AI đang ở đâu?

Ngày 30-3 vừa qua, hơn 1.000 chuyên gia công nghệ trên khắp thế giới đã kêu gọi lập tức dừng tạo ra những bộ máy AI siêu việt mới trong ít nhất 6 tháng, nhằm có thời gian đánh giá đúng những tác động của AI với đời sống con người. Thậm chí, Elon Musk, doanh nhân công nghệ hàng đầu thế giới, đã cảnh báo về “khủng hoảng hiện sinh” mà con người đang đối mặt do sự tiến bộ của AI.

Thực tế, AI hiện nay tuy đã có thể làm vô số việc nhưng phần lớn đó chỉ là các AI với những chức năng đơn lẻ. Chúng được gọi là Artificial Narrow Intelligence (ANI), hay "weak AI"-trí tuệ nhân tạo ở mức độ thấp. ANI gần như vô hại đối với con người, vì các thao tác hoạt động và suy nghĩ của chúng vẫn do con người sắp đặt.

leftcenterrightdel
 Một ngày nào đó, AI sẽ vượt qua trí tuệ con người? Ảnh: Genk

Khi phát triển ở mức độ cao hơn, sẽ có Artificial General Intelligence (AGI-trí tuệ nhân tạo tổng hợp), tức là các AI có khả năng tính toán ưu việt và trí thông minh ngang tầm con người. AGI còn có khả năng học tập, giải quyết vấn đề, thích ứng và tự nâng cấp bản thân. Chúng thậm chí còn biết làm những việc mà ban đầu chúng không được thiết kế để làm. Điều hết sức quan trọng là tốc độ nâng cấp của chúng có thể tăng theo cấp số nhân khi chúng trở nên thông minh hơn nhiều so với con người đã tạo ra chúng. Ở mức độ AGI, chương trình ChatGPT đình đám toàn cầu mới ra mắt có thể coi là bước tiến manh nha.

Ở cấp cao hơn nữa, mức độ nguy hiểm nhất chính là Artificial Super Intelligence (ASI), tức AI sở hữu trí thông minh sánh ngang với toàn bộ con người kết hợp lại với nhau, thậm chí hơn thế nữa. Các AI loại này không chỉ có khả năng tự học, mà còn có thể kết nối với nhau thông qua internet hoặc bất cứ hình thức kết nối nào tương tự hoặc tinh vi hơn. Nhiều người tin rằng sự ra đời của ASI cũng đồng nghĩa với cái kết của nhân loại.

Trên thực tế, AI đã làm được những việc mà con người vốn “độc quyền” từ xưa tới nay. Theo kênh NBC, ChatGPT đã vượt qua bài thi viết mã code, ứng tuyển thành công vào vị trí với mức lương trung bình hằng năm khoảng 183.000USD. Điều này gây ra không ít lo ngại cho những người đang làm trong ngành lập trình. Độc đáo hơn, mới đây, thẩm phán Juan Manuel Padilla Garcia ở Mỹ đã quyết định sử dụng ChatGPT để đưa ra quyết định tư pháp liên quan đến bảo hiểm y tế của trẻ tự kỷ. Hay công ty khởi nghiệp AI Deepmind gần đây đã công bố ra mắt một công cụ có tên Dramatron. Công cụ này có khả năng viết kịch bản, tạo ra các mô tả nhân vật, điểm cốt truyện, mô tả vị trí và đối thoại một cách tương tác... Ngoài ra, còn một số công việc khó khác mà AI đã thực hiện thành công như: Thay thế diễn viên lồng tiếng, viết báo, giám sát an ninh...

Nguy cơ khó lường

Hãy thử hình dung 3 trường hợp sau đây có thể xảy ra. Thứ nhất, một AGI được phân công ngăn ngừa HIV/AIDS hoặc chữa bệnh ung thư, nhưng nó lại quyết định xử lý vấn đề bằng cách giết luôn tất cả người mang bệnh. Thứ hai, một máy bay quân sự không người lái do AGI điều khiển tự quyết định cách duy nhất để bảo đảm nhắm trúng mục tiêu là quét sạch toàn bộ khu vực. Thứ ba, một AGI có chức năng bảo vệ môi trường quyết định rằng cách duy nhất để làm chậm hay đảo ngược quá trình biến đổi khí hậu là loại bỏ tất cả máy móc công nghệ và con người đã chế tạo ra các máy móc công nghệ đó. Những kịch bản trên cho thấy, nguy cơ từ AI hoàn toàn có thể biến thành thực tế nếu con người không có giải pháp kiểm soát nó. 

Trên thực tế, AI đang tạo nên nguy cơ rất gần với con người, đặc biệt là vấn đề việc làm. Theo Goldman Sachs, công nghệ AI sáng tạo nội dung, như nền tảng ChatGPT, có thể gây ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau tới khoảng 300 triệu lao động toàn thời gian. Các nhà kinh tế học của Goldman Sachs ước tính, 18% số việc làm trên toàn cầu có thể được máy tính hóa và mức độ ảnh hưởng sẽ thể hiện rõ ràng ở những nền kinh tế hiện đại hơn là các thị trường mới nổi. Trong đó, những người làm việc trong lĩnh vực hành chính và luật sư là nhóm đối mặt với nguy cơ cao nhất. Tại Mỹ và châu Âu, 2/3 số việc làm có thể tự động hóa một phần bằng AI và 1/4 số công việc có thể hoàn toàn bị thay thế bởi công nghệ này. Hơn thế, khi AI trở nên phổ biến và thay thế mọi hoạt động của con người trong xã hội, lượng người thất nghiệp sẽ gia tăng, kéo theo sự lệ thuộc nghiêm trọng vào máy móc.

