Theo giới thiệu của Đại tá Trần Đình Đa, tôi liên hệ được với Thiếu tá, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Trung Được, nguyên thu tin viên Đại đội 75, d35. Sau khi nghỉ hưu, Thiếu tá Nguyễn Trung Được đi học điện châm. Ông mở phòng khám từ 10 năm qua để giúp nhân dân trong vùng chữa bệnh. 

Chiều chủ nhật gần giữa tháng 10, tôi về xã Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội) gặp nhân chứng đặc biệt này. Trong ngôi nhà ngói 5 gian đặc trưng vùng nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ, ông trò chuyện với tôi ngay ở chiếc bàn thường dùng để đón tiếp bệnh nhân. Khi nhắc đến những đồng đội trong d35, mắt ông sáng lên, các nếp nhăn giãn ra, khuôn mặt người CCB đã 73 tuổi như trẻ lại.

Ông tâm tình:

- Tôi rất vinh dự là người về Đại đội 75 làm nhiệm vụ từ ngày thành lập (12-9-1968). Có lẽ, trong cuộc đời của tôi đến nay, thời gian ở chiến trường là đẹp và sôi nổi nhất.

- Cháu nghe nói bác đã gọi hàng khoảng 400 tên địch qua sóng. Chuyện ấy xảy ra như thế nào ạ? Tôi gợi chuyện.

CCB Nguyễn Trung Được trầm tư giây lát rồi bắt đầu kể:

- Đêm 24-3-1975, đồng chí Chương, Trưởng phòng Quân báo Quân khu Trị Thiên điện, chỉ đạo chúng tôi mấy nội dung, đó là sáng sớm 25-3 phải dùng máy thông tin sóng cực ngắn gọi địch ra hàng. Tiếp đó, đến 10 giờ cùng ngày phải báo cáo rõ trong thành phố có bao nhiêu địch, gồm lực lượng nào, để chiều 25-3 ta pháo kích vào Huế. Sáng 26, đại quân ta vào giải phóng Huế an toàn.

leftcenterrightdel

CCB Nguyễn Trung Được, người đã gọi hàng địch góp phần giải phóng thành phố Huế đứng trước ngôi nhà của mình. Ảnh: ĐỨC TÂM 

Nhận được chỉ thị này, chúng tôi mừng lắm vì chỉ còn ít giờ nữa là ta giải phóng Huế, chấm dứt cuộc chiến sau bao năm chịu đựng gian khổ, nhưng cũng rất lo vì sợ địch hoảng loạn, bỏ hệ thống thông tin thì làm sao biết được chúng có bao nhiêu lực lượng, phương tiện? 5 giờ sáng 25-3, tôi lấy máy PRC25 rồi lắp bộ phận thoại, thử tín hiệu phát. Suốt một tiếng đồng hồ không thấy sóng nào của địch hoạt động. Đến 6 giờ, đồng chí Khai, nhân viên làm việc cạnh tôi báo cáo:

- Phát hiện sóng 44.10 có tín hiệu địch đang gọi nhau.

Tôi xoay máy, đẩy hết công suất làm việc và vào gọi: A lô 1, 2, 3, 4. Các bạn bên kia chiến tuyến nghe rõ không, trả lời.

Tôi gọi năm, sáu lần như vậy. Lúc đầu chúng im lặng nghe tôi gọi và sau tôi nghe được hai máy của địch nói với nhau: “Mấy thằng Vi-xi nó chiêu hồi đấy”.

Thấy thế tôi liền thay đổi:

- Chúng tôi là bộ đội Giải phóng Quân khu Trị Thiên rất muốn gặp và nói chuyện với các bạn.

Tôi nói lặp đi lặp lại nhiều lần. Lúc này tên chỉ huy của địch nghe được đã cầm ống nói, hắn chửi tục và hung hăng:

- Mấy thằng Cộng sản Bắc Việt muốn cái gì ở các bố mày đây?

Tôi nhẹ nhàng nói:

- Chúng tôi là bộ đội Giải phóng không muốn gì cả, chỉ muốn nói chuyện với các bạn thôi.

Giọng tên chỉ huy cứng rắn:

- Anh bạn Bắc Việt thân mến, tôi muốn nói chuyện với giới chức của anh.

Rồi hắn giới thiệu tên là Trần Bá Phước, 40 tuổi, đại úy, tiểu đoàn trưởng, quê Quảng Trị. Tôi cũng giới thiệu tên là Nguyễn Trung Được, 25 tuổi, là chỉ huy đơn vị Quân Giải phóng. “Tôi quê Thường Tín, Hà Tây, vào miền Nam chiến đấu từ Mậu Thân 1968 đến nay. Anh cần hỏi gì tôi trả lời”.

Tôi tiến công tiếp:

- Anh Phước thân mến! Anh nên noi gương Nguyễn Văn Đính và Trung đoàn 56, Sư đoàn 3 đã quay về với cách mạng tại Đường 9 năm 1972, ít nhất lúc này còn đủ thời gian.

Trần Bá Phước hung hăng nói:

- Các anh theo Nga và Trung cộng vào xâm lược miền Nam, gây bao cảnh tàn phá ở Quảng Trị và Bình Long.

Tôi trả lời:

- Anh lại nói theo giọng của mấy tên tâm lý chiến ngụy Sài Gòn tuyên truyền chứ chúng tôi không hề xâm lược ai cả mà vào đây cùng cả miền Nam đánh đuổi Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tiếp đó, tôi liền hỏi:

- Anh Phước thân mến! Chị và các cháu ở Quảng Trị có di tản kịp không?

Không ngờ Phước trả lời rất thật:

- Cám ơn! vợ mình và 3 cháu đã di tản vào Đà Nẵng cách nay 10 ngày.

