Công tác điều hành bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập

Mặc dù ngành điện và các cơ quan chủ quản đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhưng cuộc khủng hoảng điện vừa qua đã bộc lộ những nhược điểm, bất cập trong công tác quản trị. Các nhược điểm theo nội dung Kết luận số 4463/KL-BCT của Thanh tra Bộ Công Thương ngày 10-7 vừa qua nêu ra là: Xây dựng nguồn và lưới điện chậm, mất cân đối so với quy hoạch, chưa tận dụng tốt nguồn lực năng lượng tái tạo (NLTT) đã được đầu tư, công tác quản trị rủi ro trong kế hoạch vận hành và vận hành các nguồn thủy điện, nhiệt điện chưa tốt...

Nguyên nhân chính dẫn đến công tác quản trị của ngành điện chưa tốt, theo tôi là do cơ chế giá bán lẻ điện hiện hành chưa phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào. Từ đầu năm 2022, chi phí nhiên liệu đầu vào tăng cao, trong khi giá điện vẫn ổn định. Điều này đồng nghĩa, giá đầu vào là theo thị trường, còn đầu ra bị khống chế, không theo thị trường. Đây là lý do khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục báo lỗ. Để giảm lỗ, một đơn vị kinh doanh như EVN lẽ thường phải huy động những nguồn điện có chi phí vận hành thấp như thủy điện. Còn lại, những nguồn điện như dầu, than, khí tự nhiên... có chi phí cao hơn phải giảm.

leftcenterrightdel
Công nhân ngành điện bảo dưỡng hệ thống lưới điện. Ảnh: NGỌC THẠCH. 

Ngoài ra, EVN cũng bắt buộc phải cắt giảm một loạt chi phí để bù lỗ, trong đó có bảo trì, bảo dưỡng. Đây là một sự nguy hiểm ảnh hưởng đến hệ thống. Vì lẽ đó, EVN nhận rủi ro khi tình hình thủy văn cực đoan xảy ra ngoài dự báo trong tháng 6 vừa rồi. Các hồ thủy điện nước cạn trơ đáy khiến thủy điện miền Bắc tê liệt, các nhà máy nhiệt điện phải hoạt động hết công suất. Các nhà máy này gần như không có thời gian dừng để "nghỉ ngơi" theo khuyến cáo, dẫn đến quá tải. Và như vừa rồi chúng ta thấy, 3 nhà máy nhiệt điện than đều gặp sự cố dài ngày trước đợt khủng hoảng thiếu điện, cụ thể: Tổ máy S6 nhiệt điện Phả Lại 2 bị sự cố từ ngày 16-3-2021; Tổ máy S1 nhiệt điện Vũng Áng 1 bị sự cố từ ngày 19-9-2021; Tổ máy S2 nhiệt điện Cẩm Phả bị sự cố từ ngày 21-6-2022. 3 tổ máy này có tổng công suất đặt là 1.200 MW. Từ những nguyên nhân khách quan, chủ quan nêu trên, kèm thêm thời tiết cực đoan kéo dài (nắng nóng, hạn hán) dẫn tới thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu sử dụng điện ở miền Bắc.

Tự chủ với năng lượng tái tạo

Chúng ta thường nhắc đến vấn đề tự chủ nguồn cung năng lượng. Tuy nhiên trong một nền kinh tế toàn cầu "phẳng" như hiện nay thì việc tự chủ nguồn cung năng lượng sẽ bao gồm cả những nguồn nhập khẩu theo hợp đồng cam kết dài hạn với giá cả hợp lý, thay vì chỉ gói gọn trong các nguồn năng lượng nội địa.

Khi nền kinh tế càng phát triển thì những biến động về mặt nhu cầu và các yếu tố khác sẽ ảnh hưởng đến bảo đảm cung ứng năng lượng, đặc biệt là điện năng. Tự chủ ở đây nghĩa là có những giải pháp linh hoạt hơn để phối hợp hiệu quả các nguồn nội địa với các nguồn nhập khẩu, thay vì chỉ nghĩ đơn thuần tự chủ là không bị phụ thuộc vào các nguồn nhập khẩu.

