Khi gió mùa Đông Bắc khô lạnh kèm mưa phùn lùa vào từng góc nhà thì Nguyễn Quốc Duy, chủ của 3 biệt thự tại khu nghỉ dưỡng FLC với 20 phòng nghỉ tiện nghi 4 sao ở thành phố biển Sầm Sơn gọi điện cho tôi. Duy mời về Sầm Sơn nghỉ dưỡng, thưởng thức món gỏi cá đuối. Tôi chảnh chọe với Duy, ai lại đi nghỉ dưỡng trái mùa. Nghe thế, Duy không buồn mà còn khuyên tôi bỏ cách nghĩ ấy. Thì ra, bây giờ ở Sầm Sơn không còn kiểu du lịch “độc mùa” như trước nữa.
Duy phân tích: "Anh biết đấy, dù mùa nào thì khí hậu biển cũng trong lành. Với tình hình các đô thị lớn bị ô nhiễm không khí như hiện nay thì Sầm Sơn là nơi rất lý tưởng. Hiện tại Sầm Sơn khá sôi động, du khách vẫn về đây. Tuy không được tắm biển, không được "trầm mình" thưởng thức những cơn sóng ầm ào đặc trưng của biển Sầm Sơn nhưng không khí, cảnh đẹp, con người ở thành phố trẻ sôi động thì đáng tìm hiểu và khám phá lắm chứ". Duy báo tin cho tôi rằng, hiện nay, TP Sầm Sơn là nơi du lịch phát triển hấp dẫn, chỉ xếp sau TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh. Năm 2022, Sầm Sơn đón gần 7 triệu lượt khách, gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021, bằng 195,7% kế hoạch năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch của thành phố này đạt gần 14 nghìn tỷ đồng, gấp 51,74 lần so với cùng kỳ năm 2021; bằng 180,3% kế hoạch năm 2022. Cuối cùng, Duy lưu ý, Sầm Sơn chỉ có diện tích 44,94km2, là một trong những thành phố loại III nhỏ nhất cả nước nhưng đã đạt được kỳ tích về du lịch. Nghe Duy "thuyết trình", nếu không vì phải chạy đua với công việc dang dở, tôi đã lên xe đi Sầm Sơn, không chỉ để thưởng thức món gỏi cá đuối hay hít hà không khí biển mùa đông mà đến để tìm hiểu sự năng động, phát triển của thành phố trẻ, chứng kiến sự thay đổi tư duy trong cách làm du lịch bền vững ở một địa phương từng một thời mang tiếng “chặt chém”.
|
|
Biển Sầm Sơn, địa danh du lịch biển lý tưởng. Ảnh: KHÁNH TRÌNH
|
Hè vừa rồi, nhân dịp khai trương một căn biệt thự mới, theo lời mời của Duy, cả gia đình tôi từ Hà Nội vào Sầm Sơn. Trước hôm đi, vợ tôi chuẩn bị mọi thứ, nào là nước ngọt, nước khoáng, bánh, trái cây và rất nhiều đồ ăn khô mua ở siêu thị. Đồ đạc của vợ tôi chất kín cả cốp sau xe và xếp cả lên ghế sau mới đủ. Sau một hồi toát mồ hôi khuân vác những thứ ấy, tôi càu nhàu với vợ: "Mua lắm đồ thế, ở đó đầy!".
Vợ tôi nói như lên đồng: "Anh không biết à, một quả dừa ngoài đó những 50.000 đồng. Bát mì ăn liền úp trộn hải sản lèo tèo cũng có giá cả trăm nghìn đồng chứ đâu rẻ. Đi đến đó chỉ tắm biển rồi về đừng có mua bán, ăn uống, có ngày rỗng túi!". Vợ tôi nói có lý. Bởi những năm trước, Sầm Sơn thường bị “mất điểm” trong lòng du khách vì những dịch vụ “chặt chém”. Nhiều du khách rơi vào hoàn cảnh đó ngỡ ngàng, tái mặt mà không thể kêu ai. Người nào tức khí, nóng mặt phản ứng cũng không giải quyết được gì.
Nhưng khi đến Sầm Sơn lần này, tôi thật sự ngỡ ngàng. Các loại dịch vụ trên con đường chính của thành phố dọc bãi biển đều được sắp xếp thông thoáng, bắt mắt và tiện lợi. Nhưng điều đáng nói hơn là dù du khách về Sầm Sơn rất đông, rất ồn ào nhưng tuyệt nhiên không có tình trạng phiền lòng vì những nguyên nhân từ mua bán, sử dụng dịch vụ. Trong các nhà hàng, cơ sở dịch vụ, các sản phẩm đều được công khai về giá. Nhân viên và chủ cơ sở, chủ nhà hàng đều nở nụ cười thân thiện, lịch sự đón khách. Tôi phỏng vấn nhanh mấy bà, mấy chị đi nghỉ ở trong khu biệt thự FLC, họ đều có chung nhận xét tốt. Theo đó, đến đây, họ thích ăn gì, chỉ cần viết ra giấy, các nhân viên sẽ ra chợ mua về và chế biến bảo đảm tươi ngon. Kinh phí bỏ ra cũng không hề đắt đỏ. Tuyệt nhiên không có hiện tượng kênh giá.
Tối ấy, vợ chồng tôi được Duy thết đãi hải sản Sầm Sơn. Trong các món ngon ấy, tôi đặc biệt ấn tượng với gỏi cá đuối thơm, béo ngậy, bùi, cay và hơi chua chua, chát chát. Duy bảo, anh nghiện món này. Duy phổ biến cho tôi cách chế biến gỏi cá đuối mà anh học lỏm được từ đầu bếp. Theo đó, cá đuối tươi được mổ, bỏ da, lọc xương. Thịt cá thái mỏng xếp ra đĩa. Xương, gan cá đuối cho vào máy xay nhuyễn cùng gan lợn, thịt ba chỉ, tỏi, ớt, sả, riềng, gia vị. Hỗn hợp này được cho vào nồi đun sôi rồi thêm nước mẻ để có màu nâu nhẹ gọi là chẩm chéo. Khi ăn, thực khách cuốn thịt cá đuối trắng tinh khiết trong rau húng, lá tía tô, lá đinh lăng, lá sung kèm xoài xanh hoặc khế chua rồi chấm với chẩm chéo. Nuốt miếng gỏi cá đuối và thưởng thức cùng một chút rượu cay nồng thì không gì sánh bằng. Duy khuyên tôi, mùa nào ăn gỏi cá đuối cũng ngon, nhưng thưởng thức nó vào mùa đông là thú vị hơn cả. Lúc ấy, không biết có phải do món gỏi cá đuối quá hấp dẫn hay không mà tôi quên mất ý định tìm hiểu về sự thay đổi đáng nể ở thành phố biển này.
Sáng hôm sau, khi đang thả hồn nhìn ngắm biển lung linh nắng và ầm ào sóng vỗ thì Duy đến mà không hẹn. Chuyện qua chuyện lại, cuối cùng Duy cũng đáp ứng nhu cầu khám phá của tôi. Anh chia sẻ, hiện nay, chỉ cần một thông tin phản ánh của du khách hàng đến cơ quan chức năng thì cơ sở dịch vụ sẽ bị xử lý hành chính, thậm chí bị rút giấy phép kinh doanh ngay. Từ đây, có lẽ ý thức mời mọi người tới “nhà” đã ngấm vào người Sầm Sơn thay cho tư duy nhất khoảnh tiểu nông, chỉ ta mới có biển đẹp, ta thích “chém” thế nào là do ta. Tôi thắc mắc với Duy về sự thay đổi quá nhanh này, anh bộc bạch, không có gì là tự nhiên cả. Từ nhiều năm trước, chính quyền và cơ quan chức năng của TP Sầm Sơn đã có sự chuẩn bị về tâm thế. Một mặt, họ tìm tòi, nghiên cứu, đưa ra các phương án thiết kế quy hoạch để phù hợp nhất với đặc điểm tự nhiên, lịch sử-văn hóa địa phương. Mặt khác, họ tích cực kêu gọi đầu tư để có vốn xây dựng. Quá trình phát triển những năm qua, sự thay đổi tư duy, nhận thức của người Sầm Sơn được bắt nguồn từ các chiến dịch tuyên truyền, từ việc nói và làm quyết liệt của chính quyền, lực lượng chức năng Sầm Sơn. “Em nghĩ, Sầm Sơn đã lấy ý thức cộng đồng, cái lợi lâu dài, bền vững của cộng đồng để thổi vào tư duy của nhân dân luồng gió mới. Đó chính là căn cốt để Sầm Sơn khác biệt, tiếng lành đồn xa”, Duy nhận định chắc hơn cua gạch.
Từng đi nhiều nơi, tôi nhận thấy việc phát triển du lịch ở nhiều địa phương có biển ở nước ta đôi khi chưa được coi trọng đầu tư đúng mức, nên kết quả là doanh thu chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Với đường bờ biển dài hơn 3.200km, vùng biển rộng hơn 1 triệu km2 cùng hơn 3.000 hòn đảo, nước ta có 28/63 tỉnh, thành phố có biển. Nhiều chuyên gia kinh tế nước ngoài từng kỳ vọng, đây là lợi thế số một để các tỉnh, thành phố đạt doanh thu cao từ ngành "công nghiệp không khói". Thế nhưng đến nay, so với du lịch biển của các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn chỉ đang “đứng trước biển”.
Bởi sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa X của Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, trong đó có phát triển du lịch. Hoặc trong tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn nhận định, việc phát triển du lịch của tỉnh này cũng chưa ngang tầm với tiềm năng và thế mạnh.
Khát vọng làm giàu để đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc là ước mơ ngàn đời của người Việt. Khát vọng này tiếp tục được Hội nghị Trung ương 8, khóa XII cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh.
Muốn khát vọng ấy thành hiện thực thì vấn đề du lịch cần được chú trọng hơn. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần cụ thể hóa thông qua những quyết sách và chủ trương như cách TP Sầm Sơn đã thực hiện. Tôi tin rằng, một khi các hộ kinh doanh như Nguyễn Quốc Duy và nhiều người khác đã “nhìn tận mắt, sờ tận tay"; khi người dân địa phương "nhìn thấy, ngửi thấy và sờ thấy" những chính sách ấy mang lại hiệu quả thiết thực, mang lại nguồn thu nhập bền vững thì họ sẽ thay đổi tư tưởng, tư duy và ý thức tích cực. Những hành động thân thiện, mến khách và trung thực trong cung cấp dịch vụ để làm hài lòng du khách chính là lời giải cho bài toán làm giàu từ du lịch biển!
MẠNH THẮNG