Từ sử thi truyền thống đến ca kịch hiện đại

Phóng viên (PV): Thưa bà, trong buổi họp báo giới thiệu vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn”, đại diện lãnh đạo tỉnh Đắc Lắc cho biết, từ hơn 40 năm nay, ít nhất đã có 5 dự án sân khấu hóa thiên sử thi về Dam Săn nhằm quảng bá rộng rãi di sản văn hóa này, đồng thời cũng là một cách bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan và chủ quan nên các dự án này đều bị gác lại. Vậy cơ duyên nào khiến lần này bà và các cộng sự đã thực hiện được?

Nhà biên kịch Hồng Hoa: Có lẽ bắt đầu từ cơ duyên của Công ty Văn hóa SongThuong Garden với nhạc sĩ Nguyễn Cường, khi những năm gần đây chúng tôi đã hợp tác thành công một số dự án nghệ thuật lớn, như: Thanh xướng kịch "Xương Giang đại thắng" ở Bắc Giang năm 2019; Thanh xướng kịch "Đẻ đất, đẻ nước" của Tây Bắc năm 2020. Gần đây là Thanh xướng kịch “Về khóc Tố Như” mà Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh vừa đoạt nhiều giải cao tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021 tại Hải Phòng...

leftcenterrightdel
Nhà biên kịch Hồng Hoa 

Tây Nguyên hấp dẫn tôi từ buổi đầu đặt chân đến. Đặc biệt, câu chuyện về chàng tù trưởng Dam Săn trong thiên sử thi Dam Săn là một biểu tượng dũng mãnh của người Tây Nguyên, đã để lại trong tôi rất nhiều ngưỡng mộ từ thuở học trò. Một lần, nghe nhạc sĩ Nguyễn Cường kể rằng ông đã âm thầm đeo đuổi mấy chục năm qua về một vở ca kịch trên nền tảng sử thi Dam Săn. Trong niềm cảm hứng đồng điệu, tôi đề nghị ông cùng hợp tác thực hiện. Và công việc được bắt đầu từ đó... Rất may, nhiệt tình của chúng tôi đã bắt gặp quyết tâm và sự chỉ đạo tích cực của tỉnh Đắc Lắc trong chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Có lẽ, đó cũng là một cơ duyên nữa...

PV: Ý tưởng về vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” đã được hình thành như thế nào, thưa bà?

Nhà biên kịch Hồng Hoa: Bắt tay thực hiện tác phẩm này, tôi được dẫn dắt bởi “những người khổng lồ”, đó là sử thi Dam Săn, tình yêu đối với Tây Nguyên và âm nhạc của Nguyễn Cường-một “thương hiệu” âm nhạc Tây Nguyên hiện nay. Tính tư tưởng của sử thi Dam Săn rất lớn, đó là hình tượng chàng trai đi cầu hôn Nữ thần Mặt trời. Theo dòng sử thi, tôi muốn khắc họa một tù trưởng kiêu hùng, mong muốn bảo vệ và xây dựng buôn làng của mình trở nên hùng mạnh. Khát vọng của Dam Săn chính là khát vọng cường thịnh của dân tộc đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Và việc Dam Săn đi tìm cưới Nữ thần Mặt trời để mang ánh sáng về cho buôn làng cũng chính là khát vọng được sống giao hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, là ứng xử văn minh của nhân loại ngày nay. Đó là những ý tưởng sáng tạo và thông điệp nhân văn mà tôi gửi gắm trong tác phẩm này.

PV: Nhưng tại sao ê kíp tác giả lại chọn ca kịch (opera) khi sân khấu hóa sử thi Dam Săn?

Nhà biên kịch Hồng Hoa: Sử thi Tây Nguyên có hình thức diễn xướng là hát khan. Đây là lối diễn xướng gần gũi với âm nhạc hàn lâm, vì vậy, nếu đưa lên sân khấu thì chọn ca kịch là phù hợp nhất. Ca kịch theo nghĩa opera là loại hình nghệ thuật có những yêu cầu rất cao. Tuy nhiên thời hiện đại, mỗi dân tộc trên thế giới đều có những cách ứng xử hợp lý với opera, trên nguyên tắc bảo đảm cốt lõi của nó là các Aria, như là những “khúc độc thoại” của ca kịch. Vì vậy, bên cạnh phần nhạc giao hưởng, chúng tôi cũng xây dựng thêm phần nhạc truyền thống của Tây Nguyên, nhằm kết hợp hài hòa giữa không khí ca kịch hàn lâm với âm nhạc Ê Đê. Chọn sân khấu ca kịch còn vì thực tế là chất giọng của các nghệ sĩ Tây Nguyên rất mạnh về opera và điều kiện kỹ thuật ở Tây Nguyên lại rất khó thực hiện một chương trình giao hưởng...

leftcenterrightdel
Cảnh Dam Săn cầu hôn Nữ thần Mặt trời. Ảnh: MAI NAM THẮNG

Bảo tồn và phát triển phải vì cộng đồng

PV: Thiên sử thi Dam Săn có 8 chương, bố cục câu chuyện hoàn chỉnh từ việc Dam Săn chống lại hủ tục “nối dây” trong hôn nhân của người Ê Đê cổ, đến khi chàng bị Nữ thần Mặt trời từ chối cầu hôn phải quay về buôn làng. Nhưng trong ca kịch “Khát vọng Dam Săn” chỉ có 5 chương với nhiều nhân vật, nhiều chi tiết bị thêm, bớt hoặc mang nội dung khác. Chẳng hạn, trong sử thi, Dam Săn cưới hai chị em H’nhí và H’Bhí, nhưng trong ca kịch chỉ cưới H’nhí. Trong sử thi, Dam Săn cầu hôn Nữ thần Mặt trời nhưng bị từ chối và bị chết trên đường trở về, nhưng trong ca kịch thì Nữ thần Mặt trời vì yêu Dam Săn nên thu hết ánh sáng để “dụ” chàng. Rồi cũng vì yêu Dam Săn nên nữ thần đã ban tặng cho chàng chiếc vòng ánh sáng mang về buôn làng... Những thay đổi này liệu có tổn hại đến di sản văn hóa như một vài sự cố “làm mới” gần đây?

Nhà biên kịch Hồng Hoa: Trong quá trình xây dựng vở ca kịch này, đã có nhiều người hỏi chúng tôi: Thiên sử thi Dam Săn kể khan hàng đêm mới hết, nay làm vở diễn trong 70 phút thì chọn chương nào, đoạn nào? Chúng tôi trả lời là “không chọn đoạn nào cả”. Cảm hứng lớn nhất toát ra từ thiên sử thi này là khát vọng tự do, dám chống lại những ràng buộc hủ tục; là khát vọng giao hòa với thiên nhiên, thông qua việc xin cưới Nữ thần Mặt trời; là khát vọng xây dựng một cộng đồng hùng mạnh, sống và yêu thương dưới ánh sáng mặt trời... Khai thác sử thi Dam Săn để sáng tạo vở ca kịch, chúng tôi chỉ nhằm thể hiện rõ hơn những khát vọng đó. Nói cách khác, vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” không phải là chuyển thể sử thi Dam Săn.

PV: Và vì khát vọng giao hòa với thiên nhiên mà tác giả kịch bản đã sáng tạo thêm chi tiết Nữ thần Mặt trời “phải lòng” Dam Săn nên đã thu hết ánh sáng mặt trời để “dụ” chàng đi tìm “nàng”?

Nhà biên kịch Hồng Hoa: Đúng thế! Nguyên tác sử thi Dam Săn cho thấy, người Ê Đê cổ đại đã không tế lễ để cầu xin Mặt trời, không “đánh nhau” với Mặt trời, không đánh cắp lửa Mặt trời... như mô-típ thần thoại của nhiều dân tộc trên thế giới. Ngược lại, họ muốn chung sống thân thiết với Mặt trời, muốn cưới Mặt trời làm vợ; tức là muốn được chung sống hài hòa với thiên nhiên, yêu quý thiên nhiên như tình nghĩa vợ chồng. Vậy thì chúng tôi sáng tạo thêm chi tiết Nữ thần Mặt trời yêu Dam Săn, chủ động quyến rũ chàng, cũng là hợp lý. Bởi ngày nay chúng ta đã “ngộ” ra rằng, thiên nhiên luôn ưu ái con người, thiên nhiên chỉ nổi giận trừng phạt khi con người tàn phá thiên nhiên, hủy hoại môi trường. Tác phẩm của chúng tôi xin góp thêm một lời cảnh báo về điều đó!

leftcenterrightdel

Chào đón Dam Săn mang ánh sáng về buôn làng. Ảnh: MAI NAM THẮNG

PV: Giới chuyên môn và công chúng khán giả, nhất là khán giả người địa phương, phản ứng thế nào về những sáng tạo trên đây, thưa bà?

Nhà biên kịch Hồng Hoa: Kịch bản văn học cũng như phương án nghệ thuật đã được các ngành chức năng và lãnh đạo tỉnh thẩm định hết sức kỹ lưỡng. Quá trình chúng tôi luyện tập cũng được địa phương theo dõi chỉ đạo rất sát sao. Các buổi tổng duyệt và công diễn báo cáo đều có các ngành chức năng và lãnh đạo tỉnh tham dự trực tiếp, cùng giới báo chí và đông đảo khách mời thuộc nhiều thành phần. Theo đó các ý kiến nhận xét đều đồng tình và hoan nghênh. Bà H’Yim Kđoh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc cho biết, là một người con của dân tộc Ê Đê, bà say mê sử thi Dăm Săn từ bé và vở diễn khiến bà thêm tự hào về vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắc Lắc cho biết: Tỉnh đã có kế hoạch sau khi kiểm soát được dịch Covid-19 sẽ tổ chức biểu diễn “Khát vọng Dam Săn” phục vụ quân và dân tỉnh nhà, thiết thực góp phần thực hiện sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa trên quê hương sử thi Dam Săn. Đồng thời, tỉnh sẽ có các giải pháp cụ thể để tác phẩm trở thành một sản phẩm du lịch của Đắc Lắc nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Cũng xin nói thêm là khâu xử lý âm nhạc và bố trí sân khấu của tác phẩm, chúng tôi đã tính đến khả năng biểu diễn được tại nhiều không gian, phục vụ được nhiều đối tượng, thuận tiện cho các đơn vị nghệ thuật khi dàn dựng... Chúng tôi cũng hy vọng, tác phẩm này chỉ như một “bộ khung” để các đơn vị nghệ thuật có thể tiếp tục sáng tạo, bồi đắp thêm; tùy vào khả năng, điều kiện thực tế của mỗi đơn vị và địa phương. Sáng tạo nghệ thuật phải hướng đến cộng đồng, được cộng đồng tiếp nhận thì sự sáng tạo mới thực sự là bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống đúng hướng và có hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn bà và chúc vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” sẽ đạt được những kỳ vọng trên đây!    

TUYÊN HÓA (thực hiện)