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới, trừ khi Việt Nam có những nguồn tài nguyên lớn, ổn định thì mới có thể đặt bài toán an ninh năng lượng trên cơ sở tự chủ hoàn toàn về mặt cung ứng năng lượng. Trên thực tế chúng ta đã phải nhập khẩu năng lượng từ năm 2015, và lượng nhập khẩu này không ngừng tăng lên trong gần 10 năm vừa qua. Việt Nam cũng đã nỗ lực tìm kiếm những giải pháp huy động tối đa các nguồn nội địa, mà gần đây điện mặt trời và điện gió là hai dạng NLTT được kỳ vọng lớn sẽ đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Thực tế đã có các đề xuất về việc điện gió và điện mặt trời trở thành nguồn cung ứng điện duy nhất vào năm 2050.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra NLTT có những điểm liên quan đến tính mất ổn định, phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, và nhiều yếu tố khác nhau. Điều này dẫn đến tình trạng khi cần thì lại không có, mà lúc không cần tiêu dùng thì sản lượng lại rất cao. Đây cũng là nguyên nhân tại sao nhiều quốc gia gọi điện gió và điện mặt trời là loại năng lượng không ổn định, do hai dạng nguồn này phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố tự nhiên chứ không phải thứ mà con người có thể điều khiển. Không thể nói rằng chúng tôi có điện gió, nhưng hiện tại không có gió nên không có điện, điều này tương tự với điện mặt trời...

Còn nếu đưa điện từ nguồn NLTT vào lưu trữ thì lại gặp một vấn đề khác, đó là chi phí lưu trữ khá đắt đỏ, và việc vận hành chỉ hiệu quả nếu sạc vào lúc điện NLTT dư thừa-thậm chí phải cắt giảm lượng phát như đã thấy trong thời gian vừa qua. Để bù đắp được chi phí đầu tư hệ thống lưu trữ thì bán điện từ hệ thống lưu trữ phải ở mức giá đủ cao, nghĩa là việc huy động chỉ có hiệu quả khi chúng ta có cơ chế giá cho phép việc chỗ điện thừa được tích trữ lại, đến một khung giờ nào đó có quyền bán với giá cao hơn mức giá bình thường. Như vậy, sẽ phải có một cơ chế biểu giá điện linh hoạt thì mới có thể huy động được tiềm năng từ điện tái tạo của các nhà đầu tư để hỗ trợ nhu cầu an ninh năng lượng.

leftcenterrightdel

Nhà máy Điện gió Trung Nam, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: BẰNG HƯƠNG 

"3 cùng" với nhà đầu tư

Để bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là điện, Việt Nam phải dựa vào những nguồn ổn định, khi nào cần là có. Quy hoạch Điện VII theo định hướng lấy đầu tư công làm gốc chiếm tỷ lệ lớn, khối tư nhân rất thấp. Điều này dẫn tới rủi ro tất cả dự án đầu tư công đều dựa trên các nguồn truyền thống như: Than, điện khí nội địa, thủy điện... nhưng việc huy động vốn lại phụ thuộc nhiều vào những nguồn vay từ các tổ chức tài chính đa phương. Ở Quy hoạch Điện VIII, cơ cấu nguồn điện của Việt Nam chuyển dần sang tăng tỷ trọng NLTT, cũng như chuyển dịch từ than sang các dạng nhiên liệu "xanh" như sinh khối, hydrogen... Đây là bước chuyển mang tính bắt buộc, và đòi hỏi có sự tham gia mạnh mẽ hơn của khối tư nhân trong hoạt động phát triển điện lực, cũng như những tín hiệu về chính sách rõ ràng và mang tính dài hạn từ phía Chính phủ.