AI thông minh hơn, con người sẽ nghe theo những quyết định của máy móc và dần dần không thể tự chủ bản thân. Ở bối cảnh xã hội với các vấn đề ngày càng phức tạp hơn, con người sẽ đánh mất khả năng tự giải quyết và không còn phát triển được nữa. Bên cạnh đó, việc áp dụng AI trong quân sự cũng gây nhiều tranh cãi. Những hệ thống AI có thể giúp các quốc gia tham chiến mà không tổn thất một binh sĩ nào, cộng thêm việc tính toán chính xác sẽ giúp tăng khả năng chiến thắng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, sự phát triển những loại hình AI kiểu này tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu. Khi đó, nguy cơ hủy diệt hiện hữu rõ ràng và nền kinh tế thế giới vốn đang khó khăn sẽ lại càng tồi tệ hơn. Con người chấp nhận sử dụng AI trong quân sự, đồng nghĩa với việc tự mình tiến thêm một bước đến sự diệt vong. 

Kiểm soát AI bằng cách nào?

Sự phát triển quá nhanh của AI khiến giới khoa học đang phải tập trung đánh giá những rủi ro có thể ảnh hưởng đến tương lai nhân loại, tiềm ẩn đằng sau những công nghệ siêu thông minh. Các nhà khoa học đã thử nghiệm hai cách để kiểm soát AI. Một là ngắt kết nối chúng với internet và các thiết bị khác, hạn chế tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Vấn đề này sẽ làm giảm đáng kể khả năng thực hiện các chức năng mà nó đã được tạo ra. Phương pháp còn lại là thiết kế một “thuật toán ngăn chặn lý thuyết”, để bảo đảm rằng AI “không thể gây hại cho con người trong bất kỳ trường hợp nào”. Tuy nhiên, một phân tích về mô hình máy tính hiện tại cho thấy không có thuật toán nào khả thi. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, nhân loại thậm chí có thể không biết những cỗ máy siêu thông minh xuất hiện từ khi nào, vì không thể xác định một thiết bị sở hữu trí thông minh vượt trội hơn con người có nằm trong sự kiểm soát của vấn đề cần ngăn chặn hay không. 

Kiểm soát AGI không đơn giản chỉ là áp dụng những biện pháp kiểm soát như kiểm soát con người. Nhiều biện pháp kiểm soát hành vi của con người dựa vào nhận thức, cảm xúc của con người và dựa vào việc áp dụng các giá trị đạo đức của con người. AGI không cần những thuộc tính này, vì thế chúng hoàn toàn có thể gây hại cho con người. Những dạng kiểm soát hiện nay là không đủ để áp dụng cho chúng. Tuy nhiên, có 3 tập hợp các biện pháp kiểm soát hiện đang được tranh luận, gồm: Kiểm soát để bảo đảm các nhà thiết kế AGI tạo ra các hệ thống an toàn; kiểm soát được gắn vào ngay trong chính các AGI, như là “ý thức”, giá trị đạo đức, quy trình vận hành, nguyên tắc ra quyết định; kiểm soát được đưa vào trong những hệ thống bao trùm mà AGI sẽ hoạt động trong đó, như là quy định, mã thực hành, quy trình vận hành tiêu chuẩn, hệ thống giám sát và cơ sở hạ tầng.

Sau khi ChatGPT đạt mốc 100 triệu người dùng chỉ sau hai tháng ra mắt, hàng loạt hãng công nghệ lớn trên thế giới đã tham gia vào cuộc chạy đua phát triển AI. Microsoft đã công bố việc tích hợp ChatGPT vào Bing. Gã khổng lồ công nghệ OG cũng lên tiếng cho biết họ muốn sử dụng chatbot để "trao quyền cho mọi người có thể mở khóa niềm vui khám phá", bất kể điều đó có nghĩa là gì. Không chịu thua kém, Google đã thông báo rằng họ sẽ tung ra tích hợp tìm kiếm AI của riêng mình, được đặt tên "Bard". Trong khi đó, tại Trung Quốc, gã khổng lồ công nghệ Alibaba và Baidu gần đây cũng thông báo rằng họ sẽ phát triển AI của riêng mình. Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, sự phát triển của AI là tất yếu. Tuy nhiên, nếu các hãng công nghệ cứ đuổi theo các tiến bộ nhanh chóng của công nghệ mà không hề chuẩn bị trước cho các tình huống sau này thì sẽ dẫn đến những hệ lụy to lớn đối với loài người. 

Đối với sự phát triển của AI, hiện tồn tại hai trường phái: Trường phái lạc quan tin tưởng vào viễn cảnh tương lai khi con người vừa không phải đi làm (AI làm thay), vừa có thể sống hòa hợp cùng robot; trường phái bi quan lo lắng đến một ngày AI sẽ vượt xa trí tuệ con người, biến con người trở thành nô lệ của máy móc. 

 NGUYỄN HỒNG NHUNG