Nhà thơ Tố Hữu trong bài “Việt Bắc” đã viết: "Áo chàm đưa buổi phân ly/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay". Đó là hình ảnh chiếc áo chàm của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở vùng cao Việt Bắc, nơi có An toàn khu kháng chiến. Ngày nay, chiếc áo chàm không chỉ làm nên nét duyên dáng của các chàng trai, cô gái vùng cao mà còn là niềm tự hào của họ. Vậy nên, trong các ngày trọng đại của đời người như cưới hỏi, lễ, tết... bà con không thể thiếu bộ trang phục chàm.

Tôi rất ấn tượng khi đến các chợ phiên tại huyện Lộc Bình, Hữu Lũng, Cao Lộc, Văn Quan của tỉnh Lạng Sơn; hay Lục Ngạn, Sơn Động (Bắc Giang). Từng tốp người men theo những con đường mòn đất đỏ, họ đi dự chợ phiên từ rất sớm cho kịp giờ. Có khi là một gia đình, khi là những người cùng xóm làng. Những em bé cũng được các mẹ, các bà chuẩn bị những bộ chàm để đi theo xuống chợ. Họ đi bộ qua đoạn đường đèo này, vượt dốc nọ để đến chợ và trên người ai cũng đeo túi nải, đầu vấn khăn, rồi khoác trên mình một bộ trang phục chàm truyền thống.

Màu áo ấy không chỉ gần gũi, thân thương mà còn làm nên vẻ đẹp, bản sắc riêng có của con người nơi đây. Có lẽ vì thế mà ngày nay các gia đình người Tày, Nùng vẫn gìn giữ được phương pháp dệt vải, nhuộm chàm thủ công truyền thống. Vải chàm được làm từ bông, se thành sợi, dệt thành tấm. Không chỉ đi chợ, đi hội, khi đi làm nương rẫy, những sắc áo chàm cũng hòa cùng ruộng vườn, nương bãi, tạo nên bức tranh sinh động tại rẻo cao.

Theo bà Vi Thị Hằng, 70 tuổi, dân tộc Nùng ở xã Tân Sơn (Lục Ngạn): Mỗi dân tộc có bí quyết riêng. Đối với người Nùng tại Tân Sơn, trước kia vải chàm do dân tự trồng bông, dệt sợi thành tấm và nhuộm màu với nhiều công đoạn. Nay chỉ còn ít gia đình lưu giữ nghề này, mà phần lớn mua vải ở chợ về nhuộm chàm. Theo phong tục xưa, trước khi cưới, người con gái phải tự tay dệt cho mình bộ trang phục mới và thêu những hoa văn ưng ý để mặc trong ngày cưới.

leftcenterrightdel

Quần áo chàm được bày bán tại chợ phiên vùng cao. 

Có lẽ vì vậy, ngay từ khi còn bé, các chị em đã được bà, mẹ dạy cách dệt, thêu, nhuộm trang phục. Mỗi năm, một người phải tự tay dệt 1-2 bộ quần áo diện trong ngày Tết và để sau này về nhà chồng. Việc này tốn rất nhiều thời gian, công sức từ trồng bông, kéo sợi, dệt vải đến trồng cây chàm, ngâm, ủ, chắt để nhuộm vải, nhuộm cho đến khi vải óng ánh đen thẫm. Đơn cử như, bông thu hoạch về được phơi nắng, đem cán để tách riêng phần hạt, phần bông. Sau khi bông đã được cán đem bật và kéo thành những cuộn sợi nhỏ. Tiếp đó là hồ sợi. Sợi bông được ngâm với tinh chất ngô vài giờ rồi đem phơi khô. Những sợi bông tách nhau ra cuốn thành những cuộn sợi dai, chắc được đưa lên khung cửi dệt thành vải sau đó mang nhuộm chàm.

Việc làm chàm cũng khá công phu. Bà Hằng kể, thường sau ngày Tết, bà con đi phát rẫy, chọn nơi đất ẩm, nhiều ánh sáng mặt trời để gieo hạt chàm. Chờ đến tháng hai, tháng ba khi cây chàm ấm gốc, phát triển tươi tốt thì lo làm cỏ vun xới. Tháng tám chàm vừa độ già là có thể thu hoạch được. Khi thu hoạch, người dân thường chọn những cây chàm tươi tốt để lấy hạt làm giống. Trước tiên, cây chàm được chặt ra từng đoạn nhỏ, cho vào chum, vại sành, chảo gang ngâm một tuần lễ. Khi lá chàm, thân chàm nát nhừ, tạo cho nước ngâm có màu xanh đen thì dùng gậy khuấy đều, rồi vớt xác chàm bỏ đi, dùng giỏ tre có chứa sỏi và vỏ trấu ở đáy để lọc chàm sạch hết xơ chàm. Tiếp đó, cho vôi bột và tro bếp vào nước chàm, khuấy đều cho nước chàm nổi bọt là được. Nước chàm để qua đêm, chàm lắng dưới đáy, gạn nước nổi trên bỏ đi, còn lại nước chàm đặc, người ta gọi là cao chàm. Cao chàm được chứa trong chum vại, để dành dùng dần. Người dân thử chất lượng của chàm bằng cách nếm, loại chàm tốt có vị mặn. Giờ tuổi đã cao, song hằng ngày bà Hằng vẫn mặc áo chàm truyền thống và vấn khăn. Bà cũng luôn nhắc nhở con cháu gắng giữ gìn bản sắc, màu áo của dân tộc mình.

Còn đối với đồng bào dân tộc Dao, họ cũng có bí quyết nhuộm vải chàm khá đặc biệt. Với một hỗn hợp, gồm cao chàm, tro bếp và nước, pha chế thích hợp với số lượng vải cần nhuộm. Đầu tiên, phải lọc tro bếp qua rá tre đan ken dày, bỏ tạp chất và xơ tro. Dùng nước lá cây ngải pha lẫn nước tro, lấy cao chàm theo tỷ lệ nhất định, đánh đều là có nước nhuộm chàm. Nhiều nơi, người dân còn pha thêm chút rượu, hoặc nước lá thơm để nhuộm vải có mùi thơm dễ chịu. Trước khi nhuộm, đem giặt vải, để chàm ăn đều màu vào vải. Ngâm nhuộm tấm vải chừng ba tiếng đồng hồ, vớt ra, đem phơi ráo nước, lại đem vào nhuộm chàm tiếp. Công đoạn lặp đi lặp lại chừng hai mươi lần, khi nhìn tấm vải lên màu xanh đen óng đều là được.

leftcenterrightdel
Kiểm tra vải chàm. 

Khi vải chàm khô, chất lượng và màu sắc ưng ý sẽ được gấp gọn rồi xếp vào hòm, ướp thêm chút lá thơm. Vải chàm để may quần áo, làm khăn đội đầu, may túi khoác vai, may chăn, đệm... Trên nền vải chàm, người phụ nữ thường trang trí thêm các họa tiết hoa văn đẹp mắt. Sau khi có tấm vải chàm như ý, người phụ nữ mới thực hiện công đoạn may vá, thêu thùa để làm nên một bộ trang phục hoàn chỉnh.


Cũng như tiếng nói, trang phục là một trong những tín hiệu quan trọng đầu tiên để nhận biết, phân biệt giữa các dân tộc. Cuộc sống muôn màu, văn hóa của đồng bào theo thời gian có sự thay đổi, phát triển và màu chàm thì luôn bền đẹp, làm nên bản sắc, sức sống cho bản làng vùng cao.

Bài và ảnh: ĐÔNG KHÁNH