Mục tiêu phát triển ngành điện đã sáng rõ. Tuy nhiên, nếu không có tiền đầu tư thì sẽ không có nguồn năng lượng. Không có nguồn hoặc không có lưới truyền tải để đưa điện từ nơi phát điện tới nơi tiêu thụ điện thì mất an ninh năng lượng là điều không tránh khỏi. Khi nghiên cứu Quy hoạch Điện VIII về vấn đề nguồn vốn thực hiện các mục tiêu, có thể thấy, chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tiền ở đâu đó chưa được xác định rõ ràng, cụ thể. Kể cả nếu có nguồn tiền, nhưng để huy động được số tiền đó thì tất nhiên phải đi kèm một loạt điều kiện của các nguồn vốn trong, ngoài nước. Mà có thỏa mãn được những điều kiện ấy không thì không ai biết. Các vấn đề trong phát triển NLTT như: Nếu phát triển NLTT thì ai sẽ đầu tư, giá bán là bao nhiêu, sản lượng cam kết mua là bao nhiêu... hiện vẫn chưa được đề cập rõ.

Thực tế, các nhà đầu tư nếu muốn rót vốn đều phải tính đến bài toán kinh tế. Họ muốn nhìn thấy tín hiệu thị trường, nếu đầu tư lỗ ở chỗ này thì phải bù ở chỗ khác. Nhưng nhà đầu tư được bù lỗ ở chỗ nào thì họ chưa nhìn thấy. Bằng chứng là 85 dự án chuyển tiếp hiện nay, các nhà đầu tư không nhìn thấy tín hiệu nào của Nhà nước, khi các nhà đầu tư bỏ tiền ra để đầu tư nhưng thực tế triển khai có quá nhiều bất trắc, nhất là trong giai đoạn lockdown do đại dịch Covid-19, nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước lại quá mờ nhạt, dù các hiệp hội và các doanh nghiệp đã nhiều lần có ý kiến đề nghị, dẫn tới nhiều dự án đầu tư nguồn điện NLTT đang ở tình trạng hết sức khó khăn về dòng tiền vận hành cũng như trả nợ.

Nếu nhìn ở góc độ "năng lượng tái tạo là tương lai" thì Chính phủ cần có những chính sách "3 cùng", thấu hiểu nhu cầu và vướng mắc của các nhà đầu tư, từ đó chủ động giải quyết mọi vướng mắc, lo lắng của họ. Tín hiệu quan trọng mà các nhà đầu tư cần thấy được là sự kiên định trong chính sách của Nhà nước, thông qua việc loại bỏ các rào cản giấy phép không cần thiết, cũng như các rủi ro pháp lý nhiều khi không phải do lỗi của nhà đầu tư mà do cách thức diễn giải văn bản pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước. Cần có nhiều phương án để nhà đầu tư chủ động hơn trong việc lên kế hoạch tài chính, ví dụ thay vì bán điện với giá cào bằng, sẽ cần cho phép bán điện với những mức giá phân biệt theo nhu cầu thị trường và định hướng phát triển kinh tế khu vực/kinh tế vùng. Phần bán ra cao hơn sẽ bù đắp các chi phí cho nhà đầu tư, để họ có đủ khả năng trả nợ và tái đầu tư.

Tuy nhiên, cũng cần xác định là dưới thể chế hiện thời chúng ta cũng không thể để một hệ thống phụ thuộc hoàn toàn vào đầu tư tư nhân. Đầu tư nhà nước vẫn phải có vai trò định hướng và dự phòng để khi có tình huống bất thường, vai trò của các doanh nghiệp nhà nước như EVN, PVN... sẽ như những chiếc phao cứu sinh bảo đảm cung ứng năng lượng cho những khu vực ưu tiên. Các nhà quản lý cần phải làm rõ đầu tư công sẽ có vai trò, nhiệm vụ gì trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Trong điều kiện đó, Nhà nước sẽ hoàn toàn làm chủ trong vấn đề điều tiết.

TS HÀ ĐĂNG SƠN 

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam.