Thay đổi nhận thức, thói quen cho đồng bào

Huyện biên giới Chư Prông, nơi từng là địa bàn hẻo lánh, thâm sơn cùng cốc, ít người đặt chân đến, giờ đây như được khoác lên mình màu áo mới với đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ, những ngôi nhà mái ngói khang trang, kiên cố, nằm yên bình dưới tán rừng cao su. Đặc biệt, hầu hết các gia đình dưới chân núi Chư Prông này từ lâu đã biết thực hiện nếp sống văn minh, khoa học, hễ ốm đau, bệnh tật là tìm đến thầy thuốc bộ đội.

Ngồi trên chiếc xe bán tải, chạy dọc những con đường thảm nhựa phẳng lỳ, đôi mắt Trung tá QNCN, bác sĩ Phạm Văn Bình, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân dân y Bình Dương say sưa ngắm nhìn những ngôi nhà mới xây, những cánh rừng bạt ngàn cao su, hồ tiêu của đồng bào Gia Rai dưới chân núi Chư Prông. Anh Bình chuyện rôm rả:

- Để bà con hình thành được thói quen, nếp nghĩ trong đời sống sinh hoạt như bây giờ là câu chuyện rất dài của các thế hệ thầy thuốc Bệnh xá Quân dân y Bình Dương. Đó là sự kết hợp giữa chữa trị bệnh, vận động bà con, vừa phải tận tâm, tận lực giúp đỡ bà con như người thân trong gia đình mình.

leftcenterrightdel

Trung tá QNCN, bác sĩ Phạm Văn Bình khám bệnh cho người dân trên địa bàn xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. 

Nhắc đến cuộc sống của đồng bào Gia Rai thời kỳ đầu đơn vị mới thành lập, bác sĩ quân y có hơn 35 năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, hàng chục năm đảm nhiệm cương vị bệnh xá trưởng nhớ lại, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, phần lớn địa bàn Tây Nguyên, nhất là huyện biên giới Chư Prông còn là vùng đất hoang vu, ít người qua lại. Hệ thống y tế của địa phương từ tỉnh đến cơ sở đều khó khăn. Địa bàn rộng (khoảng 1.700km2), kinh tế khó khăn, dân trí thấp, hằng ngày, người dân Chư Prông chủ yếu lo cái ăn, cái mặc, nên chẳng ai quan tâm đến việc chăm sóc, giữ gìn sức khỏe. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt của người dân tạm bợ; trẻ em đa phần suy dinh dưỡng, không được tiêm chủng, đến tuổi đi học không được tới trường; nhiều hủ tục ăn sâu, bám rễ trong cuộc sống của đồng bào, như: Tảo hôn; ma chay, cưới hỏi kéo dài gây tốn kém thời gian, tiền của.

Trước thực tế đó, cùng với giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đơn vị chủ động phối hợp với bệnh viện tuyến trên và y tế địa phương tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người dân, kết hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống văn minh. Với tinh thần “mưa dầm thấm lâu” và phương châm 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng), đội ngũ cán bộ, y sĩ, bác sĩ Bệnh xá Quân dân y Bình Dương kiên trì đến từng gia đình, gặp gỡ từng cá nhân, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đội ngũ già làng, trưởng thôn, người có uy tín để vận động người dân xóa bỏ dần các hủ tục, thực hiện ăn chín, uống sôi, ốm đau uống thuốc, đi bệnh viện...

Từ chỗ còn nhiều băn khoăn, nghi ngại, bà con dần hiểu được tấm lòng của Bộ đội Cụ Hồ, người này truyền tai người kia, ai nấy đều tìm đến bệnh xá mỗi khi đau ốm. Nhờ đó, sức khỏe của đồng bào được nâng lên, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm rõ rệt. Từ việc hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả, thiết thực của Công ty Bình Dương cùng với sự quan tâm đầu tư của trên, hệ thống y tế cơ sở ở Chư Prông từng bước được cải thiện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đúng là thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ

Sau chuyến khảo sát thực tế cơ sở, chúng tôi có dịp tham quan Bệnh xá Quân dân y Bình Dương, đặt tại trung tâm xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, nơi được đồng bào Gia Rai quen gọi với cái tên mộc mạc: “Bệnh xá Bộ đội Cụ Hồ”.

Biên chế chỉ ngang một tiểu đội, nhưng khối lượng công việc các anh làm cho nhân dân thật đáng trân trọng. Từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã tiến hành thu dung, điều trị cho gần 20.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn. Riêng năm 2022 và quý I-2023, đơn vị tiến hành khám cho 3.809 lượt bệnh nhân; điều trị nội trú 325 lượt, ngoại trú 3.484 lượt; cấp cứu 102 ca... tất cả đều bảo đảm tuyệt đối an toàn.

- Công việc nhiều, trong khi quân số đơn vị khá mỏng, bằng cách nào các anh chị có thể hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề như vậy? - Tôi hỏi với Trung tá QNCN, bác sĩ Phạm Văn Bình.

- Chẳng có cách nào khác ngoài việc phải cố gắng thôi anh!

leftcenterrightdel
Thầy thuốc Bệnh xá Quân dân y Bình Dương khám bệnh cho bà con nhân dân trên địa bàn đơn vị đóng quân. 

Rồi như để minh chứng cho câu trả lời của mình, anh Bình lật chồng hồ sơ bệnh án ghi lại đầy đủ, chi tiết từng trường hợp bệnh nhân được tiếp nhận, điều trị cho đến khi khỏi bệnh. Mỗi một bệnh án là một câu chuyện đầy ắp kỷ niệm với nhiều cảm xúc; đặc biệt trong những thời khắc cam go giữa cái sống và cái chết của người bệnh; giữa việc trả lại sức khỏe hoặc người bệnh trở nên tàn phế. Và rất nhiều ca thành công, nhưng cũng có những ca bệnh để lại trong các anh những suy tư, trăn trở. Và vài dòng trong bài viết này không thể nói hết, kể hết những câu chuyện mà đội ngũ cán bộ, y sĩ, bác sĩ Bệnh xá Quân dân y Bình Dương đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, hỗ trợ, giúp đỡ bà con trên vùng đất biên cương Chư Prông.

Để kiểm chứng việc làm của họ, chúng tôi mang những câu chuyện về Bệnh xá Quân dân y Bình Dương trao đổi với đồng chí Bùi Xuân Linh, Chủ tịch UBND xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, anh tâm đắc: “Các thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ ở Công ty Bình Dương từ lâu đã trở thành người thân của đồng bào Gia Rai ở Chư Prông. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình, chu đáo của đơn vị, nên hệ thống y tế của địa phương ngày càng phát triển, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện rõ rệt. Họ đúng là thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ, thầy thuốc của nhân dân”.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG