"Tuổi ba mươi, bụng đã năm mươi"

Cuối giờ chiều ngày đầu tuần mới đây, tôi có dịp đến thăm anh bạn đồng ngũ đang công tác tại một đơn vị. Sau một hồi trò chuyện, hàn huyên sôi nổi, hỏi thăm tình hình sức khỏe, gia đình, công việc của nhau... thấy anh bạn thỉnh thoảng liếc nhìn đồng hồ, tôi biết ý:

- Thôi, ông bận chơi thể thao hay có việc riêng gì thì cứ tự nhiên, bây giờ cơ quan chúng ta gần nhau, còn nhiều cơ hội gặp gỡ.

- Mong bạn thông cảm, thú thực tôi phải về đón mấy đứa nhỏ, ngày nào cũng như ngày nào. Hơn nữa, về sớm chút cho đỡ tắc đường-bạn tôi chống tay xuống mặt bàn, khệ nệ đứng dậy, tỏ vẻ ái ngại.

- Mà hết giờ làm việc, không tranh thủ cầu lông, bóng chuyền cho người nó nhẹ nhõm một chút, lâu ngày không gặp, tôi thấy bạn tăng cân rồi đấy.

- Nói thật, làm gì có thời gian. Ngày nào hết giờ làm việc cũng vội về đón bọn trẻ, rồi cơm nước, tắm giặt, giúp vợ dọn nhà cửa, đưa con đi học thêm... Như chỉ chờ có vậy, bạn tôi vò đầu, gãi tai phân trần.

Những chia sẻ chân thật của anh bạn khiến tôi không khỏi băn khoăn, tự đặt câu hỏi: Có lẽ ở các cơ quan khác, đội ngũ cán bộ, QNCN, gia đình gần cơ quan cũng rơi vào tình trạng này chăng? Quả có nhiều trường hợp như vậy, tìm hiểu tại Bảo tàng Hậu cần, Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, tôi có cuộc trò chuyện khá thú vị với Thiếu tá QNCN Nguyễn Tuấn Khoa, nhân viên bảo tàng.

Khi được hỏi hết giờ làm việc, anh thường chơi môn thể thao gì? Khoa bật cười, nhìn tôi ngạc nhiên: “Chẳng giấu gì anh, tôi chỉ chờ hết giờ làm việc là nhanh chóng về đón con, cơm nước xong dạy bọn trẻ học cũng đủ mệt rồi, tâm trí đâu mà tập thể dục. Hơn nữa, diện tích cơ quan chật hẹp, vị trí chơi thể thao hạn chế, trong khi dụng cụ thể thao cũng thiếu thốn. Đấy cũng là lý do đa phần đội ngũ cán bộ, QNCN, công nhân viên chức quốc phòng có gia đình ở khu vực Hà Nội thường hết giờ làm việc đều tranh thủ về sớm cho khỏi tắc đường”.

Hoàn cảnh của Đại úy QNCN Hoàng Thái Sơn, nhân viên Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Học viện Kỹ thuật Quân sự có lẽ cũng tương tự như Thiếu tá QNCN Nguyễn Tuấn Khoa, công việc của vợ bận bịu, thường xuyên đi làm về muộn nên việc đón con, làm công việc nhà khiến quỹ thời gian trong ngày của anh gần như kín mít. Hỏi chuyện, Sơn không nhớ từ bao giờ anh chưa biết đến hoạt động thể thao. Cũng bởi vậy, mấy năm trở lại đây, anh luôn trong tình trạng thừa cân, thể trạng mệt mỏi, chỉ vận động nặng một chút, tai mũi đã thi nhau thở.

Đó chỉ là hai trong nhiều trường hợp vì lý do bận công việc gia đình, không có thời gian dành cho việc tập thể dục, rèn luyện sức khỏe sau giờ làm việc. Số còn lại, khảo sát thực tế tại nhiều cơ quan, từ cấp bộ đến đơn vị cơ sở, chúng tôi nhận thấy, số cán bộ, QNCN có gia đình ở gần cơ quan, đơn vị, việc chủ động tìm đến các bãi rèn luyện thể lực, khu vui chơi thể thao có lẽ không nhiều. Trong đó, có người vì bận quá nhiều công việc, phải tranh thủ làm thêm ngoài giờ nên cũng không có thời gian đầu tư cho việc rèn luyện thể lực.

Một đối tượng cán bộ, nhân viên nữa cũng ít quan tâm, hoặc không có thời gian dành cho việc rèn luyện thân thể phải kể đến, đó là đội ngũ cán bộ, y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế các bệnh viện, bệnh xá quân y. Nguyên nhân do cường độ làm việc của họ rất lớn, thời gian eo hẹp, hết nhiệm vụ chuyên môn ở bệnh viện, lại đến công việc gia đình, con cái. Nhiều người chia sẻ rằng, sau một ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi, hết giờ làm, chỉ muốn nghỉ ngơi cho thảnh thơi đầu óc. Chính vì những lý do nêu trên mà hình ảnh khá quen thuộc ở các cơ quan, đơn vị thời gian gần đây là một số đồng chí cán bộ, QNCN độ tuổi mới khoảng ngoài 30, nhưng do lười vận động dẫn tới béo phì, khiến vòng bụng tăng cao.

Và những hệ lụy

Nhắc đến thực trạng một bộ phận cán bộ, QNCN các cơ quan, đơn vị có biểu hiện lười vận động, hạn chế tham gia các hoạt động thể thao sau giờ làm việc, Đại tá, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Huy Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 109 (Quân khu 2) không khỏi trăn trở: “Thật đáng ngại là nhiều đồng chí cán bộ tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã sớm thừa cân, béo phì”.

leftcenterrightdel

- Hoạt động hội thao rèn luyện sức khỏe ở Trường Sĩ quan Chính trị. Ảnh: VŨ TUẤN 

 

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do số cán bộ này không rèn luyện thể chất thường xuyên, ít tham gia các hoạt động ngoài trời, dành nhiều thời gian sử dụng các thiết bị điện tử nhằm mục đích giải trí hoặc vì công việc. Một số trường hợp do tính chất nhiệm vụ, cả ngày chủ yếu làm việc trong phòng có máy lạnh, hoặc các công việc không thường xuyên phải di chuyển. Cùng với đó, một số người sử dụng rượu bia, ăn nhiều chất béo, lại ít vận động, khiến cơ thể tích lũy nhiều mỡ thừa, gây chứng béo phì.

Theo Đại tá, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Huy Hoàng, những cán bộ sĩ quan béo phì tác phong thường chậm chạp, hình thể nặng nề, chất lượng công việc có nhiều mặt hạn chế, nhất là khi được giao thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi tính cấp bách, khẩn trương. Ngoài ra, việc cơ thể béo phì cũng gây ra nhiều hệ lụy, như: Suy giảm hệ miễn dịch, mắc các bệnh về xương khớp, tiểu đường, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa... tác động trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý cũng như hiệu quả hoạt động quân sự.

MAI PHƯƠNG