Biếu, tặng quà thế hệ đi trước, thầy cô, bạn bè, người thân... dịp Tết cổ truyền là mỹ tục lâu đời của văn hóa dân tộc. Những món quà Tết thường giản dị, thiết thực, mang ý nghĩa tinh thần hơn giá trị vật chất để bày tỏ tình cảm cao quý, tốt đẹp. Tuy nhiên, trong mặt trái của kinh tế thị trường, quà Tết đã bị lợi dụng để trục lợi, như: Chạy chức, chạy tội, chạy điểm, chạy bằng cấp, “lại quả” dự án... Những món “quà Tết” ấy đã biến tướng thành những thứ hối lộ trá hình, một hành vi của nạn tham nhũng mà toàn Đảng, toàn dân đang ra sức phòng, chống.

leftcenterrightdel
 Minh họa: PHẠM HÀ

 

Có ý kiến băn khoăn: Liệu chủ trương “nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp” có trái với văn hóa dân tộc và tình cảm của mọi người? Làm thế nào để phân biệt được quà Tết thực sự với hối lộ trá hình? Điều này phụ thuộc rất lớn vào thái độ ứng xử của người được tặng quà, thậm chí là mang tính chất quyết định. Một người liêm chính sẽ kiên quyết từ chối những món quà “trên mức tình cảm”. Không ai có thể coi số tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí nhiều tỷ đồng là tiền “mừng tuổi”. Bất cứ ai cũng có thể nhận ra động cơ không trong sáng, hành vi trục lợi trong những món quà có giá trị “khủng” như vậy, trước hết chính người tặng và người nhận hiểu rõ điều đó.

Xưa có câu chuyện, một vị quan đã từ chối 5 nén bạc trắng được biếu lúc nửa đêm, bởi tuy chỉ có hai người với nhau nhưng “trời biết, đất biết, ngươi biết, ta biết”. Quan thanh liêm và người quân tử xưa nay luôn dùng “4 biết” ấy để khắc chế bản thân, không nhận của cải phi nghĩa. 

Rõ ràng, những món quà hối lộ trá hình không chỉ “trời biết, đất biết, ngươi biết, ta biết” mà Đảng, nhân dân, pháp luật đều biết rất rõ!

 MAI NAM THẮNG