiện các chính sách tăng trưởng hài hòa. Trong mô hình tăng trưởng mới, cần chú trọng cả về chất lượng và tính bao trùm của tăng trưởng, thay vì chỉ theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá, tránh gia tăng bất bình đẳng. Sự gia tăng bất bình đẳng sẽ đe dọa mục tiêu tăng trưởng trong tương lai.

Chính sách tăng trưởng hài hòa cần bảo đảm tất cả tầng lớp dân cư đều tham gia và hưởng lợi từ thành quả tăng trưởng, đồng thời thực hiện phân phối lại thành quả này giữa các tầng lớp dân cư và vùng miền để thúc đẩy công bằng xã hội.

Một số chính sách cần chú ý là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối, đặc biệt là giao thông và thông tin giữa các vùng trọng điểm và vùng sâu, vùng xa để xóa bỏ cô lập và phát triển vùng chậm. Cần giảm bớt các hạn chế về di cư, như quản lý hộ khẩu và quyền tiếp cận dịch vụ xã hội cho lao động di cư. Đồng thời, tăng cường cung cấp dịch vụ giáo dục, sức khỏe và xã hội tại các vùng sâu, vùng xa để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người dân, giúp họ tham gia tạo thu nhập.

Thứ hai, thực hiện chính sách tài chính bao trùm. Một hệ thống tài chính bao trùm cần bảo đảm rằng tất cả người nghèo và nhóm yếu thế có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính mà không gặp rào cản phân biệt nào. Điều này cho phép họ tiết kiệm và vay mượn để tích lũy của cải, đầu tư vào giáo dục và kinh doanh, từ đó nâng cao mức sống.

Thứ ba, cải thiện chính sách phân phối thành quả tăng trưởng. Quá trình tăng trưởng kinh tế cần được kiểm soát thường xuyên và chặt chẽ thông qua các chỉ tiêu phát triển xã hội, tập trung vào xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội, giải quyết việc làm và phát triển toàn diện cho con người. Thành quả tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với việc nâng cao mức sống cho người dân thông qua các chính sách phân phối và phân phối lại thu nhập.

Cuối cùng, xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội hiện đại. Một hệ thống bảo trợ xã hội bao trùm cần bảo đảm tính đồng bộ, bao phủ và thực hiện tốt vai trò phòng ngừa, giảm và khắc phục rủi ro cho người dân.

Sự phát triển của chính sách trợ giúp xã hội phải gắn liền với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, dựa trên nền tảng của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cần phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng dịch vụ tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu trợ giúp của người dân và hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

TS HỒ THANH THỦY