Tôi liền châm biếm:

- Sao anh không bảo chị và các cháu di tản ra nước ngoài cho an toàn. Vì chúng tôi đã giải phóng toàn bộ Tây Nguyên, và hôm kia (24-3-1975), chúng tôi đã giải phóng tỉnh Quảng Ngãi, cắt đứt miền Nam làm hai rồi, chỉ một vài ngày nữa, chúng tôi giải phóng Huế-Đà Nẵng, chị và các cháu có an toàn không?

Trao đi đổi lại rồi Phước yêu cầu ta ngừng bắn pháo vào các điểm địch đang đóng quân, vì lực lượng của chúng có nhiều tên bị thương không thể đi được. Tôi ôn tồn trả lời:

- Bắn pháo là việc làm bình thường của mọi cuộc chiến, anh bắn sang tôi, tôi bắn sang anh, nó chỉ ngừng khi bên nào thắng trận. Anh và đồng đội hãy quay về với nhân dân, với chính nghĩa, chúng tôi sẵn sàng đón tiếp như những người bạn. Chúng ta hòa hợp để cùng nhau xây dựng quê hương...

Lúc này đã là 8 giờ sáng. Phước xin 15 phút hội ý sĩ quan chỉ huy, tôi đồng ý.

Tôi quay điện về Phòng Quân báo xin chỉ thị. Rồi tôi cũng thông báo cho các đài Quảng Trị và Đoàn 5, ưu tiên sóng để chúng tôi làm việc.

Hết 15 phút chờ đợi, tôi dõng dạc gọi: “1, 2, 3, 4, anh Phước và các bạn đã thảo luận xong chưa? Chúng tôi đang chờ tin các bạn đây”.

Phước trả lời:

- Tôi, Đại úy Trần Bá Phước, xin chấp thuận quay về với nhân dân và bộ đội Giải phóng, yêu cầu các anh tiếp nhận chúng tôi.

Tin ấy khiến anh em ở ngoài hầm vui mừng quá mức, hát vang bài “Giải phóng miền Nam”. Tôi tắt máy, gắt: “Các đồng chí hát nhỏ thôi để còn làm việc”.

Một kế hoạch lóe sáng trong đầu. Tôi nói:

- Trước lúc ra hàng, anh cho tôi biết thuộc đơn vị nào, quân số bao nhiêu, phương tiện ra sao, đang ở đâu?

Phước trả lời ngay:

- Phần lớn thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 1 bộ binh. Quân số gồm 25 sĩ quan và gần 400 lính, có 17 xe Zeep và GMC, hiện đang đóng quân cách Huế 6km, qua ngã ba Phú Vang, trên đường đi cửa Thuận An.

Đồng đội xung quanh tôi hết sức vui mừng khi chứng kiến cuộc thoại vừa rồi, nhưng cũng lo nếu Phước hàng thật ta xử lý sao đây.

Trên máy, tôi hướng dẫn Phước:

- Anh xé vải làm cờ trắng cắm vào đầu xe ô tô chạy quay lại phía Huế, đi về Hương Trà, chúng tôi sẽ đón. Khi nào gặp lực lượng giải phóng các anh trao máy nói cho họ. Chúng tôi tin không ai bắn khi các anh đã đầu hàng.

Thực ra lúc ấy tôi chỉ nói liều chứ chúng tôi đang ở cao điểm 700, cách Tây Bắc Huế khoảng 30km... Mục đích nói thế là để Phước yên tâm. Khi nào gặp bộ đội giữ lại, tôi sẽ nói tiếp.

Quả nhiên khi Trần Bá Phước và đoàn xe cách Huế 3km thì gặp bộ đội ta giữ lại. Tôi nói Phước trao máy cho đồng chí bộ đội giải phóng nghe. Rồi tôi nói rất to:

- Chúng tôi thuộc Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên, đã kêu gọi tiểu đoàn Trần Bá Phước ra hàng, đồng chí hãy tiếp nhận và cho tôi biết tên, đơn vị, quân số, nơi làm nhiệm vụ và Huế có địch hay không?

- Đồng chí bộ đội trả lời giọng Thừa Thiên Huế nghe nhè nhẹ:

- Em tên là Nguyễn Văn Chiến thuộc đơn vị biệt động Thành đội Huế, có 17 đồng chí cùng truy kích địch, hiện cách Huế 3km, gần ngã ba Phú Vang. Huế hiện giờ không có một tên ngụy nào.

Tôi nhìn đồng hồ, đã 9 giờ 10 phút. Tôi báo ngay tin địch đã ra hàng lên cấp trên. Thế là TP Huế còn nguyên vẹn, không bị bắn pháo như bức điện chỉ đạo của đồng chí Chương.

Tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí Chiến dẫn địch quay về. Đi được một vài cây số thì gặp đội hình Sư đoàn 324. Chiến bàn giao số hàng binh ấy cho họ.

Chúng tôi tắt máy, hoàn thành nhiệm vụ. Anh em vui mừng, ôm chặt lấy nhau, vừa cười vang vừa khóc vì quê hương giải phóng, sau bao năm lăn lộn với rừng núi Trị Thiên.

Cuối câu chuyện, CCB Nguyễn Trung Được rung đùi cười lớn:

- Chiều 25-3, tôi nhận lệnh sáng 26 đưa đơn vị vào TP Huế bằng ô tô. Chúng tôi sung sướng vô cùng. Đêm ấy chúng tôi không ngủ, chỉ nói chuyện, nghe đài và mong trời chóng sáng để được hít hà và chứng kiến cố đô Huế giải phóng.

 MẠNH THẮNG